Thoát khỏi rắc rối bằng cách nhìn sâu vào bên trong tâm hồn mình
Thay vì mong đợi cuộc sống của mình khác đi, hoặc các vấn đề sẽ “tự nhiên” biến mất, hãy cùng xem cách mà Hoàng đế La Mã Marcus Aurelius đã làm với “một ngày tồi tệ” của mình…
Mỗi ngày, khi thức dậy vào buổi sáng, hãy để ý xem tâm trí bạn đang ở đâu. Có phải rằng bạn luôn đặt sự chú ý vào tình trạng thể chất của mình, đến từng cơn đau lưng, đau đầu.
Không những thế, các vấn đề về tinh thần dường như không khi nào chịu “rời xa” bạn, nào là lo lắng về cuộc họp sắp đến, chuyện gia đình, con cái, tình hình tài chính, v.v. Có vẻ như một ngày của chúng ta sẽ thật dài, thật khó khăn, bế tắc…
Nhưng bạn biết chăng, có một câu chuyện tưởng chừng là điều nghịch lý đã từng xảy ra, về một người đàn ông vốn hay đau ốm lại trở nên nổi tiếng về sức chịu đựng và sự dẻo dai. Đó chính là vị Hoàng đế La Mã Marcus Aurelius.
Không chỉ được biết đến như một chiến binh với nhiều chiến công hiển hách, đã xây dựng Đế quốc La Mã cường thịnh, ông còn được ca ngợi như một vị Hoàng đế tài cao học rộng với nhiều cải cách khôn ngoan và tích cực. Do đó, ít ai ngờ rằng thực ra Aurelius là người có thể chất yếu đuối, với nhiều căn bệnh mãn tính.
Tuy nhiên, điều này càng khiến ông nổi tiếng hơn nữa bởi khả năng phục hồi phi thường của mình. Nhà sử học Cassius Dio đã viết: “Hoàng đế đã rèn luyện cơ thể mình từ một người rất yếu đuối thành người có sức dẻo dai bền bỉ nhất”.
Khi đối diện với bất cứ sự khó chịu nào, Marcus Aurelius sẽ đơn giản là cảnh báo bản thân ông rằng: “Ngươi đang nhường chỗ chính mình cho cơn đau”.
Mỗi ngày là một thử thách
Hoàng đế La Mã Marcus Aurelius là một vị hoàng đế mẫu mực, đồng thời là một triết gia phái Khắc kỷ – một trường phái triết học Hy Lạp cổ đại tôn vinh đạo đức con người.
Từ đó, Aurelius đã tìm ra phương thức “đặc biệt” giúp bản thân ông đối phó với mọi nghịch cảnh, đó là làm theo những lời răn dạy rằng “đức hạnh là điều tốt đẹp duy nhất đối với con người”, và hướng tới việc duy trì ý chí sao cho “hòa hợp với tự nhiên”.
Cũng như nhiều nhà hiền triết của chủ nghĩa Khắc Kỷ, Hoàng đế Marcus Aurelius rất coi trọng việc “có đức hạnh là đã đủ hạnh phúc”. Đó cũng là bước đệm quan trọng giúp ông trở nên vô cùng kiên cường trước những bất hạnh.
Ông nói: “Đừng nghĩ quá nhiều về những thứ bạn thiếu thốn, mà hãy nghĩ về những gì bạn có, đặc biệt là những điều tốt nhất”.
‘Tâm trí của ta thật đáng cười’
Chúng ta sẽ làm gì đây, nếu phải trải qua một hay nhiều ngày tồi tệ trong đời, với nào là: thời tiết nóng bức, giao thông rất tệ, vấn đề rắc rối xảy ra khắp nơi, đồng nghiệp hoặc các thành viên gia đình bất đồng ý kiến với bạn… ?
Liệu bạn sẽ “đương đầu” đến cùng, hay “khép mình” trong lớp vỏ tự vệ để trốn tránh các mâu thuẫn? Dù sao đó không phải là những cách hay để giải quyết vấn đề. Khi đối diện với những “kẻ gây chiến”, Hoàng đế Aurelius đã nhận định rằng:
“Họ trở nên như vậy bởi vì họ không thể phân biệt giữa cái thiện và điều ác. Nhưng tôi đã nhìn thấy vẻ đẹp của Thiện và sự xấu xa của Ác, và nhận ra rằng bản chất của kẻ sai trái kia có liên quan đến bản thân tôi, như thể chúng tôi có cùng một tâm trí và sở hữu một phần liên kết thần thánh, mặc dù chúng tôi không cùng một huyết thống hay cội nguồn”.
Nếu hôm nay bạn gặp những người hành xử kém, rất có thể bạn cũng không khác gì họ. Hoàng đế Aurelius khuyên chúng ta không cần phải tức giận, chán ghét hoặc tranh đấu. Mọi thứ không phải lúc nào cũng êm đềm, và chúng cũng “không có sứ mệnh” phải luôn thuận buồm xuôi gió để bạn được tận hưởng một ngày tốt lành.
Do đó, đừng quá lo lắng nếu đôi khi bạn có một quyết định tệ hại, hãy hiểu rằng thực ra mỗi người chúng ta đều có một nguồn sức mạnh nội tâm mạnh mẽ để có thể đưa ra sự lựa chọn tốt hơn. Hoàng đế Aurelius đã nói:
“Chúng ta sinh ra là để hòa hợp cùng nhau như chân, tay, và mắt, như hai hàm răng trên và dưới. Đối đầu lẫn nhau là điều phi tự nhiên. Khi bạn cảm thấy tức giận ai đó hay muốn quay lưng lại với họ, thực ra bạn đang đi ngược dòng chảy tự nhiên”.
Chắc hẳn, một số người rất khó chấp nhận rằng chúng ta sinh ra là để hỗ trợ nhau, những định kiến khiến họ tin rằng ai đó đang cố cản trở họ đạt được những mục tiêu nhất định. Vậy nên, một ngày mới chỉ bắt đầu mà họ đã kiệt sức với quá nhiều suy nghĩ và mục tiêu, với những việc cần “phải” làm. Đó mới chính là những rào cản thật sự.
“Tâm trí của ta thật đáng cười”, Aurelius nói. Bạn mong đợi thế giới không mang đến cho mình bất kỳ trở lực nào trong khi tâm trí bạn lại chứa đầy “vật cản”.
Hãy tập trung vào chính mình
Nhà phê bình văn học nổi tiếng Dorothy Parker đã kể về một tình huống mang tính châm biếm, rằng khi chuông cửa căn hộ nhà bà reo lên, bà đã đáp lại rằng “Điều quái quỷ nào nữa đây?”
Có phải bạn cũng chào đón ngày mới của mình với sự khó chịu, lo lắng tương tự? Chúng ta đã lãng phí bao nhiêu thời gian để tập trung vào những gì người khác đang làm?
Tuy nhiên, hoàng đế Aurelius nhấn mạnh rằng vấn đề ở chính chúng ta, chứ không phải người khác, ông đưa ra lời khuyên:
“Đừng lãng phí thời gian còn lại của cuộc đời để nghĩ về người khác, trừ khi nó ảnh hưởng đến lợi ích chung. Không cần phải quá bận tâm tới những gì người khác đang làm, đang nói, hoặc nghĩ, hay lý do tại sao họ làm vậy. Thay vì để tất cả những điều này làm bạn thất vọng, hãy tập trung vào tâm trí của mình”.
Nếu đến lúc này bạn vẫn cảm thấy bản thân “rất tốt”, và đối phương mới chính là người gây ra vấn đề rắc rối cho bạn, hãy xem xét ý tưởng này của Hoàng đế Aurelius, đây có thể là một “gậy cảnh tỉnh” cho niềm tin sai lầm của bạn và giúp bạn lựa chọn cách tốt hơn để tự đổi mới:
“Đừng để cảm xúc lấn át tâm trí bạn, cũng đừng ngụy biện, tự cho mình là trung tâm hay bực tức khi mọi chuyện không đúng theo ý mình.
Bạn có thể thoát khỏi các rắc rối bất cứ khi nào bạn muốn… bằng cách nhìn vào bên trong tâm hồn mình. Sẽ không có nơi nào bình yên hơn, thanh tỉnh hơn nơi tâm hồn của mỗi chúng ta”.
Cuộc sống vốn đầy thách thức, điều quan trọng là ở thái độ của chúng ta đối với mọi vấn đề, và cách chúng ta duy trì các nguyên tắc đạo đức ra sao. Hãy sống và sống “tốt” từng phút giây!