Thủ tướng Singapore: Hoa Kỳ đóng ‘vai trò thiết yếu’ trong việc bảo đảm hòa bình và ổn định ở Á Châu
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết tại một hội nghị thường niên khu vực ở Tokyo, Nhật Bản, rằng Hoa Kỳ vẫn đóng một vai trò không thể thay thế trong việc bảo đảm hòa bình và ổn định ở Á Châu, nhưng hầu hết các nước Á Châu không muốn chọn bên nào.
Tại hội nghị “Tương lai của Á Châu” do Nikkei và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản tổ chức hôm 26/05, bài diễn văn của ông Lý tập trung vào an ninh khu vực và hợp tác kinh tế.
Trong bài diễn văn của mình, ông Lý cho biết ông tin rằng Hoa Kỳ đóng vai trò quan trọng đối với an ninh khu vực ở Á Châu.
Kể từ khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc, Hoa Kỳ “đã thiết lập khuôn khổ cho hòa bình và ổn định,” ông Lý cho biết. “Ngay cả khi cán cân chiến lược thay đổi, Hoa Kỳ vẫn giữ vai trò thiết yếu này mà không quốc gia nào khác có thể đảm nhận được.”
Nhưng để bảo đảm ổn định và an ninh, ông Lý cho rằng cần có các hành động để “giảm thiểu những nguy cơ căng thẳng tệ hơn để thành thù địch” giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Ông kêu gọi một sự cân bằng quyền lực trong khu vực không chỉ giữa chính các quốc gia Á Châu mà còn với các quốc gia khu vực khác như Hoa Kỳ, Liên minh Âu Châu, Úc và Vương quốc Anh.
Ông cũng bày tỏ niềm tin rằng an ninh trong khu vực cần được tiếp cận không chỉ từ quan điểm của một quốc gia riêng lẻ, bởi vì điều này có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang. Ông nói, các quốc gia nên hợp tác cùng nhau để tăng cường an ninh chung của mình.
Ông cũng kêu gọi hợp tác “ngoài việc hình thành các liên minh và nhóm chính thức gồm các đối tác cùng chung chí hướng, như nhóm Bộ Tứ hoặc nhóm AUKUS” vì việc tương tác, tin tưởng, và có những thỏa thuận xây dựng lòng tin với các đối thủ tiềm năng sẽ là điều cần thiết để “giảm thiểu ngờ vực, làm sáng tỏ những hiểu lầm, và quản lý các sự cố cấp tính nhất định chắc chắn sẽ phát sinh theo thời gian.”
“Ngay cả khi ở đỉnh điểm của Chiến Tranh Lạnh, nhiều kênh liên lạc ngầm giữa Hoa Kỳ và Liên Xô đã diễn ra ở cấp lãnh đạo hàng đầu và giữa các lực lượng vũ trang. Các kênh như vậy cần phải được xây dựng và thiết lập giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, và giữa các quốc gia khác ở Á Châu vốn đang có tranh chấp với nhau,” ông nói.
“Những rủi ro là rất cao, và các quốc gia phải sẵn sàng thể hiện sự kiềm chế, chấp nhận sự khác biệt, và chung sống với các thỏa hiệp. Bởi vì nếu những điểm nóng này không được giải quyết đúng đắn, thì một tính toán sai lầm hoặc một sự cố không may xảy ra có thể gây leo thang và những hậu quả nghiêm trọng.”
Hợp tác an ninh cần song hành với hợp tác kinh tế
Ông Lý cho biết thêm rằng, sự tương tác nội trong Á Châu và với phần còn lại của thế giới không nên chỉ dựa trên các cân nhắc về an ninh.
Ông cho biết Singapore đã tham gia Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) do Hoa Kỳ lãnh đạo vì tổ chức này “hướng tới tương lai” và “chứng tỏ rằng chính phủ Tổng thống Biden coi trọng các đối tác của mình ở Á Châu, đồng thời đánh giá cao tầm quan trọng của việc để các quốc gia này tham dự thông qua ngoại giao kinh tế.”
Trong số mười quốc gia thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), bảy quốc gia đã tham gia IPEF. Ba quốc gia ASEAN không nằm trong khuôn khổ này là Lào, Miến Điện (còn gọi là Myanmar), và Campuchia.
Ông cho biết các kế hoạch kinh tế và an ninh khu vực nên cởi mở và toàn diện, chẳng hạn như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) do ASEAN khởi xướng, trong đó có sự tham dự của Trung Quốc cũng như Nhật Bản, Nam Hàn, Úc, và New Zealand, nhưng không có Hoa Kỳ.
Ông nói: “Tốt hơn hết, nền kinh tế Trung Quốc nên được hội nhập vào khu vực này hơn là để quốc gia này tự vận hành theo một bộ quy tắc khác.”
Theo một nghiên cứu phân tích ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn thế giới được công bố hôm 25/04, các tác giả lưu ý rằng Singapore “rõ ràng đã im lặng hơn về tranh chấp tại Biển Đông và pháp quyền quốc tế liên quan đến CHND Trung Hoa” sau vụ giam giữ các xe bọc thép của Singapore ở Hồng Kông vào năm 2016-2017.
Singapore cũng ủng hộ Sáng kiến Nhất đới Nhất lộ (BRI, Vành đai và Con Đường) của Trung Quốc, và đã tham gia Nhóm Hữu nghị Sáng kiến Phát triển Toàn cầu của Trung Quốc.
BRI đã được mô tả như một “bẫy nợ” đối với các nước đang phát triển.
Anh Keng Onn Wong là một nhà văn sống tại Singapore.