Thói đạo đức giả của Trung Cộng và doanh nghiệp Hoa Kỳ
Hội nghị Bàn tròn Doanh nghiệp Hoa Kỳ, Phòng Thương mại, Cục Trang trại Hoa Kỳ, Hiệp hội Chất bán dẫn, và một số doanh nghiệp Hoa Kỳ lớn khác vừa yêu cầu Tổng thống Biden giảm thuế quan của Hoa Kỳ đối với hoạt động nhập cảng từ Trung Quốc, và yêu cầu đàm phán một thỏa thuận thương mại mới với Bắc Kinh.
Các nhóm này giải thích rằng họ đưa ra yêu cầu này vì thuế quan đã khiến cho giá cả cao hơn, điều này đang gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Các doanh nghiệp lớn muốn làm tất cả những gì có thể để giúp người tiêu dùng Hoa Kỳ.
Nhưng gượm đã nào. Các thành viên và khách hàng của Cục Trang trại Hoa Kỳ không hề nhập cảng nhiều, trái lại là chẳng [nhập] thứ gì từ Trung Quốc cả. Họ xuất cảng rất nhiều sang Trung Quốc, nhưng Trung Quốc lại không phải là nước xuất cảng nông sản đáng kể. Vậy liệu rằng Cục Trang trại có thực sự lo ngại về giá cả mà người tiêu dùng Hoa Kỳ đang phải chi trả cho thực phẩm nhập cảng hay không? Quả thực là, theo chỉ số giá tiêu dùng chính thức, giá cả thực phẩm ở Hoa Kỳ [chỉ] tăng không tới 2% trong năm qua (2020). Thật khó để tin rằng Cục Trang trại đang thực sự lo ngại về việc giá thực phẩm Hoa Kỳ tăng lên do thuế quan.
Nhưng có lẽ những người nông dân là một ngoại lệ. Hãy nhìn vào ngành công nghiệp chất bán dẫn. Ngành công nghiệp này là một nhà nhập cảng cũng như xuất cảng vi mạch bán dẫn đồ sộ. Theo [công ty tư vấn độc lập] Kiplinger Advisors, doanh số của ngành này tăng khoảng 20% trong năm nay và đang thu về lợi nhuận khổng lồ. Hiện giờ, đúng là có áp thuế đối với một số mặt hàng chất bán dẫn nhập cảng từ Trung Quốc. Tuy nhiên, với lợi nhuận khổng lồ mà các nhà sản xuất đang tích lũy được, họ sẽ dễ dàng giảm giá để giúp người tiêu dùng nếu họ nghĩ rằng người tiêu dùng đang bị thiệt hại quá nhiều. Ngay cả khi giá giảm, họ vẫn sẽ kiếm được lợi nhuận siêu ngạch. Điều thú vị là không có công ty kinh doanh chất bán dẫn nào mà quá đỗi quan tâm lo lắng về việc người tiêu dùng phải trả giá cao như vậy, lại đề nghị giảm giá của chính họ mặc dù [họ] kiếm được lợi nhuận kỷ lục.
Hết thảy những điều này cho thấy có một điều gì đó ngoài giá tiêu dùng, đang thúc đẩy ngành này yêu cầu Tổng thống Biden giảm thuế quan đối với các mặt hàng nhập cảng từ Trung Quốc. Đây có thể là điều gì?
Người nông dân không bận tâm đến giá tiêu dùng đối với bất kỳ thực phẩm nhập cảng nào từ Trung Quốc. Họ hy vọng rằng một thỏa thuận với Trung Cộng sẽ dẫn đến việc Bắc Kinh giảm thuế quan mà Trung Cộng đã áp đặt đối với hàng nông sản nhập cảng từ Hoa Kỳ nhằm đáp trả việc cựu Tổng thống Trump tăng thuế đối với hàng nhập cảng vào Hoa Kỳ từ Trung Quốc. Họ muốn bán nhiều hơn cho Trung Quốc. Họ không bận tâm rằng Bắc Kinh đang bóp nghẹt tự do ở Hồng Kông và đang tiến hành cuộc diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương đồng thời đang đe dọa xâm lược Đài Loan. Họ chỉ muốn bán được hàng và kiếm thêm được nhiều tiền hơn.
Ngoài ngành công nghiệp bán dẫn ra, thì Hội nghị Bàn tròn Doanh nghiệp và Phòng Thương mại Hoa Kỳ, cả hai cơ quan này còn rối ren và đáng chú ý hơn. Hãy nhớ rằng đó là những doanh nghiệp mà các nhà lãnh đạo đã được đào tạo để tin rằng trách nhiệm duy nhất của họ đối với doanh nghiệp của mình là tạo ra lợi nhuận cho các cổ đông, và tất nhiên là, cho chính bản thân họ nữa. Tất cả họ đều đang tạo ra lợi nhuận kỷ lục. Nếu họ thành thật có quan tâm và hết mực quan tâm đến giá tiêu dùng, tất cả họ đều có thể có đủ khả năng để giảm giá. Họ vẫn sẽ có lợi nhuận rất cao. Nhưng họ cũng không thực sự lo lắng cho người tiêu dùng. Nhiều người trong số họ muốn tăng lợi nhuận của mình bằng cách giữ nguyên các mức giá và giảm chi phí của mình bằng việc được giảm thuế quan.
Nhưng có một góc độ khác, có lẽ quan trọng hơn khi hầu hết trong số họ thực hiện rất nhiều công việc làm ăn ở Trung Quốc bằng việc sản xuất tại đó và bán tại đó, hoặc là sản xuất tại đó và từ Trung Quốc đưa đi nhập cảng. Apple là một ví dụ điển hình. Tất cả mọi thứ mà Apple bán tại thị trường Hoa Kỳ, đều được sản xuất ở Trung Quốc. Hoặc lấy Walmart [làm một ví dụ khác]. Hầu như tất cả mọi thứ công ty này bán ở Hoa Kỳ cũng đều được sản xuất tại Trung Quốc.
Ngay lúc này, nếu quý vị đã và đang theo dõi các sự kiện ở Trung Quốc gần đây, thì quý vị sẽ nhận thấy rằng ông Tập Cận Bình và Trung Cộng đang thẳng tay đàn áp các tập đoàn lớn cũng như các vị giám đốc điều hành của Trung Quốc. Quý vị cũng thấy rằng Trung Cộng sở hữu quyền lực rất lớn để uy hiếp và cưỡng chế không chỉ các tập đoàn Trung Quốc mà còn cả các tập đoàn ngoại quốc đang hoạt động tại Trung Quốc. Trung Cộng có thể làm phá sản Apple hoặc Walmart hay nhiều công ty khác nhanh như tắt một cái công tắc. Trung Cộng muốn Hoa Kỳ dỡ bỏ thuế quan để tăng cường hàng hóa xuất cảng của Trung Quốc như một cách để lấy lại tăng trưởng cho nền kinh tế Trung Quốc sau đại dịch COVID-19.
Đối với bất kỳ nhà quan sát nào sát sao với hiện trường cũng phải rõ, rằng những gì ẩn giấu sau những lời kêu gọi mới nhằm dỡ bỏ thuế quan không phần nhiều nằm ở các tập đoàn Hoa Kỳ mà là nằm ở Trung Cộng. Các tập đoàn này là con tin của Trung Cộng mà sẵn lòng và có thể thay mặt cho nhà cầm quyền này để thách thức chính phủ Hoa Kỳ. Họ chính là ‘Nhóm Vận động Hành lang tại Hoa Thịnh Đốn’ cho Bắc Kinh.
Ông Clyde Prestowitz là một chuyên gia về Á Châu và toàn cầu hóa, một nhà đàm phán thương mại kỳ cựu của Hoa Kỳ và là một cố vấn của tổng thống. Ông là trưởng phái đoàn thương mại đầu tiên của Hoa Kỳ tới Trung Quốc vào năm 1982 và từng là cố vấn cho các Tổng thống Ronald Reagan, George HW Bush, Bill Clinton và Barack Obama. Là cố vấn cho Bộ trưởng Thương mại trong chính phủ Tổng thống Reagan, ông Prestowitz đã đứng đầu các cuộc đàm phán với Nhật Bản, Nam Hàn và Trung Quốc. Cuốn sách mới nhất của ông Prestowitz là “Thế Giới Đảo Lộn: Trung Quốc, Hoa Kỳ và Cuộc Đấu Tranh Giành Quyền Lãnh Đạo Toàn Cầu”, được xuất bản vào tháng 01/2021.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Yến Nhi biên dịch
Quý vị xem bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: