Thủ tướng Johnson: Các biện pháp trừng phạt có thể không ngăn được ông Putin
Hôm Chủ Nhật (20/02), Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết các biện pháp trừng phạt từ phương Tây “có thể là không đủ” để ngăn chặn một cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine vì ông chấp nhận rằng Tổng thống (TT) Vladimir Putin “có thể đang suy nghĩ trái logic.”
Tuy nhiên, một quan chức Nga đã bác bỏ các dự đoán về chiến tranh, đồng thời cáo buộc các nhà lãnh đạo phương Tây “đang gây hấn” và cáo buộc Ukraine “nã pháo vào các nhóm dân cư ôn hòa” ở khu vực Donbas.
Việc này diễn ra khi Moscow mở rộng các cuộc tập trận gần biên giới phía bắc của Ukraine và trong bối cảnh có thông tin từ Ukraine rằng hai binh sĩ đã thiệt mạng do các cuộc pháo kích của phe ly khai.
Hôm Chủ Nhật (20/02), ông Johnson đã nói chuyện với BBC về việc Vương quốc Anh sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt “gây thiệt hại rất lớn và rất khó khăn” đối với Nga, nhưng điều đó “có thể sẽ là không đủ để răn đe một kẻ không có lý trí.”
“Chúng ta phải chấp nhận vào lúc này rằng ông Vladimir Putin có thể đang suy nghĩ trái logic về điều này và không nhìn thấy thảm họa ở phía trước,” ông nói và cho biết thêm rằng điều “quan trọng” là phải nói rõ “thảm họa sẽ là gì đối với Nga.”
Ngài thủ tướng cho biết ông tin rằng điều mà TT Putin muốn thấy là NATO bị đẩy lùi khỏi sườn phía đông giáp với Nga, nhưng “ông ấy sẽ chứng kiến điều hoàn toàn ngược lại” nếu một cuộc xâm lược được tiến hành.
Ông Johnson nói, “Nếu ông ấy nghĩ rằng ông sẽ thấy có ít sự hiện diện của NATO hơn do kết quả của điều này, thì ông ấy đã hoàn toàn sai rồi. [Mà ngược lại,] ông ấy sẽ thấy xuất hiện thêm nhiều [lực lượng của] NATO.”
Nhưng ông đã phủ nhận rằng một cuộc xâm lược là không thể tránh khỏi, nói rằng chỉ có ông Putin mới biết điều gì sẽ xảy ra.
Tối hôm thứ Bảy (19/02), ông Johnson cho biết thông tin tình báo gợi ý rằng Nga đang có kế hoạch bao vây Kyiv từ phía đông và phía bắc, và kế hoạch mà ông nhìn thấy là chuẩn bị “cho một cuộc chiến có thể thật sự là cuộc chiến lớn nhất ở Âu Châu kể từ năm 1945, xét chỉ riêng về quy mô.”
Cũng trong ngày Chủ Nhật, Ngoại trưởng Anh Liz Truss nói với tờ Daily Mail rằng bà tin rằng tham vọng của ông Putin “sẽ không dừng lại ở Ukraine,” mà thay vào đó ông ấy “muốn quay ngược chiều kim đồng hồ về giữa những năm 1990 hoặc thậm chí trước đó,” khiến các quốc gia vùng Baltic gặp rủi ro.
Ông Dmitry Polyanskiy, phó đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại Liên Hiệp Quốc, cáo buộc phương Tây đang “đang gây hấn” bằng cách tạo ra một “cuộc khủng hoảng nhân tạo” ở Ukraine.
Ông nói với chương trình “Trevor Phillips On Sunday” của kênh Sky News rằng Moscow có “quyền được quan tâm” về sự bố trí cơ sở hạ tầng và quân đội của NATO “gần biên giới của chúng tôi.”
Khi ông Phillips đặt câu hỏi với ông rằng có phải là ông Putin đang “tận hưởng” sự chú ý của quốc tế không, thì ông Polyanskiy đã trả lời, “Tôi nghĩ rằng ‘tận hưởng’ không phải là từ thích hợp mà ông có thể sử dụng trong những trường hợp này khi chúng ta hoàn toàn có thể nhận thấy sự thiếu trách nhiệm thay mặt cho các nhà lãnh đạo phương Tây ngay lúc này, cũng như rất nhiều hành động hù dọa và gây hấn.”
“Tôi không biết liệu có ai đang thích tình trạng này ở Nga hay không,” ông nói, đồng thời gán cho tình hình ở Ukraine là một “cuộc khủng hoảng nhân tạo” và cáo buộc Kyiv “nã pháo vào các nhóm dân cư ôn hòa ở Donbas.”
Khi được hỏi phương Tây nên nhận thức như thế nào về việc Nga tổ chức các cuộc tập trận hạt nhân, ông đã trả lời: “Tôi không nghĩ rằng các cuộc tập trận trên lãnh thổ của chúng tôi sẽ khiến bất kỳ ai lo lắng.”
Sự nhân nhượng
Nga đã đồn trú hơn 100,000 quân dọc theo biên giới với Ukraine trong khoảng một tháng, nhưng Moscow vẫn liên tục bác bỏ cáo buộc rằng họ có kế hoạch xâm lược nước láng giềng phía nam của mình, đồng thời tuyên bố rằng quân đội của họ đang thực hiện các cuộc tập trận theo kế hoạch đồng thời đe dọa “các biện pháp quân sự-kỹ thuật” không xác định nếu Hoa Thịnh Đốn tiếp tục phớt lờ các yêu cầu của họ.
Một điểm quan trọng nữa là Ukraine đang là thành viên tiềm năng của liên minh quốc phòng NATO.
Moscow đã yêu cầu Hoa Kỳ và các đồng minh của họ cam kết có ràng buộc rằng họ sẽ không chấp nhận việc Ukraine gia nhập NATO. Nga cũng muốn liên minh này ngừng khai triển vũ khí tới Ukraine và rút lực lượng của họ ra khỏi Đông Âu.
Hoa Thịnh Đốn và NATO đã bác bỏ những yêu cầu đó, với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng cánh cửa của tổ chức này “vẫn đang khai mở” đối với Ukraine và liên minh này “tin tưởng mạnh mẽ rằng tất cả các quốc gia đều có quyền lựa chọn con đường của riêng mình.”
Nhưng các nước NATO vẫn khẳng định rằng họ sẽ không vào Ukraine trong trường hợp Nga xâm lược bởi vì việc bảo đảm an ninh theo Điều 5 của hiệp ước của liên minh này chỉ dành cho các thành viên của họ, mà Ukraine hiện giờ vẫn chưa phải.
Mặc dù các nước NATO cam kết sẽ trừng phạt chống lại Nga nếu nước này tiến hành một cuộc xâm lược, và những hỗ trợ khác cho Ukraine, nhưng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã cho rằng những lời hứa này là không đủ.
“Các vị đang nói với tôi rằng 100 [phần trăm] cuộc chiến này sẽ bắt đầu sau vài ngày nữa. Rồi sao nữa, [các vị] đang chờ đợi điều gì đây?” ông Zelensky nói với các nhà lãnh đạo thế giới tại Hội nghị An ninh Munich ở Đức hôm thứ Bảy (19/02).
Ông nói, “Chúng tôi không cần các lệnh trừng phạt của các vị sau khi có vụ ném bom nào đó xảy ra, và sau khi đất nước của chúng tôi bị bắn phá, hoặc sau khi chúng tôi không còn biên giới nữa, hoặc sau khi chúng tôi không còn nền kinh tế, hoặc các vùng của đất nước chúng tôi bị chiếm đóng. Lúc đó chúng tôi còn cần những biện pháp trừng phạt đó để làm gì?”
“Vì vậy, trong khi các vị đang hỏi có thể làm được gì không, thì rất nhiều việc khác nhau đã có thể được thực hiện rồi. Chúng tôi thậm chí có thể cung cấp cho các vị danh sách này. Quan trọng nhất là sự sẵn lòng,” ông cho biết.
Tổng thống Ukraine cho biết nước này có quyền “yêu cầu chuyển từ chính sách nhân nhượng sang bảo đảm các cam kết về an ninh.”
Khi được hỏi về nhận xét của ông Zelensky, ông Johnson cho biết ông không nghĩ cách miêu tả sự việc như thế này là “công bằng.”
Ông nói: “Tôi nghĩ rằng những gì chúng tôi đang cố gắng làm là cung cấp mọi hỗ trợ có thể cho Ukraine, và bảo đảm rằng chúng tôi sẽ tấn công Nga bằng gói trừng phạt kinh tế mạnh mẽ nhất có thể.”
Ông cho biết Vương quốc Anh đã cung cấp một “gói hỗ trợ kinh tế khổng lồ” cho Ukraine, vốn đang lên tới 100 triệu bảng Anh (136 triệu USD), và NATO cũng đang “củng cố” sườn phía đông của liên minh này.
Vương quốc Anh cũng đã cung cấp cho Ukraine vũ khí phòng thủ và hỗ trợ huấn luyện.
Cô Lily Zhou là một phóng viên tự do chủ yếu đưa tin về Anh Quốc cho The Epoch Times.
Bản tin có sự đóng góp của Tom Ozimek và PA Media
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: