Thổ Nhĩ Kỳ, Israel tái bổ nhiệm đại sứ trong bối cảnh thúc đẩy bình thường hóa khu vực
ANKARA – Trong tuần này, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đã công bố các kế hoạch tái bổ nhiệm đại sứ sau bốn năm mối bang giao song phương rạn nứt. Hành động này thực tế là một bước tiến trong việc bình thường hóa mối bang giao, bất chấp những khác biệt đang diễn ra giữa hai nước về vấn đề Palestine và Dải Gaza bị phong tỏa.
Theo nhà phân tích chính trị Thổ Nhĩ Kỳ Oytun Orhan, hành động này là một phần của xu hướng rộng lớn hơn hướng tới bình thường hóa ngoại giao liên quan đến một số quốc gia trong khu vực.
“Các tác nhân trong khu vực đều cảm thấy mệt mỏi với xung đột,” ông Orhan, một chuyên gia của Levant tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông của Ankara, nói với The Epoch Times. “Họ mong muốn giải quyết những khác biệt bấy lâu nay và tận hưởng thành quả từ sự hợp tác kinh tế và thương mại.”
Con đường gập ghềnh
Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia Hồi giáo đầu tiên công nhận Israel sau khi Israel thành lập vào năm 1948. Trong nhiều thập niên tiếp theo, Ankara — không giống như các thủ đô Ả Rập — đã duy trì mối bang giao tương đối mật thiết với Israel, thường bao gồm hợp tác quân sự.
Nhưng bang giao song phương đã trở nên căng thẳng kể từ năm 2002, chứng kiến sự gia tăng quyền lực ở Thổ Nhĩ Kỳ của Đảng Công lý và Phát triển nghiêng về chủ nghĩa Hồi giáo. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, nhà lãnh đạo lâu năm của đảng này, đã nhất mực ủng hộ nguyện vọng [độc lập] dân tộc của người Palestine và là người chỉ trích thẳng thắn về cách đối xử của Israel đối với người Palestine, đặc biệt là những người ở Dải Gaza.
Israel cùng với Ai Cập đã duy trì phong tỏa Dải Gaza từ năm 2007 – nơi sinh sống của hơn hai triệu người Palestine.
Mối bang giao Thổ Nhĩ Kỳ-Israel đã chạm đáy vào năm 2010, khi các lực lượng Israel chặn một tàu chở viện trợ nhân đạo của Thổ Nhĩ Kỳ ngoài khơi bờ biển Gaza, khiến 10 nhà hoạt động Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng. Những nỗ lực hàn gắn mối bang giao sau đó đã kết thúc vào năm 2018, khi hai nước rút các đại sứ tương ứng trong bối cảnh bạo lực tiếp diễn dọc biên giới Gaza-Israel.
Mối bang giao vẫn lạnh nhạt cho đến tháng 07/2021, khi ông Erdogan điện đàm cho người đồng cấp Israel, ông Isaac Herzog, theo giả định của người sau này về nhiệm kỳ tổng thống. Hồi tháng Ba năm nay, ông Herzog đã đến thăm Ankara và gặp gỡ ông Erdogan, làm dấy lên suy đoán mới rằng họ đang tiến tới việc tái hợp.
Hai tháng sau, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã đến thăm Israel, trở thành Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đầu tiên làm như vậy sau 15 năm. Trong chuyến thăm này, Bộ trưởng Ngoại giao Israel (và Thủ tướng đương nhiệm) Yair Lapid đã ca ngợi điều mà ông mô tả là một “chương mới” trong bang giao song phương.
“Một khi điều đó xảy ra, thì việc trao đổi các đại sứ sẽ là bước cuối cùng trong quá trình bình thường hóa vốn đã bắt đầu từ năm ngoái,” ông Orhan nói. “Sau đó, hai bên có thể tập trung vào các lĩnh vực hợp tác — bao gồm thương mại, năng lượng, an ninh và du lịch — đồng thời bắt đầu nỗ lực giải quyết những bất đồng về chính trị của mình.”
Triển vọng nối lại ngoại giao thoáng chốc đã trở nên lung lay hôm 05/08, khi các chiến đấu cơ của Israel tấn công Dải Gaza, sát hại hàng chục thường dân Palestine, bao gồm cả trẻ em. Các chiến binh Palestine ở vùng ven biển đã đáp trả bằng cách bắn hàng trăm quả hỏa tiễn vào miền nam Israel mà không gây thương vong.
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã lên án các cuộc không kích của Israel, mô tả hành động này là “không thể chấp nhận được.” Nhưng bạo lực Israel-Palestine bất ngờ bùng phát, tồi tệ nhất trong hơn một năm qua, đã không thu hút được thêm bất kỳ phản ứng nào từ Ankara.
“Cả hai bên đang cố gắng giảm bớt những chỉ trích lẫn nhau để không làm sai lạc quá trình bình thường hóa,” ông Orhan nói. “Tất nhiên, một cuộc tấn công toàn diện của Israel vào Gaza đang dẫn đến sự thương vong của hàng ngàn người Palestine, như đã thấy trong năm 2009 và 2014, sẽ gây ra một phản ứng mạnh mẽ hơn nhiều.”
Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần nhấn mạnh rằng mối bang giao được cải thiện với Israel sẽ không làm phai mờ cam kết bấy lâu nay của Ankara đối với quyền của người Palestine.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ quyền lợi của Palestine, Jerusalem, và Gaza,” ông Cavusoglu nói hôm 17/08.
“Điều quan trọng là quan điểm của chúng tôi về những vấn đề này được chuyển trực tiếp tới Tel Aviv ở cấp đại sứ.”
Xu hướng trong khu vực
Ông Orhan tin rằng việc khôi phục hoàn toàn mối bang giao Thổ Nhĩ Kỳ-Israel là một phần của xu hướng rộng lớn hơn hướng tới bình thường hóa ngoại giao hiện đang được tiến hành trên toàn khu vực.
“Chúng ta đang chứng kiến điều này ở khắp Trung Đông,” ông cho biết. “Ví dụ, Israel cũng đang cố gắng bình thường hóa mối bang giao với các quốc gia vùng Vịnh, trong khi bản thân các quốc gia vùng Vịnh gần đây chỉ mới chấm dứt cuộc khủng hoảng ngoại giao nội bộ của mình.”
Đầu năm ngoái, Ả Rập Xê Út, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập đã khôi phục bang giao chung với Qatar, theo đó họ đã áp đặt lệnh cấm vận ba năm vì cáo buộc [Qatar] ủng hộ các tổ chức khủng bố.
“Trong khi đó,” ông Orhan nói, “Chế độ Syria hiện đang trong quá trình bình thường hóa mối bang giao với một số quốc gia Ả Rập sau nhiều năm đối kháng, bao gồm Jordan, UAE, và Bahrain.”
Ông Orhan cho rằng xu hướng này là do cả yếu tố quốc tế lẫn yếu tố khu vực.
Ông nói: “Chính phủ của ông Trump đã dành nhiều sự ủng hộ hơn cho các đồng minh truyền thống của Hoa Thịnh Đốn trong khu vực này, trong khi Chính phủ của ông Biden lại giảm bớt sự ủng hộ này và báo hiệu bằng một cuộc rút quân tổng thể khỏi Trung Đông.”
Ông cũng nói thêm: “Điều này đã thúc đẩy nhiều bên trong khu vực áp dụng các chính sách ngày càng độc lập, vì họ không còn coi Hoa Kỳ là một đối tác đáng tin cậy có khả năng cung cấp an ninh.”
Trong khi đó, ở cấp khu vực, ông Orhan cho rằng nhiều quốc gia trong khu vực chỉ đơn giản là đang trải qua điều gì đó giống như để chống lại sự mệt mỏi.
Ông nói: “Một thập niên sau Mùa xuân Ả Rập, mọi người đều mệt mỏi với những cuộc xung đột không thể giải quyết – ở Yemen, Libya, Syria và Lebanon.”
“Họ muốn kết thúc trò chơi vĩnh viễn không có lợi cho cả hai này bằng cách bình thường hoá mối bang giao, từ đó mở đường cho hợp tác kinh tế và thương mại song phương.”
Ví dụ, Ankara hy vọng đạt được một thỏa thuận với Israel cho phép khí đốt tự nhiên của Israel từ Đông Địa Trung Hải được chuyển qua Thổ Nhĩ Kỳ tới các thị trường cần năng lượng ở Âu Châu.
Ông Orhan nói: “Đây là một trong những động lực chính cho việc bình thường hóa bang giao.”