Thủ tướng Đài Loan muốn luật bảo vệ vi mạch bán dẫn khắt khe hơn sớm được thông qua
Thủ tướng Đài Loan cho biết các điều luật bảo vệ vi mạch bán dẫn khắt khe hơn cần phải được thông qua “vào một ngày sớm nhất” vì Trung Quốc đang nhòm ngó nhân tài và công nghệ của hòn đảo này.
Thủ tướng Đài Loan Tô Trinh Xương (Su Tseng-chang) nói trong một cuộc họp Nội các hôm 11/04 rằng mối đe dọa từ “chuỗi cung ứng đỏ”, ý nói tới sự thâm nhập của Bắc Kinh vào đất nước này, cần một biện pháp ngăn chặn hiệu quả, theo một tuyên bố chính thức được ban hành cuối hôm thứ Hai (11/04).
Hồi tháng Hai, nội các đã đề nghị các tội danh mới đối với “gián điệp kinh tế” theo luật an ninh quốc gia, đồng thời đề ra hình phạt lên tới 12 năm tù đối với những ai làm rò rỉ công nghệ cốt lõi cho Trung Quốc. Quốc hội Đài Loan vẫn chưa thông qua sửa đổi này.
Ông Tô đã kêu gọi Bộ Tư pháp làm việc với quốc hội để bảo đảm các bản sửa đổi của luật này có thể được thông qua càng sớm càng tốt. Những sửa đổi như vậy nhắm vào hoạt động gián điệp do Trung Quốc hậu thuẫn, vì Bắc Kinh, vốn tuyên bố hòn đảo được cai trị dân chủ này là của riêng mình, đang đẩy mạnh hoạt động gián điệp kinh tế.
Đài Loan là quê hương của một số nhà sản xuất vi mạch bán dẫn tiên tiến và lớn nhất thế giới như Tập đoàn Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC). Chiếm 92% năng lực sản xuất chất bán dẫn tiên tiến nhất thế giới, các vi mạch bán dẫn tự sản xuất của tập đoàn này được tìm thấy trên toàn thế giới trong các thiết bị điện tử, từ chiến đấu cơ đến điện thoại di động.
Hòn đảo này cũng sở hữu phần lớn thứ mà Trung Quốc cần — đó là chuyên môn về vi mạch bán dẫn.
Bắc Kinh vẫn đang phụ thuộc nặng nề vào vi mạch bán dẫn nhập cảng từ ngoại quốc, nhưng lại tuyên bố là đã đạt được khả năng tự lực. Chưa kể trong những năm qua, họ thường cố gắng giành lấy công nghệ vi mạch hàng đầu thế giới của Đài Loan. Một số công ty quốc doanh của Trung Quốc đã đưa ra những đài thọ như lương cao hơn gấp năm lần, hàng năm được về thăm nhà miễn phí, và những căn hộ với nhiều trợ cấp, để lôi kéo tài năng công nghệ của Đài Loan.
Trong cuộc họp hôm thứ Hai, ông Tô lưu ý rằng, trong khi các công ty Trung Quốc giả danh là người Đài Loan để mua chuộc nhân tài, thì các bộ ngành khác trong nước, bao gồm cả Bộ Kinh tế và cơ quan hàng đầu về hoạch định chính sách Trung Quốc – Hội đồng Các vấn đề Đại lục, cần phải tăng cường các hình phạt “để có một tác dụng răn đe.”
Tổ bắt giữ gián điệp của Đài Loan đã thăm dò khoảng 100 công ty Trung Quốc bị tình nghi mua chuộc trái phép các kỹ sư về chất bán dẫn và các nhân tài công nghệ khác, Reuters đưa tin hôm 08/04, dẫn lời một quan chức cao cấp tại Cục Điều tra Bộ Tư pháp của hòn đảo này.
Đây là con số cao nhất trong số bảy vụ truy tố kể từ đầu năm ngoái (2021), cộng với 27 công ty bị đột kích hoặc có chủ sở hữu đã bị cục điều tra này triệu tập để thẩm vấn, vị quan chức này cho biết.
Cô Rita Li là phóng viên của The Epoch Times, chuyên về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Cô bắt đầu viết cho ấn bản Hoa ngữ từ năm 2018.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: