Thuế quan bảo vệ các ngành công nghiệp Hoa Kỳ khỏi Trung Quốc
Phần 1: Các hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc tiếp tục
Các mức thuế quan từ thời Tổng thống (TT) Trump sẽ được duy trì cho đến khi Trung Quốc kiềm chế không tham gia vào các hành vi thương mại không công bằng.
Thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Trung Quốc ở mức hơn 187 tỷ USD cho tới giờ trong năm nay. Kể từ khi ông Biden nhậm chức vào tháng Giêng, thâm hụt thương mại [với Trung Quốc] đã tăng 46.4% so với cùng kỳ năm 2020. Cho đến nay, TT Biden vẫn chưa xây dựng chính sách thương mại với Trung Quốc. Trong khi đó, các hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc vẫn tiếp diễn.
Trong nhiều năm, các doanh nghiệp Hoa Kỳ luôn phàn nàn về quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc là không bình đẳng. Các công ty Hoa Kỳ bị cấm tham gia vào nhiều lĩnh vực kinh doanh của Trung Quốc, trong khi các doanh nghiệp Trung Quốc, thậm chí cả các doanh nghiệp nhà nước, được quyền tiếp cận không bị cản trở vào mọi lĩnh vực về căn bản của nền kinh tế Hoa Kỳ.
Chính phủ của TT Trump cũng lo ngại về các ngành công nghiệp của Hoa Kỳ như sản xuất ô tô và máy bay, vốn đang phải đối mặt với một sân chơi không bình đẳng, khi Trung Cộng trợ cấp cho các ngành này và các ngành khác. Các công ty Hoa Kỳ gặp khó hơn rất nhiều để kiếm được lợi nhuận khi cạnh tranh với các thực thể Trung Quốc nhận các khoản tài trợ liên tục và các khoản vay ưu đãi từ Trung Cộng và các ngân hàng quốc doanh. Ngoài ra, các ngành công nghiệp và công ty [của Trung Quốc] được Trung Cộng ưu ái được hưởng sự bảo vệ của chính phủ khỏi sự cạnh tranh, ở cả quốc nội và quốc ngoại, mang lại lợi ích cho chế độ này với quy mô kinh tế chưa từng có.
WeChat là một ví dụ về loại hình kinh tế theo quy mô được các công ty Trung Quốc ưa chuộng. Một công ty Trung Quốc hoặc một công ty ngoại quốc Gần như là không thể tung ra một ứng dụng liên lạc ở Trung Quốc. Do đó, WeChat được sử dụng bởi đại đa số 1.4 tỷ dân của Trung Quốc, khiến WeChat trở thành một trong những ứng dụng lớn nhất trên thế giới.
Để đối phó với các hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc, Chính phủ của TT Trump đã đánh 550 tỷ USD thuế quan đối với hàng hóa nhập cảng từ Trung Quốc. Ban đầu, Bộ trưởng Tài chính của ông Biden, bà Janet Yellen nói rằng thuế quan [với Trung Quốc] này sẽ tiếp tục. Tính đến tháng 08/2021, 360 tỷ USD trong số các mức thuế đó vẫn còn hiệu lực. Trong một tuyên bố gần đây, bà Yellen nói rằng bà muốn xem xét lại các loại thuế quan thời ông Trump, vì bà cảm thấy chúng có thể đã không được áp dụng theo cách để bảo vệ tốt nhất lợi ích của Hoa Kỳ.
Nhiều nhà kinh tế học nổi tiếng, bao gồm cả những người đoạt giải Nobel Milton Freedman và Paul Krugman, đã lên tiếng về bản chất hủy diệt của thuế quan thương mại, kêu gọi bãi bỏ thuế quan thời Tổng thống Trump. Mặt khác, New York Times xác nhận điều mà nhiều người trong Chính phủ ông Trump đã biết rồi, rằng mặc dù Trung Quốc sẽ biết ơn vì việc bãi bỏ thuế quan, nhưng họ vẫn chưa đồng ý chấm dứt trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước hoặc kiềm chế không tham gia bất kỳ hành vi không công bằng nào khác được xác định bởi Chính phủ Hoa Kỳ.
Thuế quan là loại thuế áp dụng đối với các sản phẩm nhập cảng từ các nước khác, thường là một tỷ lệ phần trăm cố định của giá trị sản phẩm. Các công ty nhập cảng các sản phẩm này phải trả thuế, khoản thuế này [sau đó] thường được chuyển cho người tiêu dùng trong nước dưới hình thức giá hàng hoá cao hơn. Những người ủng hộ thuế quan cho rằng các công ty Hoa Kỳ nộp khoản tiền này cho chính phủ Hoa Kỳ sẽ tốt hơn là trả cho các công ty ngoại quốc.
Các chính phủ áp đặt thuế quan vì một số lý do, từ việc cung cấp doanh thu cho chính phủ để bảo vệ các ngành công nghiệp non trẻ và các doanh nghiệp trong nước khỏi các đối thủ cạnh tranh ngoại quốc, để bảo vệ an ninh quốc gia và các ngành công nghiệp nhạy cảm, và để cải thiện các điều khoản thương mại—hoặc các biện pháp khắc phục đối với các vi phạm thương mại được nhận thấy như trợ cấp không công bằng và bán phá giá của một nước xuất cảng.
Nhiều nhà kinh tế phản đối thuế quan vì chúng dẫn đến giá tiêu dùng trong nước cao hơn, cũng như bị các đối tác thương mại ngoại quốc trả đũa. Các nhà kinh tế khác [lại] nêu ra một trường hợp để đánh thuế quan. Hơn nữa, từ thế kỷ 18, hầu hết các nhà kinh tế học lớn, bao gồm cả cha đẻ của kinh tế học hiện đại Adam Smith, đã đưa ra các ngoại lệ của quy tắc, các ngoại lệ này là các tình huống mà họ tin rằng thuế quan là hợp lý hoặc có lợi, trong khi nhìn chung họ phản đối thuế quan thương mại. Ông Smith cho rằng thuế quan có thể được sử dụng để bảo vệ quốc gia và đôi khi để thiết lập các thị trường tự do hơn. Ông Smith dành năm cuối cùng của cuộc đời mình với tư cách là ủy viên hải quan, thực thi thuế quan cho Hoàng Gia Anh.
Trong chuyên luận thế kỷ 18 của mình, “Kho báu của từ ngoại thương của nước Anh”, nhà kinh tế học người Anh Thomas Mun đã đưa ra trường hợp rằng thuế quan có thể được sử dụng để đạt được “sự cân bằng thương mại.” Năm 1833, ông Robert Torrens đã đưa ra lý thuyết thuế quan tối ưu: Một quốc gia là nước nhập cảng lớn có thể chuyển mức thuế nhập cảng từ người tiêu dùng trong nước sang nhà xuất cảng nước ngoài. Đặc biệt, một quốc gia có thế lực độc quyền như Hoa Kỳ, có thể buộc các nhà xuất cảng phải hạ giá, do đó, sẽ ngăn cản họ xuất cảng sang Hoa Kỳ, vì họ có thể kiếm được nhiều tiền hơn bằng cách bán hàng hóa của mình ở nơi khác. Thêm một lợi ích cho Hoa Kỳ với tư cách độc quyền mua là, thông qua việc áp thuế nhập cảng, một vị thế độc quyền mua có thể đạt được lợi thế bằng cách giảm nhu cầu đối với một sản phẩm, biện pháp này sẽ làm giảm thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ.
Thuế quan có một lịch sử lâu đời ở Hoa Kỳ. Bộ trưởng Tài chính đầu tiên của Hoa Kỳ Alexander Hamilton ủng hộ việc áp dụng thuế quan tạm thời để bảo vệ các ngành công nghiệp non trẻ của Hoa Kỳ. Một trong những mức thuế lâu đời nhất đang được áp dụng ở Hoa Kỳ là thuế đường năm 1789. Mặc dù thuế quan gây ra sự kém hiệu quả về kinh tế, nhưng có thể được coi là thành công ở chỗ nó đã hoàn thành mục tiêu dự định là bảo vệ ngành đường (thực phẩm) của Hoa Kỳ. Giá đường ở Hoa Kỳ cao gần gấp đôi so với các nơi khác trên thị trường thế giới, những ngành công nghiệp đường Hoa Kỳ vẫn tồn tại.
Các mức thuế nhôm thời Tổng thống Trump được cho là đã cứu ngành công nghiệp nhôm của Hoa Kỳ. Năm 2010, có 23 lò luyện nhôm ở trong nước. Nhưng đến năm 2017, chỉ còn lại một lò luyện do nhập cảng được [nguyên liệu] giá rẻ. Các mức thuế nhôm năm 2018 của Hoa Kỳ đã hồi sinh ngành công nghiệp này, làm tăng được sản lượng trong nước, tạo ra hàng ngàn việc làm và thu hút hàng tỷ USD vốn đầu tư.
Một số cố vấn kinh tế của Chính phủ Trump khuyến nghị áp dụng thuế quan như một kỹ thuật đàm phán. Một ví dụ thành công của chính sách này là Hoa Kỳ đánh thuế đối với thép của Hàn Quốc. Đáp lại, Hàn Quốc đã tự nguyện thiết lập một hạn ngạch xuất cảng, hạn ngạch này đã làm giảm xuất cảng của Hàn quốc sang Hoa Kỳ. Một cách sử dụng thuế quan khác trong Chính phủ của ông Trump là giảm tổng khối lượng thương mại để hạn chế thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với một số quốc gia nhất định.
Đã có nhiều tiền lệ rộng rãi trong lịch sử ủng hộ lập luận rằng thuế quan có thể có lợi trong một số trường hợp nhất định. Nhiều than phiền của Hoa Kỳ về Trung Quốc phù hợp với các điều kiện như hạn chế tiếp cận thị trường, trợ cấp không công bằng, điều kiện thương mại kém, và an ninh quốc gia. Ngành nhôm và thép của Hoa Kỳ là hai ví dụ rõ ràng về các ngành công nghiệp quan trọng đối với cơ sở hạ tầng quốc phòng, do đó Chính phủ không nên để các ngành này bị rút ruột bởi hàng nhập cảng ngoại quốc rẻ hơn. Và cuối cùng, với tư cách gần như là độc quyền mua, người mua lớn nhất trên hành tinh này, Hoa Kỳ nên thực hiện quyền lực thị trường của mình để ra lệnh cho các điều khoản thương mại. Cho tới khi Trung Quốc đồng ý giải quyết các bất bình thương mại của Hoa Kỳ, Hoa Kỳ [vẫn] nên duy trì mức thuế nhập cảng hàng hoá với Trung Quốc.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông ấy tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng MBA Trung Quốc của Đại học Giao thông Thượng Hải. Ông Antonio làm giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, viết cho nhiều phương tiện truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Vượt ra ngoài vành đai và con đường: Sự mở rộng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc” và “Khóa học ngắn hạn về kinh tế Trung Quốc.”
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: