Thức giấc lúc ba giờ sáng? Nguyên nhân có thể do lá gan

Tình trạng thức giấc lúc 3 giờ sáng, sau đó là cảm giác bồn chồn, lo lắng khí ngủ trở lại xảy ra khá phổ biến. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu xem điều gì thực sự khiến bạn rơi vào vòng lặp này và cần làm gì để phòng tránh.

Giấc ngủ là một quá trình động gồm bốn giai đoạn, mỗi giai đoạn dài 90 phút. Thông thường, đồng hồ sinh học có một điểm chuyển đổi [giai đoạn] vào lúc 3 giờ sáng, khi bạn bắt đầu tiến vào giấc ngủ chuyển động mắt nhanh (REM). Thật thú vị, cũng vào khoảng 3 hoặc 4 giờ sáng, hệ thống [điều chỉnh] bên trong sẽ chuẩn bị cho cơ thể thức dậy thông qua một loạt các quá trình của não và thân thể, chẳng hạn như tăng nhiệt độ trung tâm và giảm tiết melatonin, một hormone gây ngủ. Ngoài ra, vùng dưới đồi cũng gửi các tín hiệu để bài tiết cortisol và serotonin, các hormone duy trì sự cảnh giác cao độ. Tất cả những quá trình này làm giảm cảm giác thèm ngủ — loại “áp lực” khiến bạn cảm thấy cần phải ngủ.

Nửa sau của đêm là giấc ngủ nhẹ nhàng hơn

Tiến sĩ James C. Findley, chuyên gia y học giấc ngủ và Giám đốc lâm sàng của Chương trình Y học Giấc ngủ Hành vi tại Trung tâm Penn Sleep ở Philadelphia, nói với Covey Club: “Một người bình thường thức giấc khoảng sáu lần mỗi đêm.”

Ngoài ra, nếu bạn căng thẳng hoặc lo lắng, thì nhiều khả năng bộ não sẽ chuyển từ chế độ ngủ sang chế độ thức. Điều này sẽ làm tăng nhịp tim và huyết áp, khiến bạn khó ngủ trở lại sau đó.

Gan có thể là nguyên nhân

Nếu bạn thường xuyên thức dậy lúc 3 giờ sáng mà không liên quan đến lo âu, tuổi tác cao, thói quen ngủ kém hoặc thực phẩm, thì đây có thể là một hồi chuông cảnh báo.

Theo Trung Y, cơ thể con người hoạt động theo đồng hồ sinh học 24 giờ, được xây dựng dựa trên khái niệm về Khí (năng lượng sống). Trong suốt 24 giờ, Khí lưu thông tự do trong hai giờ liên tục để nuôi dưỡng và sửa chữa các cơ quan khác nhau.

“Thời gian hoạt động của gan là từ một đến ba giờ sáng, vì vậy nếu gan bị mất cân bằng, bạn sẽ thức giấc trong khoảng thời gian này và khó ngủ trở lại,” Cô Neka Pasquale, chuyên gia châm cứu, nhà thảo dược và người sáng lập Urban Remedy, nói với Well and Good.

Nghe tưởng chừng kỳ lạ nhưng mắt và gan có liên quan mật thiết với nhau. Theo Trung Y, đường kinh của gan khai khiếu ra mắt phải. Trung Y tin rằng dòng máu khỏe mạnh từ gan là điều cần thiết để có thị lực tốt. Nếu bạn bị các bệnh lý về mắt, chẳng hạn như nhìn mờ, khô mắt hoặc ngứa ngáy, đó có thể là dấu hiệu cho thấy gan đang gặp vấn đề. Đến 90% vitamin A được lưu trữ trong gan, và vitamin A đóng vai trò quan trọng đối với thị lực. Gan bị xơ hoặc rối loạn chức năng sẽ có thể gây ra các vấn đề về thị lực. Điều này càng chứng tỏ mối liên quan giữa hai cơ quan này.

Nói tóm lại, hãy quan tâm đến lá gan nếu muốn chữa lành đôi mắt hay ngừng thức giấc giữa đêm khuya.

Thức giấc lúc ba giờ sáng — Các nghiên cứu cho biết điều gì?

Mặc dù đồng hồ sinh học của các nội tạng theo Trung Y không được dùng trong Tây phương, nhưng nghiên cứu đã phát hiện thấy đa số các tế bào và mô trong cơ thể con người đều có đồng hồ sinh học riêng, chẳng hạn như da, thực quản, phổi, gan, tuyến tụy và lá lách.

Tại não, nhân trên chéo (SCN) đóng vai trò kiểm soát thời gian và điều chỉnh chu kỳ ngủ – thức. SCN được đồng bộ với môi trường bởi các tín hiệu bên ngoài là zeitgebers, trong đó ánh sáng ban ngày là quan trọng nhất. Ánh sáng khiến SCN tạo ra ít melanin hơn và ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học thông qua các tế bào hình que nhạy cảm với ánh sáng ở mắt.

Điều thú vị là những dấu hiệu bên ngoài và phản ứng bên trong này giúp các cơ quan và mô hoạt động tối ưu nhất. Nghiên cứu đã phát hiện thấy khi các đồng hồ trong cơ thể không đồng bộ do cách ăn uống, căng thẳng, trầm cảm hoặc các vấn đề sức khỏe khác thì sẽ có thể dẫn đến các bệnh kinh niên.

Nhịp sinh học giữ vai trò kiểm soát một loạt các quá trình trong cơ thể, bao gồm cả quá trình trao đổi chất ở gan. Mặc dù nghiên cứu vẫn còn ở giai đoạn đầu, nhưng một số đã phát hiện thấy dinh dưỡng không lành mạnh và rối loạn nhịp sinh học có thể gây ra các bệnh kinh niên về đường tiêu hóa, bao gồm xơ gan và bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD).

Trong một bài đánh giá năm 2021, tác giả Thomas và cộng sự đã báo cáo mối liên quan giữa giấc ngủ và bệnh gan. Các nghiên cứu về gene cho thấy khoảng 10% gene của gan được bật và tắt đồng bộ với đồng hồ bên trong cơ thể. Điều này cho thấy đồng hồ sinh học ảnh hưởng đến cách hoạt động của gan.

Làm thế nào để ngủ ngon hơn?

Không có một công thức chung nào để duy trì lá gan khỏe mạnh và ngủ ngon giấc. Để khắc phục tình trạng thức giấc lúc 3 giờ sáng, các chuyên gia về giấc ngủ khuyên bạn nên bắt đầu từ điều đơn giản: cách ăn uống.

Anh Jamie Hickey, một chuyên gia dinh dưỡng và người sáng lập Truism Fitness có trụ sở tại Philadelphia, nói với US News: “Nếu có vấn đề về gan, cách ăn uống là một trong những điều đầu tiên bạn phải thay đổi.

Dưới đây là 5 loại thực phẩm giúp chữa lành lá gan và đôi mắt.

  1. Trà hoa hồng

Trong suốt chiều dài lịch sử, hoa hồng được xem trọng nhờ các đặc tính y học, bên cạnh niềm khát khao và ngưỡng mộ. Y học gia Tôn Tư Mạc thời nhà Đường, người được tôn sùng là “Dược Vương,” đã ghi chép lại rằng thực phẩm đắng như cánh hoa hồng có tác dụng giúp lưu thông Khí.

Một lý do có thể khiến hoa hồng rất tốt cho sức khỏe là hàm lượng chất chống oxy hóa cao. Cánh hoa hồng chứa nhiều vitamin C và polyphenol (các phân tử chống viêm) như acid gallic, anthocyanins, kaempferol và quercetin. Trong nhiều trường hợp, những chất chống oxy hóa này có lợi cho việc chống lại tác động của các gốc tự do gây hại.

Theo một nghiên cứu năm 2006 trên 12 giống hoa hồng, trà hoa hồng có hoạt tính chống oxy hóa cao hơn trà xanh. Ngoài ra, một số nghiên cứu trên động vật và các thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng đã chứng minh rằng Rosa damascena, thường được gọi là hoa hồng Damask, có thể có các đặc tính bảo vệ gan.

Hãy thưởng thức một tách sữa mặt trăng hoa hồng êm dịu để có giấc ngủ thư thái.

  1. Hoa cúc

Được khắc hoạ trong nhiều thế kỷ qua các bức tranh và bài thơ, hoa cúc từ lâu cũng đã được dùng trong y học toàn diện để điều trị thị lực kém, đau đầu và lo âu.

“Hoa cúc cung cấp nguồn năng lượng mát lạnh dịu nhẹ. Nó có một mối quan hệ đặc biệt với các kênh năng lượng dẫn đến phổi, gan, lá lách và thận,” Tiến sĩ Jingduan Yang, một bác sĩ tâm thần nổi tiếng được hội đồng chứng nhận và một chuyên gia y học tích hợp, nói với Healthline.

Hoa cúc chứa hàng trăm dưỡng chất thực vật, trong đó có một chất chống oxy hóa được gọi là apigenin giúp giảm căng thẳng và cải thiện giấc ngủ. Trong các nghiên cứu trên động vật, flavonoid luteolin và luteoloside của hoa cúc đã chứng minh khả năng làm giảm cholesterol và chữa lành tổn thương mô một cách mạnh mẽ. Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng chiết xuất hoa cúc có thể ngăn ngừa căng thẳng gan, giải độc gan và làm giảm các triệu chứng của bệnh gan.

Hoa cúc chứa rất nhiều vitamin A, đây là chất cần thiết để có thị lực tốt. Một nghiên cứu năm 2016 cho thấy diosmetin (DIO), một loại flavonoid từ hoa cúc, có thể bảo vệ võng mạc khỏi các rối loạn dẫn đến mù lòa.

  1. Câu kỷ tử

Mặc dù được dùng rộng rãi trong Trung Y từ hàng ngàn năm qua, nhưng đặc tính của câu kỷ tử vẫn chưa được nghiên cứu mãi cho tới gần đây. Theo truyền thống, người ta dùng kỷ tử khô để nấu súp và làm trà thảo mộc. Quả kỷ tử chứa rất nhiều lutein và zeaxanthin, có thể giúp giảm nguy cơ bị bệnh tăng nhãn áp và thoái hóa điểm vàng.

Đối với bệnh gan, một nghiên cứu cho thấy câu kỷ tử giúp bảo vệ gan khỏi tổn thương và có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh gan do rượu. Một nghiên cứu năm 2022 của Trung Quốc đã cho thấy câu kỷ tử có thể cân bằng vi khuẩn “tốt” và “xấu” trong đường ruột và ngăn ngừa tổn thương gan. Các nghiên cứu dược lý đã cho thấy đường trong câu kỷ tử ức chế sự phát triển của tế bào ung thư gan.

Câu kỷ tử thậm chí có liên quan với cải thiện lo âu, trầm cảm, tâm trạng, chất lượng giấc ngủ và năng lượng, với lợi ích lớn nhất ở những người uống nước ép câu kỷ tử hàng ngày.

  1. Hạt muồng (Cassia Seed)

Lá, hoa, quả, hạt khô và rễ của hạt muồng nổi tiếng về các đặc tính y học. Hạt muồng khô và trưởng thành chứa nhiều hợp chất phytocompounds có lợi giúp cải thiện sức khỏe. Một trong những chất nổi tiếng nhất là acid retinoic rất quan trọng cho sự phát triển của mắt, cũng như chống khối u. Theo truyền thống, người ta thường dùng hạt cassia kết hợp với hoa cúc, lá dâu tằm, và lá mã đề để điều trị chứng chảy nước mắt và mắt đỏ.

Trà hạt muồng là một thức uống trước khi đi ngủ tuyệt vời nhờ tác dụng xoa dịu căng thẳng thần kinh và dễ đi vào giấc ngủ.

  1. Rễ hoàng kỳ

Trong Trung Y, loại rễ cổ xưa này đã được dùng để chữa nhiều loại bệnh, bao gồm cảm lạnh thông thường, dị ứng theo mùa, mệt mỏi và chăm sóc vết thương. Mặc dù vẫn còn ít bằng chứng về tính hiệu quả của hoàng kỳ, nhưng các nhà khoa học đang xem xét tiềm năng của cây thuốc trong việc điều trị bệnh tim, tiểu đường và ung thư.

Trong một nghiên cứu, các tác giả phát hiện thấy hoàng kỳ có thể giúp ngăn ngừa bệnh thận do tiểu đường. Các nghiên cứu trên động vật đã chứng minh hoàng kỳ giúp ngăn chặn quá trình xơ hóa (sẹo) gan. Một nghiên cứu khác của tác giả Ibrahim và cộng sự đã phát hiện thấy các hợp chất trong hoàng kỳ có thể làm giảm xơ gan và tăng áp lực tĩnh mạch cửa (cao huyết áp trong gan).

Hoàng kỳ là một chất thích nghi, giúp cơ thể phản ứng tích cực với căng thẳng, lo lắng và mệt mỏi. Theo một nghiên cứu trên động vật năm 2013, hoàng kỳ có thể ngăn ngừa tình trạng thiếu oxy ngắt quãng (mức oxy thấp), nguyên nhân chính gây ra chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.

Những tác dụng tiềm tàng liên quan đến giấc ngủ và chữa bệnh gan của hoàng kỳ là rất hứa hẹn, nhưng vẫn cần các nghiên cứu sâu rộng hơn trên người.

Liệu có một giải pháp đơn giản để dùng hết những loại thảo mộc trên? Hãy nhâm nhi một tách trà thanh lọc gan và cải thiện thị lực. Đó là một thói quen bổ sung tuyệt vời vào mỗi tối. Bạn cũng có thể nhâm nhi với một giọt mật ong và chanh vào buổi sáng.

Các cách khác giúp bảo vệ lá gan và giấc ngủ

Sức khỏe lá gan và giấc ngủ là một con đường hai chiều. Để giữ cho lá gan luôn khỏe mạnh và đồng hồ sinh học hoạt động bình thường trở lại, hãy thử thực hiện các bước sau:

  • Tạo thói quen đi ngủ thư giãn.
  • Giảm tiếp xúc với ánh sáng xanh (từ điện thoại di động, máy tính và màn hình TV) sát giờ đi ngủ.
  • Rượu làm phá huỷ các tế bào gan và giảm khả năng tạo melatonin của cơ thể. Bỏ uống rượu vào cuối ngày.
  • Hạn chế caffeine và thực phẩm chứa nhiều carbs.
  • Ngủ và thức đúng giờ, điều độ.
  • Tránh hoặc rút ngắn thời gian chợp mắt ban ngày.

Nếu thường xuyên thức dậy lúc 3 giờ sáng, bạn nên gặp bác sĩ để tìm các nguyên nhân tiềm ẩn. Bên cạnh đó, hãy dùng các phương thuốc Trung Y để cải thiện sức khỏe lá gan và giúp bạn có một đêm ngon giấc hơn.

Đại Hải biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

FoodWise
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn