Thống đốc Newsom phủ quyết dự luật ghi nhãn sản phẩm cần sa nhằm ngăn ngừa ngộ độc ở trẻ em
Viện dẫn lý do về việc sử dụng ngôn từ mang ý nghĩa chung chung, Thống đốc California Gavin Newsom đã phủ quyết một dự luật mà theo đó sẽ cấm các sản phẩm tẩm cần sa được phép ghi nhãn bao bì theo cách hấp dẫn trẻ em.
Dự luật Hạ viện 1207, do Nữ nghị sĩ Jacqui Irwin (Dân Chủ-Thousand Oaks) soạn thảo, được thiết kế để bảo vệ thanh thiếu niên khỏi việc vô tình ngộ độc cần sa bằng cách cấm sử dụng các hình ảnh và từ ngữ giống như được sử dụng cho thực phẩm trên bao bì sản phẩm.
Trong một bức thư phủ quyết, ông Newsom cho biết: “Mặc dù tôi đánh giá cao và đồng ý với ý định của người soạn thảo, nhưng tôi lo ngại rằng định nghĩa về việc ‘hấp dẫn trẻ em’ được sử dụng trong dự luật này là quá rộng. Bằng cách cấm toàn bộ danh mục hình ảnh, dự luật này sẽ áp dụng cho các thiết kế thông thường, và tôi không tin rằng những giới hạn bổ sung này sẽ bảo vệ trẻ em một cách có ý nghĩa ngoài những gì được quy định theo luật hiện hành.”
Một số thương hiệu cần sa có uy tín hiện sử dụng hình ảnh và từ ngữ lẽ ra đã bị cấm theo dự luật này, bao gồm những mô phỏng về các loại kẹo, chocolate, khoai tây chiên, và các món ăn vặt phổ biến khác.
Những người trồng cần sa thường tiếp thị nhiều loại sản phẩm của họ bằng cách sử dụng những tên gọi không chính thức theo kiểu mô tả về hình thức, chẳng hạn như Lemon Cherry Gelato và Red Velvet, những thứ lẽ ra đã bị cấm theo đề nghị này.
Mặc dù thống đốc phủ quyết dự luật này, các quy định hiện hành vẫn có tác dụng ngăn cản việc tiếp thị các sản phẩm theo những cách hấp dẫn trẻ em, nhưng không có định nghĩa cụ thể về những thứ liên quan đến thực phẩm và hương vị.
Nhận thấy số lượng người đến bệnh viện và phòng cấp cứu đang gia tăng do ngộ độc cần sa kể từ khi Dự luật 64 được thông qua hồi năm 2016 — 20 năm sau khi tiểu bang Golden State lần đầu tiên hợp pháp hóa việc sử dụng loại cây này cho mục đích y tế — thống đốc nhấn mạnh rằng ông sẽ làm việc với các cơ quan quản lý để tìm ra giải pháp.
“California phải tiếp tục cải tiến và nâng cao quy định về cần sa để bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của trẻ em,” ông Newsom tuyên bố. “Do đó, tôi đang chỉ thị Cục Kiểm soát Cần sa tăng cường và mở rộng các dự luật hiện hành về các biện pháp bảo vệ thanh thiếu niên có liên quan đến cần sa — bao gồm cả các dự luật tăng cường thực thi các biện pháp bảo vệ đó.”
Tác giả của dự luật cho biết dự luật này là cần thiết để giúp bảo vệ thanh thiếu niên khỏi bị ngộ độc một cách bất ngờ, vì nhiều bao bì sản phẩm cần sa sử dụng màu sắc tươi sáng và mô tả các loại thực phẩm mà trẻ em yêu thích.
“Kể từ khi thông qua Dự luật 64, những trường hợp trẻ em tiếp xúc với cần sa đã tăng theo cấp số nhân,” bà Irwin viết trong bản phân tích lập pháp về dự luật,. “Những ca tiếp xúc này bị ảnh hưởng nặng nề bởi việc sử dụng các đặc điểm trên bao bì sản phẩm cần sa có hình thức bên ngoài hấp dẫn trẻ em.”
Bà lập luận rằng các chiến lược đóng gói như vậy đang tạo ra khả năng gây hại và cần được giải quyết.
“Trẻ em bị ngộ độc cần sa là một vấn đề an toàn công cộng,” bà Irwin nói với The Epoch Times trong một tuyên bố hôm 18/07. “Mối nguy hiểm mà các sản phẩm cần sa gây ra cho trẻ em là nghiêm trọng. Khi bao bì của những sản phẩm này hấp dẫn trẻ em, thì nó trực tiếp dẫn đến việc trẻ phải nhập viện.”
Những người ủng hộ, bao gồm các chuyên gia chăm sóc sức khỏe trên toàn tiểu bang và Viện Y tế Cộng đồng — một nhóm vận động cộng đồng có trụ sở tại Seattle — đã đồng tình rằng cần phải thực thi quy định mạnh mẽ hơn để bảo vệ những người dễ bị tổn thương.
Viện y tế này viết trong các phân tích lập pháp: “Các sản phẩm hấp dẫn hoặc được tiếp thị cho trẻ em và thanh thiếu niên trong từng lĩnh vực này cần phải được giải quyết thông qua chính sách và hoạt động thực thi phù hợp. AB 1207 sẽ thực hiện các biện pháp chính cho thị trường cần sa hợp pháp.”
Các tổ chức công nghiệp cần sa và các nhóm vận động phản đối dự luật này nói rằng dự luật sẽ gây nguy hiểm cho an toàn công cộng bằng cách tăng khả năng tiếp cận các sản phẩm chợ đen, bất hợp pháp.
“AB 1207 sẽ tăng gánh nặng chi phí cho ngành công nghiệp cần sa được cấp phép đồng thời trao quyền cho một thị trường không có giấy phép tiếp thị trắng trợn cho trẻ em. Như vậy, điều này có thể vô tình làm trầm trọng thêm các vấn đề an toàn công cộng thay vì cải thiện những vấn đề đó. AB 1207 sẽ chỉ làm suy yếu khả năng tiếp cận các sản phẩm cần sa an toàn và đã được thử nghiệm trong khi giúp đỡ một thị trường cần sa không được cấp phép vốn nổi tiếng là bán và tiếp thị cho trẻ em.”
Trong khi đấu tranh để thay đổi các luật về đóng gói bao bì, thì tác giả của dự luật lưu ý rằng các bậc cha mẹ phải chịu trách nhiệm khi mang các sản phẩm cần sa vào nhà của mình.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times