Thời Tiền sử: Dấu tích của nền công nghệ đã mất
Loài người đã xuất hiện từ khi nào? Dù rằng có khác biệt nho nhỏ nhưng các nghiên cứu nhân chủng học và di truyền học hiện đại đều đưa ra một khoảng thời gian gần giống nhau. Song, sự tồn tại độc lập của hàng trăm hiện vật lại có vẻ như không ăn khớp với những gì các nghiên cứu khẳng định. Các phát hiện này thậm chí còn đặt ra nghi vấn về nguồn gốc thực sự của nền khoa học công nghệ hiện nay, đồng thời cung cấp những manh mối giá trị về sự bí ẩn trong nguồn gốc loài người và khoa học.
Một ví dụ về những bí ẩn công nghệ này là viên pin điện cổ đại được tìm thấy ở Baghdad, nó chẳng ăn nhập gì với tiến trình phát triển công nghệ mà con người đặt ra. Hiện vật cổ 2,000 năm tuổi này được trưng bày trong viện bảo tàng và một nhà khảo cổ học người Úc đã phát hiện ra ý nghĩa thực sự của nó. Loại pin cổ này bao gồm một hộp đựng bằng gốm màu vàng chứa bên trong nó một lõi đồng, dài 12×4 cm. Lõi hình trụ, có vết hàn từ hỗn hợp theo tỷ lệ 60 thiếc/40 chì (tương tự tỷ lệ hiện nay dùng để hàn) và vỏ bọc bằng đồng. Nó được phủ kín bằng một loại chất liệu tương tự như nhựa đường. Một lớp khác giống như nhựa đường cũng bịt kín phần bên trong, treo ở giữa là một thanh sắt. Thanh này cho thấy bằng chứng về sự ăn mòn do một chất có tính axit.
Loại pin tái tạo này đã chứng minh được khả năng tạo ra điện áp của nó tương tự như pin hiện đại. Nhưng vào 2,000 năm trước đây, một thiết bị như vậy để cung cấp điện năng dùng vào việc gì? Vào thời điểm đó, khu vực này đang là một phần của Đế chế Parthia. Nhiều bằng chứng cho thấy công nghệ này không bắt nguồn từ khu vực này mà có nhiều khả năng từ Ai Cập, nơi vốn khai quật được nhiều đồ vật tráng bạc.
Nếu sử dụng điện cách đây 2,000 năm có vẻ như không tưởng, thì sử dụng các bánh răng trước Công Nguyên cũng khó tin như vậy. “Cỗ máy Antikythera” là một chiếc đồng hồ thiên văn cực kỳ phức tạp được tìm thấy vào đầu thế kỷ 20, trên một con tàu Hy Lạp dường như đã bị đắm vào khoảng năm 80 sau Công Nguyên. Sau một năm tìm hiểu và lập danh mục các vật thể được tìm thấy trên con tàu, một trong những nhà nghiên cứu nhận thấy có một thiết bị kỳ lạ dường như kết hợp một chuỗi các bánh răng và có độ phức tạp đáng kinh ngạc.
Phân tích sau đó cho thấy thiết bị này chứa tên của một số thiên thể và các cung hoàng đạo. Kết quả chụp X-quang chỉ ra bộ máy này gồm 32 bánh răng ăn khớp hoàn hảo và vẫn hoạt động. Tin tức trên gây chấn động cộng đồng khoa học, họ kết luận rằng cơ chế đó là một lịch thiên văn tinh vi có độ chính xác gần bằng các mô hình hiện đại. Tuy nhiên, thiết bị này khiến các nhà khoa học bối rối vì nó đảo ngược lại các quan niệm vốn có về lịch sử phát triển khoa học công nghệ ở thời kỳ đó.
Một số người thậm chí còn cố gắng tìm cách lý giải, cho rằng một nhà hàng hải đương thời chắc chắn đã ném nó từ trên tàu, và nó tình cờ rơi ngay cạnh con tàu bị chìm. Về sau này, nhà thám hiểm hàng hải nổi tiếng Jacques Cousteau còn tìm thấy thêm nhiều dấu tích của bánh răng bằng đồng trong cùng khu vực. Vậy người Hy Lạp lấy kiến thức tiên tiến này ở đâu để tạo ra một thiết bị như vậy?
Một ngôi đền ở New Delhi, Ấn Độ, đang lưu giữ một trong số những kỳ vật cổ khác: một cây cột làm bằng hợp kim sắt ở 1,600 năm ngoài trời mà không có dấu hiệu bị oxy hóa. Phân tích siêu âm xác định rằng cột trụ được làm bằng nhiều đĩa sắt hàn chồng lên nhau. Làm sao có thể giải thích được kỹ thuật luyện kim này? Ở Âu Châu, kỹ thuật để xây dựng một thứ có kích thước tương đương đến cuối thế kỷ 19 mới xuất hiện.
Còn nhiều ví dụ tương tự như vậy, các nhà khoa học vẫn chưa thể giải thích thỏa đáng vì sao một số hộp sọ người và động vật 40,000 năm tuổi có các lỗ hổng; nhiều người nghi ngờ đó là vết đạn bắn. Các chuyên gia về vũ khí đã rất kinh ngạc khi chứng kiến các mẫu vật. Những người thượng cổ có mang theo súng không?
Nhưng không chỉ những tạo tác kỳ lạ mới nói lên sự phát triển vượt bậc của nhân loại, tổ tiên của chúng ta thậm chí đã từng viết về một thời đại văn minh xa xôi. Hãy xem xét đoạn văn sau đây từ Sử thi Mahabharata, một bản văn Hindu cổ đại:
“Một viên đạn duy nhất mang tất cả sức mạnh trong Vũ trụ… Một cột khói và ngọn lửa nóng sáng như 10,000 mặt trời, bốc lên chói lóa… đó là một vũ khí chưa biết tên, một đòn sấm sét bằng sắt, một sứ giả khổng lồ của thần chết đã biến cả một chủng tộc thành tro tàn. (…) Những xác chết bị đốt cháy đến mức không thể nhận ra. Tóc và móng tay của họ rụng hết, đồ gốm vỡ vụn mà không rõ nguyên nhân, và những con chim biến thành màu trắng.”
Nhiều người khó chấp nhận rằng văn bản trên có thể đã mô tả về một vụ nổ hạt nhân. Song, chúng ta cũng biết rằng tại thành phố Hindu của Rajasthan, một lớp tro phóng xạ khổng lồ đã bao phủ một diện tích khoảng năm dặm vuông. Cường độ bức xạ vẫn khiến khu vực này không thể ở được. Không chỉ có Sử thi Mahabharata kể chi tiết về thời tiền sử này; một số bản văn Hindu khác cũng kể lại sự tồn tại của các loại vũ khí có thể quét sạch cả đội quân như quét những chiếc lá.
Ngoài ra, nếu xem xét cẩn thận hàng trăm hiện vật và hình ảnh cổ đại khác, chúng ta sẽ phải suy nghĩ lại liệu công nghệ hiện đại ngày nay có phải là công nghệ mới chưa từng có. Trước khi anh em nhà Wright thực hiện chuyến bay đầu tiên 5 năm, người ta đã phát hiện một chiếc máy bay gỗ 2,200 năm tuổi ở Ai Cập. Có lẽ do máy bay là thứ gì đó xa lạ với thời kỳ đó, các nhà khảo cổ đã nghĩ rằng hiện vật này là một loại điêu khắc về chim được cách điệu. Họ cũng tìm thấy những vật thể kim loại tương tự ở các khu vực khác nhau của Mỹ Châu thời tiền Colombia. Đáng kinh ngạc hơn nữa, ở những vùng xa xôi trên thế giới, người ta khám phá ra những bức tranh trong các hang động miêu tả về thời kỳ huy hoàng của tàu vũ trụ.
Khoa học chân chính cần phải liên tục đặt nghi vấn, xem xét và xác định lại nền tảng của chính nó khi có những khám phá mới. Quá trình này đôi khi sẽ gạt bỏ những kết quả của nhiều năm nghiên cứu và điều tra trước đó sang một bên. Chúng ta đã biết các sách lịch sử hiện nay nói rằng sự phát triển khoa học công nghệ đi từ trình độ thấp lên đến trình độ cao, nhưng những phát hiện được liệt kê ở trên lại kể một câu chuyện rất khác. Nó khiến chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận lại giả thiết của mình.
Khi đối mặt với một lượng đáng kể bằng chứng khiến quan niệm đương đại về lịch sử và công nghệ tinh xảo của tổ tiên chúng ta trở nên thiếu đúng đắn, chúng ta sẽ thiếu lương tâm và phản khoa học nếu cố phớt lờ chúng để bảo vệ một niềm tin không có cơ sở.
Leonardo Vintini
Thuần Thanh biên dịch
Xem thêm: