Những cơn đau bụng kinh ở phụ nữ trẻ có liên quan đến tăng nguy cơ bị bệnh tim
Nghiên cứu mới cho thấy rối loạn kinh nguyệt có thể báo hiệu nguy cơ bị bệnh tim trong tương lai ở phụ nữ trẻ.
Mối liên quan giữa đau bụng kinh và bệnh tim mạch có thể mạnh hơn những gì chúng ta tin tưởng trước đây.
Những kết quả sơ bộ dự kiến được trình bày tại Phiên họp khoa học của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ năm 2023 đang dấy lên một cuộc đàm luận quan trọng về tác động của sức khỏe kinh nguyệt đối với sức khỏe lâu dài của phụ nữ.
Hai nghiên cứu vẫn đang chờ bình duyệt, cho thấy mối liên quan giữa kinh nguyệt không đều và sức khỏe tim mạch. Các tình trạng như hội chứng buồng trứng đa nang và đau bụng kinh có thể báo hiệu gia tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch cao hơn ở phụ nữ trẻ, nhấn mạnh sự cần thiết phải có cái nhìn rộng hơn trong việc đánh giá nguy cơ sức khỏe tim mạch.
Nguy cơ huyết áp cao ở thanh thiếu niên nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang
Một chứng rối loạn nội tiết tố ảnh hưởng đến 1/10 phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), có liên quan đến tăng nguy cơ cao huyết áp ở các cô gái vị thành niên.
Sau khi phân tích hồ sơ của gần 170,000 phụ nữ trẻ, các nhà nghiên cứu tại Kaiser Permanente Northern California đã phát hiện ra mối tương quan đáng kể giữa PCOS và tình trạng tăng huyết áp, phát hiện này có thể thay đổi các phương pháp [chăm sóc] sức khỏe tim mạch lâu dài cho phụ nữ.
PCOS được cho là nguyên nhân gây ra chu kỳ kinh nguyệt không đều và mức hormone nam cao, dẫn đến các triệu chứng bao gồm u nang buồng trứng, tăng cân và mụn trứng cá. Tuy nhiên, người ta vẫn chưa khám phá ra những ảnh hưởng của PCOS đối với sức khỏe tim mạch ở thanh thiếu niên.
Nghiên cứu cho thấy nguy cơ cao huyết áp ở những người bị PCOS tăng 30% so với những người không bị PCOS. Đáng chú ý là tỷ lệ bị cao huyết áp là 18.6% ở những cô gái bị hội chứng buồng trứng đa nang, so với 6.9% ở những cô gái không bị PCOS. Theo nghiên cứu, sau khi tính toán độ tuổi, chủng tộc/dân tộc và mức chỉ số khối cơ thể, các nhà nghiên cứu ghi nhận tỷ lệ cao huyết áp (chỉ số quan trọng về bệnh tim mạch tiềm ẩn) tăng đáng kể 1.3 lần ở những người bị PCOS so với những người không bị PCOS.
Tiến sĩ Sherry Zhang, tác giả chính của nghiên cứu, nhấn mạnh trong một tuyên bố rằng cần phải “theo dõi huyết áp thường xuyên và điều chỉnh lối sống ở thanh thiếu niên có nguy cơ, bao gồm cả những người bị hội chứng buồng trứng đa nang, để ngăn ngừa sự phát triển của bệnh cao huyết áp.” Nghiên cứu của cô ủng hộ các giải pháp chủ động trong việc theo dõi và kiểm soát huyết áp cho bệnh nhân trẻ tuổi bị hội chứng buồng trứng đa nang, nhấn mạnh tầm quan trọng của các chiến lược phòng ngừa sớm để bảo vệ sức khỏe tim mạch.
Trong một video trên trang web của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, Tiến sĩ Harmony Reynolds, bác sĩ tim mạch, đã nhấn mạnh một lỗ hổng to lớn về nhận thức: Nhiều cô gái vị thành niên và phụ nữ ở độ tuổi 20 và 30 có thể không nhận ra rằng họ cũng có nguy cơ bị cao huyết áp.
Tiến sĩ Eugenia Alleva nói với The Epoch Times, “[Người ta thường] sử dụng các mô hình về rủi ro tim mạch trong sàng lọc dân số để xác định những bệnh nhân có nguy cơ cao. [Tuy nhiên], những mô hình này chủ yếu được điều chỉnh theo [các vấn đề của] nam giới lớn tuổi và có xu hướng đánh giá sai nguy cơ ở phụ nữ trẻ.” Đồng thời, Tiến sĩ Eugenia Alleva cũng đề nghị cần có cách tiếp cận phù hợp hơn trong việc đánh giá sức khỏe tim mạch của phụ nữ trẻ.
Nghiên cứu này đưa ra một trường hợp thuyết phục để các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe [có thể] sàng lọc chặt chẽ hơn về chứng cao huyết áp ở thanh thiếu niên bị ảnh hưởng bởi hội chứng buồng trứng đa nang.
Đau bụng kinh: Một dấu hiệu chỉ điểm của bệnh tim?
Nhiều phụ nữ đã quen thuộc với những khó chịu trong kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, đối với những người bị đau bụng kinh – cơn đau dữ dội ảnh hưởng đến 50% đến 90% phụ nữ ở một mức độ nào đó – thì đó là hiện tượng thường khiến họ suy nhược mỗi tháng. Nghiên cứu gần đây cho thấy đau bụng kinh cũng có thể mang theo nguy cơ bị bệnh tim đáng kể ở phụ nữ dưới 50 tuổi.
Trước tình trạng các vấn đề về tim mạch ngày càng gia tăng ở phụ nữ trẻ, nghiên cứu gần đây của Tiến sĩ Alleva nhấn mạnh một yếu tố nguy cơ đã bị bỏ qua: đau bụng kinh. Bà nói: “Chứng đau bụng kinh là mối lo ngại phổ biến nhất về kinh nguyệt,” tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa đánh giá đúng mức về vai trò tiềm ẩn của tình trạng này trong việc tăng nguy cơ tim mạch.
Nhóm của Tiến sĩ Alleva đã nghiên cứu hồ sơ sức khỏe của hơn 55,000 phụ nữ và phát hiện rằng những người bị đau bụng kinh có nguy cơ thiếu máu cục bộ cơ tim cao gấp đôi và dễ bị đau thắt ngực hơn gấp ba lần — đau thắt ngực báo hiệu tình trạng giảm lưu lượng máu đến tim.
Nghiên cứu này đặc biệt phù hợp với phần lớn phụ nữ đang trong kỳ kinh nguyệt bị đau hàng tháng. Nếu các nghiên cứu tiếp theo ủng hộ những kết luận này, đau bụng kinh có thể được công nhận là dấu hiệu quan trọng đối với bệnh tim, có khả năng làm thay đổi cách đánh giá và điều trị nguy cơ tim mạch ở phụ nữ trẻ.
Phụ khoa và sức khỏe tim mạch có mối liên quan với nhau
Nghiên cứu ngày càng cho thấy tình trạng viêm là nguyên nhân phổ biến khiến các vấn đề sinh sản của phụ nữ làm gia tăng nguy cơ bị bệnh tim.
Các chất chỉ điểm viêm tăng cao là dấu hiệu đặc trưng của PCOS và nhưng dấu hiệu này cũng được xem là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm cho bệnh tim. Tương tự như vậy, đau bụng kinh biểu thị tình trạng viêm tiềm ẩn. Chu kỳ kinh nguyệt kích thích việc phóng thích các chất hóa học, không chỉ gây ra co thắt mà còn gây viêm toàn thân – một nguy cơ được công nhận đối với sức khỏe động mạch và tim.
Tiến sĩ Alleva gợi ý rằng cơn đau bụng kinh trầm trọng có liên quan đến việc gia tăng căng thẳng và gián đoạn hệ thần kinh tự chủ, cả hai đều ảnh hưởng đến chức năng tim và có liên quan đến mức phân tử gây viêm cao hơn.
Bà nói, “Cả viêm và căng thẳng đều có liên quan đến tăng nguy cơ tim mạch,” đồng thời nói thêm rằng điều này nhấn mạnh vai trò của những yếu tố trên trong quá trình phát triển bệnh tim, đặc biệt là ở phụ nữ trẻ.
Bằng chứng [từ nghiên cứu] này đóng vai trò như một lời cảnh tỉnh: Sức khỏe kinh nguyệt là một khía cạnh không thể thiếu đối với sức khỏe tổng thể của phụ nữ – bao gồm cả sức khỏe tim mạch. [Đồng thời] nhấn mạnh sự cần thiết của một mô hình chăm sóc sức khỏe toàn diện nhắm đến tất cả các yếu tố, chứ không chỉ đơn thuần là các triệu chứng riêng lẻ.
Việc áp dụng phương pháp này có thể tích hợp việc đánh giá tim định kỳ vào chăm sóc phụ khoa cho phụ nữ bị PCOS hoặc đau bụng kinh dữ dội, ưu tiên các giải pháp phòng ngừa trong chăm sóc sức khỏe phụ nữ.
Tiến sĩ Reynolds cho rằng những lần khám sức khỏe của những người “phụ nữ khỏe mạnh” có thể là cơ hội chính để thảo luận về những rủi ro riêng cho phụ nữ và củng cố tầm quan trọng của những thói quen tốt để hạn chế bệnh tim mạch.
Vân Hi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times