Thủ tướng Úc: Kế hoạch xây dựng thành phố Trung Quốc gần điểm cực Bắc của Úc là ‘suy đoán’
Thủ tướng Úc Scott Morrison đã bác bỏ những lo ngại liên hệ đến mối quan tâm của Bắc Kinh trong việc xây dựng một thành phố 39 tỷ AUD (29.4 tỷ USD) chỉ cách điểm cực bắc của nước này 200km (124 dặm).
Địa điểm được đề nghị là một hòn đảo có tên Daru ở phía tây nam của Papua New Guinea, nằm về phía bắc của Úc.
Hôm thứ Sáu (05/02), ông Morrison đã hạ thấp [mức độ nghiêm trọng của] các mối lo ngại, gọi chúng là những “suy đoán.”
“Tôi có mối liên hệ rất tốt với Thủ tướng Marape của Papua New Guinea, và chúng tôi thường xuyên thảo luận về những áp lực khác nhau trong khu vực của chúng tôi, và tôi nghĩ rằng chúng tôi đang cùng quan điểm về những vấn đề đó,” ông Morrison nói.
Dự án xây dựng được đề nghị sẽ có diện tích trải dài trên 100km vuông (38 dặm vuông) và bao gồm một cảng biển quốc tế, một khu vực thương mại tự do, và các cơ sở sản xuất và nông nghiệp.
Nó sẽ được xây dựng theo mô thức Xây dựng-Sở hữu-Chuyển giao (BOT), theo đó Trung Quốc sẽ sở hữu công trình này trong một khoảng thời gian quản lý không xác định trước khi chuyển giao nó cho Papua New Guinea tiếp quản, tờ The Australian đưa tin.
Đề nghị nói trên được đưa ra sau khi doanh nghiệp quốc doanh của Trung Quốc là Công ty Thủy sản Trung Hồng Phúc Kiến ký một thỏa thuận hồi tháng 11 năm ngoái (2020). Thỏa thuận này sẽ cho phép công ty thủy sản đó xây dựng một nhà máy chế biến cá trên đảo Daru cho các tàu Trung Quốc tiến vào khu vực, và là nơi chế biến sản phẩm đánh bắt từ Eo biển Torres như là một phần thỏa thuận Vành đai và Con đường của Papua New Guinea. Papua New Guinea đã ký kết Sáng kiến Vành đai và Con đường năm 2018.
Tại thời điểm đó, Bộ trưởng Bộ Thủy sản Papua New Guinea Lino Tom cho biết dự án này là một ưu tiên của chính phủ Papua New Guinea vì họ muốn khai thác tiềm năng ngư nghiệp ở Eo biển Torres.
“Dự án đầu tư lớn này sẽ mang lại việc làm cho địa phương và thúc đẩy sự phát triển kinh tế của tỉnh Western và đất nước Papua New Guinea,” ông Tom nói. “Thay mặt Thủ tướng Marape, tôi cảm ơn các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư vào tỉnh Western và Đại sứ quán Trung Quốc tại Papua New Guinea đã hỗ trợ dự án này.”
Đầu tư của Trung Quốc vào tỉnh này cũng được hỗ trợ rất nhiều bởi thống đốc tỉnh này, ông Toboi Awi Yoto.
Hôm 27/01, ông Yoto đã lên Facebook để chỉ trích Úc vì thiếu các hành động và viện trợ thực tế ở tỉnh của ông sau khi gặp gỡ một phái đoàn của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc ở Daru hồi tháng trước.
“Họ đến mà không có kế hoạch thay thế nào để chống lại và ngăn chặn bất cứ khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài nào, đặc biệt là để xóa đói giảm nghèo và cải thiện các dịch vụ xã hội, điều này hóa ra lại tốt cho tôi để thúc đẩy những kế hoạch khám phá các cơ hội sẵn có của mình. Thật đáng tiếc là tất cả những gì họ muốn là chúng tôi trở thành những người nông dân và ngư dân tự cung tự cấp và duy trì tình trạng hiện tại của chúng tôi,” ông nói.
Ông cũng cáo buộc chính phủ Thủ tướng Morrison và đài ABC là một phần của một chiến dịch khiến người dân đất nước ông quay lưng lại với ông.
“Tôi biết rằng người Úc đang làm việc sau lưng tôi để người dân của tôi không ủng hộ bất cứ khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài nào. Gần đây, họ đã tài trợ cho một nhóm nâng cao nhận thức nhằm thúc đẩy lợi ích của Úc chống lại bất kỳ khoản đầu tư nước ngoài nào dọc theo duyên hải quận South Fly [tỉnh Western] bao gồm cả Đảo Daru,” ông Yoto cho biết.
Tuy nhiên, các chuyên gia chiến lược cho rằng đề nghị này phải đối mặt với những thách thức không nhỏ.
Giám đốc chương trình Thái Bình Dương của Viện Lowy—ông Jonathan Pryke—nói với tờ The Australian: “Tỉnh Western có những thách thức phát triển to lớn, bao gồm cả một số dạng bệnh lao nghiêm trọng nhất trên thế giới, vì vậy quý vị có thể hiểu tại sao những cơ hội này lại tỏ ra hấp dẫn.”
“Nhưng thành thật mà nói, chúng quá tốt để trở thành sự thật,” ông Pryke cho biết.
“Có vẻ như chiến lược này là cố gắng khiến một chính trị gia ở một cấp nào đó phê chuẩn, tạo ra chú ý xung quanh vấn đề này đủ khiến Bắc Kinh để ý, và hy vọng điều gì đó sẽ xuất hiện để thu hút dòng tiền,” ông nói.
Daru đã được Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố là một điểm nóng của bệnh lao kháng thuốc sau một đợt dịch bùng phát vào năm 2016.
Victoria Kelly-Clark
Cẩm An biên dịch
Xem thêm: