Hoa Kỳ: Thước đo lạm phát chính đạt mức cao nhất trong 40 năm
Một thước đo lạm phát được Cục Dự trữ Liên bang (Fed) theo dõi chặt chẽ đã đạt mức cao nhất trong 40 năm.
Chỉ số giá Chi tiêu Tiêu dùng Cá nhân (PCE) của Bộ Thương mại đã tăng 6.6% trong 12 tháng kể từ tháng Ba năm ngoái (2021), mức tăng hàng năm cao nhất kể từ tháng Một năm 1982, vượt xa mức tăng 6.3% của tháng Hai so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Chỉ số giá PCE tăng 0.9% trong tháng Ba, mức tăng lớn nhất kể từ tháng Chín năm 2005, sau khi tăng 0.5% vào tháng Hai.
Khi không tính lương thực và năng lượng, chỉ số này đã tăng 5.2%, mức tăng nhỏ hơn một chút so với 5.3% một tháng trước.
Lạm phát dự kiến sẽ vẫn ở mức cao một cách đáng lo ngại trong một tương lai không thể lường trước.
Sự gia tăng tỷ lệ lạm phát hàng tháng lớn nhất kể từ năm 2005, vượt quá mức lãi suất 2% của Fed, đã đẩy Cục Dự trữ Liên bang vào một tư thế mạnh mẽ, với dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào tuần tới.
Trong khi đó, lạm phát trong ngành dịch vụ đã tăng trên diện rộng, dẫn đầu là du lịch quốc tế, cũng như ăn uống và khách sạn, khi người tiêu dùng tập trung vào giải trí.
Cũng có sự gia tăng trong chi tiêu chăm sóc sức khỏe và dịch vụ vận chuyển.
Mức tăng chi tiêu của người tiêu dùng
Theo Bộ Thương mại hôm 29/04, chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ đã tốt hơn dự kiến trong tháng Ba, tăng 1.1% trong bối cảnh nhu cầu dịch vụ tăng mạnh.
Các nhà kinh tế hy vọng rằng những dấu hiệu tích cực của chi tiêu tiêu dùng trong quý II sẽ bù đắp nỗi lo về suy thoái kinh tế, sau khi nền kinh tế suy thoái trong quý đầu tiên.
Người tiêu dùng đang chi tiêu nhiều hơn cho các dịch vụ như du lịch và ăn uống. Chi phí xăng dầu và thực phẩm tăng được bù đắp bằng việc chi tiêu ít hơn cho hàng hóa lâu bền, vốn đã giảm trong tháng thứ hai liên tiếp, với việc mua sắm xe cộ và phụ tùng ít hơn.
Theo Bộ Thương mại, giá năng lượng tăng đáng kể 33.9% trong khi giá thực phẩm tăng 9.2%.
Sự thay đổi trong chi tiêu từ hàng hóa sang dịch vụ được coi là dấu hiệu giảm bớt áp lực lên chuỗi cung ứng.
Thu nhập cá nhân tăng 0.5%, ước tính lên tới 107.2 tỷ USD so với tháng trước, nhưng mức tăng chậm hơn so với mức tăng 0.9 của lạm phát chung trong tháng Ba.
Thu nhập cá nhân khả dụng tăng 89.7 tỷ USD, tương đương 0.5%.
Bộ Thương mại cho biết: “Sự gia tăng thu nhập cá nhân trong tháng Ba chủ yếu phản ánh sự gia tăng về lương thưởng, thu nhập của chủ sở hữu, thu nhập cá nhân trên tài sản, và các khoản phúc lợi xã hội của chính phủ.”
Tỷ lệ tiết kiệm đã giảm xuống 6.2% vào tháng Ba, mức thấp nhất trong 9 năm, do một số người Mỹ khai thác tiền tiết kiệm của họ để bù đắp giá hàng hóa tăng cao.
Dữ liệu khác từ hôm 29/04 cho thấy mức lương thưởng cho người lao động đạt mức tăng lớn nhất trong ít nhất 21 năm là 1.4% trong quý đầu tiên, khi các công ty tăng lương trong nỗ lực giữ hoặc thu hút người lao động trong thị trường lao động khan hiếm.
Chi phí lao động leo thang
Tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3.6% vào tháng Ba khi lương tăng, nhưng trong một dấu hiệu đáng ngại đối với chính phủ của ông Biden, GDP của Hoa Kỳ giảm ở mức 1.4% hàng năm trong quý đầu tiên của năm 2022.
Một trong những nguyên nhân chính bao gồm thâm hụt thương mại ngày càng lớn, do nhu cầu nhập cảng trong nước cao và vấn đề tồn kho của các công ty.
Bộ Lao động hôm 29/04 đã công bố Chỉ số Chi phí Việc làm (ECI) riêng biệt, có tính đến chi phí lao động. Chỉ số này đã tăng 1.4% trong quý đầu tiên sau khi tăng 1% trong quý IV năm 2021, đây là mức tăng lớn nhất kể từ khi dữ liệu được ghi nhận vào năm 2001.
Chi phí lao động tăng 4.5% so với cùng thời kỳ năm ngoái sau khi tăng 4% trong quý IV, một mức cao kỷ lục khác.
ECI được các nhà hoạch định chính sách và nhà kinh tế sử dụng rộng rãi để đo lường dữ liệu thị trường lao động và là một công cụ dự báo quan trọng về lạm phát lõi.
Thị trường lao động đang ở mức gần như tối đa việc làm, với kỷ lục 11.3 triệu cơ hội việc làm vào cuối tháng Hai.
Lạm phát cao đã làm xói mòn mức tăng 1.2% của tiền lương và tiền công trong quý trước, mức tăng 1% trong quý IV, tăng 4.7% so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Mức lương được điều chỉnh theo lạm phát giảm 3.6% so với cùng thời kỳ năm ngoái, trong khi phúc lợi tăng 1.8% sau khi tăng 0.9% trong quý IV năm 2021.
Những con số đáng thất vọng đang bắt đầu làm lu mờ mọi thứ ở Hoa Thịnh Đốn đối với ông Biden và Đảng Dân Chủ tranh cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ, với dư luận tiêu cực về lạm phát gia tăng.
Tổng thống đã nhiều lần quảng bá các chính sách kinh tế của chính phủ bằng cách chỉ ra tăng trưởng thị trường việc làm và chi tiêu tiêu dùng vững chắc như một bằng chứng cho thấy các chính sách của ông đã giúp ích cho người Mỹ, nhưng sự suy giảm 1.4% của nền kinh tế đã không giúp ích được gì.
Anh Bryan S. Jung là người bản xứ và cư trú tại Thành phố New York với kiến thức chuyên sâu về chính trị và pháp luật. Anh tốt nghiệp Đại học Binghamton.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: