Thủ tướng Netanyahu: Israel sẽ ‘đơn độc’ nếu cần khi TT Biden đe dọa hoãn giao vũ khí
Tổng thống Biden nói: ‘Nếu họ tiến vào Rafah thì tôi sẽ không cung cấp vũ khí.’
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố đất nước của ông sẽ chiến đấu một mình và bằng “mọi giá” nếu cần sau khi Tổng thống Joe Biden đe dọa sẽ ngừng cung cấp cho các lực lượng Israel một số loại vũ khí trong trường hợp quân đội Israel nhắm vào các trung tâm dân cư đông đúc ở thành phố Rafah, phía nam Gaza.
Ông Netanyahu đã đặt ra một mục tiêu trong chiến dịch quân sự của Israel tại Gaza nhằm tiêu diệt nhóm khủng bố Hamas, và mô tả Rafah là một trong những thành trì lớn cuối cùng của nhóm này. Mặt khác, Tổng thống Biden đã nêu ra lo ngại rằng một hoạt động quân sự quy mô lớn ở Rafah có nguy cơ gây hại cho thường dân Gaza, những người đã di chuyển đến thành phố này trong bảy tháng giao tranh vừa qua.
Trong một phiên điều trần tại Thượng viện hôm thứ Tư (08/05), Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin xác nhận rằng chính phủ TT Biden đã trì hoãn việc giao một lô hàng “đạn dược có trọng tải lớn” cho Israel.
Ông Austin nói: “Một quả bom có đường kính nhỏ là rất hữu dụng; đó là một loại vũ khí chính xác rất hữu dụng trong môi trường xây dựng [mật độ dày đặc]. Nhưng có lẽ không đến nỗi là một quả bom nặng 2,000 pound (hơn 900 kg) có thể gây ra nhiều thiệt hại ngoài dự kiến.”
Vài giờ sau phát ngôn của ông Austin tại Thượng viện, Tổng thống Biden đã trả lời phỏng vấn của CNN, trong đó ông nói rằng dân thường “đã bị sát hại ở Gaza là hậu quả” của việc Israel sử dụng bom nặng 2,000 pound. Sau đó, Tổng thống nhắc lại việc ông phản đối một cuộc tấn công quy mô lớn của Israel ở Rafah, tuyên bố rằng ông sẽ từ chối một số loại viện trợ sát thương nếu các lực lượng Israel mở rộng hoạt động ở Rafah.
Tổng thống Biden nói: “Nếu họ tiến vào Rafah thì tôi sẽ không cung cấp vũ khí.”
Không đề cập trực tiếp đến việc Hoa Kỳ trì hoãn các chuyển hàng vũ khí hoặc những bất đồng về cuộc tấn công ở Rafah, trong một tuyên bố qua video hôm thứ Năm (09/05), ông Netanyahu tuyên bố rằng chính phủ của ông sẽ không bị thoái chí trong các nỗ lực chiến tranh của mình.
“Nếu phải đơn độc, thì chúng tôi sẽ đơn độc. Nếu cần, chúng tôi sẽ chiến đấu bằng mọi giá,” ông Netanyahu nói. “Nhưng không phải là chúng tôi không có nguồn lực gì.”
Phát ngôn viên của IDF: ‘Chúng tôi có những gì mình cần’ cho chiến dịch Rafah
Chuẩn Đô đốc Daniel Hagari, phát ngôn viên của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), đã đưa ra lời bảo đảm trong một cuộc họp báo hôm thứ Năm rằng các lực lượng của Israel có vũ khí và thiết bị cần thiết để thực hiện các kế hoạch [tấn công] Rafah.
Phát ngôn viên IDF này nói với các phóng viên: “Quân đội có nhiều đạn dược cho các nhiệm vụ mà họ dự tính, và cho các nhiệm vụ ở Rafah nữa—chúng tôi có những thứ mình cần.”
Bất chấp những lời đe dọa từ chối chuyển giao một số vũ khí của Tổng thống Biden vì những bất đồng về chiến dịch Rafah, phát ngôn viên IDF này cho biết sự giúp đỡ của Hoa Kỳ dành cho Israel trong cuộc chiến đang diễn ra là “chưa từng có.” Ông lưu ý đến sự giúp đỡ của Hoa Kỳ trong việc đánh chặn phi đạn và phi cơ không người lái mà Iran phóng vào Israel hồi tháng Tư.
Chuẩn Đô đốc Hagari cho biết, tuy có tranh cãi nảy sinh giữa các nhà lãnh đạo Israel và Hoa Kỳ nhưng chúng nên được giải quyết kín đáo.
Tổ chức người Mỹ gốc Do Thái: Chậm trễ chuyển giao vũ khí gửi đi ‘thông điệp bất hòa’
Nói với “NTD Good Morning” hôm thứ Năm, chiến lược gia chính trị của Đảng Dân Chủ và là cựu thượng nghị sĩ tiểu bang ở New York David Carlucci cho biết việc tạm dừng giao một số loại vũ khí có trọng tải lớn, chẳng hạn như những quả bom 2,000 pound, là một biện pháp thận trọng thích hợp từ phía chính phủ TT Biden.
“Tôi cho rằng đây là sự thận trọng mà chúng ta mong muốn ở một nhà lãnh đạo, để bảo đảm rằng nếu như chúng ta cung cấp cho ngay cả Israel, đồng minh lớn nhất của mình, những vũ khí sát thương thì chúng ta cần bảo đảm rằng chúng ta thận trọng và vũ khí sẽ được sử dụng theo cách phù hợp nhất,” ông Carlucci nói.
Tuy nhiên, Diễn đàn Chính sách Do Thái—một tổ chức của người Mỹ gốc Do Thái đưa ra các khuyến nghị chính sách về cuộc xung đột kéo dài giữa Israel và Palestine—nói rằng ngay cả khi những quả bom nặng 2,000 pound là không cần thiết, thì việc tạm dừng gửi vũ khí sẽ phát những tín hiệu trái chiều về sự ủng hộ của Hoa Kỳ dành cho Israel.
“Mặc dù việc không gửi những quả bom nặng 2,000 pound cho chiến dịch ở Rafah không khiến cho sự tồn vong của Israel lâm nguy hoặc thậm chí khiến chiến dịch ở Rafah không thể thực hiện được, nhưng điều này gửi đi một thông điệp trái ngược vào thời điểm khi mà Hamas đang từ chối thỏa thuận về con tin vì họ hy vọng rằng áp lực lên Israel sẽ gia tăng và họ sẽ đạt được lệnh ngừng bắn mà không phải mất gì,” Diễn đàn Chính sách Do Thái nói trong một thông cáo báo chí hôm thứ Năm.
Chính phủ TT Biden đã cố gắng cân bằng sự trợ giúp quân sự cho Israel với những nỗ lực tạo thuận tiện cho viện trợ nhân đạo ở Dải Gaza và thúc đẩy các cuộc đàm phán ngừng bắn cho cuộc xung đột này.