Thời Tiền sử: Những viên đá Ica
Một cuộc tranh cãi gay gắt về lịch sử đã diễn ra vào những năm 1960 khi những viên đá được tìm thấy trong một hang động ở Ica, Peru.
Phần lớn các nhà khảo cổ học và cổ sinh vật học dường như đã dập tắt cuộc tranh luận bằng cách khẳng định rằng những dấu vết trên đá Ica là một trò lừa đảo thực sự. Nhưng với các chủ đề gây tranh cãi, những gì chưa được chứng minh chắc chắn thì vẫn còn đó khả năng minh định bởi khoa học. Đối với giới khoa học, không gì có thể được khẳng định hoặc loại bỏ nếu không có bằng chứng thuyết phục.
Mặc dù có nhiều lý do để tin rằng những viên đá nổi tiếng không thuộc về thời Tiền Colombia, nhưng có nhiều quan điểm khẳng định cũng như phủ định lại nhận định đó.
Nhiều nhà khoa học đã có cơ hội nghiên cứu các viên đá Ica nhận thấy rằng chúng được khắc với nhiều cảnh tượng khác nhau đáng kinh ngạc nói về lịch sử hoặc trí tưởng tượng phong phú. Ví dụ, những viên đá khắc hoạ con người xuất hiện cùng thời với khủng long.
Câu chuyện về những viên đá bí ẩn được tìm thấy chắc chắn có liên quan đến một người đàn ông là Tiến sĩ Javier Cabrera. Ông là người sưu tầm chính những hiện vật này và đã xây dựng một bảo tàng để trưng bày những đồ vật kỳ lạ của Peru — Museo de Piedras Grabadas (Bảo tàng Đá Khắc) nằm ở làng Ica, nằm ngay phía bắc của Đường Nazca nổi tiếng.
Khi bước qua một tảng đá, Cabrera chợt nhận ra hình ảnh của một loài cá đã tuyệt chủng. Kể từ đó, ông bắt đầu lần theo dấu vết của những viên đá, phát hiện ra rằng người dân địa phương đang đào được chúng ở khắp các địa điểm xung quanh khu vực. Cabrera đã mua một số lượng lớn các tảng đá được khai quật, và trong vài năm, đã thu thập được hơn 40,000 mảnh.
Mặc dù một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các hình khắc dường như không có bất kỳ lớp ăn mòn nào — thường người ta cho rằng một hình khắc cổ như thế thì phải bị ăn mòn — nhưng các nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng vi khuẩn hàng nghìn năm tuổi vẫn còn tồn tại trong các rãnh khắc. Cũng có thể một số tảng đá cổ nằm lẫn với hàng ngàn tảng mới hiện nay đã gây ra sự nhầm lẫn và tranh cãi này.
Do có nhiều hình ảnh đa dạng nên Tiến sĩ Cabrera đã phân loại đá Ica thành những nhóm chuyên đề lớn. Nổi bật bao gồm một loạt chủ đề về thiên văn học, mô tả rất chi tiết về 13 chòm sao trong cung hoàng đạo; một loạt về y học, minh họa các ca phẫu thuật tiên tiến, cấy ghép nội tạng (bao gồm cả cấy ghép não), phương pháp châm cứu và mô tả ca sinh nở; một loạt mô tả một trận đại hồng thủy lớn, cho thấy rằng công nghệ tiên tiến của một chủng tộc cổ xưa đã dẫn đến sự diệt vong của họ; loạt về phi hành gia, minh họa các cuộc du hành với tàu vũ trụ trong thời tiền sử; và loạt về động vật thời tiền sử cho thấy con người từng sống cùng thời với khủng long.
Các loạt chuyên đề khác mà những hòn đá mô tả là những câu chuyện về các lục địa cổ đại (có cả bản đồ vẽ hình dạng chính xác của trái đất trong Kỷ Đệ Tam), một chủng tộc người cổ đại và các loài động thực vật chưa được biết đến trong thế giới hiện đại của chúng ta. Thậm chí còn có những viên đá khác mà các nhà nhân chủng học vẫn chưa thể xác định chính xác.
Liệu đã từng tồn tại nền văn minh nào khác thậm chí còn tiên tiến hơn nền văn minh của chúng ta trong quá khứ dài đằng đẵng? Nếu những bản khắc này thực sự thuộc về Kỷ Đệ Tam (người ta tin rằng con người mới chỉ xuất hiện gần đây ở Kỷ Đệ Tứ) thì nó nói gì về nguồn gốc của con người? Liệu các lý thuyết về các nền văn minh thời tiền sử có thiếu cơ sở hay như nhà phê bình người Đức Erich von Daniken khẳng định, chúng ta đã “bị che mờ bởi toàn bộ thế hệ nhà cổ sinh vật học và nhà nhân chủng học?” Hãy xem xét nhiều ví dụ được khám phá trong loạt bài viết này trong khi đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi này. Tất nhiên, không chỉ có những viên đá Ica mới chỉ ra một thời tiền sử với công nghệ tiên tiến.
Leonardo Vintini
Thuần Thanh biên dịch
Xem thêm: