Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern gặp Tổng thống Joe Biden tại Tòa Bạch Ốc
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã có cuộc gặp với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại Oval Office trong bối cảnh ngày càng có nhiều sự chú ý về biến đổi khí hậu, kiểm soát súng đạn, và căng thẳng leo thang ở Thái Bình Dương khi Trung Quốc tìm cách mở rộng ảnh hưởng trong khu vực.
Ông Biden nói với bà Ardern rằng Hoa Kỳ cần sự hướng dẫn từ ban lãnh đạo của New Zealand, vốn đóng “vai trò quan trọng” trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu, và đã có hành động tích cực về biến đổi khí hậu và nỗ lực kiềm chế bạo lực cực đoan.
“Và tôi muốn hợp tác với bà trong nỗ lực đó,” ông Biden nói. “Vì vậy, tôi mong đợi cuộc thương thuyết của chúng ta ngày hôm nay. Chúng ta có rất nhiều điều để nói. Và tôi thực sự rất vinh hạnh khi có bà ở đây.”
Tổng thống cho biết cả hai nhà lãnh đạo còn “rất nhiều việc phải làm” trong nhiều vấn đề toàn cầu, bao gồm cả quần đảo Thái Bình Dương.
Sau cuộc họp, bà Ardern cho biết cuộc gặp với ông Biden phản ánh mối bang giao giữa hai quốc gia.
Bà Ardern nói với các phóng viên: “Ấm áp, thân thiện, chia sẻ giá trị, và cùng chung thách thức. Tôi cảm thấy được khích lệ rất nhiều bởi tính chất của buổi tọa đàm mà chúng tôi đã có ngày hôm nay.”
Bà lưu ý rằng New Zealand nằm trong một khu vực “ngày càng có nhiều tranh chấp,” nhưng việc tham gia vào khu vực đó phải “theo các điều kiện tương ứng của chúng tôi” chứ không phải nhằm đáp trả Trung Quốc.
Đây là lần đầu tiên một vị thủ tướng của New Zealand đến thăm một vị tổng thống của Hoa Kỳ tại Tòa Bạch Ốc kể từ khi cựu Thủ tướng John Key gặp Tổng thống Barack Obama hồi năm 2014.
Nghị trình Quần đảo Thái Bình Dương
Trong một tuyên bố chung giữa Tòa Bạch Ốc và tòa nhà hình tổ ong – Cơ quan hành pháp của Quốc hội New Zealand, chính phủ hai nước đã tái khẳng định “cam kết kiên định” của họ đối với khu vực Quần đảo Thái Bình Dương.
Bà Ardern hoan nghênh quyết định của Hoa Kỳ trong việc tăng cường hợp tác trong khu vực và mở rộng sự hiện diện ngoại giao trong khu vực Thái Bình Dương.
“Chúng tôi lo ngại về sự cạnh tranh chiến lược ngày càng tăng ở khu vực Thái Bình Dương, vốn có nguy cơ làm suy yếu các thể chế và thỏa thuận hiện có làm nền tảng cho an ninh của khu vực,” tuyên bố cho biết.
Hai quốc gia đặc biệt nhấn mạnh mối lo ngại của họ đối với hiệp ươc an ninh giữa Bắc Kinh và Quần đảo Solomon, cũng như việc thiết lập sự hiện diện quân sự của một nhà nước “không có chung các giá trị với chúng ta.”
Các bình luận này được đưa ra khi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ký hiệp ước an ninh với quốc đảo Tonga ở Thái Bình Dương trong chuyến công du Thái Bình Dương của mình, sau các thỏa thuận đã ký khác với Kiribati, Samoa, và Quần đảo Solomon.
Ngoài ra, trong bản tuyên bố chung, Tòa Bạch Ốc coi biến đổi khí hậu là “mối đe dọa hiện hữu” đối với các quốc gia trên thế giới, có khả năng “ảnh hưởng nghiêm trọng” trong khu vực Thái Bình Dương.
Theo Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) – một cơ quan trực thuộc Liên Hiệp Quốc, nhiệt độ cao hơn 1.5 độ C sẽ khiến toàn bộ các quốc gia ở quần đảo Thái Bình Dương chìm trong biển nước vào cuối thế kỷ này.
Nhưng một nghiên cứu của Đại học Auckland cho thấy một số hòn đảo trũng ở Thái Bình Dương được cho là có nguy cơ bị chìm dưới nước đã thực sự tăng kích thước kể từ năm 1943.
Những lời bình luận từ Hoa Kỳ và New Zealand này theo sau cam kết của tân chính phủ Úc trong việc tài trợ cho đầu tư mới về khí hậu Thái Bình Dương.
“Chúng tôi sẽ lắng nghe. Chúng tôi sẽ lắng nghe quý vị — những ý tưởng của quý vị về cách chúng ta có thể đối mặt với những thách thức chung và đạt được nguyện vọng chung của chúng ta,” tân Ngoại trưởng Penny Wong nói với Fijians trong một buổi nói chuyện hôm 26/05.
Kiểm soát súng
Chuyến thăm của thủ tướng cũng đề cập đến vấn đề kiểm soát súng và chủ nghĩa cực đoan bạo lực sau vụ xả súng thảm khốc tại trường học ở Uvalde, Texas, làm cho 19 trẻ em và hai giáo viên thiệt mạng.
Chính quyền TT Biden đã cam kết không ngừng nỗ lực kết hợp với lĩnh vực công nghệ và xã hội dân sự để chống lại nội dung bạo lực cực đoan trên mạng.
Bà Ardern đã đề cập đến vấn đề cực đoan hóa trên mạng trong bài diễn văn quan trọng tại Harvard của bà, nơi mà bà đã kêu gọi các công ty truyền thông xã hội công nhận và hành động trên quyền lực mà họ nắm giữ như một “quảng trường thành phố” mới.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc cùng nhau để xây dựng các chiến lược và chia sẻ các phương pháp hay nhất để chống lại thông tin giả và thông tin sai lệch, sự lan truyền của chúng đe dọa các giá trị và thể chế dân chủ của chúng tôi,” tuyên bố chung viết.
Ông Biden cũng cam kết sẽ họp với Quốc hội về luật kiểm soát súng mà không đưa ra bất kỳ chi tiết cụ thể nào.
“Thật tiếc là, tôi đã từng gặp nhiều vụ nổ súng hàng loạt hơn bất kỳ Tổng thống nào trong lịch sử Hoa Kỳ,” ông nói. “Và rất nhiều trong số đó có thể ngăn chặn được, và sự tàn phá của chuyện này thật đáng kinh ngạc.”
Cô Rebecca Zhu sống tại Sydney. Cô chuyên về các vấn đề quốc gia của Úc và New Zealand. Hãy liên lạc với cô qua địa chỉ: [email protected].