Thiên cổ anh hùng Tần Thủy Hoàng (P.3): Minh chủ trị quốc
Thiên cổ anh hùng Tần Thủy Hoàng (P1): Kết thúc phân tranh
Thiên cổ anh hùng Tần Thủy Hoàng (P2): Nhất thống thiên hạ
Chương thứ 3: Minh chủ trị quốc – xây dựng nền móng cho muôn đời sau
Thiên hạ đã định, mở mang bờ cõi
Tần Thủy Hoàng là vị minh quân lòng đầy hùng tâm tráng chí, cả đời chăm lo chính sự. Sử sách viết Tần Thủy Hoàng “Ngày phán xử, đêm sửa sách”, hết ngày dài lại đêm thâu, làm việc cần mẫn. Theo sử sách ghi chép, mỗi ngày ông phê duyệt các loại tấu, thỉnh, giản, trát tới hơn 65 kg (giấy tờ).
Sau khi hoàn thành đại nghiệp thống nhất, ông lại mở mang bờ cõi bằng hùng tài đại lược phi phàm của mình, nhanh chóng ban bố ra một loạt các pháp lệnh đầy sáng tạo, hoàn thiện hoàng triều thống nhất đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc. Thể chế hoàng triều mà ông gây dựng đã đặt ra nền móng vững chắc cho chế độ quân chủ trong suốt 2,000 năm sau đó, mở ra một chương mới trong lịch sử.
Trước triều Tần, ba vương triều Hạ, Thương, Chu là ba nước lớn. Các nước tầm trung gọi là phương quốc hoặc chư hầu, các nước nhỏ thì gọi theo tên bộ tộc, la liệt như sao trời. Trong suốt lịch sử của mình, các nước này hoặc là chung sống hòa hợp, hoặc là thôn tính lẫn nhau. Mảnh đất Trung Nguyên chưa một ngày yên tiếng binh đao, khói lửa.
Cương vực triều Hạ trải dài đến 2 phía nam bắc trung lưu sông Hoàng Hà. Nhà Thương diệt triều Hạ, cương vực mở rộng đến hai bên hạ lưu sông Hoàng Hà nhưng đều không có biên giới rõ ràng. Sau khi nhà Tây Chu diệt nhà Thương, xưng là “Khắp dưới vòm trời, không nơi nào không là đất của vua”. Theo đại phu vương thất Chiêm Hoàn Bá thời Xuân Thu: “Nước ta sau thời Hạ, đất Tắc, Ngụy, Đài, Nhuế, Kỳ, Tất là các vùng đất phía tây của ta. Đến khi Võ Vương đánh Thương, Bồ Cô, Thương, Yểm là các vùng đất phía đông của ta. Ba, Bộc, Sở, Đặng là các vùng đất phía nam của ta. Túc Thận, Yên, Hào là các vùng đất phía bắc của ta” (Tả truyện – Chiêu Công cửu niên). Nhưng vương triều Chu trong phạm vi này vẫn chưa thống nhất. Vương thất chỉ chiếm cứ vùng đất bang kỳ, các vùng khác đều là phong quốc lớn nhỏ, đều ở trạng thái độc lập hoặc bán độc lập. Thời Xuân Thu, vương thất suy vi, nước lớn tranh bá. Thời Chiến Quốc, chiến tranh 7 nước lớn, nói gì đến thống nhất. Duy đến thời Tần Thủy Hoàng mới thay đổi căn bản hình thế cương vực trước đó.
Sau khi Tần Thủy Hoàng tiêu diệt 6 nước, không ngừng nhịp bước tiến lên, lệnh cho thống soái quân đội đã diệt Sở là Vương Tiễn tiếp tục tiến quân xuống phía đông nam. Nước Việt phía đông đầu hàng. Thủy Hoàng đem cương thổ nước Việt phân định thành quận Cối Kê (Tô Châu, Giang Tô ngày nay). Nước Mân Việt đầu hàng, phân định thành quận Mân Trung (Phúc Châu, Phúc Kiến ngày nay). Thủy Hoàng lại lệnh bọn Úy Đồ Thư tiến quân xuống Lĩnh Nam, phân định khu vực phía bắc Nam Việt làm 3 quận gồm Nam Hải (Quảng Châu, Quảng Đông ngày nay), Quế Lâm (Quế Bình, Quảng Tây ngày nay) và Tượng (Sùng Tả ngày nay). Lại lệnh Thường Át tiến quân xuống phía tây nam, mở đường 5 thước, từ Nam Nghi Tân, Tứ Xuyên đến Khúc Tĩnh, Vân Nam ngày nay.
Từ năm 770 TCN đến 221 TCN là thời kỳ Xuân Thu – Chiến Quốc. Trong hơn 500 năm, các nước chư hầu hỗn chiến không ngừng nghỉ. Bách tính vì tránh họa chiến tranh phải lưu lạc không nhà cửa, nông nghiệp bị hủy hoại trầm trọng, đồng ruộng bỏ hoang rất nhiều. Trong khi các nước mải mê chinh phạt lẫn nhau, không rảnh chú ý đến phía bắc, Hung Nô thừa cơ xâm chiếm xuống phía nam, đánh cướp vùng đất biên cương phía bắc 3 nước Tần, Triệu, Yên. Quân Hung Nô tiến xuống phía nam quấy nhiễu nhân dân địa phương, gây muôn trùng tai nạn cho sản xuất và cuộc sống của con dân Hoa Hạ.
Tần Thủy Hoàng năm thứ 32 (tức năm 215 TCN), lệnh cho tướng quân Mông Điềm dẫn 30 vạn quân lính lên phía bắc đánh đuổi Hung Nô, thu phục Hà Nam (Y Khắc Chiêu Minh, Nội Mông Cổ ngày nay), đặt làm 34 huyện. Lại vượt sông Hoàng Hà về phía bắc chiếm m Sơn, nối liền các đoạn trường thành của các nước Tần, Triệu, Yên xưa thành một thể, bắt đầu từ Lâm Thao phía tây (Huyện Mân, Cam Túc ngày nay) đến Áp Lục Giang phía đông, kéo dài vạn dặm, để ngăn Hung Nô phía bắc. Đây chính là Vạn Lý Trường Thành nổi tiếng.
Sau khi tiêu trừ mối đe dọa Hung Nô, Tần Thủy Hoàng lại lập tức điều chuyển mũi giáo, quyết tâm khai phát khu vực Việt tộc. Ông di dời gần 50 vạn nhân khẩu đến khu vực Việt tộc để sinh sống cùng người Việt, đưa văn hóa Trung Quốc truyền đến khu vực và người dân xung quanh.
Khi Tần Thủy Hoàng tại vị, phạm vi lãnh thổ kiểm soát so với thời Thất hùng Chiến Quốc đã mở rộng gấp đôi. Tần Thủy Hoàng còn thiết lập chế độ quận huyện, một cơ cấu hành chính hoàn toàn khác so với chế độ phân phong chư hầu trước đó. Đối với các vùng đất đã chinh phục, ông chú trọng quản lý và xây dựng chế độ. Do đó đất đai sau khi thống nhất được cai quản vững chắc. Người đời sau cho rằng: “Công không ai lớn hơn Tần Hoàng Hán Vũ“, ý nói Tần Thủy Hoàng và Hán Vũ Đế công cao vô lượng không ai sánh kịp.
Tần Thủy Hoàng lần đầu tiên đã thực hiện được thống nhất cương vực Trung nguyên từ bắc đến nam trong lịch sử Trung Quốc.Cương vực nước Tần “Phía đông đến biển và Triều Tiên, phía tây đến Lâm Thao, Khương Trung, phía nam đến Bắc Hướng Hộ, phía bắc lấy sông Hoàng Hà làm biên cương, sáp nhập m Sơn vào Liêu Đông” (Sử ký – Tần Thủy Hoàng bản kỷ). So với cương vực thời Tây Chu thì tăng ít nhất 5 lần, đặt ra cơ sở lãnh thổ cho các vương triều sau này, đồng thời truyền rộng văn hóa Trung Hoa đến nhiều chủng tộc và khu vực hơn.
Hoàng đế đứng đầu, tam công cửu khanh
Thiết lập Hoàng đế là nguyên thủ quốc gia, Tần Thủy Hoàng phế “Vương” hiệu, xưng “Hoàng đế”, đã khai sáng ra đại sự lịch sử. Thời cổ chỉ có Tam Hoàng, Ngũ Đế, nhưng chưa từng có danh xưng Hoàng đế. Hoàng đế không phải là “Đại tông” theo chế độ xưa, mà là quốc quân tối cao vô thượng. Tương ứng, hoàng hậu không phải là chính thê của các vợ quốc vương theo chế độ xưa, mà là nữ vương cai quản lục cung, bậc mẫu nghi thiên hạ. Hoàng thái tử cũng không phải là “Tông tử” theo chế độ xưa, mà là chư quân, là người kế vị Hoàng đế hợp pháp. Hoàng đế còn trên các bậc quân, vương. Quân và vương là do hoàng đế thăng hoặc miễn. Quyền của Hoàng đế là do Thần trao cho, ở nhân gian tối cao vô thượng. Tần Thủy Hoàng trên kế thừa cục diện hơn 2000 năm thời Tiên Tần, dưới mở ra tương lai hơn 2000 năm cho hậu thế, trở thành vị Hoàng đế đầu tiên trong lịch sử văn minh Trung Hoa.
“Sử ký – Tần Thủy Hoàng bản kỷ” viết:
Tần vương khi mới thôn tính thiên hạ, lệnh thừa tướng, ngự sử rằng: “Xưa Hàn vương nộp đất và ngọc tỷ, xin làm phiên thần, sau đó bội ước, hợp tung với Triệu, Ngụy phản Tần, do đó đem quân đi chinh phạt, bắt sống vua. Quả nhân cho là tốt, thứ dân hết binh đao. Triệu vương sai tể tướng Lý Mục đến kết liên minh, do đó trả lại con tin là con trai Triệu vương. Sau đó lại bội ước, đánh Thái Nguyên của ta, do đó đem quân đi chinh phạt, bắt được vua Triệu. Triệu công tử Gia tự lập làm Đại vương, do đó đem quân mà tiêu diệt. Ngụy vương ban đầu thệ ước hàng phục Tần, sau đó lại cùng Hàn Triệu mưu đánh Tần, quân Tần chinh phạt, liền phá được Ngụy. Kinh vương dâng đất từ Thanh Dương về phía tây, sau đó lại bội ước, đánh Nam Quận của ta, do đó dẫn quân chinh phạt, bắt được vua Kinh, bình định được đất Kinh. Yên vương hôn quân làm loạn, thái tử Đan mật lệnh Kinh Kha làm giặc, nên dẫn quân chinh phạt, diệt nước Yên. Tề vương dùng kế của vương hậu Thắng, giết sứ giả Tần, muốn làm loạn, nên đem quân chinh phạt, bắt được Tề vương, bình định nước Tề. Quả nhân với tấm thân nhỏ bé này, hưng binh thảo phạt bạo loạn, nhờ anh linh tông miếu, 6 vua kia đều đã chịu tội, thiên hạ yên định. Ngày nay, danh hiệu không đổi, không lấy gì để gọi là thành công, để truyền hậu thế. Hãy nghị đàm về đế hiệu”.
