Thỏa thuận thương mại hay thoát Trung? Hy vọng nguy hiểm của ông Trump
Gần đây, chính quyền TT Trump đã bày tỏ sự hài lòng về việc Trung Quốc mua các sản phẩm nông nghiệp của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tổng thống đã hủy bỏ cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại vào tuần trước theo lịch trình, và nói rằng không muốn đối thoại với ĐCSTQ trong lúc này. Tổng thống vẫn muốn có một thỏa thuận thương mại với ĐCSTQ?
Thỏa thuận thương mại có phải là một giải pháp cho vấn đề thâm hụt thương mại với Trung Quốc, hay nó sẽ tạo điều kiện cho ĐCSTQ thâm nhập sâu hơn, mà cuối cùng sẽ gây tổn hại cho người dân Hoa Kỳ? Chúng ta hãy bắt đầu bằng cách nghe những phân tích từ cố vấn kinh tế quốc gia của Tổng thống Trump, ông Larry Kudlow.
Trong một cuộc phỏng vấn khác của Fox News, ông Kudlow cho biết Trung Quốc đã mua nhiều sản phẩm nông nghiệp nhất từ trước đến giờ. Năm 2017 là năm cao điểm về nhập khẩu của Trung Quốc, các sản phẩm nông nghiệp của Hoa Kỳ chiếm 20% tổng lượng nông sản nhập khẩu của nước này. Năm nay, con số đó tăng vọt lên 40-45%.
Tuy nhiên, ngay cả khi Trung Quốc có thể mua đủ đậu nành, ngô hoặc thịt lợn theo các cam kết về nông nghiệp, thì họ cũng không mua đủ dầu và khí đốt như trong các cam kết về năng lượng. Các đơn đặt hàng máy bay cũng sẽ giảm do nhu cầu đi lại sụt giảm.
Tuy nhiên, tổng thống và đại sứ Lighthizer hài lòng về tiến độ cho đến hiện tại, đó là lý do tổng thống đã tweet rằng thỏa thuận thương mại vẫn tiếp tục. Ông chỉ phát biểu: Tôi không muốn đối thoại với ĐCSTQ trong lúc này.
Điều gì khiến Tổng thống Trump không muốn đối thoại với ĐCSTQ trong lúc này?
Chúng ta không rõ lắm. Những gì chúng ta biết là, một mặt, Trung Quốc tăng cường mua các sản phẩm nông nghiệp của Hoa Kỳ, mặt khác, họ tiếp tục ăn cắp các tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ. Và các hoạt động mới nhất là họ đang cố gắng gây bất lợi cho ông Trump trong việc tái tranh cử tổng thống năm 2020.
Kể từ tháng 6, các tài khoản mạng xã hội giả mạo từ mạng lưới spam ủng hộ ĐCSTQ có tên “Spamouflage Dragon” đã đăng nhiều video bằng tiếng Anh tấn công chính quyền TT Trump và các chính sách đối ngoại của họ.
Từ giữa tháng 7, các video bằng tiếng Anh xuất hiện trên YouTube, Facebook và Twitter, chỉ trích chính quyền TT Trump về chính sách đối với ĐCSTQ, cách xử lý đại dịch, phân biệt chủng tộc, và việc cấm TikTok.
Các video này có tiêu đề bằng tiếng Trung nhưng phụ đề tiếng Anh, được làm cách vụng về, với các lỗi ngôn ngữ, thuyết minh máy tính tự động, và được đăng bởi các tài khoản giả mạo, sử dụng ảnh đại diện được tạo bằng các phần mềm trí tuệ nhân tạo.
Không có gì bí mật khi ĐCSTQ thích ông Joe Biden hơn ông Donald Trump [trong cuộc bầu cử] năm 2020. Những gì họ đang thực hiện là một chiến lược phổ biến, được mô tả trong thành ngữ “thả con săn sắt, bắt con cá rô” của Trung Quốc. Họ muốn sử dụng thỏa thuận thương mại để xoa dịu TT Trump vừa đủ, để ông không tiến hành thêm các biện pháp phá hủy chế độ Cộng sản một cách thực sự. Trong khi đó, họ cố gắng hết sức không để ông Trump tái đắc cử. Họ chờ đến khi ông Biden trở thành tổng thống, sau đó sẽ thỏa thuận lại hoặc hủy bỏ thỏa thuận thương mại.
Tại thời điểm này, tôi nghĩ rằng điều tối quan trọng là tổng thống phải suy nghĩ lại về toàn bộ thỏa thuận thương mại Hoa Kỳ -Trung Quốc, để đưa ra quyết định cuối cùng về việc liệu Hoa Kỳ có nên dừng giao dịch với ĐCSTQ hay không. Có hai yếu tố cần cân nhắc. Yếu tố thứ nhất, liệu ĐCSTQ có tôn trọng toàn bộ thỏa thuận thương mại hay không, đặc biệt là liệu họ có thể thực hiện những thay đổi về mặt cấu trúc mà Hoa Kỳ yêu cầu hay không. Yếu tố thứ hai, nếu họ không thực hiện những thay đổi về mặt cấu trúc đó, liệu việc kinh tế Hoa Kỳ và ĐCSTQ ngày càng ràng buộc, do kết quả của thỏa thuận thương mại giai đoạn một, có gây tổn hại cho Hoa Kỳ hay không.
Hãy bắt đầu với yếu tố đầu tiên. Liệu ĐCSTQ có thực hiện những thay đổi cơ bản về cấu trúc đối với nền kinh tế của nó. Tôi đã nói về điều này ngay từ lần đầu tiên trong chuyên mục China Angle (tạm dịch: Góc nhìn Trung Quốc) của tôi. Tôi tin rằng ĐCSTQ sẽ không và không thể thực hiện những thay đổi này bởi vì những điều đó là nền tảng cho việc liệu ĐCSTQ có thể tiếp tục nắm quyền hay không.
Tại sao? Hãy suy nghĩ về điều đó theo cách này. Một nền kinh tế thị trường thực sự đòi hỏi những phẩm chất nhất định từ hệ thống chính trị phải tương xứng. Những quyền quan trọng nhất là quyền cá nhân, quyền sở hữu tư nhân, nhà nước pháp quyền mạnh mẽ và một chính phủ trong khuôn khổ luật pháp. Những phẩm chất này về cơ bản mâu thuẫn với cách thức cai trị của đảng cộng sản. Trong xã hội cộng sản, không tồn tại khái niệm về quyền cá nhân và tài sản tư nhân. Mọi thứ và mọi người hoặc thuộc về Đảng, hoặc chịu sự kiểm soát của Đảng, hoặc cả hai. Không có pháp quyền độc lập. Đảng đứng trên luật pháp.
Bạn có các doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc, nhưng ngay cả các công ty tư nhân cũng bị Đảng kiểm soát chặt chẽ. Họ cần có quan hệ tốt với giới tinh hoa trong đảng để có được những hợp đồng tốt và sự bảo kê.
Người dân Trung Quốc đã cố gắng thay đổi hệ thống chính trị chưa? Có, họ đã thử. Những nỗ lực chân thành và táo bạo về việc cải cách chính trị của người dân Trung Quốc và một số lãnh đạo cộng sản có tư tưởng cởi mở đã dẫn đến một cuộc đàn áp đẫm máu. Tôi đang nói về phong trào ủng hộ dân chủ Thiên An Môn năm 1989. Cuối cùng Đặng Tiểu Bình đã lựa chọn duy trì sự cai trị của Đảng, thay vì tôn trọng sự khao khát dân chủ của nhân dân. Sinh viên và người dân Trung Quốc đã bị thảm sát.
Sau sự kiện Thiên An Môn, giới cầm quyền ĐCSTQ đã chuyển hướng thành công sự khao khát của toàn dân vào việc theo đuổi một mục tiêu khác: tiền. Cải cách chính trị đã là quá khứ.
Hiện chính quyền Trump đang yêu cầu thay đổi về mặt cấu trúc đối với quan hệ thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc. Việc này thực sự có ý nghĩa gì đối với ĐCSTQ?
Nó có nghĩa là ĐCSTQ phải thay đổi cách mà nó điều hành nền kinh tế, thay đổi cách mà nó kiểm soát, và về cơ bản là thay đổi cách Đảng Cộng sản nắm quyền.
Hãy lấy một ví dụ là tài trợ của nhà nước. ĐCSTQ đã tài trợ cho các doanh nghiệp quốc doanh và do nhà nước chỉ đạo trong nhiều năm. Chi phí triển khai mạng 5G của Huawei thấp hơn 40% so với công ty Châu Âu, vì các khoản tài trợ như vậy. Đó là một trong những lý do chính khiến các công ty Trung Quốc vượt qua các đối thủ cạnh tranh trên toàn cầu.
Thành công của Huawei là kết quả của chính sách công nghiệp do ĐCSTQ chỉ huy. Đó là biểu hiện quyền lực tối thượng của Đảng. Đó là cách ĐCSTQ hình dung, dưới sự lãnh đạo của nó, Trung Quốc sẽ đạt được tầm nhìn “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025”, và cuối cùng là thay thế Hoa Kỳ để trở thành bá chủ thế giới về kinh tế và công nghệ. Đó là cách Đảng điều hành và cách thức hoạt động của ĐCSTQ.
Liệu họ có thể dễ dàng từ bỏ điều đó? Trên thực tế, dưới thời của Tập Cận Bình, Đảng đang thắt chặt kiểm soát đối với nền kinh tế và người dân Trung Quốc. Nó đang đảo ngược quá trình tư nhân hóa bằng cách đưa bộ máy của Đảng vào trong các công ty tư nhân, đồng thời bằng cách phát triển các công nghệ trí tuệ nhân tạo và giám sát tự động, sự kìm kẹp của nó đối với người dân Trung Quốc ngày càng siết chặt hơn bao giờ hết.
Nếu ĐCSTQ về cơ bản sẽ không tôn trọng thỏa thuận thương mại, vậy tại sao nó lại mua nhiều sản phẩm nông nghiệp hơn từ Hoa Kỳ? Như tôi đã đề cập bên trên, tôi e rằng những gì nó thực sự đang cố gắng làm là sử dụng thỏa thuận thương mại để xoa dịu TT Trump vừa đủ để ông ấy không thực hiện thêm các biện pháp mà có thể cắt đứt huyết mạch của ĐCSTQ.
Tổng thống đã đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với Huawei khiến hãng này không thể tiếp tục sản xuất điện thoại thông minh cao cấp. Các lệnh trừng phạt đối với các quan chức cấp cao của ĐCSTQ, trong sự việc liên quan đến Hồng Kông và Tân Cương, đã gây ra làn sóng chấn động lớn cho giới chính trị. Việc đẩy các công ty Trung Quốc ra khỏi thị trường tài chính Hoa Kỳ làm ảnh hưởng đến dòng tiền của những công ty này. Bước tiếp theo là đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với các tổ chức tài chính có quan hệ với các quan chức ĐCSTQ và Hồng Kông, những người đã bị xử phạt vì vi phạm nhân quyền.
Các biện pháp trừng phạt đó có thể như thế nào? Là khả năng cắt những ngân hàng này ra khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu sử dụng đô la Mỹ, còn được gọi là SWIFT. Nếu điều đó xảy ra, những ngân hàng này sẽ không thể thực hiện các giao dịch dựa trên đô la Mỹ nữa, đây sẽ là bản án tử đối với những ngân hàng này. Về mặt lý thuyết, Hoa Kỳ có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp như vậy đối với những ngân hàng và tổ chức tài chính của Trung Quốc có liên quan đến vi phạm nhân quyền. Nếu những lệnh trừng phạt này diễn ra, nền kinh tế Trung Quốc sẽ bị giáng một đòn chí mạng.
Bắc Kinh chắc chắn không muốn tổng thống có những bước đi như vậy. Trên thực tế, có nhiều tin đồn xuất hiện sau khi giới lãnh đạo ĐCSTQ gặp nhau để thảo luận và quyết định các công việc quan trọng tại khu nghỉ dưỡng Bắc Đới Hà. Có một tin đồn rằng giới lãnh đạo đã quyết định cứng rắn trên 3 lĩnh vực, và mềm mỏng đối với 3 lĩnh vực khác. Họ cần phải cứng rắn với người dân Trung Quốc, về tuyên truyền, và đối với Hồng Kông, nhưng phải mềm mỏng với Hoa Kỳ, với phương Tây, và với những hành động mà đảng này thực hiện.
Nếu tin đồn là sự thật, điều đó sẽ giải thích tại sao ĐCSTQ tăng cường mua các sản phẩm nông nghiệp của Hoa Kỳ, họ làm vậy để tạo hy vọng cho tổng thống. Với hy vọng rằng ĐCSTQ sẽ thực hiện thỏa thuận thương mại một cách nghiêm túc, và những gì tổng thống đã chiến đấu cho là sắp đạt được.
