Thị trường chứng khoán Đại lục suy yếu, lượng tiêu thụ nhà ở và xe hơi thấp
Tình hình kinh tế của Trung Quốc đại lục trong quý 3/2020 tiếp tục suy yếu. Trong 8 chỉ số được Bloomberg sử dụng để đánh giá nền kinh tế Đại Lục, chỉ số CSI 300 của Thượng Hải và Thâm Quyến, doanh số bán nhà ở, chỉ số niềm tin SME (các doanh nghiệp vừa và nhỏ) và doanh số bán xe hơi đều kém đi một cách rõ ràng.
Tám chỉ số mà Bloomberg sử dụng để đánh giá và đo lường nền kinh tế Trung Quốc đại lục bao gồm: chỉ số CSI 300 Thượng Hải – Thâm Quyến, doanh số bán nhà ở tại các thành phố hạng nhất là Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến, tình trạng dự trữ thép thanh sử dụng cho xây dựng, giá đồng tinh luyện hiện có ở Thượng Hải, xuất khẩu Hàn Quốc, chỉ số giá của các nhà sản xuất do Bloomberg tổng hợp, chỉ số niềm tin SME do Ngân hàng Standard Chartered tổng hợp, doanh số bán ô tô, v.v.
Tin tức của Bloomberg ngày 28/9 cho biết, trong số 8 chỉ số trên, chỉ số CSI 300 Thượng Hải và Thâm Quyến đang rớt xuống; lượng giao dịch mua bán nhà ở ở các thành phố trọng điểm, tính cả các thành phố cấp một đều đang giảm xuống, chỉ số niềm tin SME rất yếu; lượng tiêu thụ xe hơi thương hiệu Trung Quốc giảm.
Hiện nay các ngành đang chiếm tương đối cao trong chỉ số CSI 300 Thượng Hải – Thâm Quyến là tài chính, tiêu dùng hàng ngày, công nghệ thông tin, công nghiệp, tiêu dùng hàng không thiết yếu và chăm sóc bảo vệ sức khỏe. Trong tuần trước chỉ số CSI 300 Thượng Hải – Thâm Quyến đã giảm 3.53%.
Cổ phiếu hạng A giảm liên tục trong những ngày gần đây, tính đến ngày 28/9, chỉ số Thượng Hải đã giảm trong 3 ngày giao dịch liên tiếp. Trong số đó, cổ phiếu của các công ty chứng khoán suy yếu; cổ phiếu SMIC suy yếu; cổ phiếu của một số công ty bán dẫn thế hệ thứ ba giảm mạnh.
Về lĩnh vực tiêu thụ xe hơi, số liệu mới nhất từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc cho thấy, 8 tháng đầu năm nay, doanh số bán ra của các hãng xe thương hiệu Trung Quốc đại lục đã giảm 21.3% so với cùng kỳ năm ngoái; trong cùng thời kỳ, doanh số bán của các thương hiệu xe nước ngoài, trừ Nhật Bản, đều giảm hơn 10%.
Về lĩnh vực bất động sản, báo cáo của viện nghiên cứu Shell công bố ngày 28/9 cho thấy trong ba quý đầu năm nay, tổng số giao dịch thành công nhà ở mới xây tại 66 thành phố ở Trung Quốc đại lục giảm 9.4% so với cùng kỳ năm ngoái, tổng diện tích giao dịch thành công giảm 8.8% so với cùng kỳ năm ngoái; trong quý 3 lượng mua nhà đã qua sử dụng tại 18 thành phố trọng điểm ở Trung Quốc đại lục giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, theo tin tức ngày 27/09, điều tra của viện nghiên cứu số liệu lớn Nam Đô về tình hình nợ của các công ty bất động sản tại Trung Quốc đại lục cho thấy tổng số nợ vay phải trả lãi hết hạn [cho vay] trong vòng 1 năm tới của 76 công ty bất động sản là hơn 2.5 nghìn tỷ nhân dân tệ (NDT), chiếm khoảng 35% tổng số vay phải trả lãi của các doanh nghiệp tại Trung Quốc đại lục. Nếu như tính theo chi phí vốn bình quân là 7%, thì mỗi năm công ty bất động sản cần phải trả lãi hơn 170 tỷ NDT.
Vào tháng 8 năm nay, ĐCSTQ đưa ra quy định “Ba lằn ranh đỏ” đối với các công ty bất động sản. Nếu tỷ lệ tài sản chia cho nợ phải trả của công ty bất động sản sau khi loại trừ các khoản trả trước, là lớn hơn 70%, hoặc tỷ lệ nợ ròng lớn hơn 100%, hoặc tỷ lệ nợ ngắn hạn bằng tiền mặt nhỏ hơn 1, thì công ty đó không thể được tài trợ vốn. Trong tình huống hoạt động của các công ty bất động sản giảm sút do dịch bệnh, quy định “ba lằn ranh đỏ” này có thể khiến các công ty bất động sản đứng trước nguy cơ vỡ nợ.
Ngoài ra, Ngân hàng Standard Chartered đã phỏng vấn 500 doanh nhân và nhận thấy rằng, dữ liệu chỉ số niềm tin SME (doanh nghiệp vừa và nhỏ) mới nhất vào tháng 9 có sự giảm sút. Nhà kinh tế học Thẩm Lan (Shen Lan) và Đinh Sảng (Ding Shuang) của Ngân hàng Standard Chartered đã công bố một báo cáo cho thấy tốc độ tăng trưởng đơn đặt hàng mới cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tháng 9 đang chậm lại và hoạt động cho vay của các ngân hàng đối với các doanh nghiệp này cũng đang giảm.