Thông tấn báo chí: Lãnh đạo Belarus đồng ý đàm phán với EU về khủng hoảng biên giới
Tổng thống Belarus, Aleksandr Lukashenko, được cho là đã đồng ý đàm phán với Liên minh Âu Châu về cách giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư bất hợp pháp tại biên giới Belarus-Ba Lan.
Hôm thứ Hai (15/11), ông Lukashenko, trong một cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel, đã đồng ý rằng Belarus sẽ đàm phán với EU về một giải pháp đối với cuộc khủng hoảng biên giới, theo thông tấn báo chí Belta của Belarus.
“Tổng thống Belarus và thủ tướng Đức đã đồng ý rằng vấn đề này sẽ được giải quyết ở cấp độ Belarus và EU và hai bên sẽ chỉ định các quan chức nào sẽ ngay lập tức tham gia vào các cuộc đàm phán để giải quyết các vấn đề đang tồn tại này. Mong muốn đến Đức của những người tị nạn sẽ được giải quyết trong bối cảnh tương tự,” dịch vụ báo chí của nhà lãnh đạo Belarus cho biết.
Ông Steffen Seibert, phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Angela Merkel, cho biết chính phủ Belarus đã mang lại “một tình huống gay cấn và rất đáng lo ngại, nếu đứng từ góc độ nhân đạo mà xét.”
Ông Seibert cho biết trong một cuộc họp báo hôm thứ Tư (17/11) rằng: “Chúng tôi biết rằng chế độ ở Belarus đã gây ra tình trạng này và họ phải chịu trách nhiệm cho điều đó.”
Ông Seibert giải thích rằng, “để tìm ra những giải pháp nhân đạo,” thì bà Merkel, một nhà lãnh đạo của một quốc gia thành viên Liên minh Âu Châu đã nói chuyện với ông Lukashenko mặc dù EU không công nhận ông là một nhà lãnh đạo hợp pháp của Belarus.
EU đã phủ nhận mọi tính hợp pháp của chức vụ tổng thống của ông Lukashenko sau khi ông tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ở Belarus vào tháng 08/2020, vốn là kết quả mà EU coi là bị làm giả mạo.
Ông Seibert nói rằng, “[Bà Merkel] đã thực hiện cuộc điện đàm này bằng sự phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Âu Châu và sau khi có thông tin trước về các đối tác quan trọng, đặc biệt là trong khu vực này.”
Ông Seibert tuyên bố, “Con đường đến Belarus là một ngõ cụt đối với hầu hết những người muốn đến Đức.”
Ông Seibert còn cho biết trên Twitter rằng trong cuộc trò chuyện này, bà Merkel đã nhấn mạnh sự cần thiết của các cơ sở viện trợ nhân đạo và hồi hương do Liên Hiệp Quốc và EU tổ chức để giúp đỡ những người bị ảnh hưởng, tờ DW (Deutsche Welle) đưa tin.
Hôm thứ Năm (18/11), Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer cũng cho biết rằng Đức sẽ không tiếp nhận những người tị nạn đang bị mắc kẹt ở biên giới Belarus–Ba Lan.
“Nếu chúng tôi tiếp nhận những người tị nạn, nếu chúng tôi cúi đầu trước áp lực này, chúng tôi [nhận] những người tị nạn vào các nước Âu Châu, thì điều này là đang thực hiện bước căn bản nhất của chiến lược bội tín này,” ông Seehofer nói trong một cuộc họp báo ở Warsaw sau các cuộc đàm phán với người đồng cấp Ba Lan của ông.
Ông Seehofer nói thêm rằng, “Người Ba Lan không chỉ theo đuổi lợi ích của riêng họ, mà họ còn hành động vì lợi ích của cả khối Liên minh Âu Châu.”
Đức, nền kinh tế giàu mạnh nhất EU, được cho là điểm đến ưa thích của nhiều người nhập cư bất hợp pháp.
Tình hình vẫn đang tiếp tục leo thang. Hôm thứ Ba (16/11), lực lượng Ba Lan tại biên giới đã sử dụng vòi rồng và hơi cay để chống chọi với những người di cư ném đá, khi đó Warsaw đã cáo buộc chính phủ Belarus vì đã cung cấp lựu đạn khói và các loại vũ khí khác cho những người cố gắng vượt qua biên giới này.
Hôm thứ Năm, các nhà chức trách Belarus đã dọn sạch các khu trại chính, nơi những người di cư tụ tập ở khu vực biên giới, đây dường như là một diễn biến chính của cuộc khủng hoảng biên giới này.
Người nhập cư hồi hương
Một số lượng lớn người nhập cư đến từ Iraq và Khu vực Kurdistan đang cố gắng vượt qua biên giới Belarus–Ba Lan một cách bất hợp pháp.
Hôm thứ Năm, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã nói chuyện với Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi, và Thủ tướng Chính phủ Khu vực Kurdistan, ông Masrour Barzani về tình hình khu vực biên giới này, theo một tuyên bố từ phủ Thủ tướng Ba Lan.
Ông Al-Kadhimi hứa sẽ đưa các công dân Iraq trở về đất nước của họ, bao gồm cả những người vượt biên trái phép qua biên giới Ba Lan và đang bị giam giữ tại “các trung tâm hỗ trợ lưu trú ở Ba Lan.”
Ông Barzani cũng đề nghị hợp tác và nhấn mạnh rằng những người đến biên giới EU đều là nạn nhân của những kẻ buôn lậu và các nhóm tội phạm có tổ chức.
Ông Morawiecki tuyên bố rằng Ba Lan đã đề nghị viện trợ nhân đạo cho người nhập cư nhiều lần, nhưng chính quyền Belarus lại từ chối vận chuyển nhân đạo vào nước này.
Theo hãng tin Belta, ông Lukashenko đã bác bỏ cáo buộc rằng Belarus đang ngăn chặn việc cung cấp viện trợ nhân đạo cho những người tị nạn. Nếu Ba Lan dỡ bỏ hàng rào thép gai ở biên giới, thì họ sẽ có thể đến tị nạn với viện trợ nhân đạo, nhà lãnh đạo Belarus cho biết.
Trong một tuyên bố chung, các ngoại trưởng G7 của Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh Quốc, và Hoa Kỳ, và nhà ngoại giao hàng đầu của Liên minh Âu Châu đã lên án chế độ Belarus này đang tổ chức nhập cư bất hợp pháp qua biên giới của mình.
Các vị bộ trưởng đã bày tỏ tình đoàn kết với Ba Lan, Lithuania, và Latvia đồng thời kêu gọi chế độ Belarus “ngừng ngay lập tức chiến dịch gây hấn và bóc lột để ngăn chặn sự tử thương và tình trạng khốn khổ thêm nữa.”
Các nhà ngoại giao hàng đầu này cũng cho biết: “Chúng tôi khen ngợi các hành động của Liên minh Âu Châu, đang hợp tác chặt chẽ với các nước nhà và các nước cho quá cảnh để chấm dứt các hành động từ chế độ của ông Lukashenko.”
Hàng nghìn người nhập cư bất hợp pháp đã đến Belarus với hy vọng có thể vượt biên để vào EU, [nhưng cuối cùng] chỉ để thấy mình bị mắc kẹt ở biên giới trong điều kiện thời tiết băng giá.
Các nhà lãnh đạo Âu Châu cáo buộc Belarus thực hiện “một cuộc tấn công hỗn hợp” bằng cách chuyên chở những người di cư bằng phi cơ từ các nước như Syria và Afghanistan và đẩy họ vượt biên trái phép sang Ba Lan – thành viên của EU. Minsk đã nhiều lần phủ nhận cáo buộc này.
Bà Ella Kietlinska là một phóng viên của The Epoch Times tại New York.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters và The Associated Press
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: