Thủ tướng Kishida: Hoa Kỳ sẽ ủng hộ việc Nhật Bản trở thành ủy viên thường trực HĐBA LHQ
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết quốc gia này dự định trở thành một thành viên trong nhóm ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hiện gồm năm nước là: Cộng hoà Liên bang Nga, CHND Trung Hoa, Cộng hoà Pháp, Liên hiệp Vương quốc Anh–Bắc Ireland, và Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.
Hôm 23/05, ông Kishida nói trong một cuộc họp báo chung với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, “Tôi bày tỏ sự cần thiết phải cải tổ và củng cố Liên Hiệp Quốc, bao gồm cả Hội đồng Bảo an, nơi có tầm quan trọng ngày càng tăng đối với hòa bình và an ninh của cộng đồng quốc tế, và đã nhận được sự ủng hộ của tổng thống [Hoa Kỳ].”
Ông Kishida cho biết, “Ngài Tổng thống tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ ủng hộ việc Nhật Bản trở thành ủy viên thường trực của một Hội đồng Bảo an đã được cải tổ.”
Theo hiến chương của Liên Hiệp Quốc, Hội đồng Bảo an chịu trách nhiệm chính trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Cơ quan này xác định chi tiết việc khai triển của các hoạt động hòa bình của Liên Hiệp Quốc và quyết định cách ứng phó với các cuộc khủng hoảng trên toàn thế giới.
Theo các khoản đóng góp nhận được cho Ngân sách Thường xuyên của Liên Hiệp Quốc vào năm 2022, Nhật Bản đã đóng góp nhiều hơn mọi quốc gia, với hơn 230 triệu USD. Các quốc gia đóng góp nhiều sau Nhật Bản là Đức với 175 triệu USD và Vương quốc Anh với 125 triệu USD.
Nhật Bản sẽ giữ chức chủ tịch Nhóm các nước công nghệ phát triển (Nhóm G-7) vào năm 2023.
Ông Kishida cho biết, “Trong khi thế giới đang phải đối mặt với một thách thức chưa từng có do cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine, và nguy cơ gia tăng của việc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt đã gây ra, tại hội nghị thượng đỉnh G-7 vào năm tới, tôi hy vọng chúng ta có thể thể hiện ý chí của G-7 là kiên quyết phản đối hành động gây hấn bằng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, và nỗ lực gây bất ổn trật tự quốc tế với một sức mạnh sẽ tạo nên dấu ấn trong lịch sử.”
Thủ tướng cũng nói về tầm quan trọng chiến lược của khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương, đồng thời nhấn mạnh việc duy trì và phát triển một “trật tự quốc tế tự do và cởi mở” cùng với Hoa Kỳ.
Trong chuyến thăm Tokyo này, ông Biden đã khởi động Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương (IPEF) với 12 quốc gia khu vực, cùng với Hoa Kỳ. IPEF được quảng bá là một mối liên kết đối tác kinh tế tập trung vào khu vực Á Châu–Thái Bình Dương.
Ông Biden đã nói về việc hợp tác cùng nhau “để bảo đảm một Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương tự do và cởi mở, tạo ra cơ hội, và thịnh vượng cho mọi dân tộc trong khu vực này.”
Ông nói: “Hoa Kỳ vẫn giữ nguyên cam kết đối với quốc phòng của Nhật Bản và chúng tôi hoan nghênh cơ hội hợp tác chặt chẽ hơn trong một môi trường an ninh ngày càng thách thức.”
Ông Biden ủng hộ Nhật Bản xây dựng khả năng quốc phòng của mình, ông nói: “Một Nhật Bản mạnh mẽ và một liên minh Nhật–Mỹ mạnh mẽ là một lực lượng hướng thiện trong khu vực này.”
Tổng thống Hoa Kỳ đã nói về hòa bình và ổn định mà “chúng tôi hy vọng sẽ tăng lên” ở Eo biển Đài Loan, khi thúc đẩy “tự do hàng hải” ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, đồng thời răn đe Bắc Hàn.
Nhật Bản hiện là một thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bao gồm 9 quốc gia khác: Angola, Ai Cập, Malaysia, New Zealand, Senegal, Tây Ban Nha, Ukraine, Uruguay, và Venezuela. Họ được bầu theo sự phân bổ khu vực địa lý với nhiệm kỳ hai năm.
Nhật Bản có thể gia hạn tư cách thành viên lần thứ 12 vào năm 2023, như vậy nước này sẽ trở thành thành viên không thường trực dài hơi nhất trong Hội đồng Bảo an.
Từ lâu đã có những lời kêu gọi cải tổ trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Bởi vì hiến chương của hội đồng này quy định rằng các quốc gia có đóng góp đáng kể cho Liên Hiệp Quốc nên trở thành ủy viên của hội đồng, Nhật Bản và Đức được coi là những ứng cử viên hàng đầu cho các ghế thường trực mới.
Ông Naveen Athrappully là một phóng viên tin tức đưa tin về các sự kiện kinh doanh và thế giới cho The Epoch Times.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: