Thượng viện Hoa Kỳ thông qua dự luật chi tiêu 1.8 ngàn tỷ USD, từ chối duy trì Đề mục 42
Một loạt các quyết định quan trọng vào phút cuối của các thượng nghị sĩ nóng lòng hoàn thành công việc của họ trước Giáng Sinh đã dẫn đến một cuộc bỏ phiếu quyết định với tỷ lệ 68–29 để thông qua dự luật chi tiêu omnibus (gồm nhiều gói tài trợ) trị giá 1.85 ngàn tỷ USD gây tranh cãi nhằm giữ cho chính phủ liên bang mở cửa khi bước sang Năm mới.
Cuộc bỏ phiếu thể hiện một chiến thắng lớn cho Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York), Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Dân Chủ-California), Lãnh đạo Thiểu số Thượng viện Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky), Chủ tịch Ủy ban Phân bổ Ngân sách Hạ viện Rosa DeLauro (Dân Chủ-Connecticut), Chủ tịch Ủy ban Phân bổ Ngân sách Thượng viện Patrick Leahy (Dân Chủ-Vermont), và Thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa hàng đầu của Ủy ban Phân bổ Ngân sách Richard Shelby (Cộng Hòa-Alabama).
Nhóm lưỡng đảng đã bắt đầu họp kín từ nhiều tuần trước trong nỗ lực tập hợp dự luật chi tiêu lớn này. Cuối cùng, dự luật bao gồm hơn 5,000 trang với tất cả các tài liệu hỗ trợ. Dự luật này được đưa ra là cần thiết bởi thực tế là Thượng viện đã không hành động vào đầu năm đối với 12 dự luật phân bổ chính vốn cùng nhau tạo thành ngân sách liên bang. Hạ viện đã thông qua phiên bản dự luật của họ hồi đầu tháng này.
Các cuộc thảo luận của nhóm đã đi đến kết luận vào cuối ngày 20/12 và các thượng nghị sĩ đã nhận được bản sao văn bản của họ vào lúc nửa đêm. Nếu đề nghị Omnibus này không thành công, chính phủ liên bang sẽ phải đóng cửa vào ngày 23/12, vì nguồn tài trợ được cung cấp theo nhiều nghị quyết tiếp diễn gần đây nhất sẽ cạn kiệt.
Dự luật này bao gồm 858 tỷ USD chi tiêu quốc phòng, tăng gần 10% so với năm ngoái đã nhận được sự ủng hộ của Đảng Cộng Hòa, cộng với 787 tỷ USD chi tiêu phi quốc phòng, đánh dấu mức tăng gần 8%. Ngoài ra, trong đề nghị trên còn có khoảng 85 tỷ USD tài trợ bổ sung cho Ukraine và cứu trợ thiên tai.
Theo một thỏa thuận vào phút cuối, một danh sách dài các đề nghị sửa đổi đã được xem xét trong một loạt dài các tuyên bố ngắn gọn của những người ủng hộ và phản đối, sau đó là các cuộc bỏ phiếu điểm danh.
Trong số các cuộc bỏ phiếu quan trọng trước cuộc điểm danh cuối cùng để thông qua lần cuối, Thượng nghị sĩ Rand Paul (Cộng Hòa-Kentucky) đã đưa ra một kiến nghị phản đối việc từ bỏ các quy tắc thủ tục theo Đạo luật Kiểm soát Ngân sách năm 1974 vốn yêu cầu các phiếu bầu riêng cho từng dự luật trong số 12 dự luật phân bổ chính được gộp lại với nhau trong dự luật omnibus này.
Kiến nghị của ông Paul đã bị loại với tỷ lệ số phiếu 65–31. Sau cuộc bỏ phiếu điểm danh đó, ông Schumer đã kêu gọi các thượng nghị sĩ ở lại Thượng viện để xúc tiến việc bỏ phiếu với thời gian không quá 10 phút dành cho mỗi dự luật.
“Kiến nghị đó mất 12 phút, chúng ta có thể làm tốt hơn thế. Xin hãy ngồi yên tại chỗ của quý vị,” ông Schumer nói, thu hút một tràng pháo tay từ các thượng nghị sĩ mong muốn về nhà càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nhiều thượng nghị sĩ vẫn tiếp tục ra vào phòng Thượng viện.
Thêm một lý do khiến các thượng nghĩ sĩ nóng lòng xem xét toàn bộ dự luật chi tiêu lớn do Thượng viện không hành động đối với các khoản phân bổ cá nhân vào đầu năm này vì sự đổ bộ của cái dường như là một cơn bão mùa đông lớn vào thủ đô của quốc gia có khả năng gây khó khăn nghiêm trọng cho việc đi lại bằng đường hàng không, đường sắt, và đường bộ trong kỳ nghỉ.
Ngay sau khi bỏ phiếu lần cuối thông qua của dự luật omnibus, nhiều thượng nghị sĩ đã được nhìn thấy ôm nhau và sau đó lao ra khỏi phòng Thượng viện. Ngay trước cuộc bỏ phiếu cuối cùng, ông Leahy và ông Shelby đều lưu ý rằng nỗ lực cho dự luật omnibus này là hành động cuối cùng của họ với tư cách là thượng nghị sĩ vì cả hai đều sắp về hưu sau thời gian dài làm việc tại Thượng viện.
Hai vị thượng nghị sĩ này đã nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt từ các đồng sự.
Trước cuộc bỏ phiếu cuối cùng, các thượng nghị sĩ cũng đã bác bỏ hai sửa đổi mà những người đề nghị của họ tuyên bố sẽ bảo tồn Đề mục 42 ít nhất là tạm thời. Đề mục 42 là biện pháp y tế công cộng do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh ban hành trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump, cho phép các quan chức nhập cư Hoa Kỳ trả lại những người nhập cư bất hợp pháp cho Mexico, trong khi chờ giải quyết các trường hợp cá nhân của họ và tình trạng nỗ lực của quốc gia trong việc đẩy lùi đại dịch COVID -19.
Tổng thống Joe Biden đã chọn chấm dứt Đề mục 42 hồi tháng Năm, nhưng một liên minh gồm 19 tiểu bang đã kiện lên tòa án liên bang trong nỗ lực bảo vệ đề mục này khi số lượng kỷ lục người nhập cư bất hợp pháp tiếp tục tràn qua biên giới giữa Hoa Kỳ và Mexico, trong đó có hàng ngàn người “trốn thoát,” những người không bị giam giữ bởi các quan chức nhập cư liên bang. Một tòa phúc thẩm liên bang đã từ chối yêu cầu này của các tiểu bang, nhưng Đề mục 42 vẫn có hiệu lực theo lệnh tạm thời của Tối cao Pháp viện.
Bản sửa đổi đầu tiên trong số hai bản sửa đổi đã được Thượng nghị sĩ Kyrsten Sinema (Độc Lập-Arizona) và Jon Tester (Dân Chủ-Montana) giới thiệu, nhưng đã bị loại một cách dứt khoát sau khi Thượng nghị sĩ Mike Lee (Cộng Hòa-Utah) phản đối, tuyên bố “bản sửa đổi này là một mưu mẹo; nó không làm những gì mà những người đề nghị tuyên bố nó sẽ làm.” Số phiếu chống lại dự luật là 87–10.
Bản sửa đổi thứ hai cho Đề mục 42 đã được ông Lee đưa ra, nhưng cũng bị loại, mặc dù với chênh lệch gần hơn nhiều là 50-47. Những nỗ lực của ông Lee trong những giờ cuối cùng trước các sự kiện trong ngày nhằm đạt được một cuộc bỏ phiếu được ghi chép lại cho bản sửa đổi của ông đã trì hoãn việc xem xét của Thượng viện về các đề nghị omnibus. Vị thành viên Đảng Cộng Hòa từ Utah này đã cảnh báo các thượng nghị sĩ rằng việc giữ nguyên Đề mục 42 là “điều duy nhất ngăn cách chúng ta với sự hỗn loạn hoàn toàn.”
Trong số những sửa đổi quan trọng nhất về mặt chính trị của ngày làm việc kéo dài này là một sửa đổi do Thượng nghị sĩ Ron Johnson (Cộng Hòa-Wisconsin) đưa ra để loại bỏ gần 10 tỷ USD tiền phân bổ khỏi dự luật — thường là các lệnh chi tiêu gây tranh cãi được giới thiệu bởi từng thượng nghị sĩ và đại diện cho các khu vực bầu cử của họ.
Trước cuộc bỏ phiếu, ông Johnson đã kêu gọi các đồng sự ủng hộ sửa đổi của mình vì “dự luật này thật lố bịch; việc này phải dừng lại,” nói thêm rằng các khoản tài trợ có mục đích cụ thể này là “liều thuốc dẫn đến thâm hụt chi tiêu lớn, dẫn đến việc thế chấp tương lai của con em chúng ta. Điều đó phải dừng lại.”
Bản sửa đổi này đã bị từ chối một cách dứt khoát trong cuộc bỏ phiếu 63–34. Không có thành viên nào của Đảng Dân Chủ ủng hộ việc sửa đổi này, trong khi 13 thành viên Cộng Hòa bỏ phiếu ủng hộ việc giữ nguyên những khoản tài trợ có mục đích đó.
Trong một trận chiến quan trọng khác, ông Johnson đã đưa ra một sửa đổi ngăn cấm bất kỳ khoản tài trợ cho hoạt động vận chuyển nào do dự luật omnibus này cung cấp được sử dụng cho bất kỳ mục đích nào khác ngoài việc vận chuyển những người nhập cư bất hợp pháp trở về quốc gia của họ, Mexico, hoặc một trung tâm giam giữ người nhập cư liên bang.
Thượng nghị sĩ Chris Murphy (Dân Chủ-Connecticut) đã lên tiếng phản đối sửa đổi thứ hai của ông Johnson, cho rằng nó được soạn thảo cẩu thả, sẽ gây nhầm lẫn về việc những người nào sẽ bị ảnh hưởng và đơn giản là “chưa sẵn sàng cho thời điểm này.” Mặc dù vậy, bản sửa đổi này chỉ thua với tỷ số phiếu là 50–47.
Ông Mark Tapscott là Thông tín viên Quốc hội cho The Epoch Times
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times