Cần chuẩn bị gì cho thời kỳ mãn kinh?
Cùng với những kỳ kinh nguyệt thất thường, người phụ nữ có thể có các triệu chứng khác, cả về thể chất lẫn cảm xúc khi bước vào thời kỳ mãn kinh. Cơn bốc hỏa, ngủ không ngon, và thay đổi tâm trạng là những biểu hiện thường gặp. Một số phụ nữ bị khô âm đạo, tăng cân, và rụng tóc. Mật độ xương cũng có thể bắt đầu giảm.
Trong thời kỳ trung niên, chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ bắt đầu trở nên ngày càng thưa dần. Đến một lúc nào đó, kinh nguyệt sẽ dừng hẳn lại, và người phụ nữ không còn có thể mang thai được nữa.
Điều này là do buồng trứng không còn khả năng rụng trứng và tạo ra các hormone như estrogen. Có thể nói, sau 12 tháng mất kinh nguyệt, người phụ nữ đã bước vào thời kỳ mãn kinh.
Trong nhiều năm trước mãn kinh, người phụ nữ có thể bị trễ kinh và kinh nguyệt thất thường. Giai đoạn này có thể kéo dài từ 1 đến 10 năm, gọi là thời kỳ chuyển tiếp tuổi trung niên hay tiền mãn kinh. Một số phụ nữ có giai đoạn chuyển tiếp ngắn hơn những người khác.
Giai đoạn chuyển tiếp tuổi trung niên
Thông thường, thời kỳ mãn kinh diễn ra ở độ tuổi 45 đến 55. Điều này có nghĩa là phụ nữ có thể có kinh nguyệt ít hơn cùng các triệu chứng khác xung quanh độ tuổi 40. Nhưng mỗi người mỗi khác. Không có một xét nghiệm nào có thể dự đoán được khi nào phụ nữ sẽ bắt đầu mãn kinh hoặc mức độ biểu hiện như thế nào.
Cùng với những kỳ kinh nguyệt thất thường, người phụ nữ có thể có các triệu chứng khác, cả về thể chất lẫn cảm xúc. Cơn bốc hỏa, ngủ không ngon, và thay đổi tâm trạng là những biểu hiện thường gặp. Một số phụ nữ bị khô âm đạo, tăng cân, và rụng tóc. Mật độ xương cũng có thể bắt đầu giảm.
Tiến sĩ Hadine Joffe, nhà nghiên cứu về thời kỳ mãn kinh do Viện Y Tế Quốc gia (NIH) tài trợ và bác sĩ tâm thần tại bệnh viện Brigham và Phụ nữ cho hay: “Hầu hết mọi người đều không có các triệu chứng nghiêm trọng. Đa số là triệu chứng nhẹ hoặc ít thường xuyên.”
NIH đang tài trợ cho các nghiên cứu tìm cách làm giảm các triệu chứng mãn kinh. Trong đó, một số phương pháp điều trị và thay đổi lối sống có thể hữu ích.
Tiến sĩ Chhanda Dutta, người giám sát nghiên cứu lão hóa lâm sàng tại NIH, giải thích: “Không có hai người phụ nữ nào sẽ trải qua thời kỳ mãn kinh giống nhau. Mỗi người đều có các triệu chứng mãn kinh khác nhau, và chúng tôi đang cố gắng cung cấp cho họ các phương pháp để có thể kiểm soát chúng.”
Cơn bốc hỏa
Cơn bốc hỏa là triệu chứng thường thấy trong thời kỳ chuyển tiếp tuổi trung niên. Nhiều phụ nữ đều gặp phải triệu chứng này trong vài năm sau mãn kinh. Một số người trải qua cơn bốc hỏa trong 10 năm hoặc lâu hơn.
Tiến sĩ Joffe nói: “Cơn bốc hỏa nhẹ khiến bạn trông như đang xấu hổ. Có một luồng nhiệt nóng bốc lên đầu và ngực của bạn, và đôi khi làm da bạn đỏ lên, cảm thấy nóng, và sau đó biến mất.”
Ngoại trừ mức độ rất nhẹ, cơn bốc hỏa có thể khiến da bạn đỏ lên rất nhiều. Đầu, cổ, và ngực của bạn có thể trở nên nóng và đổ mồ hôi.
Tiến sĩ Joffe nói: “Cơn bốc hỏa đặc biệt gây khó chịu vào ban đêm, khiến phụ nữ thức giấc, cảm thấy rất nóng, đổ mồ hôi, và rối loạn giấc ngủ.”
Các nghiên cứu do NIH hỗ trợ đã tìm ra một số phương pháp điều trị làm giảm các cơn bốc hỏa. Phương pháp điều trị hiệu quả nhất được FDA chấp thuận là liệu pháp hormone liều thấp. Một số người phụ nữ được cho dùng estrogen hoặc estrogen kết hợp với các hormon khác như progestin trong thời gian cần thiết ngắn nhất.
Không phải mỗi phụ nữ đều có thể áp dụng liệu pháp hormone. Lựa chọn khác là dùng thuốc chống trầm cảm được FDA chấp thuận để điều trị cơn bốc hỏa mức độ trung bình đến nghiêm trọng.
Bác sĩ có thể quyết định phương pháp điều trị nào là tốt nhất cho bệnh nhân. Hãy xem các “Lựa chọn sáng suốt” bên dưới để biết thêm các cách khắc phục cơn bốc hỏa khác.
Khó ngủ vào ban đêm
Vào tuổi trung niên, người phụ nữ có thể bắt đầu cảm thấy khó ngủ bởi vì lượng hormone thay đổi. Cơn bốc hỏa và đổ mồ hôi ban đêm cũng có thể khiến phụ nữ tỉnh giấc.
Tiến sĩ Joffe nói: “Những người bị cơn bốc hỏa vào buổi tối sẽ bị gián đoạn giấc ngủ cả đêm. Nó giống như một cơn khó chịu khi ngủ suốt đêm vậy, có thể khiến người ta cảm thấy mệt mỏi trong ngày tiếp theo.”
Các loại thuốc giảm cơn bốc hỏa có thể giúp giảm các vấn đề về giấc ngủ. Nhưng bên cạnh đó cũng có một số phương pháp hữu ích khác.
Tiến sĩ Joffe khuyên rằng: “Nếu cơn bốc hỏa hoặc bất kỳ điều gì khác khiến bạn thức giấc, hãy tránh nhìn vào đồng hồ. Bạn sẽ dễ ngủ hơn nhiều nếu không biết lúc đó là mấy giờ.”
Cô cũng nói rằng nên tránh trở mình. Nếu bạn thức dậy, hãy rời khỏi giường trong một thời gian ngắn để đọc sách và rồi quay lại ngủ tiếp.
Tập thể dục cũng có thể giúp ngủ ngon hơn vào ban đêm. Tốt nhất là nên tránh dùng caffeine và rượu trong vài giờ trước khi đi ngủ. Cả hai thứ này đều có thể làm gián đoạn giấc ngủ của bạn.
Đối với người khó đi vào giấc ngủ, bài tập hít thở thư giãn có thể giúp ích. Bằng cách đặt tay dưới xương sườn, từ từ hít vào bằng mũi đến khi bụng đẩy tay ra, sau đó từ từ thở ra bằng miệng trong vài phút, cơ thể bạn sẽ được thư giãn.
Tâm trạng thất thường
Trong thời kỳ mãn kinh, nhiều người phụ nữ trở nên cáu kỉnh hoặc cảm thấy tâm trạng thất thường. Một số có thể cảm thấy buồn, lo lắng và không thể tận hưởng cuộc sống như trước đây.
Tiến sĩ Peter J. Schmidt, bác sĩ tâm thần và nhà nghiên cứu của NIH cho biết: “Phụ nữ có thể bị chứng trầm cảm lâm sàng nếu có các triệu chứng này ngày qua ngày trong ít nhất 2 tuần. Nguy cơ trầm cảm tăng gấp hai đến ba lần trong thời kỳ tiền mãn kinh.”
Mặc dù hầu hết phụ nữ không có các vấn đề trầm cảm trong thời kỳ chuyển tiếp này, nhưng ông giải thích rằng, sự thay đổi hormone có thể khiến tâm trạng trở nên tiêu cực ở một số phụ nữ. Các nhà nghiên cứu đang nghiên cứu cách chống lại các tác động của sự thay đổi nồng độ hormone này.
Tiến sĩ Schmidt và cộng sự đã phát hiện rằng người phụ nữ có nguy cơ bị trầm cảm nếu điều trị bằng liệu pháp estrogen thì ít có nguy cơ bị trầm cảm hơn trong thời kỳ mãn kinh. Phương pháp này giúp chống lại sự sụt giảm estrogen và dường như cũng ngăn ngừa việc tâm trạng xuống dốc.
Ông Schmidt nói: “Nếu bạn nghĩ mình có nguy cơ trầm cảm cao, bạn nên chủ động liên lạc với bác sĩ để nói về các triệu chứng bạn nên lưu ý và những lo ngại khi già đi.”
Ông khuyên rằng bạn nên lập một kế hoạch để tìm hiểu về các triệu chứng trầm cảm. Bằng cách đó, bạn có thể chuyển từ trạng thái chuẩn bị sang hành động khi bước vào tuổi trung niên. Tiến sĩ Schmidt khuyến khích bất kỳ ai ở trong tình trạng chán nản nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ các bác sĩ chăm sóc chính (bác sĩ gia đình) hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần.
Khỏe mạnh ở tuổi trung niên
Thời kỳ chuyển tiếp tuổi trung niên là giai đoạn xảy ra những thay đổi một cách từ từ. Vì vậy, nhiều phụ nữ không phải đối mặt với các vấn đề [sức khỏe] trong giai đoạn này.
Bạn có thể dành thời gian làm một số việc ở tuổi trung niên để tối ưu hóa sức khỏe, bao gồm ăn uống điều độ, tập thể dục, và ngủ đủ giấc. Bạn càng khỏe mạnh hơn ở độ tuổi này, thì bạn sẽ càng có khả năng chống lại các thay đổi và bệnh tật liên quan đến tuổi tác.
Tiến sĩ Joffe nói: “Chúng tôi thấy điều đó giống như một cửa sổ cơ hội nơi mọi người muốn bước vào tuổi trung niên theo cách khỏe mạnh nhất có thể. Điều thực sự quan trọng là mọi người nên làm điều đúng đắn ngay từ bây giờ và bảo vệ sức khỏe của mình theo thời gian.”
Lựa chọn sáng suốt để đối phó với cơn bốc hỏa
Vân Hi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times