Thượng viện Hoa Kỳ thông qua dự luật hạn chế cấp các giấy phép thiết bị mới cho các công ty viễn thông Trung Quốc
Dự luật được chuyển tới bàn của Tổng thống Joe Biden.
Hôm 28/10, Thượng viện đã bỏ phiếu đồng thuận thông qua một dự luật nhằm ngăn các công ty bị coi là những mối đe dọa an ninh – chẳng hạn như các công ty do Trung Cộng hậu thuẫn là Huawei và ZTE – được cấp các giấy phép thiết bị mới từ các cơ quan quản lý của Hoa Kỳ.
Cụ thể, Đạo luật Thiết bị Bảo mật năm 2021 sẽ cấm Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) xem xét và cấp những giấy phép thiết bị mới cho các công ty có tên trong “Danh sách Thiết bị hoặc Dịch vụ Theo Quy định”. Danh sách này liệt kê các công ty gây ra một mối đe dọa an ninh quốc gia.
Dự luật lưỡng đảng và lưỡng viện đã được Hạ viện thông qua vào tuần trước trong một cuộc bỏ phiếu với tỷ lệ 420-4. Dự luật này hiện đang chuyển đến bàn của Tổng thống Joe Biden để được ký thành luật.
Phó lãnh đạo Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện Steve Scalise (Cộng Hòa-Louisiana), tác giả dự luật này cùng với Dân biểu Anna G. Eshoo (Dân Chủ-California), đã ăn mừng việc thông qua dự luật. Ông Scalise cho biết trong một tuyên bố: “Dự luật lưỡng đảng của chúng tôi sẽ ngăn Trung Quốc xâm nhập vào các mạng viễn thông của Hoa Kỳ và làm tổn hại đến an ninh quốc gia của chúng ta.”
Bà Eshoo cho biết: “Thiết bị do Huawei và ZTE sản xuất, những công ty có liên hệ với chính phủ Trung Quốc, làm gia tăng những lỗ hổng trong các hệ thống viễn thông của chúng ta và khiến an ninh quốc gia của chúng ta gặp rủi ro.”
Ông Scalise cho biết dự luật này “báo hiệu một cách mạnh mẽ” cho Trung Cộng rằng chính phủ Hoa Kỳ cam kết bảo vệ quyền riêng tư và an ninh của người Mỹ.
Hồi tháng Ba, FCC đã chỉ định năm công ty Trung Quốc — Huawei, ZTE, Hytera, Hikvision, và Dahua — gây ra một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ theo Đạo luật Truyền thông An toàn và Đáng tin cậy năm 2019, một đạo luật nhằm bảo vệ các mạng truyền thông của Hoa Kỳ.
Dự luật trám lỗ hổng
Các thượng nghị sĩ (TNS) Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida) và Ed Markey (Dân Chủ-Massachusett) trong một tuyên bố đã nói rằng Đạo luật về thiết bị an toàn có tác dụng trám lỗ hổng trong các quy tắc mà FCC chính thức thông qua vào năm 2020, vốn đã yêu cầu các nhà mạng viễn thông Hoa Kỳ phải “gỡ bỏ và thay thế” thiết bị do có các mối đe dọa an ninh quốc gia.
“Mặc dù đó là một bước quan trọng, nhưng những quy tắc đó chỉ áp dụng cho các thiết bị được mua bằng nguồn tài trợ của liên bang. Các thiết bị tương tự vẫn có thể được sử dụng nếu được mua bằng tiền của tư nhân hoặc của chính phủ không thuộc cấp liên bang,” tuyên bố chung này viết, lưu ý rằng Đạo luật Thiết bị An toàn mới nhất sẽ “trám lỗ hổng này và ngăn chặn hơn nữa sự hiện diện của các mối đe dọa an ninh đã được xác định trong các mạng lưới viễn thông Hoa Kỳ.”
Trong một tuyên bố, ông Rubio kêu gọi Tổng thống Biden “nhanh chóng ký [dự luật này] thành luật để Trung Cộng không còn có thể khai thác lỗ hổng nguy hiểm này nữa.”
Ông Markey gọi đạo luật này là một “biện pháp an ninh quốc gia quan trọng” sẽ “ngăn các thiết bị bị xâm phạm khỏi các mạng viễn thông của Hoa Kỳ.”
Tháng 6 vừa qua, FCC đã bỏ phiếu đồng thuận để đưa ra một quy tắc phản ánh dự luật này, cấm cấp phép thiết bị mới cho các công ty Trung Quốc. Theo các quy tắc được đề nghị, FCC cũng có thể thu hồi các giấy phép thiết bị trước đây đã cấp cho các công ty Trung Quốc.
Ủy viên FCC Brendan Carr cho biết ủy ban này đã chấp thuận hơn 3,000 đơn đăng ký từ Huawei kể từ năm 2018. Hôm thứ Năm (18/10), ông Carr cho biết Đạo luật Thiết bị An toàn “sẽ giúp bảo đảm rằng các thiết bị không an toàn từ các công ty như Huawei và ZTE không còn có thể được đưa vào các mạng truyền thông của Mỹ.”
FCC đã bỏ phiếu hôm thứ Ba (26/10) để cấm chi nhánh Hoa Kỳ của một công ty viễn thông nhà nước hàng đầu của Trung Quốc – China Telecom – hoạt động tại Hoa Kỳ, với lý do lo ngại về an ninh quốc gia.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters.
Bà Mimi Nguyen Ly là phóng viên thời sự thế giới tại Úc. Bà có bằng cử nhân về đo thị lực và khoa học thị lực.
Lưu Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: