Thủ tướng Việt Nam hội kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Chiều ngày 26/06, tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh, ông Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Đề nghị hợp tác xây dựng các công trình lớn
Trong cuộc hội kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên hợp tác xây dựng các công trình lớn, có hiệu quả thiết thực, bền vững; đồng thời mong muốn hai nước đẩy nhanh kết nối hạ tầng giao thông.
Đối với các mặt hàng chủ lực của Việt Nam như sầu riêng đông lạnh, dừa tươi, gạo, ông Phạm Minh Chính đề nghị phía Trung Quốc tạo thuận tiện để hàng hóa Việt Nam xuất cảng sang Trung Á và châu Âu qua Trung Quốc.
Thí điểm các khu hợp tác kinh tế qua biên giới
Người đứng đầu nhà nước Việt Nam mong muốn hai bên nghiên cứu, xây dựng thí điểm các khu hợp tác kinh tế qua biên giới, mở rộng hợp tác kinh tế tại cửa nhập cảng; mở rộng hợp tác tài chính, ngân hàng, giáo dục, và y tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên tôn trọng lợi ích chính đáng, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam không thiếu điện, khuyến khích đầu tư
Trước đó, vào sáng cùng ngày, tại thành phố Đại Liên, trong phiên thảo luận với Giáo sư Klaus Schwab, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), và khoảng 20 lãnh đạo các tập đoàn của WEF, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam sẽ không thiếu điện.
Năm 2023, Việt Nam có xảy ra tình trạng thiếu điện cục bộ tại một số thời điểm, nhưng sang năm 2024, mặc dù sản lượng tiêu thụ điện tăng tới 15%, có những ngày vượt 1 tỷ kWh, nhưng theo thủ tướng việc cung cấp điện vẫn được bảo đảm.
Thủ tướng Việt Nam cho biết, chính phủ sắp ban hành nghị định liên quan đến việc thực hiện thuế tối thiểu và sửa đổi chính sách ưu đãi đầu tư đối với dự án ưu tiên, chuyển từ ưu đãi thuế sang ưu đãi tài chính, chi phí, đất đai…
Định hướng của Việt Nam là thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án trong lĩnh vực mới nổi, công nghệ cao. Người đứng đầu chính phủ Việt Nam đề nghị WEF và các đối tác tăng cường hợp tác; tạo thuận tiện để Việt Nam tham gia vào các sáng kiến và hệ sinh thái của WEF.
WEF rất vui mừng khi có mối quan hệ hợp tác với Việt Nam
Đáp lại đề nghị của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Giáo sư Klaus Schwab cho biết, WEF rất vui mừng khi có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam.
Giám đốc điều hành Foxconn nhắc lại việc đặt thêm nhà máy tại Việt Nam và nhà máy này đã đi vào sản xuất trong tháng Tư vừa qua. Đến nay, các nhà máy của Foxconn đã có mặt tại 5 tỉnh với 80,000 nhân viên và tổng đầu tư khoảng 4 tỷ USD.
Đại diện Pepsico cho hay, sau 30 năm, công ty này đã đầu tư 850 triệu USD vào Việt Nam và sẽ tiếp tục gia tăng đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến thực phẩm, tái chế nhựa…
Trung Quốc mở rộng nhập cảng hàng hóa chất lượng cao của Việt Nam
Tại buổi hội kiến ông Tập Cận Bình, Chủ tịch Trung Quốc, đồng ý xem xét lựa chọn khai triển thí điểm khu kinh tế qua biên giới, và nói rằng Trung Quốc sẵn sàng mở rộng nhập cảng hàng hóa chất lượng cao của Việt Nam.
Chính quyền Trung Quốc ủng hộ việc doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt trong những lĩnh vực công nghệ cao, ngành nghề mới nổi.
Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính còn tham dự Hội nghị ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 24 đến 27/06.
Băng Băng tổng hợp