Thủ tướng Hà Lan: ‘Sự thật khó chịu’, Liên minh Âu Châu không thể cắt khỏi nguồn cung cấp năng lượng của Nga
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã bác bỏ khả năng Liên minh Âu Châu cấm nhập cảng nguồn cung cấp năng lượng của Nga trong bối cảnh Moscow xâm lược Ukraine.
Ông Rutte nói trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron: “Chúng ta phải thảo luận về những điểm dễ bị tổn thương do chúng ta phụ thuộc vào năng lượng vào dầu mỏ và khí đốt của Nga. Tôi sẽ không khẩn cầu cho việc cắt nguồn cung cấp dầu và khí đốt của chúng tôi từ Nga ngày hôm nay. Điều đó là không thể bởi vì chúng tôi cần nguồn cung cấp này và đó là sự thật khó chịu.”
Ông Rutte lưu ý rằng EU phải làm nhiều hơn nữa cho “nghị trình xanh” và giảm cacbon cho nền kinh tế của các quốc gia thành viên.
Tuyên bố của ông được đưa ra sau khi Ủy ban Âu Châu công bố kế hoạch đưa Âu Châu độc lập khỏi nhiên liệu hóa thạch trước năm 2030. Khoảng 45% lượng khí đốt nhập cảng của EU là từ Nga, cùng với 45% lượng than nhập cảng của EU và 25% lượng dầu nhập cảng của EU.
Theo kế hoạch REPowerEU, khả năng phục hồi của hệ thống năng lượng toàn EU sẽ được thúc đẩy nhờ một số yếu tố—thúc đẩy nhập cảng khí tự nhiên hóa lỏng và đường ống từ các nhà cung cấp không phải của Nga, tăng sản xuất và nhập cảng biomethane và hydro tái tạo, cắt giảm lượng nhiên liệu hóa thạch, bảo đảm hiệu quả năng lượng cao hơn, v.v.
Ủy ban Âu Châu ước tính rằng việc thực hiện các đề nghị của mình sẽ cắt giảm 30% lượng tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch hàng năm vào năm 2030.
Dần dần, kế hoạch này có thể loại bỏ 155 tỷ mét khối sử dụng khí hóa thạch, tương đương với lượng khí đốt mà EU nhập cảng từ Nga vào năm 2021. 2/3 mức giảm này có thể đạt được trong vòng một năm, do đó giúp khu vực này nhanh chóng thu hẹp sự phụ thuộc năng lượng của mình vào một nhà cung cấp duy nhất.
Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen cho biết trong một tuyên bố: “Chúng ta chỉ đơn giản là không thể dựa vào một nhà cung cấp đã đe dọa chúng ta một cách rõ ràng. Chúng ta cần phải hành động ngay bây giờ để giảm thiểu tác động của việc tăng giá năng lượng, đa dạng hóa nguồn cung cấp khí đốt cho mùa đông tới và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch. Chúng ta càng nhanh chóng chuyển sang năng lượng tái tạo và hydro, kết hợp với hiệu quả năng lượng cao hơn, chúng ta sẽ thực sự độc lập và làm chủ hệ thống năng lượng của mình càng nhanh chóng.”
Bà Kadri Simson, Cao ủy Âu Châu về Năng lượng, chỉ ra rằng cuộc xâm lược của Nga đã đẩy giá năng lượng lên “mức chưa từng có” và làm trầm trọng thêm an ninh của các nguồn cung cấp năng lượng.
Mặc dù Âu Châu có đủ khí đốt để đáp ứng nhu cầu cho những tuần còn lại của mùa đông, nhưng cần phải bổ sung dự trữ “khẩn cấp” cho năm tới. Là một phần của mục tiêu này, Ủy ban có kế hoạch yêu cầu các nước thành viên EU lấp đầy dự trữ xăng lên đến 90% trước ngày 01/10.
Tại Hoa Kỳ, Tổng thống Joe Biden đã công bố lệnh cấm đối với dầu mỏ, khí đốt và năng lượng của Nga, khẳng định rằng điều đó sẽ giáng một “đòn mạnh” vào Tổng thống Nga Vladimir Putin. Vương quốc Anh tuyên bố sẽ loại bỏ dần việc nhập cảng dầu của Nga vào cuối năm 2022.
Ông Naveen Athrappully là một ký giả tin tức đưa tin về các sự kiện kinh doanh và thế giới tại The Epoch Times.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: