Thông qua kiểm duyệt và chủ nghĩa dân tộc, Bắc Kinh đẩy các nhà đầu tư quốc tế vào tình thế khó khăn
Bắc Kinh đang kiểm duyệt những tin tức trung lập về kinh doanh trong khi lại tích cực ủng hộ các blogger bài xích phương Tây.
Các nhà đầu tư quốc tế sẽ nhận thấy đầu tư vào Trung Quốc trở nên khó khăn hơn bởi vì các tin tức kinh doanh đáng tin cậy đều bị kiểm duyệt, đồng thời chủ nghĩa dân tộc [theo khuynh hướng] cộng sản cũng đang trỗi dậy dưới sự hậu thuẫn của nhà cầm quyền.
Bắc Kinh đang tạo áp lực mới lên Truyền thông Tài Tân (Caixin Media), một trong những nguồn cung cấp tin tức kinh doanh có uy tín nhất của Trung Quốc. Vào ngày 21/10, cơ quan giám sát internet của Trung Quốc đã xóa Tài Tân khỏi danh sách 1,358 nguồn đưa tin được chấp thuận. Lần gần đây nhất mà danh sách này được cập nhật là vào năm 2016.
Các tờ báo điện tử khác sẽ không còn được phép đăng lại các bài báo của Tài Tân, trong đó có nhiều bài đã đạt giải thưởng báo chí điều tra. Tài Tân là một trong số ít các hãng thông tấn tương đối minh bạch khi đưa tin về nạn tham nhũng trong doanh nghiệp, những sai phạm của chính phủ, và tình trạng suy thoái môi trường ở bên trong Trung Quốc. Đây là một trong những hãng thông tấn đầu tiên đưa tin về đợt bùng phát dịch COVID-19 ở Vũ Hán.
Luật mới cấm đăng lại [các bài viết của] Tài Tân này không có gì là bất ngờ vì hồi đầu tháng này, cơ quan hoạch định chính sách của Trung Quốc đã đưa ra bản dự thảo các quy chế dành cho các hãng thông tấn tư nhân ở Trung Quốc, trong đó có cả Tài Tân.
Tài Tân là một trong những công ty truyền thông tư nhân quan trọng nhất ở Trung Quốc và cũng là công ty được các nhà đầu tư quốc tế tin cậy nhất. Vì vậy, áp lực của Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) đối với Tài Tân chính là áp lực của chính phủ đối với tin tức kinh doanh, thứ mà các nhà đầu tư cần để giúp họ tìm hướng đi cho hàng ngàn tỷ dollar của mình trong [hoạt động] đầu tư và thương mại ở Trung Quốc. Do đó, chính phủ gây áp lực lên Tài Tân cũng chính là gây áp lực lên các nhà đầu tư quốc tế.
Trong khi đó, Đảng Cộng Sản Trung Quốc (Trung Cộng) đang đầu độc môi trường kinh doanh dành cho [hoạt động] đầu tư và thương mại quốc tế ở Trung Quốc bằng cách thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc bài phương Tây và tích cực ủng hộ các blogger “tự can ngũ” [tạm diễn nghĩa: tự nguyện mong muốn giống đảng 50 xu] yêu nước. Những blogger này đã [dùng] các video ngắn, giả dối của mình để khơi dậy những cảm xúc và thành kiến cực đoan nhất trong hàng triệu công dân Trung Quốc đang theo dõi hoặc chia sẻ những nội dung này, đôi khi đây chỉ là một cách để tỏ vẻ ủng hộ Trung Cộng. Các blogger chuyên tạo dựng nội dung bằng video (vlogger) ở ngoại quốc mà đang cố gắng khiến các tuyên truyền của Trung Cộng trở nên bùi tai với khán thính giả phương Tây cũng nhận được sự khuyến khích từ Trung Cộng.
Tự can ngũ là một từ lóng trên internet dành cho các thành viên [giống] Đảng 50 Xu [nhưng lại là] tình nguyện được Trung Cộng hậu thuẫn. Được biết là Đảng 50 Xu đều được trả tiền cho mỗi bài viết được đăng trên mạng có nội dung yêu nước na ná như trên. Nhưng những tự can ngũ nổi tiếng nhất có thể được trả hậu hĩnh hơn nhiều. Những blogger nào có hơn một triệu người theo dõi ở Trung Quốc có thể kiếm vài trăm ngàn dollar mỗi năm.
Theo ông Patrick Wong, một cộng tác viên của tổ chức Global Voices, Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc đã cố gắng tuyển dụng 18 triệu dư luận viên ủng hộ Bắc Kinh.
Một ví dụ là cô Guyanmuchan, một blogger Trung Quốc có 6.4 triệu người theo dõi trên mạng xã hội Trung Quốc. Gần đây, ký giả Tessa Wong đã dẫn lời cô này cùng các tự can ngũ khác trên đài BBC như sau: Liên minh Âu Châu đang “ở trong vòng kìm kẹp” của Mỹ; Người Mỹ đang trong một cuộc “nội chiến” với nhau, bằng chứng là tỷ lệ nhiễm COVID-19 đang tăng lên ở Texas; và “Người Mỹ hiện đang sát hại lẫn nhau bằng chiến tranh sinh học.”
Các blogger tự can ngũ này có xu hướng đả kích không chỉ Hoa Kỳ, mà cả chủ nghĩa nữ quyền, chủ nghĩa đa văn hóa, nhân quyền, dân chủ và chủ nghĩa ly khai—tất cả đều được coi là các hình thức làm băng hoại đạo đức của phương Tây. Ai mà không trung thành với đảng đều bị đả kích gay gắt; ví dụ như trong trường hợp của bà Phương Phương, một nhà văn Trung Quốc đã tường thuật lại về những ngày đầu bùng phát dịch ở Vũ Hán trên mạng xã hội.
Ký giả Wong dẫn lời các chuyên gia nói rằng “những bài viết đó, thường rất súc tích và dễ gây xúc động, có thể được tung ra hàng ngày với số lượng hàng chục bài, đó là lý do tại sao chúng có sức lan tỏa mạnh mẽ.”
Ký giả Wong đã dẫn lời cô Manya Koetse, một nhà phân tích truyền thông Trung Quốc, trong đó nói rằng tự can ngũ “thường là những người trẻ tuổi, lớn lên trong một nền giáo dục tràn đầy lòng yêu nước và niềm tự hào về Trung Quốc, và đã được nuôi dưỡng bằng những ký ức lịch sử về nỗi ô nhục của quốc gia. Vì vậy, quý vị thấy có một sự kết hợp sôi sục giữa quan niệm bài ngoại, ủng hộ Trung Quốc và nhấn mạnh vào bản sắc cũng như văn hóa Trung Quốc.”
Tự can ngũ đôi khi được các kênh truyền thông nhà nước lăng xê, cũng như được các chính quyền cấp tỉnh vinh danh, ngay cả khi Bắc Kinh kiểm duyệt các kênh truyền thông hay phê phán như The New York Times, The Epoch Times, và giờ đây là Tài Tân.
Quy định mới cấm đăng lại [các bài viết của] Tài Tân sẽ làm tăng thêm áp lực từ chính phủ mà công ty này đang phải đối mặt. Dự đoán là không chỉ Tài Tân mà các kênh cung cấp tin tức về kinh doanh muốn né tránh các hình thức kiểm duyệt thêm nữa từ chính phủ sẽ tự kiểm duyệt nhiều hơn. Bất cứ tin bài phê bình nào tiếp tục xuất phát từ hãng thông tấn này đáng được coi là báo chí dũng cảm và nên được công nhận như vậy khi trao giải Pulitzer.
Việc kiểm duyệt các tin tức kinh doanh đáng tin cậy cộng với sự thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc tự can ngũ một cách cực đoan, đang tạo ra một môi trường độc hại ở Trung Quốc, vốn ngày càng không phù hợp và nguy hiểm cho hoạt động đầu tư và thương mại quốc tế. Nếu vẫn tiếp diễn như vậy, nền kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi cách tiếp cận ngày càng gay gắt của Trung Cộng đối với tin tức kinh doanh và các phương tiện truyền thông xã hội.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Anders Corr có bằng cử nhân/thạc sĩ khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và tiến sĩ về chính phủ tại Đại học Harvard (2008). Ông là người đứng đầu Corr Analytics Inc., nhà xuất bản của Tạp chí Rủi ro Chính trị, và đã thực hiện các nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, Âu Châu và Á Châu. Ông là tác giả của cuốn sách sắp ra mắt vào năm 2021 có nhan đề “The Concentration of Power” (Tập Trung Quyền Lực) và “No Trespassing” (Không Xâm Phạm), đồng thời đã biên tập cuốn sách “Great Powers, Grand Strategies” (Những Quyền Lực Lớn, Những Chiến Lược Lớn).
Từ Huệ biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: