Thủ tướng Úc: TikTok đang bị giám sát ‘rất chặt chẽ’ giữa làn sóng tẩy chay
Thủ tướng Scott Morrison nói rằng chính phủ của ông đang theo dõi sát sao nền tảng chia sẻ video nổi tiếng TikTok trong bối cảnh làn sóng mạnh mẽ kêu gọi cấm ứng dụng này, chỉ một tháng sau khi văn phòng địa phương của nó hiện diện tại Sydney.
Có hơn 1,6 triệu người Úc sử dụng ứng dụng phổ biến này, tính năng của nó bao gồm các video điệu nhảy, meme, hướng dẫn và người nổi tiếng. Tuy nhiên, hiện TikTok đang gây tranh cãi với những lo ngại về xâm phạm dữ liệu người dùng. TikTok cũng bị cáo buộc kiểm duyệt nội dung được cho là nhạy cảm với Bắc Kinh.
Công ty mẹ ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh, gây tranh cãi khi liên quan đến Luật Tình báo Quốc gia của Trung Cộng 2017, trong đó chính quyền này bắt buộc các tổ chức hoặc công dân phải hỗ trợ và hợp tác với tình báo nhà nước.
Điều này mở ra khả năng các tổ chức tư nhân ở Trung Quốc sẽ chia sẻ dữ liệu và thông tin với Trung Cộng nếu được yêu cầu.
Mới đây ông Scott Morrison đã nói với đài phát thanh 3AW vào ngày 17/7: “Chúng tôi luôn rất chú ý đến những rủi ro đó và luôn theo dõi chúng rất, rất chặt chẽ”.
“Nếu chúng tôi nhận thấy cần phải có hành động xa hơn những gì đang làm hiện tại, thì chúng tôi sẽ thực hiện không ngần ngại,” ông nói thêm.
Ông Morrison nói với đài phát thanh 2GB vào ngày 6/7 rằng ông thấy có chút “kỳ lạ”, khi người dân xem xét kỹ lưỡng các tính năng bảo mật trong ứng dụng COVIDSafe do chính phủ hỗ trợ nhưng lại có thể dễ dàng đăng tải các điệu nhảy của họ lên TikTok.
Nghị sĩ Đảng Tự do Andrew Hastie nói với Thời báo The Epoch Times ngày 28/5: “TikTok là một cơ sở dữ liệu hấp dẫn về thói quen, tâm lý cá nhân của hơn một triệu thanh thiếu niên Úc”.
“Đó là một cách cực kỳ thông minh để kiểm soát những nhà chính trị, quân đội, kinh doanh, và các lãnh đạo tương lai của chúng tôi”, ông nói thêm.
Làn sóng bất mãn chống lại TikTok
Làn sóng kêu gọi cấm TikTok gần đây đã được khởi đầu bởi một bài báo của tờ Herald Sun vào ngày 6/7, trong đó trích lời Thượng nghị sĩ Đảng Lao động Jenny McAllister: “Tôi nghĩ người Úc sẽ muốn biết thêm thông tin từ họ”.
McAllister là chủ tịch cuộc điều tra về sự can thiệp của nước ngoài thông qua Mạng xã hội. Bà nói rằng ủy ban sẽ tập trung vào việc “thảo luận về ranh giới, về những gì có thể và không thể chấp nhận được đối với các vấn đề loại này”.
Nghị sĩ Đảng Tự do Jim Molan nói với tờ The Guardian Australia vào ngày 6/7: “Có những cáo buộc của người dùng TikTok về việc bị sao chép dữ liệu, rằng đó là một dịch vụ thu thập dữ liệu được ngụy trang dưới dạng mạng xã hội”.
Ông Molan cho biết ứng dụng này thường xuyên sử dụng “định vị GPS”, và Lực lượng Quốc phòng Úc đã ban hành lệnh cấm sử dụng ứng dụng này.
Giám đốc điều hành mới được thuê gần đây của TikTok, ông Lee Hunter, để bảo vệ cho TikTok đã nói rằng dữ liệu của nó không được lưu trữ ở Trung Quốc mà được lưu trữ ở Singapore.
Ông nói: “TikTok không chia sẻ thông tin của người dùng ở Úc với bất kỳ chính phủ nước ngoài nào, kể cả chính phủ Trung Quốc, và sẽ không làm như vậy ngay cả khi được yêu cầu. Chúng tôi đặt quyền riêng tư của người dùng và sự chính trực là quan trọng nhất”.
Vào ngày 13 tháng 7, công ty đã gửi thư cho các chính trị gia trên khắp nước Úc nói rằng: “Quý vị cần hiểu rằng chúng tôi độc lập và không liên kết với bất kỳ Chính phủ, đảng chính trị hoặc hệ tư tưởng nào”.
Trong thư viết: “Sự thật là, với những căng thẳng gia tăng giữa một số quốc gia, TikTok đã không may bị kẹt ở giữa, và đang được một số người sử dụng như một quả bóng chính trị”.
TikTok mới đây đã thực hiện một chiến dịch quảng cáo lớn trên các tờ báo của Úc với tiêu đề: “Đừng biến TikTok thành quả bóng chính trị”.
Cuộc đấu tranh của TikTok ở nước ngoài
Mặc dù phổ biến trên toàn thế giới với hơn 800 triệu người dùng, ứng dụng này đang bị nhiều chính phủ giám sát.
Vào ngày 29/6, chính phủ Ấn Độ đã cấm TikTok chỉ hai tuần sau khi xảy ra các cuộc đụng độ biên giới chết người giữa Trung Cộng và các lực lượng quân sự Ấn Độ ở Ladakh vào ngày 15/6.
Lệnh cấm được áp dụng với 59 ứng dụng do các công ty Trung Quốc phát triển bao gồm WeChat, TikTok và Bản đồ Baidu.
Nhà chức trách cho biết việc khai thác và lập hồ sơ dữ liệu của các ứng dụng này “là mối nguy hại đối với an ninh và bảo vệ quốc gia của Ấn Độ”.
Họ cũng cho biết là đã nhận được “nhiều khiếu nại về việc lạm dụng một số ứng dụng di động… trộm cắp và truyền lén dữ liệu của người dùng một cách trái phép đến các máy chủ có địa điểm bên ngoài Ấn Độ”.
Tại Hoa Kỳ, Cố vấn thương mại của Tòa Bạch Ốc Peter Navarro nói với tờ Fox News vào ngày 12/7 rằng ông mong đợi những “hành động mạnh mẽ” đối với TikTok và WeChat vì đã tham gia vào “cuộc chiến tranh thông tin” với Hoa Kỳ.
Trong vài tháng qua, TikTok là mục tiêu của ba bộ luật mới ở Hoa Kỳ nhằm kiềm chế sự ảnh hưởng của nó.
Tác giả: Daniel Y. Teng