Thời tiền sử
Vào một đêm nóng nực, một người đàn ông quyết định đi dạo trên bãi biển. Ngay khi cất bước, anh cảm thấy dưới chân mình có tiếng kêu răng rắc. Anh dừng lại để kiểm tra đế giày của mình dưới ánh trăng, và cạo sạch những dấu vết của sinh vật bất hạnh mà anh đã giẫm phải. Không quá lưu tâm, anh tiếp tục cuộc dạo chơi mà không hề hay biết dấu chân ấy đã khiến sinh mệnh nhỏ bé kia trở nên bất tử. Rốt cuộc, giẫm phải bọ ba thùy thì có gì lạ?
Khoảng 320 triệu năm trước, một loài sinh vật có các thùy nhỏ bắt đầu cư trú tại các vùng biển trên Trái Đất. Họ hàng của loài nhện biển này, tương tự như tôm hùm và cua, từng phát triển mạnh mẽ, nhưng đã tuyệt chủng hoàn toàn cách đây 280 triệu năm. Tất nhiên, chúng ta đang nói về bọ ba thuỳ.
Đa số các nhà khoa học hiện nay thừa nhận loài người đã xuất hiện cách đây không quá 2 hoặc 3 triệu năm, và lịch sử nhân loại được biết đến không quá 10,000 năm.
Với các mốc thời gian này, chúng ta có thể kết luận rằng việc người hiện đại giẫm phải một con bọ ba thùy là điều không tưởng. Không thể có chuyện con người giẫm lên một sinh vật đã tuyệt chủng hàng triệu năm trước, càng không thể có chuyện con người đã có giày để đi hàng triệu năm trước. Hóa thạch này rõ ràng là một thách thức cho lịch sử nhân loại, cho thấy sự tồn tại của nền văn minh.
Vào tháng 06/1968, nhà sưu tập hóa thạch nghiệp dư William J. Meister đã tìm thấy một tảng đá dày 5 cm (2 inches) ở Antelope Spring, Utah. Một nhát búa đã khiến hóa thạch có dấu giày lộ diện. Nhưng dấu giày này có một điểm đặc biệt: một con bọ ba thùy bị đè bẹp ở dưới. Trước khi tin tức này lan truyền khắp thế giới và một số nhà điều tra tìm đường đến Antelope Spring, người ta còn tìm thấy nhiều vết giẫm do giày dép kiểu hiện đại tại một tầng địa chất có niên đại cực kỳ xa xưa. Đây phải chăng là trò thách đố của lịch sử?
Các phát hiện khác trước đó
Năm 1852, một khối đá khổng lồ ở Dorchester, Massachusetts, đã được kích nổ. Sau vụ nổ, các công nhân tìm thấy một đồ tạo tác kỳ lạ bằng kim loại bị vỡ làm đôi nằm lẫn trong các mảnh vụn. Khi ghép hai mảnh lại với nhau, họ nhận ra một chiếc bình có hình quả chuông với đế dài 16 cm (centimeter) và cao 11 cm. Sau đó, họ khám phá ra chiếc bình được làm từ chất liệu hợp kim bạc. Thật kỳ lạ, hiện vật này có vẻ như được chế tác với trình độ công nghệ cao và bị mắc kẹt trong đá hàng triệu năm khi mà con người thậm chí còn chưa tồn tại.
Những khám phá kiểu này không hiếm. Chúng khiến ta phải đặt nghi vấn về sự hiểu biết hiện nay của nhân loại về nguồn gốc loài người. Trên thực tế, các địa điểm khảo cổ đôi khi ẩn chứa nhiều vật thể bí ẩn khác nhau.
8 năm trước khi phát hiện ra chiếc bình ở Dorchester, người ta tìm thấy một chiếc đinh sắt hoàn hảo trong một phiến đá dày 0.61 mét tại một mỏ đá ở Kingoodie, Scotland. Mũi đinh này nhô ra khỏi tảng đá, còn đầu đinh dài khoảng 25 cm nằm sâu bên trong. Người ta ước tính rằng một tảng đá như vậy được hình thành vào khoảng 60 triệu năm trước.
Vào những năm 1880, một chủ trang trại ở Colorado đã chiết xuất các mảnh carbon từ một mỏ khoáng sản nằm sâu 91 m dưới lòng đất. Sau khi về nhà, anh ta bẻ các mảnh này ra thì tìm thấy một cái vòng sắt trông rất lạ. Tin tức về cổ vật được xem như là “chiếc vòng của Eva” này đã lan truyền nhanh chóng, nhưng do tình trạng bị ăn mòn và con người tác động quá mức nên nó đã bị tan rã.
Chúng ta đều biết rằng con người đã sử dụng vòng sắt từ hàng ngàn năm trước. Tuy nhiên, một chi tiết gây tò mò là carbon được phát hiện trong vòng sắt đó đã hình thành từ 70 triệu năm trước, giữa kỷ Phấn Trắng và kỷ Đệ Tam. Theo cách hiểu hiện nay, tổ tiên khi đó của loài người thậm chí chưa phải là khỉ, mà mới chỉ là một loài động vật có vú nhỏ, mắt lồi, đu đưa giữa các cành cây.
“Khối lập phương Salzburg” là một thách đố khác của lịch sử. Nó được đưa ra công chúng năm 1885 khi một nhà máy luyện sắt của Áo đã phá vỡ các mảnh carbon và phát hiện một tạo tác bằng sắt có hình khối lập phương. René Noorbergen, một chuyên gia nghiên cứu về những trường hợp này cho biết: “Các cạnh của vật thể lạ rất thẳng và nhìn rất rõ; bốn mặt là mặt phẳng, trong khi hai mặt còn lại, nằm đối diện nhau, là mặt lồi, và một rãnh sâu ở giữa.”
Phân tích hóa học sau đó xác định rằng vật thể này không chứa crôm, niken hay coban, mà thay vào đó là một loại sắt đã được luyện. Thành phần này dường như loại trừ giả thuyết rằng “khối lập phương” là một thiên thạch như một số người đã đề xuất.
Một phụ nữ đến từ Illinois có tên là S.W. Culp đã tìm thấy một kho tàng khảo cổ khác trong một mỏ carbon vào năm 1891. Khi đang chiết xuất vật liệu màu đen, cô đã vô tình làm vỡ một mảnh, và một sợi dây chuyền vàng rất mỏng bị văng ra. Nó đã được đặt trong một lỗ trống hình cánh cung bên trong miếng carbon.
Một trường hợp khác, do Tạp chí Khoa học Hoa Kỳ công bố năm 1831, liên quan đến một khối đá cẩm thạch được khai thác từ độ sâu khoảng 18.3 m, sau đó nó được cắt thành nhiều mảnh. Viên đá cẩm thạch, được cho là đã hình thành cách đây hàng triệu năm, để lộ những lát cắt chính xác có kích thước 5 cm x 1.27 cm – hình dạng giống như các chữ cái hiện đại “u” và “i”. Sự đều đặn chuẩn xác của các ký hiệu này tạo cảm giác như nó được khắc bởi bàn tay con người.
Một trường hợp tương tự đã được công bố vào năm 2002 ở tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. Một tảng đá có niên đại khoảng 200 triệu năm trước đã vỡ ra, và thoạt nhìn người ta thấy những ký tự Trung Quốc hoàn hảo mà không thể giải thích được nguồn gốc! Di tích này được biết đến với cái tên “Tảng đá mật ngữ” (The Stone of Hidden Words).
Hóa thạch đương đại
Năm 1976, một chiếc thìa lần đầu tiên được khai quật vào năm 1937 bên trong một khối than mềm ở Pennsylvania đã thu hút sự chú ý của công chúng.
Để loại trừ khả năng những hóa thạch này xuất hiện ngẫu nhiên, hãy xem xét một phát hiện năm 1967 bên trong một mỏ bạc ở Colorado: Xương người cùng với một mũi tên nhọn bằng đồng dài 25.4 cm. Theo ước tính chung, mỏ khoáng sản chứa những hiện vật này có tuổi đời cao hơn loài người hàng triệu năm.
Trong khi di truyền học và sinh học đem đến cho chúng ta những nghiên cứu mới mỗi ngày nhằm chứng minh tất cả các loài đều có một tổ tiên chung, thì những hóa thạch mới cũng liên tục xuất hiện, cho thấy nhiều dấu hiệu của một quá khứ xa xưa rất huy hoàng. Theo thời gian, những phát hiện này giúp chúng ta hiểu rằng nguồn gốc của loài người đã xuất hiện từ rất lâu so với những gì chúng ta tin tưởng hiện nay.
Có lẽ hóa thạch gây tranh cãi nhất trong những năm gần đây là hóa thạch do một nhà địa chất từ Đại học Jadaypur ở Calcutta, Ấn Độ phát hiện. Một tảng đá màu đỏ, hơn 1,100 triệu năm tuổi được tìm thấy ở Madhya Pradesh, Chorhat, khiến các nhà khoa học kinh ngạc. Trên tảng đá có những vết ngoằn ngoèo tương tự như những vết do một con sâu tạo ra.
Các hóa thạch cổ nhất được biết đến thuộc loại này là từ Namibia và Trung Quốc, và các dấu vết đó được cho là của các sinh vật đa bào; chúng đã xuất hiện trong quá trình tiến hóa khoảng 600 triệu năm trước. Nếu như cách hiểu về phát hiện ở Ấn Độ là chính xác, thì phát hiện đó buộc chúng ta phải xem xét lại cơ sở của thuyết tiến hóa một cách nghiêm chỉnh, do hóa thạch ở Ấn Độ và những hóa thạch được tìm thấy ở Namibia và Trung Quốc có khoảng cách niên đại vô cùng lớn (400 hoặc 500 triệu năm).
Nhà cổ sinh vật học Andrew Knoll của Đại học Harvard nhận xét: “Nếu bạn nhìn thấy những sinh vật có độ dài cỡ centimet và sau đó không nhìn thấy chúng trong 400 triệu năm, thì bạn thực sự cần rất nhiều lời giải thích.”
Sau khi tìm thấy dấu vết mới trên những tảng đá tương tự, nhiều nhà khoa học vẫn còn hoài nghi và đã buộc phải phân tích tuổi của các tảng đá một lần nữa. Nhưng những mẫu vật này (tinh thể zirconium) lại tiếp tục cho thấy những điều không thể, “thậm chí còn thú vị hơn và không tưởng hơn”, nhà cổ sinh vật học Adolph Seilacher từ Đại học Yale cho biết.
Seilacher tin rằng, theo cách hiểu thông thường, những dấu vết hóa thạch này không thể là của động vật. Tuy nhiên, ông nói thêm: “Đồng thời, tôi phải chấp nhận các bằng chứng. Tôi đã không thể tìm thấy, cũng không nghe từ ai, một lời giải thích nào khác. Có lời giải thích đi ngược lại hiểu biết sinh học cho những dấu vết này không?” Nghiên cứu đó đã xuất hiện trên tạp chí Science ngày 02/10/1998.
Trên thực tế, có rất nhiều hóa thạch thách thức sự hiểu biết hiện nay của chúng ta về lịch sử. Ví dụ, một bàn tay hoàn hảo của con người (có dấu móng tay) được phát hiện trong đá vôi 110 triệu năm tuổi ở Glen Rose, Texas; một ngón tay hóa đá 100 triệu năm tuổi (hóa thạch được xác định là DM93-083) được tìm thấy trên đảo Axel Heiberg ở Canada và cho thấy cấu trúc xương trong phim X quang; phát hiện nổi tiếng về dấu chân người khổng lồ bên cạnh dấu chân khủng long ở Rìo Paluxy, Texas; và còn nhiều hơn thế nữa. Mỗi khi những “hóa thạch không tưởng” được đưa ra ánh sáng, tính vững chắc và hợp lý của các thuyết hiện tại đều bị lung lay.
Leonardo Vintini
Thuần Thanh biên dịch
Xem thêm: