Thỏa thuận khí hậu toàn cầu đã đạt được sau khi Trung Quốc, Ấn Độ thúc đẩy làm dịu bớt ngôn từ về than
Hôm 13/11, gần 200 quốc gia tham dự các cuộc đàm phán về khí hậu COP26 tại Glasgow, Scotland, đã cùng ký kết một hiệp định khí hậu toàn cầu, sau những thay đổi vào phút cuối do Trung Quốc và Ấn Độ thúc đẩy đã làm dịu bớt ngôn từ về việc sử dụng điện than.
Sau hai tuần đàm phán, 197 quốc gia đã không phủ quyết những thay đổi vào phút cuối để sửa đổi văn bản cuối cùng của hiệp định, có tên là Hiệp ước Khí hậu Glasgow, thành “giảm dần” chứ không phải “xóa bỏ dần” than mà khi đốt không có công nghệ giữ lại CO2 (unabated coal).
Năng lượng từ than mà khi đốt không có công nghệ thu – trữ carbon, gọi là “unabated coal power”. Một bản dự thảo trước đó của hiệp định đã kêu gọi xóa bỏ dần [việc sử dụng] toàn bộ than đá như một nguồn năng lượng.
Sự thay đổi trong cách diễn đạt này cũng được các quốc gia khác, bao gồm cả Iran và Nam Phi, ủng hộ.
“Tôi chỉ có thể nói với tất cả các đại biểu, tôi xin lỗi vì cách mà tiến trình này đã diễn ra và tôi vô cùng xin lỗi,” Chủ tịch Hội nghị COP26 Alok Sharma nói trước hội đồng sau khi nghe các đại diện từ Thụy Sĩ, Liên minh Âu Châu, và các quốc đảo nhỏ bày tỏ phản đối vì những thay đổi vào phút cuối mà ông đã thông qua trước khi họ có cơ hội xem xét những chỗ đó.
Ông Sharma đã thừa nhận rằng một số quốc gia đã thỏa hiệp theo yêu cầu của riêng họ với hy vọng đạt được thỏa thuận đã vạch ra.
“Tôi cũng lý giải được sự thất vọng sâu sắc này, nhưng tôi nghĩ, như quý vị đã lưu ý, điều quan trọng là chúng ta phải bảo vệ thỏa thuận này,” ông nói thêm một lúc trước khi hạ lệnh thông qua thỏa thuận.
Cách dùng từ “xóa bỏ dần” đã vượt qua bốn bản thảo khác nhau, nhưng phái đoàn Trung Quốc không ủng hộ ngôn từ này, The Times đưa tin. Theo nguồn tin này, cuối cùng Hoa Kỳ đã làm trung gian cho thỏa thuận với Trung Quốc và Ấn Độ để làm mềm mỏng cách diễn đạt.
Đặc phái viên khí hậu Hoa Kỳ John Kerry đã nói trong một cuộc họp báo sau khi Hiệp ước Khí hậu Glasgow được thông qua, “Quý vị phải giảm dần than trước khi quý vị có thể chấm dứt sử dụng than”.
Ông nói, “Trên thực tế, chúng ta đang gần hơn bao giờ hết trong việc tránh sự hỗn loạn khí hậu và bảo đảm nguồn không khí sạch sẽ trong lành, nguồn nước an toàn hơn, và một hành tinh khỏe mạnh hơn.”
Thỏa thuận này được đưa ra hơn một tuần sau khi Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tán dương rằng Trung Quốc đã “đạt một mức cao lịch sử” trong sản lượng than hàng ngày.
Bộ trưởng Môi trường và Khí hậu của Ấn Độ, ông Bhupender Yadav, nói với Reuters rằng việc sửa đổi này là cần thiết để phản ánh “hoàn cảnh quốc gia của các nền kinh tế mới nổi”.
“Chúng tôi đang trở thành tiếng nói của các nước đang phát triển,” ông cho hay, và nói thêm rằng than đá đã được “chọn riêng để bàn bạc” trong các cuộc đàm phán COP26, trong khi không có lời kêu gọi tương tự nào về việc loại bỏ dần dầu hay khí tự nhiên.
“Chúng tôi đã nỗ lực để tạo ra sự đồng thuận hợp lý cho các nước đang phát triển và hợp lý cho công bằng khí hậu.”
Ông cũng tuyên bố rằng “các lối sống không bền vững và tiêu dùng lãng phí” là căn nguyên của cuộc khủng hoảng khí hậu.
“Thế giới cần thức tỉnh trước thực tế này. Nhiên liệu hóa thạch và việc sử dụng chúng đã cho phép nhiều nơi trên thế giới đạt được mức độ giàu có và phúc lợi cao,” ông nói.
Hiệp ước khí hậu Glasgow là hiệp ước khí hậu toàn cầu đầu tiên trong đó các quốc gia đã đồng ý giảm sử dụng than một cách rõ ràng.
Các quốc gia tại hội nghị thượng đỉnh COP26 cũng đồng tình với các quy tắc giao dịch quốc tế của tín chỉ carbon và để chấm dứt trợ cấp nhiên liệu hóa thạch “không hiệu quả”, cũng như yêu cầu các quốc gia có lượng khí thải carbon cao hơn cam kết thực hiện các mục tiêu mạnh mẽ hơn để cắt giảm lượng khí thải vào cuối năm 2022. Các cam kết với tinh thần hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1.5 độ C do IPCC khuyến nghị so với các mức tiền công nghiệp — ngưỡng hà khắc hơn được mô hình IPCC đặt ra và được sử dụng trong Thỏa thuận Paris năm 2015.
Một số nhà nghiên cứu nói rằng với tốc độ phát thải hiện tại, nếu các quốc gia không hành động, nhiệt độ toàn cầu có thể tăng 2.4 độ C vào cuối thế kỷ này.
Trước thềm hội nghị thượng đỉnh, Liên Hiệp Quốc đã đặt ra ba tiêu chí để thành công – không có tiêu chí nào đạt được. Các tiêu chí bao gồm cam kết giảm một nửa lượng khí thải carbon dioxide vào năm 2030, 100 tỷ USD hỗ trợ tài chính từ các quốc gia giàu đến các quốc gia nghèo, và bảo đảm rằng một nửa số tiền đó được hướng đến việc giúp các nước đang phát triển thích ứng với những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.
Cô Mimi Nguyen Ly là một phóng viên tại Úc. Cô phụ trách mảng tin tức thế giới và tập trung vào tin tức tại Hoa Kỳ. Cô có bằng Cử nhân về phương pháp đo thị lực và khoa học thị lực của Đại học New South Wales. Quý vị có thể liên lạc với cô tại [email protected].
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: