Thị trường vi mạch bán dẫn quan trọng nhất thế giới cũng dễ bị tổn thương nhất
Vi mạch bán dẫn có mặt trong MỌI THỨ: Điện thoại, máy điện toán, truyền hình, xe hơi, và các thiết bị của quý vị… mọi thứ. Ngày nay, Đài Loan chiếm 60% doanh thu của ngành công nghiệp bán dẫn. Công nghệ của hãng TSMC tân tiến đến mức họ tạo ra khoảng 92% vi mạch bán dẫn tinh vi nhất thế giới. Bất kỳ sự gián đoạn nào trong dòng vi mạch bán dẫn ra khỏi Đài Loan có thể đóng băng nền kinh tế Hoa Kỳ trong nhiều năm. Nếu nguồn vi mạch bán dẫn duy nhất đó là một quốc đảo nhỏ bé mà Trung Quốc tình cờ coi là của mình, thì đó là công thức cho thảm họa!
Nhấp chuột bỏ qua quảng cáo tiêu dùng long lanh của Apple về chiếc điện thoại iPhone 13 mới nhất, và quý vị sẽ đọc trong phần thông số kỹ thuật rằng Apple mang đến một số công nghệ quan trọng mới cho cương liệu của chiếc điện thoại này.
Vi mạch bán dẫn A15 Bionic của Apple có 15 tỷ bóng bán dẫn … một CPU sáu lõi mới với hai lõi cho tính hiệu suất và bốn lõi cho tính hiệu quả … một GPU năm lõi mới … một nhân xử lý trí tuệ nhân tạo Neutral Engine 16 lõi mới.
Mặc dù tôi không biết chính xác tất cả những điều đó có nghĩa là gì, nhưng nó có vẻ nghe như một mã lực đáng gờm.
Ngày nay, chúng ta coi điện thoại di động của mình là điều hiển nhiên. Chúng tích hợp vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta nhiều đến nỗi hầu hết mọi người luôn mang chúng theo bên mình. Chúng ta không bao giờ nghĩ đến việc chúng ta đã trở nên phụ thuộc vào chúng như thế nào. Và quan trọng hơn, chúng ta không bao giờ nghĩ đến việc những vi mạch thần kỳ giúp chúng vận hành đến từ đâu.
Apple có các đội ngũ kỹ sư thiết kế những kỳ quan mới này, nhưng ai đã biến chúng thành hiện thực?
Các nhà máy chế tạo chất bán dẫn
Quay trở lại giữa những năm 1980, khi cách mạng vi mạch bán dẫn mới bắt đầu hình thành, các công ty hàng đầu trong ngành này đã thiết kế và sản xuất các vi mạch bán dẫn của riêng họ tại nơi được gọi là các nhà máy chế tạo hoặc “fabs”. Ông Jerry Sanders, người sáng lập hãng Advanced Micro Devices, từng tự hào nói rằng: “Đàn ông đích thực phải có các nhà máy chế tạo vi mạch.”
Nhưng vào năm 1987, kỹ sư người Mỹ gốc Đài Loan Trương Trung Mưu (Morris Chang) đã đặt cược rằng điều đó sẽ thay đổi. Ông tin rằng khi thiết kế bán dẫn ngày càng tân tiến, nhu cầu thuê ngoài để sản xuất vi mạch bán dẫn sẽ ngày càng tăng. Và với sự trợ giúp tài chính từ chính phủ Đài Loan, ông đã thành lập Công ty Sản xuất Chế tạo Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC).
Công ty này tự nhận mình là “Thụy Sỹ của giới bán dẫn” — họ không quan tâm đến tài sản trí tuệ đằng sau các vi mạch bán dẫn. Tất cả những gì công ty này làm là sản xuất chúng, vì vậy các công ty công nghệ riêng lẻ không cần phải sản xuất nữa.
Linh cảm của ông Trương đã được đền đáp xứng đáng. Chẳng bao lâu sau, Nvidia, Qualcomm, và các công ty khác — thậm chí là “những người đàn ông đích thực” của AMD — bắt đầu giao phần việc gia công sản xuất vi mạch bán dẫn của họ cho TSMC. Điều này đã dẫn đến sự thay đổi trong cán cân quyền lực của ngành vi mạch bán dẫn.
Theo Boston Consulting Group, trong khi Hoa Kỳ vẫn dẫn đầu thế giới về thiết kế vi mạch bán dẫn và sở hữu trí tuệ với những đại công ty trong nước như Intel, Nvidia, và Qualcomm, thì quốc gia này hiện chỉ chiếm 12% sản lượng vi mạch bán dẫn trên thế giới, giảm từ 37% vào năm 1990.
Ngày nay, đất nước Đài Loan chiếm 60% doanh thu của ngành công nghiệp bán dẫn. TSMC chiếm 54% trong số đó.
Và khi quý vị chuyên về một lĩnh vực nào đó, quý vị sẽ trở thành người giỏi nhất.
Theo công ty nghiên cứu Capital Economics, công nghệ của TSMC tân tiến đến mức hiện nay họ tạo ra khoảng 92% vi mạch bán dẫn tinh vi nhất thế giới, có các bóng bán dẫn có chiều rộng nhỏ hơn một phần ngàn của sợi tóc người. Hầu hết trong số khoảng 1.4 tỷ bộ vi xử lý điện thoại thông minh trên toàn thế giới là do TSMC sản xuất.
Các ước tính cho thấy TSMC cung cấp 50% nhu cầu vi mạch bán dẫn của thế giới. Hãng này độc quyền sản xuất các vi mạch bán dẫn của Apple.
Phụ thuộc như nghiện ma túy
Tôi không cần phải nói với quý vị rằng ngày nay, khoảng 40 năm sau, trên thực tế, vi mạch bán dẫn có mặt trong MỌI THỨ. Điện thoại của quý vị, máy điện toán của quý vị, truyền hình, xe hơi của quý vị, các thiết bị của quý vị … mọi thứ.
Trong điều kiện bình thường, thế giới này, đặc biệt là Hoa Kỳ, đã trở nên phụ thuộc vào việc tiếp cận dòng vi mạch bán dẫn giống như một kẻ nghiện ma túy phụ thuộc vào người bán cần sa của anh ta.
Nhưng sự phụ thuộc này đã trở nên rất rõ ràng trong thời gian diễn ra các đợt phong tỏa do đại dịch.
Tháng 06/2020, Hạ viện và Thượng viện Hoa Kỳ đã ban hành các dự luật được gọi là “Đạo luật CHIPS cho Hoa Kỳ” sẽ tăng các ưu đãi của liên bang — lên tới 58 tỷ USD — để “hỗ trợ sản xuất, nghiên cứu và phát triển chất bán dẫn của Hoa Kỳ cũng như an ninh chuỗi cung ứng.”
Cho đến nay, giống như hầu hết các ưu tiên của chính phủ đặt sai chỗ, những dự luật đó chẳng đi đến đâu cả.
Tại sao lại thúc đẩy việc hồi hương của ngành công nghiệp bán dẫn?
Tất cả những gì quý vị phải làm là quan sát xung quanh để xem các tác động gây tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng của bất cứ thứ gì có thể gây ra — giá tăng vọt. Năng lượng, vật liệu xây dựng, thực phẩm… tất cả đều bị ảnh hưởng. Giá xe hơi đã qua sử dụng tăng khoảng 40% vì không thể sản xuất xe hơi mới nếu không có vi mạch bán dẫn.
Bị ràng buộc vào một nguồn vi mạch bán dẫn duy nhất là một công thức dẫn đến rắc rối.
NHƯNG…
Nếu nguồn vi mạch bán dẫn duy nhất đó là một quốc đảo nhỏ bé mà Trung Quốc tình cờ coi là của mình, thì đó là một công thức cho thảm họa!
Trung Quốc và Đài Loan có mối quan hệ kéo dài hàng thế kỷ, vốn đã phát triển Đài Loan trở thành một quốc gia có chủ quyền. Ngày nay, Trung Quốc không giấu giếm việc họ muốn có lại Đài Loan.
Trung Quốc không muốn thu hồi Đài Loan vì khung cảnh huy hoàng của đất nước này — họ muốn có hòn đảo này để phục vụ cho ngành công nghiệp của mình.
Và giả sử Trung Quốc sẽ thực hiện một số hành động chống lại Đài Loan — tức là như Nga và Ukraine — bất kể kết quả thế nào. Trong trường hợp đó, bất kỳ sự gián đoạn nào trong dòng vi mạch bán dẫn ra khỏi Đài Loan có thể đóng băng nền kinh tế Hoa Kỳ trong nhiều năm.
Không cường điệu khi nói rằng đây là một cuộc khủng hoảng an ninh quốc gia.
May mắn thay, TSMC đã và đang tìm cách mở rộng cơ sở sản xuất của mình.
Công ty đã bắt đầu xây dựng nhà máy vi mạch bán dẫn trị giá 12 tỷ USD ở Arizona. Reuters đưa tin rằng công ty có kế hoạch xây dựng sáu nhà máy trên địa điểm đó trong vòng 10 đến 15 năm tới. Intel đang có kế hoạch chi 20 tỷ USD cho các nhà máy sản xuất vi mạch bán dẫn tại Hoa Kỳ.
Đây là những bước phát triển tích cực. Nhưng sẽ còn mất nhiều năm nữa trước khi bất kỳ nhà máy nào trong số này hoạt động hết công suất.
Và khi các nhà đầu tư lo ngại, nhìn vào một kết quả như thế này có thể làm thay đổi sự chú ý của họ đối với rất nhiều ngành công nghiệp. Các nhà đầu tư có thể sẽ đạt hiệu quả nhất khi tìm đến các loại cổ phiếu phòng thủ hơn (defensive stocks). Các công ty có tên tuổi như Procter & Gamble, Coca-cola, và Walmart sẽ phù hợp với mục đích đó.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Bob Byrne đã xây dựng danh tiếng với tư cách là người phụ trách chuyên mục hàng ngày cho TheStreet.com sau khi giao dịch hàng tỷ USD trong hơn hai thập kỷ trên thị trường tài chính. Ông hiện là đồng tác giả bản tin đầu tư bí mật của Streetlight với ông Tim Collins, tập trung vào các công ty hoạt động kém và các cơ hội đầu tư thường bị Wall Street bỏ qua. Để khám phá cách nhận nghiên cứu độc quyền của ông ấy trong dịch vụ bản tin trả phí, hãy truy cập Streetlight Confidential.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: