Thủ tướng Úc cảnh báo công dân rời Ukraine
Thủ tướng Úc Scott Morrison đã cảnh báo bất kỳ công dân nào còn lưu lại ở Ukraine nên khẩn cấp rời khỏi nước này. Ông tuyên bố mối đe dọa về một cuộc xâm lược của Nga đang khiến tình hình trở nên “nguy hiểm”.
Trao đổi với giới truyền thông tại Sydney hôm 12/02, ông Morrison cho biết chính phủ của ông từ cuối năm ngoái đã cảnh báo người Úc ở quốc gia Đông Âu này “hãy giữ an toàn cho mình”.
“Lời khuyên của chúng tôi rất rõ ràng, đây là một tình huống nguy hiểm… quý vị nên tìm cách thoát khỏi Ukraine,” ông nói.
Ông cho biết thêm: “Chúng tôi đã tiếp tục lời khuyên đó mãi cho đến tháng trước và nó đã trở thành một thông điệp rõ ràng cho đến thời điểm hiện tại rằng người Úc ở Ukraine nên tìm cách rời khỏi đất nước.”
Bình luận của ông Morrison được đưa ra khi Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan, tại một cuộc họp báo tại Tòa Bạch Ốc hôm 11/02, tuyên bố rằng Nga có thể xâm lược Ukraine bất cứ lúc nào.
Ông Sullivan nói, “Nếu quý vị nhìn vào việc bố trí lực lượng, cả ở Belarus và Nga ở phía bên kia biên giới Ukraine từ phía bắc và từ phía đông, người Nga đang ở vị thế có thể tiến hành một hành động quân sự lớn vào Ukraine vào bất kỳ ngày nào kể từ bây giờ.”
Thủ tướng Morrison đã nói rằng mặc dù chính phủ của ông tôn trọng quyết định của bất kỳ công dân nào hoặc công dân song tịch nào ở lại Ukraine, nhưng lời khuyên của chính phủ là “rất rõ ràng”.
Những cảnh báo này được lặp lại bởi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, người vừa rời Úc hôm thứ Bảy (12/02) sau khi tham gia các cuộc đàm phán trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược Bộ Tứ.
Ngoại trưởng Blinken cho biết Hoa Kỳ đang theo đuổi hai cách tiếp cận cùng lúc đối với Nga và các lực lượng mà nước này đã tích lũy “vô cớ” dọc theo biên giới của Ukraine. Nga đã tập trung hàng chục ngàn binh sĩ và pháo binh dọc theo biên giới với Ukraine trong vài tháng qua.
Chiến lược đó áp dụng cách tiếp cận “có trách nhiệm” giữ cho đối thoại ngoại giao được cởi mở để giải quyết những khác biệt. Nhưng Hoa Kỳ cũng đã nói rõ với Nga rằng nếu nước này chọn con đường tái xâm lược, “họ sẽ phải đối mặt với những hậu quả to lớn.”
Ước tính có khoảng 4,000 lính ngoại quốc, bao gồm cả người Úc, đã tham gia lực lượng dân quân và lực lượng vũ trang chính quy của Ukraine. Con số này có thể sẽ tăng vọt nếu Nga xâm lược.
Tuy nhiên, Nga đã phủ nhận mọi ý định xâm lược. Họ đã đưa ra một loạt yêu cầu an ninh với NATO hồi tháng 12/2021 để bảo đảm rằng Ukraine sẽ không bao giờ có thể gia nhập liên minh an ninh này và thu hẹp quy mô khai triển của họ ở Trung và Đông Âu.
Tuy nhiên, các thành viên NATO đã không nhượng bộ trước yêu cầu của Điện Kremlin, và thay vào đó, đưa ra một số đề nghị thỏa thuận với Moscow trong các lĩnh vực khác như kiểm soát vũ khí, các biện pháp xây dựng lòng tin, và giới hạn các cuộc tập trận quân sự.
Các thành viên NATO cũng đã gửi vũ khí và hệ thống hỏa tiễn tới Ukraine để tăng cường khả năng phòng thủ, đồng thời cảnh báo về các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga nếu nước này xâm lược Ukraine.
Ngoại trưởng Blinken cho biết những gì xảy ra ở Ukraine có ý nghĩa quan trọng ở Úc và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong một lời nói rõ ràng là có ý nhắc đến Trung Quốc.
“Những gì đang bị đe dọa không chỉ đơn giản là sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine hay chủ quyền, độc lập của họ — dù những điều này là thực sự quan trọng — mà là những nguyên tắc rất căn bản có được một cách khó khăn, sau hai cuộc chiến tranh thế giới và một cuộc chiến tranh lạnh, vốn làm nền tảng cho an ninh, hòa bình, và sự thịnh vượng cho các quốc gia trên thế giới,” ông Blinken cho biết tại một cuộc họp báo chung ở Melbourne, Úc, hôm 11/02.
“Chúng tôi đã thực hiện mọi nỗ lực có thể để thu hút sự tham gia của Nga, để xem xét những mối quan tâm mà họ nêu ra, để chia sẻ những lo ngại mà chúng tôi có, mà các đối tác và đồng minh của Âu Châu có, để xem liệu chúng ta có thể tìm ra cách thúc đẩy an ninh tập thể trên cơ sở có đi có lại hay không.”
“Các nguyên tắc như một quốc gia không thể đơn giản thay đổi biên giới của quốc gia khác bằng vũ lực; các nguyên tắc như một quốc gia không thể chỉ đơn giản định đoạt về lựa chọn của một quốc gia khác, về các chính sách của họ, về những quốc gia mà họ sẽ giao hảo; những nguyên tắc như một quốc gia không thể sử dụng phạm vi ảnh hưởng để ép buộc các nước láng giềng phục tùng theo ý mình.”
“Nếu chúng ta cho phép những nguyên tắc đó bị thách thức mà không đưa ra hành động trừng phạt, ngay cả khi điều đó xảy ra ở cách nửa vòng trái đất ở Âu Châu, thì điều đó cũng sẽ có tác động ở đây. Những người khác đang nhìn vào. Những người khác đang nhìn vào tất cả chúng ta để xem chúng ta phản ứng như thế nào,” ông Blinken nói.
Tại cuộc họp Bộ Tứ với các đối tác từ Hoa Kỳ, Ấn Độ, và Nhật Bản, hôm 11/02, Ngoại trưởng Úc Marise Payne cho biết bà đã nhắc lại “mối lo ngại rất sâu sắc” về sự hiện diện của quân đội Nga ở biên giới Ukraine.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ các đồng minh và đối tác của mình để ngăn chặn loại hành vi gây hấn này và tăng cái giá phải trả cho loại hành vi này.”
Ông Caden Pearson là một phóng viên sống tại Úc. Ông có kinh nghiệm về biên kịch và làm phim tài liệu. Quý vị có thể liên lạc với ông tại [email protected]
Bản tin có sự đóng góp của Mimi Nguyen Ly
Việt Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: