Thư viện Klementinum ở Prague – Nơi giấc mơ kiến trúc trở thành hiện thực
Thư viện Klementinum, một kỳ quan kiến trúc nằm tại thành phố Prague, là một điểm tham quan khiến bao du khách Cộng hòa Séc mê đắm ngẩn ngơ.
Được ngợi ca là “thư viện đẹp nhất thế giới,” Klementinum, tại Cộng hòa Séc có thể được xem như một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời. Ẩn mình tại trung tâm lịch sử của thành phố Prague, kiệt tác kiến trúc mang phong cách baroque này đã làm nhiều người phải trầm trồ kể từ đầu thế kỷ 18 với phần nội thất được bày trí và trang hoàng vô cùng công phu.
Thư viện ban đầu là một nhà nguyện có từ thế kỷ 11, sau đó nhà nguyện này được mở rộng thêm 2 hectare và trở thành một trường đại học của Dòng Tên (một dòng tu của Giáo hội Công giáo có trụ sở tại Roma) vào năm 1556. Vào năm 1777, nơi này được hoàng hậu Maria Theresa chính thức công nhận là một một đài quan sát, thư viện và trường đại học.
Theo trang web chính thức của thư viện Klementinum, thư viện này chứa hơn 20,000 đầu sách, hầu hết gồm các chủ đề thần học có xuất xứ từ nước ngoài. Vào năm 1781, thư viện được biết đến như là thư viện quốc gia khi giám đốc Klementinum Karel Rafael Ungar tổng hợp được một bộ sưu tập văn học dành cho người dân Cộng hòa Séc.
Một số cuốn sách có tuổi đời gần 300 năm vẫn được gìn giữ cẩn thận kể từ khi thư viện đi vào hoạt động; Các quyển sách này có thể nhận biết với các gáy sách được sơn trắng.
Nội thất mang tính biểu tượng của thư viện tự hào với những bức bích họa ngoạn mục trên trần với đầy đủ các sắc màu được thực hiện bởi nghệ sĩ Jan Hiebl. Các bức bích họa tranh trên tường bao gồm chân dung của các vị thánh Dòng Tên, những người bảo trợ của trường đại học, và các họa tiết ngụ ngôn khác nhau liên quan đến giáo dục và học tập.
Vẻ đẹp của Klementinum được rất nhiều người biết đến, thậm chí thư viện này còn được nhắc đến trong một cuốn tiểu thuyết của nhà văn Argentina Jorge Luis Borges mang tên Bí mật diệu kỳ – The Secret Miracle. Trong tác phẩm, nhân vật chính mơ thấy thư viện và các thủ thư đang tìm kiếm Thượng đế giữa các trang sách.
Bên cạnh bộ sưu tập 20,000 đầu sách, thư viện là nơi lưu trữ một bộ sưu tập khổng lồ mô hình thiên văn của các quả địa cầu và nhiều chủ đề thần học được mang về từ các tu viện bị phá bỏ. Một bức chân dung của Hoàng đế Joseph II được đặt trong sảnh chính nhằm bày tỏ lòng kính trọng và sự cảm kích đối với ngài, người đã sắp xếp công cuộc di dời những cuốn sách này đến thư viện Klementinum.
Bắt đầu từ năm 2020, một số sách của thư viện sẽ được số hóa và cuối cùng sẽ xuất hiện trong thư viện kỹ thuật số trên Google Books. Mặc dù bộ sưu tập đầu sách của thư viện thay đổi theo thời gian, phần nội thất của công trình này vẫn được tôn vinh bởi vẻ đẹp lộng lẫy như nguyên bản từ thế kỷ 18.
Một tòa nhà Thư viện Quốc gia Séc (hoàn toàn mới) đã được đề xuất bởi kiến trúc sư Jan Kaplický và công ty Future Systems của ông vào năm 2007. Tuy nhiên, thiết kế này đã bị phần đông công chúng chỉ trích kịch liệt, họ cho rằng kiến trúc theo chủ nghĩa hiện đại nhìn loang lổ như những “đốm màu” hoặc lố bịch như những “vòi bạch tuộc,” theo tờ The Prague Post.
Tổng thống lúc bấy giờ của Séc là Ngài Václav Klaus cũng bác bỏ thiết kế này vì cho rằng “không phù hợp với thành phố Prague”, trong khi Thị trưởng lúc đó là Pavel Bém cảm thấy rằng thiết kế như thế này sẽ làm giảm tầm nhìn mỹ lệ hướng ra đường chân trời của thành phố. Kiến trúc sư Kaplický đã qua đời năm 2009 ở tuổi 71 trong khi những tranh cãi xung quanh thiết kế của ông vẫn tiếp diễn.
Năm 2005, thư viện đã vinh hạnh nhận giải thưởng Ký ức của thế giới – Memory of the World từ UNESCO. Là viên ngọc quý trong toàn thể kiếntrúc vô cùng phong phú và đa dạng của Prague, thư viện Klementinum sẽ được bảo tồn cho các thế hệ tương lai.
Song Ngư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times