Thông tấn Trung Quốc đơn phương tuyên bố Pháp, Đức ủng hộ làm nóng lại Hiệp định Đầu tư Trung Quốc-EU
Hôm 05/07, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh qua video với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emanuel Macron. Khi đưa tin về sự kiện này, các hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc đã tuyên bố rằng cả hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức đều bày tỏ sự ủng hộ đối với việc làm nóng lại Hiệp định Đầu tư EU-Trung Quốc càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, trong các tuyên bố của cả phía Đức lẫn Pháp đều không đề cập đến sự ủng hộ nào như vậy.
Phương tiện truyền thông chính thức của chế độ Trung Cộng là Tân Hoa Xã và CCTV, có hàng trăm triệu lượt xem từ khán giả Trung Quốc, đã phát hành cùng một bản chép lại chính thức về hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo của Đức, Pháp và Trung Quốc. Bản tin này trích dẫn lời Tổng thống Pháp Macron nói rằng Pháp cam kết tiếp tục thúc đẩy hợp tác thực chất với Trung Quốc, ủng hộ việc phê duyệt hiệp định đầu tư EU-Trung Quốc, cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và liên lạc với Trung Quốc về vấn đề biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học. Bản chép lại này cũng cho biết các công ty Trung Quốc đang được hoan nghênh đầu tư vào Pháp.
Truyền thông chính thức Trung Quốc cũng cho rằng Thủ tướng Đức Merkel coi mối bang giao EU-Trung Quốc là rất quan trọng, đề cập đến nhiều lĩnh vực đồng thuận và hợp tác. Bản chép lại của Trung Quốc cho biết các nước đồng ý tôn trọng lẫn nhau và tăng cường đối thoại để giảm bớt sự khác biệt, đồng thời nói thêm rằng Đức ủng hộ việc tái triệu tập các cuộc họp của các nhà lãnh đạo song phương càng sớm càng tốt với hy vọng rằng hiệp định đầu tư EU-Trung Quốc có thể được chính thức có hiệu lực càng sớm càng tốt.
Tuy nhiên, trong đó không đề cập đến hiệp định đầu tư EU-Trung Quốc trong tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Đức về hội nghị thượng đỉnh. Tuyên bố này chỉ cho biết ba bên đã trao đổi quan điểm về mối bang giao EU-Trung Quốc, thương mại quốc tế, biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học. Theo phía Đức, cuộc đối thoại này cũng xoay quanh cuộc chiến chống đại dịch, cung ứng vaccine toàn cầu và các vấn đề quốc tế và khu vực.
Bản tuyên bố về hội nghị thượng đỉnh do Phủ Tổng thống Pháp đưa ra không chỉ không đề cập đến hiệp định đầu tư EU-Trung Quốc, mà còn bày tỏ lo ngại nghiêm trọng về các vấn đề nhân quyền của Trung Quốc và phản đối mạnh mẽ vấn đề lao động cưỡng bức ở Trung Quốc.
Sự háo hức của Trung Cộng trong việc thúc đẩy hiệp định đầu tư EU-Trung Quốc đang bị đóng băng diễn ra vào thời điểm Hoa Kỳ cùng các lãnh đạo Âu Châu đang tăng cường hợp tác về kinh tế và an ninh khu vực để kiềm chế Trung Cộng sau hội nghị thượng đỉnh G7.
Hôm 20/05, Nghị viện Âu Châu đã chấp thuận với tỷ lệ áp đảo để đóng băng quá trình phê chuẩn hiệp định đầu tư EU-Trung Quốc, với 599 phiếu thuận, 30 phiếu chống và 58 phiếu trắng, cho đến khi Bắc Kinh dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt trả đũa mà họ đã áp đặt hồi tháng 03/2021 đối với các thành viên và các tổ chức của Nghị viện Âu Châu.
Các biện pháp trừng phạt đáp trả của Trung Cộng đối với các đại diện của EU và ủy ban nhân quyền của EU được đưa ra sau khi họ trừng phạt một số quan chức Trung Cộng vì vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Hành động đáp trả này khiến nhiều thành viên quốc hội EU tức giận.
Hiệp định đầu tư EU-Trung Quốc đã được bà Merkel lên tiếng ủng hộ tại EU vì hứa hẹn sẽ mở ra nhiều lĩnh vực hơn của nền kinh tế Trung Quốc cho sự đầu tư của EU và đề xướng nhiều lợi ích cho các nhà sản xuất xe hơi Âu Châu sản xuất ngoài Trung Quốc, bất chấp sự phản đối trong nước. Ông Macron đã ủng hộ những nỗ lực của bà Merkel trước sự phản đối của một số nước EU, điều này cũng gây ra phản ứng dữ dội trong nước.
Hiệp định này đã được ký kết hồi tháng Mười Hai sau bảy năm đàm phán nhưng phải được Nghị viện EU phê chuẩn mới có hiệu lực.
Bà Merkel sẽ từ chức vào tháng 09/2021, trong khi ông Macron đang tìm cách tái tranh cử vào cuối năm nay.
Do Alex Wu thực hiện
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: