Thời kỳ mãn kinh có thể chấm dứt chứng đau nửa đầu?
Chứng đau nửa đầu có thể suy giảm hoặc biến mất sau khi bước vào tuổi mãn kinh.
Theo Hiệp hội Đau nửa đầu Hoa Kỳ (American Migraine Foundation – AMF), một tổ chức bất vụ lợi chuyên để nghiên cứu và nâng cao nhận thức về chứng đau nửa đầu, Hoa Kỳ có hơn 39 triệu nam giới, phụ nữ và trẻ em bị đau nửa đầu. Tuy nhiên, phụ nữ có nguy cơ bị đau nửa đầu cao hơn so với nam giới từ 2 đến 3 lần.
Vì sao phụ nữ dễ bị đau nửa đầu?
Một nghiên cứu được công bố trên Tập san Headache and Pain cho thấy những phụ nữ bị đau nửa đầu thường bắt đầu cơn đau sau kỳ kinh nguyệt đầu tiên. Chứng đau nửa đầu liên quan đến kinh nguyệt, thường xảy ra trước hoặc trong thời gian hành kinh do sự sụt giảm nhanh chóng của estrogen.
Trong thời kỳ mang thai, nhiều phụ nữ cũng có thể giảm hoặc không còn đau nửa đầu do thay đổi nồng độ estrogen. Về sau, khi chuyển dần sang giai đoạn mãn kinh, một tỷ lệ phụ nữ thấy rằng họ bị đau nửa đầu nhiều hơn do sự dao động nồng độ estrogen và progesterone.
Tiến sĩ Michael Franklin, một nhà thần kinh học tại Bệnh viện St. Anthony ở Florida, cho biết thời kỳ tiền mãn kinh có thể làm tăng mức độ và tần suất cơn đau nửa đầu. Tiến sĩ Franklin được chứng nhận về thần kinh học, điện chẩn y học và y học đau đầu.
Ông nói: “Ở thời kỳ tiền mãn kinh, chứng đau nửa đầu có thể trở nên rất khó kiểm soát.”
Tuy nhiên, cơn đau nửa đầu có thể thuyên giảm sau khi bước vào giai đoạn mãn kinh.
Hormone chỉ là một nguyên nhân gây ra chứng đau nửa đầu. Một số tác nhân khác bao gồm:
- một số loại thực phẩm nhất định
- đồ uống có cồn
- căng thẳng
- rối loạn giấc ngủ (ngủ nhiều, thiếu ngủ hoặc thay đổi cách ngủ)
- mùi hương
- thay đổi thời tiết
Ông Franklin nói: “20-30% dân số sẽ có một cơn đau nửa đầu trong cuộc đời.”
Chứng đau nửa đầu ở phụ nữ thường kèm theo dấu hiệu thoáng báo. Dấu hiệu thoáng báo là một triệu chứng thần kinh xảy ra đồng thời hoặc trước khi xuất hiện cơn đau nửa đầu. Dấu hiệu thoáng báo cũng có thể xảy ra mà không có sự hiện diện của cơn đau nửa đầu. Chứng đau nửa đầu kèm theo dấu hiệu thoáng báo còn được gọi là đau nửa đầu phức tạp.
Đau nửa đầu với dấu hiệu thoáng báo
Tiến sĩ David Dodick, một nhà thần kinh học tại Phòng khám Mayo ở Arizona và là chủ tịch của Hiệp hội Đau đầu Hoa Kỳ, cho biết phụ nữ có nguy cơ bị đau nửa đầu có hoặc không có dấu hiệu thoáng báo cao gấp ba lần so với nam giới. Theo ông Dodlick, 30% những người trải qua cơn đau nửa đầu sẽ có triệu chứng thoáng báo.
Dấu hiệu thoáng báo thường kéo dài trong năm phút và biến mất trong vòng một giờ; tuy nhiên, đôi khi cũng có thể tồn tại trong nhiều tuần.
Ví dụ về dấu hiệu thoáng báo bao gồm các triệu chứng về thị giác, chẳng hạn như nhìn thấy tia lửa, đường ngoằn ngoèo, lăng kính hoặc có điểm mù trong tầm nhìn. Dấu hiệu thoáng báo cũng bao gồm ngứa ran hoặc tê ở mặt, bàn tay hoặc một bên cơ thể, các vấn đề về ngôn ngữ, đặc biệt là phát âm, và khó nói.
Thuốc điều trị chứng đau nửa đầu
Nhiều loại thuốc có sẵn giúp giảm chứng đau nửa đầu cấp tính có dấu hiệu thoáng báo. Những loại thuốc này hiệu quả nhất khi được dùng ở thời điểm xuất hiện dấu hiệu đầu tiên của chứng đau nửa đầu.
Phương pháp điều trị cấp tính phổ biến bao gồm thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) như ibuprofen (Advil, Motrin, v.v.). Các phương pháp điều trị cấp tính khác là nhóm thuốc triptan, bao gồm Sumatriptan (Imitrex, Tosymra) và rizatriptan (Maxalt, Maxalt-MLT) được kê toa rộng rãi. Những loại thuốc này có thể giúp giảm đau nửa đầu; tuy nhiên, thuốc có thể không an toàn cho những người có nguy cơ đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim.
Thuốc kê toa bao gồm lasmiditan (Reyvow) và chất đối kháng CGRP như urogepant (Ubrelvy) và rimegepant (Nurtec ODT), cũng có thể được dùng để điều trị đau nửa đầu cấp tính. Thuốc chống nôn cũng có thể hữu ích trong trường hợp này.
Nhiều thuốc cũng được kê như một giải pháp phòng ngừa, ví dụ thuốc hạ huyết áp (thuốc chẹn beta và thuốc chẹn kênh canxi). Amitriptyline (thuốc chống trầm cảm ba vòng) và thuốc chống co giật valproate và topiramate (Topamax, Qudexy XR, và những loại khác) cũng có thể giúp ngăn ngừa chứng đau nửa đầu.
Các kháng thể đơn dòng CGRP, chẳng hạn như erenumab-aooe (Aimovig), fremanezumab-vfrm (Ajovy), galcanezumab-gnlm (Emgality) và eptinezumab-jjmr (Vyepti) là những lựa chọn mới hơn để ngăn ngừa chứng đau nửa đầu. Những loại thuốc này được chích hàng quý hoặc mỗi tháng một lần.
Chích botox cũng có thể hữu ích trong việc ngăn ngừa chứng đau nửa đầu.
Bổ sung estrogen ở dạng viên uống, gel âm đạo hoặc miếng dán có thể giúp ngăn chặn sự sụt giảm estrogen gây ra cơn đau nửa đầu.
Ông Franklin cho biết, việc ức chế kinh nguyệt bằng thuốc tránh thai tác dụng kéo dài có thể giúp ích cho những phụ nữ bị đau nửa đầu khi đang hành kinh.
Tuy nhiên, các bác sĩ có nhiều ý kiến khác nhau về việc liệu thuốc tránh thai chứa estrogen có an toàn cho phụ nữ bị đau nửa đầu có dấu hiệu thoáng báo, đặc biệt ở tuổi mãn kinh hay không, vì thuốc có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Tiến sĩ Mehyar Mehrizi, nhà thần kinh học và Phó giáo sư trợ giảng lâm sàng về thần kinh học tại Trường Y thuộc Đại học Indiana, giải thích rằng đã có các nghiên cứu về thuốc tránh thai và nguy cơ đột quỵ trong những năm 1970, thời điểm thuốc tránh thai chứa hàm lượng estrogen còn cao hơn nhiều so với bây giờ. Ông nói rằng có thể kê thuốc tránh thai estrogen liều thấp nếu bệnh nhân là người không hút thuốc và không bị đau nửa đầu có dấu hiệu thoáng báo, vì không làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Với những bệnh nhân bị đau nửa đầu có dấu hiệu thoáng báo, thuốc tránh thai chứa estrogen thường không được kê do có nguy cơ đột quỵ. Ông Mehrizi khuyến nghị chỉ nên dùng thuốc tránh thai chỉ chứa progesterone cho những phụ nữ này. Ông nói thêm rằng vẫn chưa rõ liệu thuốc tránh thai chỉ chứa progesterone có giúp ích đối với chứng đau nửa đầu hay không.
Theo Ông Mehrizi, việc thay thế estrogen sau mãn kinh không tương quan với việc tăng nguy cơ đột quỵ.
Các phương pháp điều trị tự nhiên
Vitamin B có thể là một trong những lựa chọn điều trị tự nhiên cho chứng đau nửa đầu. Một nghiên cứu cho thấy việc dùng vitamin B6 (pyridoxine) có thể giúp giảm mức độ trầm trọng và thời gian kéo dài của chứng đau nửa đầu có dấu hiệu thoáng báo. Tổ chức nghiên cứu về đau đầu Hoa Kỳ đưa ra một nghiên cứu cho thấy liều cao (400 mg/ngày) vitamin B2 (riboflavin) có thể giúp giảm tần suất đau nửa đầu.
Một nghiên cứu khác được công bố trên Tập san Headache: The Journal of Head and Face Pain cho thấy magnesium có thể hữu ích cho những phụ nữ bị đau nửa đầu và vẫn còn kinh nguyệt. Dùng magnesium sau khi có kinh 15 ngày cho đến khi bắt đầu kỳ kinh tiếp theo có thể giúp phụ nữ giảm chứng đau nửa đầu liên quan đến kinh nguyệt.
Ông Franklin đồng ý rằng các chất bổ sung như vitamin B2, magnesium oxide và CoQ10 có thể giúp giảm đau nửa đầu.
Ông Mehrizi cho biết liều lượng 400 mg vitamin B2 và magnesium oxide hoặc hơn có thể giúp giảm đau cho những phụ nữ bị đau nửa đầu trong kỳ kinh nguyệt hoặc không liên quan đến kinh nguyệt.
Trước khi bắt đầu bất kỳ phương pháp bổ sung mới nào, người bệnh trước tiên cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Vì sao thời kỳ mãn kinh có thể chấm dứt chứng đau nửa đầu?
Khi bước vào tuổi mãn kinh, nhiều phụ nữ nhận thấy các cơn đau nửa đầu giảm dần hoặc chấm dứt hoàn toàn. Điều này là do trong thời kỳ mãn kinh, cơ thể sản xuất hormone khá ổn định. Nếu không có sự biến động hormone, mức độ trầm trọng và tần suất cơn đau có thể giảm xuống.
Ông Franklin cho biết: “Nhìn chung, chứng đau nửa đầu sẽ cải thiện hơn khi mãn kinh, do giảm số lượng estrogen trong cơ thể.”
Ông Mehrizi nói: “Sự dao động của hormone đóng một vai trò nhất định trong chứng đau nửa đầu. Nói chung, người ta thấy rằng có sự giảm số lượng cơn đau nửa đầu sau thời kỳ mãn kinh.”
Tuy nhiên, sẽ không chính xác nếu đưa ra tuyên bố một cách chung chung rằng chứng đau nửa đầu sẽ được giải quyết khi tất cả phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh.
Ông Mehrizi cho biết ông đã từng thấy những phụ nữ bắt đầu bị đau nửa đầu sau khi mãn kinh.
Khi nào cần phải lo lắng?
Chứng đau nửa đầu kèm theo dấu hiệu thoáng báo là một yếu tố nguy cơ của đột quỵ, mặc dù khá thấp. Một số triệu chứng của đau nửa đầu với dấu hiệu thoáng báo có thể tương tự các dấu hiệu của đột quỵ, do vậy bạn nên xem xét các triệu chứng một cách nghiêm túc. Các triệu chứng cần theo dõi bao gồm:
- Méo mặt
- Yếu cánh tay
- Nói khó
Nếu trải qua bất kỳ triệu chứng nào ở trên, bạn nên gọi 911.
Các triệu chứng đột quỵ khác cần theo dõi:
Thanh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times