Thừa tướng Oản, ngự sử đại phu Kiếp, đình úy Tư đều nói: “Xưa Ngũ Đế đất đai ngàn dặm, bên ngoài hầu phục di phục, chư hầu có kẻ triều cống có kẻ không, thiên tử không thể chế ngự được. Nay bệ hạ hưng nghĩa binh, chinh phạt lũ giặc tàn, bình định thiên hạ, toàn quốc đặt quận huyện, pháp lệnh noi theo nhất thống, từ thượng cổ đến nay chưa từng có, Ngũ Đế không thể sánh được. Chúng thần cẩn trọng nghị đàm với các bậc bác học rằng: “Xưa có Thiên hoàng, có Địa hoàng, có Thái hoàng, Thái hoàng là tôn quý nhất”. Chúng thần ngu muội trình tôn hiệu, vương là “Thái hoàng”. Mệnh là “Chế”, lệnh là “Chiếu”, thiên tử tự xưng là “Trẫm”. Vương nói: “Bỏ “Thái” lấy “Hoàng”, chọn dụng hiệu vị “Đế” của thượng cổ, hiệu là “Hoàng đế”. Các cái khác thì theo nghị đàm. Chế viết: “Được“. Vua lại cho truy tôn Trang Tương Vương làm Thái thượng hoàng. Chế viết: “Trẫm nghe thượng cổ có hiệu không có thụy, trung cổ có hiệu, chết rồi thì yên lặng. Như vậy tức là con nghị luận cha, thần nghị luận vua vậy, thật không có gì để nói, trẫm không áp dụng theo. Từ nay về sau, bỏ phép thụy. Trẫm là Thủy hoàng đế (hoàng đế khởi đầu)”.
Tần Thủy Hoàng là vị Hoàng đế đầu tiên của lần văn minh lần này của dân tộc Hoa Hạ, cái tên “Thủy Hoàng Đế” đã nói lên tất cả. Tần Thủy Hoàng còn đặt ra chức Thừa tướng, Tam công, Cửu khanh, phụ trách các bộ của triều đình. Thừa tướng, công khanh mỗi người chịu trách nhiệm của mình trước Hoàng đế, tất cả nghe lệnh Hoàng đế. Thừa tướng, Ngự sử, Đình úy chia nhau cai quản chính sự, giám sát và tư pháp quốc gia, phân công rõ ràng, không giẫm chân lẫn nhau. Thể chế tam quyền phân lập ở phương Tây hiện nay hoàn toàn tương tự như vậy. Ngoài ra, Hoàng đế còn bãi bỏ chế độ thế khanh thế lộc. Quan chức từ trung ương đến địa phương đều do Hoàng để bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm, không được thế tập (nối dõi). Tuy là mỗi triều thiên tử mỗi triều thần, mỗi triều chúng sinh mỗi triều văn hóa nhưng thể chế hoàng quyền mà Tần Thủy Hoàng xây dựng thì luôn luôn được các triều đại kế thừa, cho đến tận triều Thanh mới kết thúc, tổng cộng noi theo hơn 2000 năm. Trên toàn thế giới chỉ có Trung Quốc có Hoàng đế, ngay cả quân, vương cũng là do Hoàng đế phong.
Hành chính địa phương, chế độ quận huyện
Tần Thủy Hoàng bãi bỏ chế độ phân phong, thiết lập kết cấu hành chính cơ sở nhiều cấp do trung ương trực tiếp quản lý, gồm quận, huyện, hương (xã), đình (thôn), lý (làng). Kết cấu quản lý này được kéo dài liên tục hơn 2000 năm, đến ngày nay vẫn còn tiếp tục.
Tần Thủy Hoàng ban đầu chia thiên hạ làm 36 quận, sau tăng lên 40 quận trực thuộc trung ương, đặt 3 chức đứng đầu là Thú, Úy, Giám, chia nhau nắm quyền hành chính, quân sự, giám sát. Dưới quận thiết lập huyện, đặt 3 chức đứng đầu là Lệnh, Thừa, Úy, chia nhau nắm quyền hành chính, văn ngục, quân sự. Các quan đứng đầu quận huyện do mệnh quan đảm nhiệm, do Hoàng đế bổ nhiệm, bãi nhiệm.
Chế độ quận huyện là cột mốc quan trọng trong lịch sử Trung Quốc. Theo “Sử ký – Tần Thủy Hoàng bản kỷ”, năm 221 TCN (tức Tần Thủy Hoàng năm thứ 26), nước Tần mới thống nhất thiên hạ, thừa tướng Oản nói: “Chư hầu mới phá xong, Yên, Tề, Kinh địa thế xa xôi, không lập vương thì không lấy ai quản được. Xin lập chư tử, mong Hoàng thượng đồng ý”. Thủy Hoàng đưa ý kiến đó xuống quần thần bàn bạc, quần thần đều cho là như thế sẽ thuận tiện. Tuy nhiên Đình úy Lý Tư bàn rằng: “Chu Văn Vương phong con em trong họ rất nhiều, sau đó trở thành họ xa lạ, đánh nhau như kẻ thù, các chư hầu lại càng chinh phạt lẫn nhau nhiều hơn, Chu thiên tử không thể ngăn nổi. Nay khắp cõi nhờ thần linh bệ hạ nhất thống, đều là quận huyện, chư tử công thần thì lấy thuế khóa công mà trọng thưởng, thật dễ kiểm soát. Thiên hạ không có ý khác, tức là thuật làm yên thiên hạ vậy. Đặt chư hầu không ổn”. Thủy Hoàng nói: “Thiên hạ cùng khổ chiến tranh không ngừng, là có các hầu vương. Nhờ tông miếu, thiên hạ mới yên định, lại lập lại các nước, tức là gieo trồng việc binh đao mà lại cầu yên ổn, há chẳng khó thay! Đình úy bàn rất đúng”. Tần Thủy Hoàng làm theo lời tấu của Lý Tư, bãi bỏ chế độ phong đất, thúc đẩy tiến hành chế độ quận huyện.
Tần Thủy Hoàng kiến lập hoàng triều Đại Tần. Từ đó đến gần 1700 năm sau, chế độ quản lý của Trung Quốc luôn tiên tiến hơn các nước phương Tây. Đó chính là cái gọi là “Hán thừa Tần chế” (nghĩa là nhà Hán kế thừa và phát huy những chế độ chính sách do nhà Tần làm ra) trích trong Hậu Hán thư – Ban Bưu truyện. Trung Quốc của hơn 2000 năm thời đại Hoàng quyền,về cơ bản là luôn sử dụng chế độ mà nhà Tần đã thiết lập.
Chế độ Hoàng triều này của Tần Thủy Hoàng là mẫu mực văn minh của chế độ cổ đại Trung Quốc, là thần bảo hộ cho dân tộc Trung Hoa. Suốt hơn 2000 năm nay, bảo vệ cương thổ, làm phong phú thêm văn hóa Thần đều là nhờ lợi ích từ một thể chế hoàng triều này.
Xây dựng đường xe ngựa, mở rộng Vạn lý trường thành
Năm thứ 2 sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất toàn quốc, ông hạ lệnh nối liền các đường cũ của nước Tần và 6 nước trước đây, đồng thời đẩy mạnh xây dựng các đường xe ngựa để Thiên tử tuần hành thiên hạ. Ở giữa đường xe ngựa gọi là “Ngự đạo” (đường vua), hai bên gọi là “bàng đạo” (đường bên). Đường xe ngựa rộng rãi, phẳng phiu, đánh xe trên đường này tốc độ cực nhanh. Theo ghi chép của người đời Hán, đi trên đường lớn nửa ngày có thể chạy được trên 200 dặm (tức khoảng 100km).
Tần Thủy Hoàng còn hạ lệnh xây dựng mấy tuyến đường xe ngựa hình rẻ quạt với trung tâm là Hàm Dương. Phạm vi của nó phía bắc đến quận Cửu Nguyên (Bao Đầu, Nội Mông Cổ ngày nay), phía đông đến Thành Sơn Đầu (Vinh Thành, Sơn Đông ngày nay), phía nam đến quận Hải (Quảng Châu ngày nay), phía tây nam đến Điền (vùng Điền Trì, Vân Nam ngày nay), phía tây đến quận Lũng Tây (huyện Mân, Cam Túc ngày nay). Đường xe ngựa rộng 10 đến 15 trượng (khoảng 33 – 50m), gặp núi mở núi, gặp sông bắc cầu, mặt đường toàn bộ dùng đá vôi và đất dính đầm nện thành. Những tuyến đường xe ngựa này, trải qua hơn 2000 năm mưa gió, đến nay nhiều đoạn vẫn có thể thấy hình dạng mặt đường năm xưa, chất lượng thực sự rất cao.
Để loại bỏ mối lo các dân tộc du mục phương bắc nhiều lần xâm phạm, Tần Thủy Hoàng hạ lệnh tu sửa Trường Thành để chống ngoại xâm, đồng thời sai Mông Điềm xuất binh thảo phạt. Vốn giữa các nước trước đây đều có một số trường thành nhưng trường thành phía bắc chưa hoàn thiện. Sau khi thống nhất, ông hạ lệnh phá dỡ trường thành các nước cũ, rồi nối liền trường thành của 3 nước Tần, Triệu, Yên để ngăn ngừa quân Hung Nô tiến xuống phía nam. Tần Thủy Hoàng đã để lại cho hậu thế Vạn Lý Trường Thành nổi tiếng mà cả thế giới đều ngưỡng mộ.
Người đời sau vì để vu cáo Tần Thủy Hoàng “tàn bạo” như thế nào, đã lấy chiến tướng Kỷ Lương nước Tề thời Xuân Thu xuyên tạc thành Phạm Kỷ Lương. Người ta kể rằng Phạm Kỷ Lương là chồng của Mạnh Khương Nữ. Dân gian vẫn truyền tụng câu chuyện nàng Mạnh Khương khóc đổ trường thành tìm chồng. Còn có một số người xây miếu làm tượng thờ anh ta, bỏ ra nhiều công sức. Thực ra tường thành mà Mạnh Khương Nữ khóc đổ không phải trường thành thời Tần, mà là trường thành nước Tề. Tác giả đời Minh là Phùng Mộng Long đã làm rõ mấy trăm năm trước trong “Đông Chu liệt quốc”. Đại tướng của Tề Trang Công là Kỷ Lương chết trận ở Thả Vu Môn. “Vợ anh ta là Mạnh Khương Nữ ôm quan tài chồng, ở ngoài trời 3 ngày đêm, vỗ quan tài khóc rống lên, nước mắt nước mũi đều cạn khô, rồi đến máu. Thành nước Tề bỗng nhiên sụt lở mấy thước, do đau buồn thống thiết, đã cảm động đến thần vậy. Đời sau truyền Phạm Kỷ Lương nước Tần khổ sai xây dựng trường thành mà chết, vợ anh ta là Mạnh Khương Nữ đem áo rét đến dưới thành, nghe tin chồng chết khóc thống thiết, thành vì vậy đã nứt đổ. Vốn là sự việc của Kỷ Lương tướng nước Tề, mà truyền sai đi như vậy”.
Xây sửa Vạn lý trường thành thực sự là một trong những công tích vĩ đại quan trọng nhất của Tần Thủy Hoàng. Sau này, Tôn Trung Sơn tiên sinh đã bình luận về trường thành: “Do đó các công trạng sự nghiệp của các đời từ Tần Hán về sau, không cái gì có thể so với Cửu Hà của Đại Vũ và Trường Thành của Tần Thủy Hoàng…”. “Công trình trên lục địa nổi tiếng nhất Trung Quốc chính là Vạn lý trường thành”. “Đến nay nhìn xem, nếu không có trường thành bảo vệ thì Trung Quốc đã bị diệt vong bởi Bắc Địch rồi, chẳng phải đến đời Tống, Minh mà bị diệt ngay đời Sở, Hán rồi”.
Trường thành là một trong 7 đại kỳ quan thế giới hiện nay, không chỉ bản thân nó là văn hóa nhân loại, kỳ tích kỹ thuật được lưu truyền cho hậu thế. Lý do sâu xa hơn chính là bởi Vạn Lý trường thành đã bài trừ tất cả nhiễu loạn đối với văn hóa Thần truyền trên vũ đài lớn Trung Hoa, khiến cho văn hóa chính thống được bảo vệ.
Tần Thủy Hoàng năm xưa vì để đưa vùng đất Bách Việt nhập vào bản đồ Trung Quốc đã phái Đồ Tuy là chủ soái, dẫn 50 vạn quân nam chinh Bách Việt. Nhưng đại quân triều Tần đã vấp phải sức kháng cự ngoan cường của Bách Việt, cộng thêm đường núi Lĩnh Nam gập ghềnh, vận chuyển lương thảo khó khăn, dẫn đến quân Tần bị tổn thương, 3 năm không thể tiến quân được.
Lưu vực sông Trường Giang và lưu vực sông Châu Giang cách nhau bởi dãy núi Ngũ Lĩnh, vốn không có đường thủy thông qua. Nhưng thượng nguồn sông Tương Giang, một nhánh của Trường Giang và đầu nguồn của nhánh sông Châu Giang, lại cùng bắt nguồn ở vùng Hưng An, Quảng Tây ngày nay. Hơn nữa, chỗ gần nhau chỉ cách nhau 1,5 km. Chỉ cần nối thông 2 con sông, vận chuyển lương thảo vùng Trung Nguyên có thể theo đường thủy vượt qua Ngũ Lĩnh, tiến vào Lĩnh Nam. Tần Thủy Hoàng thấy điều kiện địa lý như vậy, đã khéo tận dụng. Vào năm Tần Thủy Hoàng thứ 29 (tức năm 218 TCN), ông lệnh cho Giám ngự sử Lộc, đem binh sỹ đến địa giới huyện Hưng An, Quảng Tây ngày nay, xây dựng một con sông đào để vận chuyển lương thảo. Trên ngọn núi Phân Thủy Lĩnh đục một dòng chảy, dẫn nước sông Tương vào sông Ly, tạo lên một truyền kỳ bất hủ trong lịch sử sông đào của nhân loại.
Năm Tần Thủy Hoàng thứ 30 (năm 214 TCN), sông đào đục xong, tức là sông đào Linh Cừ ngày nay. Nó nối liền hai dòng sông Tương – Ly, nối thông Trường Giang và Châu Giang, nối liền mạng lưới vận tải thủy của miền nam Trung Quốc, khiến quân Tần có được nguồn cung cấp lương thảo và nguồn bổ sung binh lực đầy đủ không ngừng. Quân Tần nhanh chóng thống nhất Lĩnh Nam. Sông đào Linh Cừ cùng với đập Đô Giang Yển, sông đào Trịnh Quốc Cừ cùng được ca ngợi là “3 đại công trình thủy lợi đời Tần”, là một trong những con sông đào cổ xưa nhất thế giới, hơn nữa còn được sử dụng cho đến tận ngày nay.
Xem tiếp : Thiên cổ anh hùng Tần Thủy Hoàng (P4): Thống nhất chế độ và pháp luật
Do tổ nghiên cứu “Nhân vật anh hùng thiên cổ” văn hóa thần truyền huy hoàng 5000 năm thực hiện
Học Hải biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại EpochTimes Hoa ngữ
Xem thêm: