Thủ thuật khoan xương sọ cổ xưa
Ngay cả trong thời hiện đại, những người chuẩn bị phẫu thuật não vẫn lo sợ về thủ thuật này với những lý do chính đáng. Hộp sọ là một trong những khu vực nhạy cảm nhất trong giải phẫu thân người, và não là báu vật mà các bác sĩ phẫu thuật phải cực kỳ chú tâm. Theo bản năng, mọi người đều biết rằng nếu vô tình gây ra tổn thương nhỏ nhất cho não, hậu quả có thể rất nghiêm trọng.
Nhưng thật đáng ngạc nhiên, kỳ tích táo bạo nhất của y học hiện đại lại là một thủ thuật có lịch sử cổ xưa nhất. Trepanation – thực hành khắc hoặc khoan một lỗ trên hộp sọ – là điều mà loài người đã thực hiện trên khắp thế giới qua hàng ngàn năm. Những sọ người có lỗ khoan được tìm thấy ở các khu vực khác nhau trên hành tinh này, bao gồm cả trong những di tích ở “Tân Thế giới (New World)”, nơi có các nền văn hóa tiền Colombia. Phát hiện này bắt đầu với việc tìm ra một mẫu vật ở Peru vào năm 1863.
Các ví dụ khác có niên đại từ thời kỳ đồ đá mới (thời kỳ đồ đá hiện đại), chẳng hạn như hộp sọ 5,000 năm tuổi với hai lỗ khoan được tìm thấy ở Pháp. Mức độ mà hộp sọ đã lành lại là bằng chứng rõ ràng cho thấy người này đã sống nhiều năm sau khi trải qua cuộc phẫu thuật tinh vi. Ngược dòng lịch sử, người ta tìm thấy thêm nhiều bằng chứng về việc thực hành khoan hộp sọ từ thời Mesolithic (thời kỳ đồ đá giữa), từ 10,000 đến 5,000 năm trước. Hộp sọ lâu đời nhất được tìm thấy ở Ukraine năm 1966, có niên đại từ 7,620 đến 8,020 năm – thời điểm mà hầu hết các nhà khảo cổ tin rằng loài người chỉ mới chuyển ra khỏi những hang động.
Không chỉ là y khoa
Kết quả cuối cùng của những quy trình phức tạp này cho thấy họ đã có một trình độ y học cao, mặc dù một số nhà nhân chủng học cũng gán chúng là loại nghi lễ thần bí, dựa trên số lượng hộp sọ đã qua phẫu thuật được tìm thấy ở một số nơi. Ở Baumes-Chaudes, Pháp, 60 trong số 350 hộp sọ được kiểm tra có chứng tích của việc phẫu thuật.
Với một tỷ lệ lớn đến mức kỳ lạ các hộp sọ như vậy, một số ý kiến cho rằng “đặc ân” này đã được dành cho một nhóm cụ thể trong dân chúng. Ví dụ, các pharaoh của Ai Cập, vào một thời điểm trong cuộc đời đã tiến hành khoan hộp sọ, vì người ta khẳng định là hành động này sẽ giúp linh hồn của họ dễ dàng rời khỏi cơ thể sau khi qua đời.
Ngày nay, các bác sĩ chỉ sử dụng phương pháp phức tạp này để làm giảm áp lực từ hộp sọ của bệnh nhân và làm khô các nơi xuất huyết, nhưng cần thận trọng trước mọi tổn thương không đáng có đối với lớp xương bảo vệ não. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng người xưa có những lý do khác ngoài việc trị liệu khi phẫu thuật.
Trong khi một số người cho rằng tổ tiên của chúng ta đã sử dụng cách phẫu thuật khoan sọ này để chữa bệnh tâm thần – với hy vọng giải thoát bộ não của bệnh nhân bị rối loạn khỏi sự giày vò của ma quỷ hoặc linh hồn – các nhà nghiên cứu khác nói rằng phương thức khoan hộp sọ cổ đại này là một cách để đem lại trải nghiệm tâm linh hạnh phúc. Niềm tin như vậy vẫn còn tồn tại trong thời hiện đại.
Năm 1962, Bart Hughes, người Hà Lan, xuất bản cuốn “Cơ Chế Tạo Ra Khối Lượng Máu Não” (The Mechanism of Brainblood volume). Ông cho rằng bằng cách khoét một lỗ trên hộp sọ của một người, lượng máu trong não và ý thức của một người sẽ tăng lên, gần giống như ý thức của trẻ nhỏ với ‘điểm mềm’ tương ứng. Bằng cách đứng lên bằng đầu hoặc ăn các loại thực vật và thảo mộc giúp tăng lưu lượng máu đến não, con người có thể tạm thời đạt được trạng thái tương tự. Tuy nhiên, Hughes quan tâm đến một trạng thái dài hạn hơn mà các loại thảo mộc đơn thuần không thể đem lại. Ông đã tự mình thực hiện quy trình này năm 1965. Một số nhân vật khác đã theo bước chân của Hughes; đáng chú ý nhất là nghệ sĩ Amanda Feilding, người đã ghi lại bước đột phá của chính mình trong bộ phim tài liệu “Nhịp tim trong Não” (Heartbeat in the Brain).
Dụng cụ phẫu thuật khoan hộp sọ
Trong một số phương pháp y học cổ đại, nếu một bệnh nhân bị đau đầu do khối u, bác sĩ sẽ sử dụng một dụng cụ để gõ vào các bộ phận khác nhau của đầu. Khi người đó kêu lên vì đau, người bác sĩ đoan chắn rằng đã tìm thấy khối u. Phẫu thuật được thực hiện sau khi gây mê bệnh nhân bằng một số loại thuốc thô sơ. Bác sĩ sẽ cắt lớp da đầu, và sau đó làm vỡ xương bằng dụng cụ khoan sọ đơn sơ một cách cẩn thận để không làm tổn thương đến não. Làm thế nào họ cắt và chiết xuất mảnh xương vẫn còn là một bí ẩn, vì hộp sọ vốn không phải là một thứ dễ dàng xuyên thủng. Sau khi phẫu thuật kết thúc (có thể trong điều kiện vệ sinh khủng khiếp), các mô mềm sẽ được khâu lại. Vì không có bộ phận giả như thời hiện đại, mảnh sọ bị vỡ không thể được lắp lại. Cuối cùng, lớp da mới sẽ mọc và phát triển trên lỗ hổng.
Người Inca cổ đại sở hữu một lưỡi dao đặc biệt gọi là ‘tumi’ để thực hiện thủ thuật. Hiện vật này hiện nay trở thành phổ biến – một biểu tượng tượng trưng cho Học viện Phẫu thuật Peru. Nó được trân trọng như một phần thiết yếu của văn hóa Inca cổ đại, và được sử dụng rộng rãi để quảng bá du lịch Peru. Lưỡi dao bí ẩn có hình một người đàn ông đội chiếc mũ cầu kỳ, đứng trên đỉnh trông giống như của một con dao hình cái xẻng. Vật thể thiêng liêng này có niên đại trước cả nền văn minh Inca. Vào năm 2006, 12 “tumi” đã được tìm thấy trong một quần thể lăng mộ Peru thời tiền Inca.
Hippocrates đã từng đề nghị kéo dài thời gian chữa trị các vết thương ở đầu, và người Hy Lạp cổ đại sở hữu một số dụng cụ để thực hiện thủ thuật; một là ‘terebra’ hình chữ T hoạt động giống như một mũi khoan thô sơ.
Trong khi Ai Cập cổ đại có thể tự hào về một loạt các thiết bị y tế tương đối tiên tiến, các nhà nghiên cứu tin rằng họ đã thực hiện một số cuộc phẫu thuật khoan sọ bằng một cái búa và một cái đục. Một sự thật thú vị cần lưu ý trong quy trình của người Ai Cập cổ đại là sự can thiệp của “thuốc cầm máu”. Nó được cho là có khả năng ngăn xuất huyết chỉ thấy được trong phòng phẫu thuật.
Phẫu thuật khoan sọ đã phát triển hơn 10,000 năm và tạo ra quy trình y tế tiêu chuẩn hiện đại, nhưng phần lớn cộng đồng y tế cảnh báo nghiêm khắc đừng khoan sọ một cách không cần thiết do có thể gây tử vong. Bất chấp những tuyên bố phấn khởi về thủ thuật khoan sọ mà những người bênh vực việc này kiên trì, nhiều chuyên gia y tế phản bác rằng những lợi ích đó khó có thể xảy ra và chúng không đáng để mạo hiểm.
Vậy khoan sọ bắt nguồn như thế nào và ai là người phẫu thuật đầu tiên? Có phải rất nhiều người cổ đại chỉ đơn giản là tìm cách giảm chứng đau đầu nghiêm trọng, hay tổ tiên của chúng ta có lý do khác khi thực hiện ca phẫu thuật mạo hiểm đó, như một loạt các mẫu vật được tìm thấy trên toàn thế giới cho thấy?
Do Epoch Times Staff thực hiện
Minh Trí biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: