Thống đốc BOJ: Lạm phát là mối nguy đối với nền kinh tế Nhật Bản
TOKYO – Hôm thứ Sáu (03/06), ông Haruhiko Kuroda – Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cho biết, giá các mặt hàng thiết yếu hàng ngày tăng cao có thể làm tổn hại đến tâm lý của các gia đình. Ông muốn ám thị rằng áp lực lạm phát gia tăng đang nổi lên như một mối nguy đối với nền kinh tế vốn mỏng manh của đất nước này.
Lạm phát tiêu dùng cơ bản của Nhật Bản đã tăng 2.1% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng Tư, vượt mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương lần đầu tiên sau bảy năm, phần lớn là do chi phí nhiên liệu và nguyên liệu thô tăng.
Ông Kuroda cho biết việc giá cả tăng quá nhiều khi tăng trưởng thu nhập gia đình chưa vững mạnh là điều không mong muốn.
Ông Kuroda nói với quốc hội: “Giá đang tăng đặc biệt đối với các mặt hàng mà các gia đình mua thường xuyên như xăng dầu và thực phẩm. Những đợt tăng giá kiểu này có thể làm tổn thương tâm lý người tiêu dùng, vì vậy chúng tôi cần theo dõi diễn biến một cách cẩn thận.”
Ông Kuroda đã nhiều lần cho biết BOJ sẽ không quay trở lại kích thích tiền tệ lớn của mình vì sự gia tăng lạm phát gần đây chủ yếu là do chi phí hàng hóa thô và có thể là tạm thời.
Ông Kuroda nói: “Điều mà BOJ hy vọng đạt được là một chu kỳ tích cực, trong đó giá cả nhích lên dần dần cùng với tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và tăng lương.”
Ông nói thêm khi nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì chính sách tiền tệ rất lỏng lẻo: “Điều quan trọng là phải tạo ra một môi trường kinh tế nơi tiền lương có thể tăng nhiều hơn.”
Tại phiên họp quốc hội đó, Thủ tướng Fumio Kishida cho biết các khoản trợ cấp của chính phủ, chẳng hạn như các khoản trợ cấp để giới hạn giá xăng, đang giữ cho lạm phát của Nhật Bản thấp hơn nhiều so với các nền kinh tế phương Tây.
Ông Kishida cho biết: “Mặc dù các biện pháp để làm giảm bớt gánh nặng của việc giá tăng là rất cấp bách, nhưng việc bảo đảm thu nhập của gia đình tăng lên cũng quan trọng không kém.”
Ông Kishida cho biết không cần phải thay đổi một tuyên bố chung được đồng thuận giữa chính phủ và BOJ vào tháng 01/2013, trong đó ngân hàng này cam kết đạt được mức lạm phát 2% với chính sách nới lỏng [tiền tệ].
Một số nhà lập pháp đối lập cho rằng chính sách lãi suất siêu thấp của BOJ đã đẩy chi phí sinh hoạt của các gia đình lên cao, đồng thời kêu gọi sửa đổi tuyên bố chung để ngân hàng trung ương có thời gian giảm bớt kích thích.