Thủ tướng chính phủ Tây Tạng lưu vong: Cần phải hiểu Tây Tạng để hiểu Trung Quốc
Thế giới cần phải hiểu vấn đề Tây Tạng để có thể hiểu những gì đang xảy ra ở Trung Quốc đương đại, Thủ tướng Chính phủ Trung ương Tây Tạng (CTA), còn gọi là Chính phủ lưu vong Tây Tạng nói.
Tiến sĩ Lobsang Sangay trong một cuộc phỏng vấn qua email độc quyền từ trụ sở của CTA ở Dharamshala, Ấn Độ, nói với The Epoch Times rằng “Hãy nghiên cứu Tây Tạng để hiểu đầy đủ về khả năng của Đảng Cộng sản Trung Quốc.”
Hôm 15/10, ông Sangay đã tham dự một cuộc họp chính thức tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trong một động thái chưa từng có trong sáu thập kỷ, ngay sau khi ông Robert A. Destro được bổ nhiệm làm điều phối viên đặc biệt về các vấn đề Tây Tạng. Ông Sangay cho biết ông và ông Destro đã cùng thảo luận về tình hình nguy cấp ở Tây Tạng và báo cáo gần đây về các trại lao động tập thể ở Tây Tạng.
“Chúng tôi cũng thảo luận về tầm quan trọng của việc đổi mới đối thoại giữa các phái viên của Đức Đạt Lai Lạt Ma và chính phủ Trung Quốc. Tôi đã kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ và Điều phối viên đặc biệt Destro thúc ép Trung Quốc vào cuộc. Chúng tôi cũng thảo luận thêm về việc nhanh chóng thông qua Đạo luật Chính sách và Hỗ trợ Tây Tạng 2019 tại Thượng viện,” ông nói trong khi đang cách ly tại Dharamshala, cách thủ đô New Delhi của Ấn Độ 300 dặm về phía Bắc.
Ông Sangay cho biết ông không ngạc nhiên khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gọi cuộc gặp giữa ông và ông Destro là một “động thái nhằm gây bất ổn cho Tây Tạng”.
“Trung Quốc nên nhận ra rằng Tây Tạng đã và đang bị mất ổn định vì các chính sách đàn áp của họ. Trung Quốc nên hiểu rằng một cuộc đối thoại có ý nghĩa với các phái viên của Đức Đạt Lai Lạt Ma, dựa trên Phương pháp Trung đạo [MWA], là cách duy nhất để giải quyết vấn đề Tây Tạng”, ông nói.
“Trung Quốc trong sáu thập kỷ qua đã không đạt được sự ổn định và thống nhất mà họ mong muốn thông qua các chính sách đàn áp của mình. Họ đã không đạt được điều này trong 60 năm qua và sẽ không đạt được trong tương lai, trừ khi vấn đề Tây Tạng được giải quyết trong hòa bình,” ông nói và cho biết thêm rằng vấn đề Tây Tạng và Phương pháp Trung đạo (MWA) đã nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng trong Quốc hội Hoa Kỳ và chính phủ Tổng thống Trump.
“Gần đây sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc đã buộc nhiều quốc gia và các nhà lãnh đạo phải theo đuổi lợi ích kinh tế hơn cả nhân quyền và công lý. Tuy nhiên, các tổng thống trước đây của Hoa Kỳ kể từ tổng thống George Bush cha đã tiếp đón Đức Đạt Lai Lạt Ma và ưu tiên các vấn đề nhân quyền, bao gồm cả tình hình nguy cấp ở Tây Tạng,” ông Sangay cho biết.
Ông cho biết CTA sẽ đề xuất “các nỗ lực xây dựng hòa bình” với người thắng cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ và cũng sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ trong việc giải quyết vấn đề Tây Tạng một cách hòa bình thông qua đối thoại dựa trên MWA.
‘Hoặc chúng ta thay đổi Trung Quốc, hoặc Trung Quốc thay đổi chúng ta’
Ông Sangay cho rằng Trung Quốc đã thay đổi về kinh tế mà không có “tự do hóa chính trị”, và ông hy vọng sau đại dịch virus Vũ Hán, tất cả các quốc gia dân chủ sẽ cùng nhau đối mặt với chế độ Bắc Kinh.
“Các quốc gia cùng chí hướng, coi trọng công lý, tự do, bình đẳng và trên tất cả, các phương thức dân chủ phải cùng nhau thách thức lại mối đe dọa từ Trung Quốc,” ông Sangay viết trong email.
“Hoặc chúng ta thay đổi Trung Quốc, hoặc Trung Quốc thay đổi chúng ta,” ông phát biểu mới đây tại Hội nghị nhân quyền Vaclav Havel về Trung Quốc.
“Mọi chuyện sẽ không dễ dàng và thế giới không thể chờ đợi với hy vọng rằng Trung Quốc sẽ thay đổi”, ông Sangay nói với The Epoch Times. “Ngày nay, hơn bao giờ hết, thế giới đã học được bài học xương máu rằng Trung Quốc chính là mối đe dọa đối với nhân quyền và dân chủ toàn cầu cùng nhiều điều khác”.
Ông Sangay, người nghiên cứu luật quốc tế và dân chủ tại Đại học Harvard, cho biết Trung Quốc đã và đang xuất khẩu “chiến thuật ngoại giao quyền lực mềm và quyền lực cứng” sang các nước dân chủ khác nhằm phục vụ cho các mục tiêu chính trị của mình.
Ông nói: “Trung Quốc trong thế giới hậu COVID sẽ không khác nhiều so với Trung Quốc trong thời điểm COVID hiện nay”.
“Chỉ trong tháng này, Trung Quốc đã giành được một ghế trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, mặc dù là một trong những nước vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất thế giới. Ngay cả vào thời điểm thế giới đang chìm trong cơn đại dịch, Trung Quốc vẫn quyết tâm xác định lại các chuẩn mực nhân quyền quốc tế và phá vỡ mọi nỗ lực buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về các tội ác nhân quyền của mình ở trong nước và các nơi khác”.
Ông Sangay nói rằng sau đại dịch, ông hy vọng thế giới sẽ rút ra bài học rằng thế giới dân chủ cần bảo vệ các hệ thống minh bạch khỏi các chế độ độc tài như Trung Quốc, bằng cách áp dụng tự do ngôn luận và tự do truyền thông.
Căng thẳng biên giới Ấn Độ – Trung Quốc
Hành động gây hấn của Trung Quốc ở biên giới Himalaya với Ấn Độ đã gây ra căng thẳng trong toàn bộ khu vực, ông Sangay nói.
Các hành động gây hấn của Trung Quốc đang được nhận biết và chứng kiến trên toàn cầu. Ông nói: “Kiểu gây hấn mà chúng tôi thấy ở biên giới lần này rất đáng lo ngại. Tôi đã nói điều này trước đây và tôi xin nhắc lại một lần nữa, đây không phải là cuộc xâm lược quân sự đầu tiên và cũng không phải là lần cuối cùng”.
Ông Sangay cho biết Ấn Độ luôn hòa ái với Trung Quốc bất chấp việc Trung Quốc đã gây hấn và xâm phạm biên giới suốt một thập kỷ qua nhưng Trung Quốc chưa bao giờ đáp lại điều đó.
Ông cho biết sau sự kiện đẫm máu “đáng tiếc” tại biên giới Ấn Độ-Trung Quốc tại Galwan ngày 15/6, Trung Quốc đã khiến Ấn Độ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thực hiện các bước đi cứng rắn.
Ông nói: “Quan trọng nhất, một chính sách đổi mới, mạnh mẽ, đảm bảo có qua có lại trong mọi giao dịch với Trung Quốc và xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với các quốc gia cùng chí hướng là một bước đi đúng hướng”.
“Tất cả các quốc gia phải đặt câu hỏi này: Chúng ta đã chuẩn bị sẵn sàng để đối mặt với một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu khác chưa?” trong thế giới hậu COVID-19.
“Hy vọng rằng khi kết thúc đại dịch này, thế giới sẽ học được bài học rằng các hệ thống dân chủ và minh bạch với quyền tự do ngôn luận và tự do truyền thông cần được bảo vệ chống lại các chế độ độc tài, để các nước trong thế giới tự do có thể cùng nhau chinh phục thành công bất kỳ đại dịch hoặc khủng hoảng nào trong tương lai,” ông Sangay nói.
Ông cho biết người Tây Tạng đã nỗ lực bền bỉ để củng cố chính nghĩa của họ trong sáu thập kỷ qua và vẫn sẽ tiếp tục sau thời kỳ COVID-19.
“Các ưu tiên của chúng tôi luôn là giải quyết vấn đề Tây Tạng thông qua đối thoại có ý nghĩa và chứng kiến sự trở lại hợp pháp của Đức Đạt Lai Lạt Ma về Tây Tạng. Và đó sẽ là ưu tiên hiện nay của chúng tôi cho tới khi chúng tôi đạt được mục tiêu đó, bất chấp bất kỳ thách thức nào mà chúng tôi có thể gặp phải ”.