Thượng Hải: Người giao hàng trở thành người vô gia cư
Sau gần hai tháng áp dụng phong tỏa nghiêm ngặt theo chính sách zero COVID, đường phố Thượng Hải đã có một diện mạo mới — các lều cắm trại. Những chiếc lều này thuộc về những người đang sống vất vưởng tạm bợ trên các con phố vì chính sách phong tỏa này; nhiều người trong số đó là những người giao hàng không thể trở về nhà.
Lực lượng công an Thượng Hải sẽ không chấp nhận hình ảnh lều trại ngả ngốn và chủ nhân của những chiếc lều này, đồng thời đang đối xử tệ bạc với những người giao hàng, những người đang giúp đỡ người dân địa phương thoát khỏi cảnh đói khát.
Gần đây ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times đã phỏng vấn ba tài xế giao hàng về tình hình hiện tại và những khó khăn mà họ phải đối mặt ở Thượng Hải.
Người vô gia cư kiểu mới
Anh Diêm Đông (Yan Dong, hóa danh), một người giao hàng đến từ tỉnh An Huy lân cận, cho biết trong khu vực phong tỏa, các đường phố bị chặn, bao quanh bởi lưới thép. Phải đi hàng dặm đường vòng để đến được bất kỳ khu dân cư nào, và các ứng dụng chỉ đường đều trở nên vô dụng.
Anh đã vạ vật ngoài đường cũng gần 20 ngày, “Tôi không thể trở về căn hộ của mình vì họ sợ người tôi có virus”, anh Diêm nói.
Mô tả về việc làm sao mà anh lại trở thành người vô gia cư trong đợt phong tỏa này, anh Diêm nói, “Người ta gọi điện cho tôi vì họ hết thức ăn, thực sự rất khổ sở. Thậm chí một số người bị bệnh và không thể mua thuốc, vì vậy tôi nghĩ rằng tôi có thể đưa cho họ những viên thuốc nhà tôi có.”
Nhân viên khu phố nói với anh, “Nếu anh ra ngoài thì đừng quay lại.”
Thật vậy, một khi khỏi khu chung cư, anh đã không thể quay lại, mặc dù anh có bằng chứng xác thực và hợp lệ về kết quả âm tính với COVID-19.
Công an đã chở anh đến một khu vực được chỉ định để ở tạm, nhưng chỗ đó nằm trên một con đường.
Anh nói, “Công an đã nói dối chúng tôi. Những con đường này vẫn còn ướt vì cơn mưa đêm hôm trước. Tôi phải đi tìm vài tấm bìa carton cứng trải xuống đất thì đêm mới có thể ngủ được.”
Những người giao hàng vô gia cư này được đưa đến gần một bờ sông. Anh nói, “Đó là để giữ gìn hình ảnh của thành phố. Họ không muốn có bất kỳ người vô gia cư nào trên đường phố.”
Trong đợt phong tỏa này, công an được giao nhiệm vụ làm sao để không ai nhìn thấy những người này. Anh Diêm nói, “Họ có làm gì nữa không? Không làm gì cả. Tôi đã không [được] cho dù chỉ một chai nước, hay bất kỳ đồ ăn nào từ họ.”
Cảm giác mình giống như một tên trộm
Trong 10 ngày đầu sống trên đường phố, anh chỉ được ăn một bữa cơm. Mãi đến hai ngày nay khi nghe nói có siêu thị địa phương nào bí mật thành lập một nhóm mua hàng trên WeChat, anh mới được nhìn thấy gạo.
Sống dưới chính sách phong tỏa zero COVID, anh Diêm cho biết anh cảm thấy mình giống như một tên trộm.
Khi khách đặt hàng, anh phải lái xe quanh thị trấn để lấy các món hàng đó, đôi khi phải đi vài nơi mới tìm thấy những món đồ mà khách đặt. Anh nói, “Tất cả đều được thực hiện bí mật, giống như một tên trộm.”
Anh giải thích rằng có lần anh đang mua những cái bánh bao hấp thì công an đến. Mấy vị viên chức này sẽ không cho bán hàng, anh tâm sự, “Những chiếc bánh bao này còn sống sượng, nhưng tôi vẫn ngậm ngùi ăn.”
Anh tranh luận với công an, “Biết bao nhiêu người trong chúng tôi đang phải sống lang thang, chúng tôi cần thức ăn; nhưng hàng quán nào các anh cũng bắt đóng hết, các anh muốn chúng tôi bị chết đói hay sao?”
Anh cho thấy sự quản lý hỗn loạn của chính quyền địa phương. Anh nói, “Tôi đã thấy rất nhiều hàng cứu trợ bị bỏ ngoài cổng các khu dân cư, và thối rữa. Trong khi đó không được phát cho người dân. Nếu không có những người giao hàng, thì nhiều người dân Thượng Hải đã chết đói rồi.”
Anh Diêm thở dài, “Khi nào hết dịch, tôi chỉ muốn về quê.”
Những người mặc đồng phục gây ra đau khổ
Anh Lâm Nam (Lin Nan, hóa danh) đến từ tỉnh Sơn Tây không giáp biển.
Anh mô tả công an địa phương đang cần mẫn tuần tra dọc theo cây cầu và cố gắng đuổi họ từ chỗ này sang chỗ khác khoảng 20 lần mỗi ngày.
Anh Lâm cho biết, “Có khoảng 150,000 người giao hàng ở Thượng Hải. Gần 20% đang ở trong khu vực tạm trú được chỉ định. Phần lớn chúng tôi đã phải sống lang thang trên đường phố.”
Anh Vương Kiện (Wang Jian, hóa danh), một người giao hàng đến từ tỉnh An Huy, cũng phải ra đường sống kể từ khi thành phố bị phong tỏa.
Anh nói: “Tôi cảm thấy Thượng Hải lần này rất không có tình người, đặc biệt là những nhân viên mặc đồng phục. Sau khi chúng tôi bị bắt phải ngủ trên đường phố, lúc nào họ cũng bám theo chúng tôi.”
Anh Vương cho rằng ngủ trên đường phố còn tốt hơn là bị mắc kẹt trong khu chung cư, nơi mọi người bị bỏ rơi mà không có thức ăn hoặc sự giúp đỡ.
Tuy nhiên, đối với anh, cảnh sát gây ra cho anh nhiều đau khổ hơn nỗi khổ của cảnh ngủ trên đường phố.
Anh nói, “Tôi bị cảnh sát — những người mặc đồng phục, những người được cho là ‘phục vụ nhân dân’ — xua đuổi lúc 10 giờ tối, 11 giờ đêm, nửa đêm và thậm chí hai giờ sáng. Tôi đã nếm trải mọi chuyện.”
Anh Vương tiếp tục, “Thực sự rất khổ sở. Cứ 6 giờ sáng, tôi bị đuổi ra khỏi gầm cầu. Dưới gầm cầu, họ nói với quý vị rằng ai đó đã cho kết quả dương tính, vì vậy quý vị sẽ phải rời đi. Mà ra tới đường rồi, liền bị họ đuổi đi. Họ nói với quý vị rằng quý vị làm xấu diện mạo của thành phố,” anh Vương nói.
Anh mô tả một tình huống mà anh gặp phải ngày hôm trước. Vào ngày 16/05, các xe cảnh sát cứ một hoặc hai giờ đồng hộ lại tuần tra khu vực này một lần. “Các anh không được nghỉ ngơi,” anh Vương nói.
Những ngày này, hễ cứ nhìn thấy công an là anh bị chấn động tâm lý khủng khiếp.
“Thật đáng sợ khi nhìn thấy một chiếc xe cảnh sát đang đến gần.”
Một ngày nọ, anh đang ngồi trên vỉa hè chuẩn bị ăn, thì phát hiện một chiếc xe cảnh sát. Anh hoảng sợ đến mức nhảy vọt lên xe máy phóng đi.
Vài ngày trước, nhiều tài xế đã trú ẩn dưới một cây cầu gần đó. Đột nhiên, công an đến, cùng với một số nhân viên quản lý thành phố và tình nguyện viên, trong trang phục bảo hộ. Sử dụng một cái loa lớn, họ nói rằng theo quy định của thành phố, những người sống lang thang này phải rời đi.
Lúc đó, những chiếc lều không có người đã bị lật ngược lại, và bất cứ thứ gì bên trong, chẳng hạn như thẻ căn cước và ví tiền, đều bị ném đi.
Khi chủ nhân của những chiếc lều này quay lại, báo cho công an về việc mất đồ, thì công an nói rằng họ sẽ kiểm tra camera giám sát rồi rời đi. Thế nhưng, vị công an đó không thấy quay lại nữa.
Anh Vươg nói rằng việc sở hữu một chiếc xe máy là lý do khiến anh trở thành người giao hàng sau khi thành phố này bị phong tỏa.
Bản tin có sự đóng góp của Triệu Phượng Hoa và Cố Hiểu Hoa
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: