Các khoản nợ ngoại quốc của Pakistan sẽ tạo gánh nặng cho nhiều thế hệ sắp tới
Hôm 28/05, Thủ tướng Shehbaz Sharif cho biết, nợ ngoại quốc của Pakistan đã lên tới mức mà ngay cả các thế hệ tương lai cũng không thể trả hết.
“Chính phủ của ông Imran Khan đã nhận những khoản vay quá lớn đến mức các thế hệ của chúng ta có thể không trả hết được,” ông Sharif nói trong một bài diễn văn trước công chúng, nhắc đến người tiền nhiệm của mình, tờ The News có trụ sở tại Pakistan đưa tin.
Bài diễn văn của ông Sharif được đưa ra sau khi chính phủ tăng giá nhiên liệu thêm 30 rupee (0.15 USD) mỗi lít hôm 27/05. Xăng hiện có giá 179.86 rupee (0.90 USD), dầu diesel có giá 174.15 rupee (0.88 USD), dầu hỏa là 155.56 rupee (0.78 USD) và giá diesel nhẹ là 148.31 rupee (0.75 USD).
Ông Sharif cho biết hành động này là cần thiết để bảo vệ nền kinh tế của quốc gia, và bởi vì chính phủ tiền nhiệm đã “làm rỗng” ngân khố quốc gia.
“Nhưng để giảm bớt ảnh hưởng của lạm phát đối với người dân, chúng tôi đã công bố một gói trợ cấp,” ông Sharif nói khi cam kết “chiến đấu đến cùng vì sự thịnh vượng của người dân.”
Ông Imran Khan bị lật đổ hồi tháng 04/2022 sau khi thua trong một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm trong quốc hội. Ông đã kêu gọi các cuộc bầu cử mới và tập hợp hàng ngàn người ủng hộ ông đến Islamabad, dẫn đến các cuộc đụng độ với cảnh sát ở một số khu vực.
Ông Khan cũng cáo buộc Hoa Kỳ đã lên kế hoạch cho “một âm mưu ngoại quốc” nhằm lật đổ chính phủ của ông sau chuyến thăm hai ngày của ông đến Nga vào cuối tháng Hai, trùng với cuộc xâm lược của Moscow vào Ukraine. Hoa Thịnh Đốn đã bác bỏ các cáo buộc này.
Hôm 29/05, Bộ trưởng Tài chính Miftah Ismail cho biết Pakistan cần 36 tỷ đến 37 tỷ USD trong năm tài chính tới và phải trả khoảng 21 tỷ USD nợ ngoại quốc đến hạn vào năm 2023. Chính phủ cũng cần thêm 10 tỷ đến 15 tỷ USD để trang trải thâm hụt tài khoản vãng lai.
Theo các tin tức địa phương, Pakistan đã yêu cầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khôi phục gói cứu trợ trị giá 6 tỷ USD và cả hai bên dự kiến sẽ đạt được thỏa thuận vào tháng Sáu.
Ông Miftah nói, “Để nhận các khoản vay từ các tổ chức đa phương, điều bắt buộc phải nằm trong chương trình của IMF. Điều này mở ra nguồn tài chính từ Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Á Châu… và đặc biệt là Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Á Châu do Trung Quốc lãnh đạo.”
Dự trữ ngoại hối do Ngân hàng Nhà nước Pakistan nắm giữ đã giảm 75 triệu USD xuống còn 10.1 tỷ USD trong tháng Năm, mà ngân hàng này cho là do trả nợ ngoại quốc. Pakistan nợ Trung Quốc khoảng 18.4 tỷ USD, tương đương 1/5 nợ ngoại quốc và Trung Quốc đã đồng ý vào tháng Ba để gia hạn khoản nợ 4.2 tỷ USD .
Bộ trưởng Ngoại giao Pakistan Bilawal Bhutto-Zardari đã gặp Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tại New York hôm 17/05 và bày tỏ ý định của Pakistan nhằm tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ.
Trung Quốc đã đầu tư hơn 65 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng theo Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC), một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Bắc Kinh. Các quốc gia khác, bao gồm cả Hoa Kỳ, đã chỉ trích chương trình cơ sở hạ tầng BRI là một “cái bẫy nợ” đối với các quốc gia nhỏ hơn.
Balochistan là nơi có cảng nước sâu ở thành phố Gwadar mà Bắc Kinh đang phát triển theo CPEC. Các quân du kích ly khai ở Baloch tuyên bố họ đã chiến đấu trong nhiều thập niên để giành phần lớn hơn các nguồn tài nguyên khoáng sản và mỏ trong khu vực này.
Các cuộc biểu tình rầm rộ đã nổ ra vào tháng 11/2021 đối với CPEC khi người dân địa phương phản đối việc chính phủ cấp giấy phép cho các tàu đánh cá Trung Quốc đánh bắt gần Gwadar.
Họ cũng phản đối tình trạng thiếu nước uống và điện trầm trọng, hạn chế đi lại và hạn chế tiếp cận biển do mức độ an ninh cao đối với CPEC chạy qua tỉnh. Các cuộc biểu tình đã giảm bớt sau khi chính phủ đồng ý với hầu hết các yêu cầu của họ vào tháng 12/2021.
Cô Aldgra Fredly là một nhà văn tự do sống tại Malaysia, đưa tin về Á Châu Thái Bình Dương cho The Epoch Times.