Thượng viện Pháp thông qua kế hoạch lương hưu của TT Macron giữa làn sóng biểu tình
PARIS—Sau ngày biểu tình thứ bảy không mạnh mẽ như chính phủ dự đoán, vào tối thứ Bảy (11/03), Thượng viện Pháp đã thông qua kế hoạch cải cách lương hưu không được lòng dân của Tổng thống Emmanuel Macron.
Trong khi 112 thành viên bỏ phiếu chống, thì 195 thành viên của thượng viện Quốc hội Pháp đã bỏ phiếu thuận cho kế hoạch này, trong đó biện pháp chính là tăng tuổi về hưu hợp pháp thêm hai năm từ 62 lên 64 tuổi.
Các cuộc biểu tình — và các cuộc đình công lan rộng này đã ảnh hưởng đến các nhà máy lọc dầu, giao thông công cộng, và hoạt động thu gom rác thải — nhằm gây áp lực buộc chính phủ rút lại kế hoạch lương hưu nói trên, vốn được chính phủ cho là cần thiết để bảo đảm hệ thống lương hưu không cạn tiền.
Thủ tướng Elisabeth Borne viết trên Twitter, “Sau hàng trăm giờ thảo luận, Thượng viện đã thông qua kế hoạch cải cách lương hưu. Đó là một bước quan trọng để thực hiện một cuộc cải cách nhằm bảo đảm tương lai của hệ thống lương hưu của chúng ta.”
Bà cho biết thêm bà “hoàn toàn cam kết bảo đảm kế hoạch này cuối cùng sẽ được thông qua trong những ngày tới.”
Vì Thượng viện đã thông qua, nên dự luật này sẽ được một ủy ban liên hiệp gồm các nhà lập pháp hạ viện và thượng viện xem xét, có thể là vào thứ Tư (15/03).
Nếu ủy ban này đồng thuận về phần văn bản của dự luật này, thì một cuộc bỏ phiếu cuối cùng ở lưỡng viện có thể sẽ diễn ra vào thứ Năm (16/03), nhưng kết quả của điều đó dường như vẫn chưa chắc chắn ở Hạ viện, hay Quốc hội Pháp, nơi đảng của ông Macron cần các phiếu bầu của các đồng minh để có được đa số.
Nếu chính phủ lo ngại sẽ không có đủ các phiếu bầu ở hạ viện, thì họ vẫn có thể thông qua dự luật này mà không cần phải trải qua quá trình bỏ phiếu tại quốc hội, thông qua cái gọi là Điều 49-3.
Thêm một ngày đình công và biểu tình trên toàn quốc đã được trù định tổ chức vào thứ Tư.
Ít người tham gia các cuộc diễn hành hôm thứ Bảy hơn dự kiến
Theo số liệu của Bộ Nội vụ, hôm thứ Bảy, 368,000 người biểu tình đã diễn hành qua nhiều thành phố khác nhau. Các nhà chức trách đã dự kiến có tới 1 triệu người tham gia.
Cũng như các cuộc biểu tình trước đó, các sự kiện hôm thứ Bảy không diễn ra bất kỳ vụ xô xát lớn nào với cảnh sát.
Theo số liệu của chính phủ, hôm thứ Ba (07/03), 1.28 triệu người đã xuống đường, đây là con số cao nhất kể từ khi bắt đầu phong trào biểu tình.
Trong một tuyên bố chung, các công đoàn Pháp, vốn duy trì một sự đoàn kết hiếm hoi kể từ khi phong trào biểu tình này được phát động hồi cuối tháng Một, đã kêu gọi chính phủ tổ chức một cuộc “tham vấn người dân” càng sớm càng tốt.
Theo các công đoàn, các đơn vị này dự trù duy trì áp lực “và tiếp tục chứng minh rằng đại đa số dân chúng vẫn quyết tâm nói không với dự luật được đề xướng này.”
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đa số cử tri phản đối kế hoạch của ông Macron, trong khi chỉ có một đa số mỏng manh ủng hộ các hoạt động đình công này.
Sản lượng điện giảm vì đình công
“Rất nhiều điều vẫn có thể xảy ra vào tuần tới,” bà Marylise Leon, phó tổng thư ký của công đoàn Liên đoàn Lao động Dân chủ Pháp (CFDT), công đoàn lớn nhất đất nước, nói với đài phát thanh Franceinfo. “Liệu dự luật này có được biểu quyết tại Quốc hội hay không? Chúng ta phải tập hợp lại. Bây giờ hoặc không bao giờ.”
Phát ngôn viên của TotalEnergies cho biết các cuộc đình công vẫn tiếp tục diễn ra tại các nhà máy lọc dầu và các kho chứa lớn của Pháp, trong khi nhà điều hành đường sắt công cộng Hội đường sắt Quốc gia Pháp (SNCF) cho biết các dịch vụ quốc gia và khu vực sẽ vẫn bị gián đoạn nghiêm trọng vào cuối tuần này.
Theo truyền thông địa phương, rác tiếp tục chất đống trên các con đường, người dân thấy ngày càng có nhiều chuột xuất hiện ở Paris.
Phát ngôn viên của Tổng Liên đoàn Lao động (CGT) nói với Reuters rằng sản lượng điện quốc gia ở Pháp đã giảm 7.1 gigawatt (GW), tương đương 14%, tại các nhà máy hạt nhân, nhiệt điện, và thủy điện hôm thứ Bảy do các cuộc đình công.
Do Benoit Van Overstraeten và Forrest Crellin của Reuters thực hiện
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times