Nhưng hy vọng đó là nguy hiểm.
Chúng ta đã nói về lý do tại sao ĐCSTQ sẽ không thực hiện những thay đổi về mặt cấu trúc đó.
Nguy hiểm thực sự xảy ra khi một mặt, ĐCSTQ không có ý định tôn trọng toàn bộ thỏa thuận, nhưng mặt khác, nó khiến kinh tế Hoa Kỳ gắn bó hơn nữa với kinh tế Trung Quốc. Ví dụ, một trong những yêu cầu chính trong thỏa thuận thương mại giai đoạn một là Trung Quốc cần mở cửa thị trường tài chính. Trong khi điều đó có nghĩa là Phố Wall sẽ có thể kiếm được nhiều tiền hơn từ Trung Quốc, điều đó cũng có nghĩa là dòng vốn của Hoa Kỳ sẽ đổ vào Trung Quốc để duy trì sinh kế của nền kinh tế Trung Quốc và ĐCSTQ, vì các lĩnh vực công nghiệp chính được kiểm soát bởi một số gia đình lãnh đạo ĐCSTQ. Khi sự hợp nhất xảy ra, kinh tế Trung Quốc sẽ gắn bó với kinh tế Hoa Kỳ đến mức: sự đổ vỡ của nền kinh tế Trung Quốc sẽ gây nguy hiểm cho an ninh tài chính của những người dân Hoa Kỳ.
Chúng ta đều biết rằng các quỹ hưu trí liên bang của Hoa Kỳ, các quỹ hưu trí giáo viên và các quỹ đầu tư của các trường đại học đều có đầu tư vào các công ty Trung Quốc, và nhiều công ty trong số đó đặt ra những lo ngại về an ninh quốc gia, vi phạm nhân quyền, và có nhiều hành vi lừa đảo. Quy mô của những khoản đầu tư này đang tăng lên nhanh chóng, sắp đạt ngưỡng một nghìn tỷ USD, và cao hơn. Khi đó, khả năng vận động hành lang của ĐCSTQ trong chính phủ Hoa Kỳ sẽ mạnh đến mức bất cứ điều gì chống lại ĐCSTQ đều không có cơ hội được thông qua.
Một yếu tố đáng lo ngại khác là ĐCSTQ đang nhanh chóng bắt kịp năng lực về quân sự. Theo ông Michael Pillsbury, Cố vấn cấp cao của Bộ Quốc phòng, và là cố vấn chính về Trung Quốc của Tổng thống Trump, ĐCSTQ đang từng bước vượt qua các hệ thống vũ khí của Hoa Kỳ. Ông Pillsbury cho biết, nếu Hoa Kỳ tham chiến với Trung Quốc trên Biển Đông, Hoa Kỳ có khả năng thắng trong những trận chiến ngắn dưới hai ngày. Nếu kéo dài hơn 2 ngày, ĐCSTQ có thể thắng vì lợi thế hậu cần. Cựu giám đốc tình báo của hạm đội Thái Bình Dương, ông James Fanell, cũng nói với tôi rằng, cũng không chắc chắn về việc liệu Hoa Kỳ có thể bảo vệ Đài Loan nếu ĐCSTQ xâm lược Đài Loan hay không.
Vì vậy, nếu Hoa Kỳ gắn bó với ĐCSTQ về mặt kinh tế, và sức mạnh quân sự của nó vượt qua chúng ta, Hoa Kỳ sẽ không có biện pháp nào để kiềm chế ĐCSTQ, chứ chưa nói gì đến việc bảo vệ thế giới.
Đây là một kịch bản và nó chưa xảy ra. Nhưng chúng ta đang nhanh chóng tiếp cận ngưỡng đó. Hiện tại Hoa Kỳ có một khe cửa hẹp để thực sự chiến đấu và vươn lên dẫn đầu một lần nữa. Tuy nhiên, ĐCSTQ đang sử dụng thỏa thuận thương mại để làm tê liệt chúng ta. Làm cho chúng ta có một hy vọng hão huyền. Một hy vọng hão huyền nguy hiểm. Chúng ta cần nhận thức được điều đó.
Tác giả: Simone Gao