Thỏa thuận tàu ngầm nguyên tử sẽ định hình lại các mối bang giao tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
WELLINGTON, New Zealand — Hoa Kỳ, Anh và Úc đã thông báo rằng họ đang thành lập một liên minh an ninh mới sẽ giúp trang bị cho Úc các tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử. Liên minh này sẽ chứng kiến một sự tái định hình các mối bang giao ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và hơn thế nữa. Dưới đây là ý nghĩa của liên minh đối với nhiều bên tham gia khác nhau:
Hoa Kỳ
Mười năm trước, dưới thời Tổng thống Barack Obama, Hoa Kỳ đã bắt đầu thảo luận về việc cần tập trung nhiều hơn sự chú ý vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong khi chuyển hướng ra khỏi các cuộc xung đột ở Trung Đông.
Dưới thời Tổng thống Joe Biden, Hoa Kỳ hiện đã rút quân lính của mình khỏi Afghanistan trong khi nhận thấy rằng căng thẳng với Trung Quốc ngày một lớn dần.
Ở khu vực Thái Bình Dương, Hoa Kỳ, cũng như các quốc gia khác đều đang lo ngại về các hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông và ác cảm của nhà cầm quyền này đối với Nhật Bản, Đài Loan và Úc.
Khi công bố thỏa thuận trên, không một nhà lãnh đạo nào trong số ba nhà lãnh đạo đề cập đến Trung Quốc, mặc dù liên minh này được chế độ cộng sản Trung Quốc coi là một hành động khiêu khích. Hoa Kỳ trước đây chỉ chia sẻ công nghệ đẩy nguyên tử với Anh Quốc. Ông Biden cho biết đó là về vấn đề bảo đảm hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương về lâu dài.
Anh Quốc
Việc tách khỏi Liên minh Âu Châu theo Brexit đã khiến Anh Quốc phải tìm cách khẳng định lại vị thế toàn cầu của mình. Một phần của điều đó là sự tập trung tăng cường — hoặc đổ dồn — về phía khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Thủ tướng Anh, ông Boris Johnson cho biết liên minh mới này sẽ cho phép ba quốc gia tăng cường sự tập trung của họ vào một khu vực ngày càng trở nên phức tạp của thế giới. Ông nói rằng có lẽ quan trọng nhất là liên minh này sẽ gắn kết ba quốc gia chặt chẽ với nhau hơn.
Úc
Theo thỏa thuận trên, Úc sẽ đóng ít nhất 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử sử dụng chuyên môn của Hoa Kỳ, đồng thời hủy bỏ một hợp đồng với Pháp về các tàu ngầm chạy bằng diesel-điện. Các chuyên gia cho rằng những tàu ngầm nguyên tử sẽ cho phép Úc thực hiện các cuộc tuần tra dài hơn và mang lại cho liên minh một sự hiện diện quân sự mạnh mẽ hơn trong khu vực này.
Thủ tướng Úc Scott Morrison cho biết ông đã gọi điện cho các nhà lãnh đạo của Nhật Bản và Ấn Độ để giải thích về liên minh mới. Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và Hoa Kỳ đã có một cuộc đối thoại chiến lược được gọi là “Đối thoại An ninh Tứ giác” (the Quad hay còn gọi là Bộ Tứ Kim Cương). Ông Biden dự kiến sẽ tiếp đón các nhà lãnh đạo đồng cấp của Bộ Tứ tại Tòa Bạch Ốc vào tuần tới.
Pháp
Úc nói với Pháp rằng họ sẽ chấm dứt hợp đồng với DCNS đa phần thuộc sở hữu nhà nước (hay còn gọi là Naval Group) để đóng 12 tàu ngầm thông thường lớn nhất thế giới. Hợp đồng này có trị giá hàng chục tỷ dollar. Pháp rất tức giận, yêu cầu các bên giải thích.
“Đó thực sự là một nhát dao đâm từ sau lưng. Chúng tôi đã xây dựng một mối bang giao tín nhiệm với Úc, và sự tin tưởng này đã bị phản bội,” Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết trên đài France-Info.
Trung Quốc
Trung Cộng cho biết liên minh này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định của khu vực, đồng thời gây nguy hiểm cho các nỗ lực ngăn chặn phổ biến vũ khí nguyên tử. Trung Cộng nói rằng việc Hoa Kỳ và Anh xuất cảng công nghệ nguyên tử là “rất vô trách nhiệm” và Úc phải chịu trách nhiệm về sự đổ vỡ trong mối bang giao song phương.
Bắc Kinh vốn không hài lòng với việc chính phủ ông Biden chỉ trích họ về tình trạng vi phạm nhân quyền ở khu vực Tân Cương, việc đàn áp các nhà hoạt động dân chủ ở Hồng Kông, và các vụ xâm phạm an ninh mạng. Ông Biden đã nói chuyện qua điện thoại với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tuần trước. Sau cuộc điện đàm, Tân Hoa Xã đưa tin rằng ông Tập bày tỏ lo ngại rằng chính sách của chính phủ Hoa Kỳ đối với Trung Quốc đã gây ra “những khó khăn nghiêm trọng” trong mối bang giao.
New Zealand
Bị bỏ ngoài liên minh mới là nước láng giềng New Zealand của Úc. Quốc gia này có chính sách phi nguyên tử lâu đời, bao gồm lệnh cấm các tàu chạy bằng năng lượng nguyên tử vào các cảng của mình. Lập trường đó đôi khi là một điểm gây trở ngại mối bang giao lẽ ra là thân thiết với Hoa Kỳ.
Thủ tướng Jacinda Ardern cho biết New Zealand không được yêu cầu tham gia liên minh và sẽ không mong đợi một lời mời. Tuy nhiên, điều đó khiến New Zealand nằm ngoài một thỏa thuận chia sẻ một loạt thông tin bao gồm trí tuệ nhân tạo, không gian mạng và khả năng phòng thủ dưới nước.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: