Thiếu hụt nhân lực y tế, Hồng Kông tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp y khoa từ Đại lục
Mới đây, Hồng Kông đã phát hành một chương trình ghi danh đặc biệt, cho phép sinh viên tốt nghiệp y khoa từ 50 học viện ngoài thành phố đến thực tập tại Hồng Kông. Đại học Phúc Đán trở thành học viện đầu tiên ở Trung Quốc đại lục có bằng Cử nhân Y khoa và bằng Cử nhân Phẫu thuật (MBBS), một chương trình cấp bằng kéo dài sáu năm được Hồng Kông công nhận.
Ban Ghi danh Hành nghề Y khoa của thành phố đã công bố danh sách 50 học viện trong hai đợt, với 27 học viện được công bố hồi cuối tháng Tư, và 23 học viện hôm 08/06, trong đó có Đại học Phúc Đán. Hầu hết các trường đại học còn lại đến từ các quốc gia nói Anh ngữ, chẳng hạn như Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Canada, và Úc. Ngoài ra, Singapore và Nam Phi mỗi nước có một trường được công nhận theo chương trình mới này.
Trong một văn bản chính thức được công bố hôm 08/06, Cục trưởng Cục Thực phẩm và Sức khỏe Trần Triệu Thủy (Sophia Chan Siu-chee) cho biết, “Việc Ban Ghi danh Đặc biệt (SRC) công bố các bằng cấp y tế được công nhận theo các đợt, cho phép các bác sĩ có trình độ được đào tạo ngoài thành phố có thể đến phục vụ tại các cơ sở y tế công cộng ở Hồng Kông thông qua ghi danh đặc biệt càng sớm càng tốt, nhằm giảm bớt tình trạng thiếu hụt bác sĩ trong hệ thống chăm sóc sức khỏe công cộng.”
Bản sửa đổi Pháp lệnh Ghi danh Y tế năm 2021, có hiệu lực hồi cuối tháng 10/2021, cho phép các bác sĩ đủ điều kiện cuối cùng đạt được trạng thái ghi danh hoàn chỉnh ở Hồng Kông sau khi đáp ứng các tiêu chí nhất định.
Theo dự kiến, nhiều trường y khoa của Trung Quốc đại lục được đưa vào danh sách công nhận của SRC trong tương lai.
Tuy nhiên, nhiều người trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của Hồng Kông đã đặt vấn đề về sự khác biệt rất lớn giữa hệ thống y tế của Trung Quốc và Hồng Kông bởi vì khoảng cách về trình độ chuyên môn và kỹ năng cũng như rào cản ngôn ngữ sẽ gây ra ra khó khăn.
Hệ thống y tế của Hồng Kông sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ chính tại nơi làm việc, và hầu hết người Hồng Kông giao tiếp bằng tiếng Quảng Đông, trong khi ngôn ngữ làm việc của các bác sĩ đại lục là tiếng Quan Thoại.
Ông Thái Kiên (Choi Kin), chủ tịch Hội đồng Y khoa Hồng Kông, cũng bày tỏ lo ngại về vấn đề bất đồng ngôn ngữ.
Các bác sĩ và y tá Hồng Kông ghi chép bệnh án và kê đơn thuốc bằng tiếng Anh. Nếu các đồng nghiệp đại lục của họ nói tiếng Quan Thoại và viết chữ giản thể thì đó có thể trở thành một tình huống hỗn loạn, ông nói.
Ông Kiên tin rằng Ủy ban Quản lý Bệnh viện Hồng Kông có trách nhiệm đào tạo các bác sĩ đại lục cho đến khi họ có thể giao tiếp thuần thục và tự tin với đồng nghiệp và bệnh nhân của mình. Khi một số người khẳng định rằng rào cản ngôn ngữ không phải là vấn đề lớn, ông Kiên nói, “Chỉ có thời gian mới trả lời được.”
Cách làm việc chậm chạp của đội cứu trợ COVID Trung Quốc
Trên thực tế, đội ngũ y tế từ đại lục đến Hồng Kông để hỗ trợ điều trị COVID trong năm nay đã không thể giải tỏa áp lực một cách hiệu quả cho các nhân viên y tế địa phương do có nhiều khác biệt về văn hóa giữa Trung Quốc và Hồng Kông.
Vào thời điểm đó, Ủy ban Quản lý Bệnh viện Hồng Kông đã đặc biệt thay đổi giao diện quản lý lâm sàng trong một cơ sở điều trị chuyên dụng sang Hoa ngữ, bao gồm danh mục thuốc và quy trình làm việc để thuận lợi cho các nhân viên y tế đến từ đại lục vốn dĩ chuộng thông tin bằng chữ giản thể hơn. Tuy nhiên, theo tiết lộ của Tiến sĩ Lăng Tiêu Chí (Ling Siu Chi Tony), chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ Công Hồng Kông, khi một bệnh nhân bình phục và xuất viện, nhân viên y tế Hồng Kông phải tạo thêm một hồ sơ Anh ngữ và nhập vào hệ thống của Ủy ban Quản lý Bệnh viện.
Ủy ban Quản lý Bệnh viện viện cũng khuyến cáo nhân viên y tế Hồng Kông “thảo luận” và “hướng dẫn” các nhân viên đại lục đến hỗ trợ. Một số bác sĩ tại các bệnh viện công của Hồng Kông đã chỉ trích chỉ thị này, cho rằng thay vì giảm bớt áp lực cho họ, những nhiệm vụ bổ sung này đã tạo thêm gánh nặng và giảm hiệu quả công việc của họ.
Thiếu hụt nhân lực ngành y
Hồi năm ngoái, trong bối cảnh làn sóng di cư khỏi Hồng Kông, thành phố này đã mất một lượng lớn nhân viên y tế.
Phản hồi trước chấn vấn bằng văn bản của Hội đồng Lập pháp hồi tháng Tư năm nay, Cục Y tế và Thực phẩm Hồng Kông xác nhận rằng trong giai đoạn 2021-2022, tổng số hơn 3,300 nhân viên y tế đã nghỉ việc, bao gồm 436 bác sĩ, 2,240 y tá, và 662 nhân viên y tế.
Văn bản này chỉ ra rằng Ủy ban Quản lý Bệnh viện của Hồng Kông sẽ thực hiện các biện pháp [tích cực] hơn nữa để giữ chân nhân viên y tế vào năm 2022 với chi phí ước tính khoảng 180 triệu nhân dân tệ (khoảng 22.93 triệu USD). Các biện pháp bao gồm hoãn tình trạng về hưu, tăng cơ hội thăng tiến, và cung cấp phụ cấp y tá chuyên khoa cho các y tá đã ghi danh đủ điều kiện.
Đối với những sinh viên tốt nghiệp ngành y từ đại lục, mức lương cách nhau một trời một vực giữa Hồng Kông và Trung Quốc khiến Hồng Kông trở thành nơi làm việc đáng mơ ước.
Bà Bành, một bác sĩ làm việc tại một bệnh viện công ở Thượng Hải, nói với Đài Á Châu Tự do (RFA) rằng bà hẳn nhiên sẽ chọn làm việc tại Hồng Kông nếu có cơ hội như vậy. “Ngoài mức lương cao hơn, tôi có thể trở thành thường trú nhân của Hồng Kông sau 7 năm và cơ hội di cư sang các nước khác cũng lớn hơn so với ở Trung Quốc,” bà nói.
Theo bản Báo cáo Khảo sát Tiền lương Bệnh viện Trung Quốc năm 2021, mức lương trung bình của bác sĩ cấp 4 ở Trung Quốc vào năm 2020 là khoảng 2,452 USD/tháng, trong khi dữ liệu chính thức của Hồng Kông cho thấy lương của bác sĩ địa phương là từ 8,976 đến 15,515 USD/tháng.
Bà Jennifer Bateman là một cây viết chuyên về tin tức tại Trung Quốc.