Thượng Hải dỡ bỏ phong tỏa sau 9 tuần, nhưng người dân vẫn thận trọng
Xe hơi tấp nập trên phố. Người dắt chó dạo chơi trong các công viên thành phố. Các trung tâm thương mại sang trọng mở cửa và rực rỡ ánh đèn.
Tổng cộng sau 65 ngày, Thượng Hải cuối cùng đã hoạt động trở lại — nhưng nếp sống bình thường dường như vẫn còn xa vời.
Hôm 01/06, các quan chức đã mở cửa trở lại các cửa hàng, nhà hàng, xe buýt, xe lửa, và văn phòng cho nhiều người trong số 25 triệu cư dân của thành phố này, những người đã bị giam cầm trong chính căn hộ của mình trong hơn hai tháng qua.
Cuộc phong tỏa kéo dài của trung tâm kinh tế lớn nhất Trung Quốc này đã gây ra tình trạng thiếu lương thực và nhu yếu phẩm hàng ngày. Những bệnh nhân không bị mắc COVID đã phải chật vật để có được thuốc men hoặc dịch vụ chăm sóc khẩn cấp. Người dân, bao gồm cả người già và trẻ em, đã phải chịu đựng nỗi sợ hãi bị chia cắt khỏi gia đình và bị đưa đến các cơ sở cách ly.
Khi đồng hồ điểm vào nửa đêm hôm 31/05, mọi người đã hò reo, xe hơi bấm còi inh ỏi, và pháo hoa sáng rực trên bầu trời.
Nhưng không phải ai cũng có tâm trạng ăn mừng.
“Hôm nay chúng tôi có thể tự do ra cộng đồng. Nhưng tôi chưa muốn ăn mừng. Họ có thể sẽ phong tỏa lại một lần nữa khi có một ca dương tính nào đó được ghi nhận,” một người dân quận Phố Đông họ Vương nói với The Epoch Times hôm 01/06.
“Tôi thà thận trọng còn hơn,” một người dân khác họ Ngô, sống ở quận Dương Phố cho biết.
Cô nói rằng cô đã không dám mạo hiểm đi ngoài vào ngày đầu tiên mở cửa trở lại.
Sự thất vọng mới
Đối với những cư dân Thượng Hải mới được cho ra ngoài, các điều kiện kèm theo để mở cửa trở lại đã mang lại một loạt thất vọng mới.
Kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ là điều cần thiết để bắt xe buýt và vào các văn phòng, cửa hàng, và các địa điểm công cộng khác.
Những dòng người nối dài đã trở thành một cảnh tượng phổ biến bên ngoài các khu dân cư hôm 01/06 và 02/06. Nhiều người đã phải chờ đợi hàng giờ đồng hồ để các nhân viên chăm sóc sức khỏe mặc đồ trắng lấy dịch họng của họ như một phần của xét nghiệm acid nucleic.
Trên nền tảng tiểu blog Weibo, một người đã đăng hình ảnh tấm biển tại một gian hàng cảnh báo về việc chờ đợi trong 4.5 giờ. Những người đi làm đã chia sẻ lo lắng về việc không lấy được xét nghiệm PCR đúng hạn. Hashtag “Xét nghiệm Acid Nucleic ở Thượng Hải” đã thu hút được 220 triệu lượt xem trên Weibo hôm 02/06.
Việc xét nghiệm bắt buộc, cùng với đợt phong tỏa toàn thành phố trước đó, là kết quả của chiến lược “zero-COVID” khắc nghiệt của chính quyền Trung Quốc, nhằm loại bỏ mọi sự lây nhiễm trong cộng đồng thông qua xét nghiệm hàng loạt và cách ly tập trung bất kỳ ai có nguy cơ.
Chính quyền Trung Quốc đã công bố một kế hoạch thiết lập các địa điểm xét nghiệm trong vòng 15 phút đi bộ cho tất cả mọi người trong nước, với các quan chức gọi đây là các cuộc xét nghiệm acid nucleic được “chuẩn hóa.”
Các yêu cầu này có nghĩa là người dân cần mang theo điện thoại và cung cấp mã sức khỏe xanh trên một ứng dụng chính thức ở bất kỳ nơi nào họ đến, nhằm cho phép chính quyền theo dõi liên tục chuyển động và liên lạc của họ.
Không bằng lòng
Từ ngày 01/06, các trung tâm mua sắm và siêu thị được phép hoạt động với 75% công suất. Các nhà hàng có thể hoạt động trở lại nhưng các dịch vụ ăn uống trong nhà đều bị cấm. Phòng tập thể dục, viện bảo tàng, và rạp chiếu phim vẫn đóng cửa.
Theo các quan chức, khoảng 2.5 triệu người trong thành phố này vẫn còn bị phong tỏa, và hậu quả của việc xét nghiệm dương tính vẫn giống như trước đây: Tất cả các trường hợp dương tính sẽ được đưa đến một cơ sở kiểm dịch tập trung, và những người thân của họ — bao gồm cả hàng xóm — sẽ bị cấm rời khỏi nhà.
Các biện pháp ngăn chặn COVID-19 mạnh tay của chế độ này đã gây ra các cuộc biểu tình hiếm hoi ở quốc gia được kiểm soát chặt chẽ này, cả trực tuyến và trực tiếp. Một số người dân ở Thượng Hải bị khóa trong nhà đã đập xoong nồi ngoài cửa sổ và la hét từ ban công để bày tỏ sự bất bình.
Chính quyền Thượng Hải đã gửi thư cảm ơn tới người dân hôm 01/06, với các nhân viên y tế, quan chức y tế, nhân viên ủy ban dân cư, cảnh sát, và quân đội trong số nhiều người nhận được sự đề cập đặc biệt vì những đóng góp của họ.
Bức thư này viết, “Dưới sự lãnh đạo quyết đoán của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ với nòng cốt là Đồng chí Tập Cận Bình, sau hơn hai tháng chiến đấu liên tục, trận chiến gian khổ để bảo vệ Thượng Hải đã đạt được một cột mốc quan trọng.”
Bức thư này đã vấp phải sự chỉ trích rộng rãi trên Weibo.
“Những kẻ nắm trong tay quyền lực lớn và có thể tùy tiện gây tổn hại cho người khác thì không nên chịu trách nhiệm sao?” một người dùng đã viết.
“Điều chúng tôi muốn không phải là một lời cảm ơn mà là một lời xin lỗi,” một người dùng khác viết.
Cô Dorothy Li là một phóng viên của The Epoch Times tại Âu Châu.