Thiếu hụt cà phê ở Mỹ Latinh gây rắc rối cho người tiêu dùng Hoa Kỳ
CARANAVI, Bolivia – Ở sườn có bóng râm của một ngọn núi bao phủ bởi rừng rậm, nông dân trồng cà phê địa phương Fernando Jordan chỉ vào một hàng cây bụi với những chùm quả mọng đỏ.
Ông nói với The Epoch Times: “Nếu quý vị trồng 1 ha [khoảng 2.5 mẫu] đất ở đây, quý vị sẽ phải trả từ 20,000 đến 30,000 USD để thực sự sản xuất cà phê.”
Những lời của ông Jordan thể hiện tâm lý chung và phản ánh một trong số những vấn đề mà người trồng cà phê ở Mỹ Latinh phải đối mặt, bao gồm nhu cầu tăng đột biến, các vấn đề về chuỗi cung ứng cũng như chi phí vận hành và vận chuyển cao. Sự kết hợp của các yếu tố này đã xảy ra cùng lúc với tình trạng sản xuất thiếu hụt gần đây do thu hoạch kém, đặc biệt là ở Brazil, quốc gia gieo trồng mặt hàng này hàng đầu trên thế giới.
Nguồn dự trữ giảm dần và giá mỗi ly cà phê tăng khiến thế giới đứng ngồi không yên và chú ý vào nửa đầu năm 2021 khi Brazil phải chật vật với năm tồi tệ nhất về năng suất cà phê trong nhiều thập niên.
Tình trạng hạn hán kéo dài ở quốc gia lớn nhất Nam Mỹ này đã ảnh hưởng đến vụ mùa cà phê Arabica của cả nước kể từ cuối năm 2020, có nghĩa là mùa thu hoạch 2021–2022 sẽ yếu ngay cả trước khi có các yếu tố tác động.
Trong tháng Bảy năm ngoái, các đợt thời tiết băng giá cũng ảnh hưởng đến mùa màng của nông dân ở các vùng trồng trọt Minas Gerais, Sao Paulo, và Parana của Brazil. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, điều này dẫn đến sự thiếu hụt 13.6 triệu bao cà phê cho niên vụ 2021–2022.
Những người trồng cà phê có cùng quan điểm với ông Jordan về chi phí sản xuất cao đang làm tê liệt ở một số quốc gia Trung Mỹ có sự bấp bênh cao về thu nhập.
Ở Honduras, nhiều nông dân đang từ bỏ việc kiếm lợi nhuận từ loại cây mỏng manh này để tiến về phía bắc cùng với các lữ đoàn di cư khác đến Hoa Kỳ.
El Laurel là một ngôi làng ở đông bắc Honduras, nơi vợ chồng Maria Bonilla bám trụ với hy vọng kiếm được lợi nhuận từ đồn điền cà phê của gia đình họ.
Bà nói, “Nếu không có mẹ, tôi cũng sẽ đến Hoa Kỳ. … Không ai ở đây là có khả năng tài chính.”
Bà cho biết bốn đứa con của bà đã rời trang trại và bắt đầu cuộc hành trình gian khổ về phía bắc đến biên giới Hoa Kỳ, chọn cuộc sống của một người nhập cư bất hợp pháp hơn là điều hành trang trại cà phê đang gặp khó khăn của gia đình.
Gần 5 triệu người trong khu vực phụ thuộc vào ngành cà phê để tồn tại, theo Hệ thống Hội nhập Trung Mỹ. Tuy nhiên, làn sóng người di cư đã từ bỏ nghề của họ do chi phí kinh doanh cao và năng suất thấp.
Hai năm đại dịch khiến chuỗi cung ứng gián đoạn và chi phí vận chuyển tăng cao cũng là những yếu tố làm rung chuyển ngành cà phê vốn đã đầy biến động.
Ông Sam MacCuaig của Keynote Coffee ở Vương quốc Anh kết nối các nhà rang xay với các nhà sản xuất thủ công “cà phê đặc sản, được chứng nhận, và có giá trị thương mại cao” ở các vùng khác nhau. Ông cho biết đại dịch đã có một tác động tàn khốc đối với người trồng vì phụ thuộc quá nhiều vào vận chuyển hàng hóa bằng đường biển.
Ông MacCuaig cho biết: “Do COVID-19, ngành vận tải hàng hóa sụp đổ và các công ty vận tải biển giảm công suất của họ.”
Nhìn chung, ngành cà phê toàn cầu được dự báo sẽ giảm 8.5 triệu bao trong mùa vụ này, điều này giúp thúc đẩy xuất cảng từ Việt Nam, nước sản xuất hạt cà phê lớn thứ hai thế giới về khối lượng.
Giá cà phê đạt mức cao nhất trong 10 năm vào tháng 12/2021. Trong một thời điểm không may, nhu cầu về đồ uống này đã đạt mức cao nhất trong hai thập niên kể từ ngày 15/03 năm nay.
Mặc dù lạm phát giá do nhu cầu tăng vọt và thiếu hụt nguồn cung không giúp ích gì cho người tiêu dùng, nhưng Jordan cho biết ông có thể bán giống cà phê gia truyền của mình với giá tốt.
Ông nói, “Những gì tôi trồng đang có nhu cầu rất cao do hương vị của nó. Nó có giá cao trên thị trường. Ở Bolivia, quý vị phải trả 100 boliviano [14.50 USD] cho mỗi cân, nhưng ở các thị trường Hoa Kỳ, giá có thể đắt hơn nhiều.”
Ông Jordan trồng một giống Arabica Ethiopia được người Tây Ban Nha đưa đến Bolivia trong thời thuộc địa. Giờ đây nó phát triển trong thung lũng Yungas màu mỡ, nằm ở phía đối diện của Andes từ La Paz.
Giữa hai dòng cà phê mẹ, Arabica và Robusta, nhiều người hâm mộ cà phê thích Arabica hơn do độ chua thấp hơn và hương vị phức tạp của nó.
Loại cà phê được săn đón rất nhiều Geisha, một loại cà phê Arabica của Ethiopia được trồng ở vùng Yungas của Bolivia, có giá lên tới 110 USD/cốc tại các quán cà phê. Tại một cuộc đấu giá năm 2018, hạt cà phê Geisha từ một người trồng thủ công ở Costa Rica đã được bán với giá 803 USD/pound.
Tuy nhiên, không phải chỉ có các hỗn hợp đặc biệt mới chứng kiến giá cao hơn trong các cửa hàng ở Hoa Kỳ.
Bà Misty Kaiser, cư dân khu vực Minneapolis và là người yêu thích cà phê nói với The Epoch Times rằng ngay cả những thương hiệu cà phê chủ lực như Starbucks và Caribou cũng đã tăng giá.
Bà nói, “Điều này cũng diễn ra trên khắp các cửa hàng bình dân, như Target. Không chỉ là những nhà rang xay đặc biệt.”
Kể từ cuối năm 2019, bà Kaiser nhận thấy sự tăng giá dần dần trong hỗn hợp Costa Rica mà bà mua tại một nhà rang xay ở khu vực Twin City. Vào cuối năm 2020, sự tăng giá đã trở nên rõ rệt ở khắp mọi nơi.
“Giá mỗi túi từ nhà rang xay đã tăng gần 2 USD ngay cả trước khi đại dịch xảy ra.”
Sự gia tăng nhu cầu đáng chú ý đã bắt đầu gây áp lực lên người trồng cà phê vào năm 2019, sau đợt hạn hán lịch sử khiến nông dân ở các nước như Honduras và Brazil bị tổn thương.
Và giá sẽ không có khả năng giảm sớm.
Sản lượng ở Colombia, quốc gia đứng thứ hai thế giới về sản xuất hạt Arabica nhẹ đã làm sạch, đã chững lại trong năm nay. Tính đến tháng Ba, số lượng bao được sản xuất đã giảm 13% so với cùng thời kỳ năm ngoái do những trận mưa đặc biệt lớn trong mùa trồng trọt.
Trong 12 tháng qua, tổng sản lượng cà phê của Colombia đã giảm 16%.
Ông Jordan quy kết một phần điều này cho một chân lý phổ quát giữa những người đồng nghiệp trồng cà phê của mình: Cà phê là một loại cây cực kỳ mong manh.
Cây trồng này rất dễ bị nhiễm nấm mạnh và bị ảnh hưởng bởi thay đổi nhiệt độ tự nhiên, và cũng cần các điều kiện đặc biệt như độ cao và nhiều bóng râm để phát triển thích hợp.
Cô Autumn Spredemann là một phóng viên ở Nam Mỹ chủ yếu đưa tin về các vấn đề Mỹ Latinh cho The Epoch Times.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: