Thí nghiệm tâm lý chấn động trong lịch sử và kết quả không ngờ tới
Trong bối cảnh đại dịch Omicron ở Trung Quốc, nhiều thành phố đã áp dụng biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, gây ra những thảm họa thứ cấp. Thậm chí, có bệnh viện từ chối tiếp nhận bệnh nhân vì không có giấy xét nghiệm acid nucleic, dẫn đến bệnh nhân tử vong mà không được điều trị. Nguyên nhân gì dẫn đến những điều đáng tiếc này? Thí nghiệm tâm lý chấn động mang tên “thí nghiệm phục tùng quyền lực” của nhà tâm lý học Milgram, có thể sẽ đưa ra lời giải thích.
Điều mà mọi bác sĩ bắt đầu hành nghề y cần đọc: Lời thề Hippocrate
Việc cấm vận nghiêm ngặt của Trung Quốc đã gây ra rất nhiều thảm họa. Vào ngày 16/4, con trai của nghệ sĩ vĩ cầm Thượng Hải Trần Thuận Bình (Chen Shunping) cho biết trong một bài đăng rằng, cha anh bị đau bụng dữ dội và nôn mửa, họ đã tìm đến sự trợ giúp của Bệnh viện Đồng Tế trực thuộc Đại học Đồng Tế và Bệnh viện Nhân dân số 10, nhưng đều không được điều trị. Cuối cùng ông đã nhảy lầu tự tử và qua đời. Chủ đề này đã lên Top mục tìm kiếm nóng trên mạng xã hội Trung Quốc.
Cô Chu Thịnh Ni, một y tá tại Bệnh viện Phương Đông Thượng Hải, đã lên cơn hen suyễn và chết tại nhà vì không thể tìm được sự giúp đỡ.
Khi dịch bệnh bùng phát ở Tây An vào tháng 1, Lý Hải (bút danh), một người đàn ông 39 tuổi cũng gặp trường hợp tương tự. Lý Hải bị đau ngực và đã gọi đến số 120, nhưng do chưa có kết quả xét nghiệm acid nucleic nên nhân viên xe cấp cứu nói rằng không thể đưa anh đến bệnh viện. Sau khi có được kết quả xét nghiệm acid nucleic, anh lại bị bệnh viện từ chối vì những lý do như phong tỏa,… và cuối cùng đã tử vong.
Rất nhiều ví dụ tương tự đã xảy ra trong chiến dịch phong thành gần đây ở Trung Quốc đại lục.
Công việc của một bác sĩ là cứu người. Mỗi bác sĩ khi bắt đầu sự nghiệp y tế của mình đều từng đọc lời thề Hippocrates.
Trong lời thề Hippocrates, có một đoạn như thế này: Tôi trịnh trọng và tự nguyện tuyên thệ trên nhân cách của tôi: Hôm nay, tôi hành nghề y và thề sẽ cống hiến hết mình cho việc phục vụ nhân đạo, tôi có trách nhiệm với bệnh nhân của mình, bất kể tôn giáo, quốc tịch, chủng tộc, chính trị hay địa vị. Sự sống từ khi thụ thai đã là phẩm giá tối cao, và ngay cả khi đối mặt với những mối đe dọa, kiến thức y học của tôi cũng sẽ không làm trái với nhân đạo.
Lời thề Hippocrate được coi là đạo đức nghề nghiệp của những người hành nghề y. Nhưng tại sao một số nhân viên y tế ở Trung Quốc khi thấy bệnh nhân cần được cấp bách điều trị, thì lại quên đi trách nhiệm cứu người? Điều này có thể là do họ phải tuân theo mệnh lệnh của cấp trên và chính quyền, từ đó có những hành động trái với lương tâm của mình.
Có lẽ mọi người sẽ nghi hoặc: Liệu một mệnh lệnh từ cơ quan có thẩm quyền có thể khiến người hành nghề y làm ngơ trước sự thống khổ của bệnh nhân trước mặt mình sao? Từng có một nghiên cứu mang tên “thí nghiệm phục tùng quyền lực”, và kết quả của nó đã gây xôn xao dư luận vào thời điểm đó.
Thí nghiệm phục tùng quyền lực
Vào thời điểm đó, Đệ nhị thế chiến vừa kết thúc, và người ta vẫn còn nguyên ký ức về những vụ thảm sát phi nhân tính trong cuộc chiến tranh này.
Dưới bối cảnh này, Giáo sư Stanley Milgram, một nhà tâm lý học tại Đại học Yale đã tự hỏi: Liệu những người trong chiến tranh có thể chỉ vì tuân theo mệnh lệnh của cấp trên mà phạm tội giết người không? Người ta sẽ lựa chọn gì khi một “cơ quan có thẩm quyền” ban hành một mệnh lệnh vi phạm các nguyên tắc đạo đức cơ bản?
Thế là, Giáo sư Milgram đã bắt đầu thực hiện nghiên cứu này vào năm 1960, với cái tên “thí nghiệm phục tùng quyền lực” (Milgram experiment).
Thử nghiệm này được thiết kế như sau: Độ tuổi của đối tượng thí nghiệm là từ 20 đến 50 tuổi, cả nam và nữ; nghề nghiệp bao gồm công nhân, nhân viên bán hàng, chuyên gia, v.v… với các trình độ học vấn khác nhau.
Một đối tượng thí nghiệm sẽ được chỉ định làm “giáo viên” và được yêu cầu tham gia vào một nghiên cứu về “ảnh hưởng của việc trừng phạt thân thể đối với hành vi học tập”. Đồng thời, một “học sinh” do một đối tượng thí nghiệm khác đóng vai sẽ cùng tham gia thí nghiệm. Giáo viên sẽ nghĩ rằng học sinh là đối tượng của bài kiểm tra, nhưng đây là một giả tướng, đối tượng thật sự bị nghiên cứu lại chính là “giáo viên”.
Giáo viên sẽ ngồi trước một chiếc máy sốc điện, trên chiếc máy có một công tắc, khi nhấn vào sẽ tạo ra một cú sốc điện từ 15 đến 450 vôn. Sau khi thí nghiệm bắt đầu, giáo viên cần đọc một số từ và kiểm tra khả năng ghi nhớ của học sinh. Nếu học sinh nhớ sai, giáo viên sẽ ấn công tắc trước mặt và giật điện học sinh như một hình phạt, cứ mỗi lần sai, điện thế của lần giật tiếp theo sẽ tăng lên.
Trong thí nghiệm, “học sinh” sẽ nói rõ với giáo viên rằng mình bị đau tim. Giáo viên và học sinh ở các phòng khác nhau và không thể nhìn thấy nhau, họ chỉ có thể giao tiếp với nhau thông qua micro. Giáo viên sẽ nghe thấy tiếng la hét của học sinh trong phòng bên cạnh mỗi khi bị sốc, nhưng đây thực ra là âm thanh được thu âm trước, để thuyết phục giáo viên rằng học sinh thực sự bị sốc. Thuận theo điện áp tăng lên, học sinh sẽ phản ứng theo nhiều cách khác nhau, từ không có âm thanh đến lẩm bẩm, la hét, cầu xin lòng thương xót, và cuối cùng là không có âm thanh, y như thể bất tỉnh.
Trong phòng của giáo viên còn có một nhà tâm lý học của Đại học Yale, người đưa ra mệnh lệnh cho giáo viên, đại diện cho quyền lực.
Trong quá trình thí nghiệm, nếu giáo viên hỏi “người có thẩm quyền” rằng: “Điện áp quá cao, tôi muốn dừng thí nghiệm, nếu không học sinh sẽ gặp nguy hiểm”, thì trong bốn lần đầu, người có thẩm quyền sẽ chỉ đưa ra câu trả lời là “vui lòng tiếp tục”. Nếu giáo viên đưa ra yêu cầu dừng lần thứ năm, thì người có thẩm quyền sẽ từ bỏ, và thí nghiệm sẽ dừng lại.
Trước khi bắt đầu thí nghiệm, Giáo sư Milgram và các đồng nghiệp của ông đã dự đoán: Có bao nhiêu người sẽ kiên trì với thí nghiệm đến cùng, áp dụng điện áp 450 vôn cho các học sinh?
“Giáo viên” sẽ được cho biết rõ, điện áp trên 110 vôn là không an toàn, trên 135 vôn là điện giật mạnh, còn 450 vôn là rất nguy hiểm, hơn nữa người bên kia còn bị bệnh tim. Nhóm nghiên cứu tin rằng mọi người đều có điểm giới hạn về mặt đạo đức, vì vậy sẽ chỉ có một số rất ít kiên trì với thí nghiệm này đến cùng.
Tuy nhiên rất đáng tiếc, giáo sư Milgram và các đồng nghiệp của ông đã không đoán trúng kết quả thí nghiệm.
Kết quả không ngờ tới
Kết quả của thí nghiệm này khiến mọi người kinh ngạc và đáng buồn: Có 65% đối tượng, tức là hơn một nửa số người, đã từ bỏ làm người thiện lương trong quá trình thí nghiệm, họ hoàn toàn tuân theo quyền lực và kiên trì đến cùng: Cho học sinh một cú sốc điện 450 vôn – Mặc dù các “giáo viên” đã được thông báo trước rằng nếu không tuân theo quyền lực thì họ cũng không bị tổn thất gì, cũng như họ sẽ không bị trừng phạt.
May thay, 35% người còn lại đã chọn giữ vững lương tâm và đạo đức, họ đã ngừng thử nghiệm và không phục tùng quyền lực.
Giáo sư Milgram và các đồng nghiệp của ông đã lặp lại thí nghiệm này nhiều lần ở Hoa Kỳ, Đức, Ý, Nam Phi và các quốc gia khác. Họ đã thực hiện các thí nghiệm tương tự trong các tình huống khác nhau, với các nhóm đối tượng mang đặc điểm khác nhau, nhưng kết quả đều rất giống nhau: Có khoảng 65% người sẽ chọn phục tùng mệnh lệnh.
Kết quả của cuộc thí nghiệm này đã gây ra một sự náo động trong xã hội thời bấy giờ: Mọi người đều tin rằng con người có đạo đức cơ bản là thiện chí giúp người và nghĩ cho người khác; Khi cơ quan có thẩm quyền ban hành mệnh lệnh, lẽ nào con người lại có thể đi ngược lại với bản tính lương thiện và làm những điều gây tổn thương cho người khác?
Cũng giống như tình huống vừa nhắc đến ở Trung Quốc, khi bệnh nhân trước mặt phải cấp cứu và đang trong tình trạng nguy kịch, các bác sĩ phải chăng đã quên Lời thề Hippocrate, quên đạo đức nghề nghiệp là cứu người rồi sao? Kỳ thực, rất có thể là họ không hề quên, mà là áp lực của quyền uy đã khiến họ đưa ra những phán đoán không chính xác.
Dũng khí là điều cần thiết đối với cuộc sống và sức khỏe của con người
Sự áp chế của quyền lực sẽ làm suy yếu khả năng của người ta trong việc đánh giá đúng sai, khiến họ trở nên như những cái máy.
Vậy nên, trong thí nghiệm tâm lý vừa rồi, có 35% người có thể giữ vững đạo đức và lương tâm trước ranh giới cuối cùng, có dũng khí nói “không” với những nhân vật có quyền lực, đây là điều vô cùng đáng quý.
Nói về lòng dũng cảm, ông David R. Hawkins, nhà tâm lý học và nhà trị liệu tinh thần nổi tiếng người Mỹ, đã nghiên cứu lâu dài và hệ thống về năng lượng của cơ thể con người ở các trạng thái tinh thần khác nhau. Ông đã xuất bản nghiên cứu của mình trong cuốn sách “Power vs Force” (Trường Năng Lượng Và Những Nhân Tố Quyết Định Tinh Thần, Sức Khỏe Con Người).
Ông cho biết các ý thức khác nhau của con người có các chỉ số về tần số dao động năng lượng tương ứng, và năng lượng của cơ thể con người sẽ dao động tùy theo trạng thái của ý thức. Nếu mức năng lượng ý thức của con người được chia thành phạm vi từ 1 đến 1000, thì bất kỳ ý thức và cảm xúc nào khiến tần số năng lượng thấp hơn 200 đều sẽ có tác động tiêu cực đến cơ thể; còn ý thức dẫn đến tần số năng lượng từ 200 đến 1000 sẽ có tác động tích cực.
Ý thức có thể mang tới tác động tiêu cực bao gồm: ý nghĩ xấu xa, thờ ơ, sợ hãi, lo lắng, tức giận, phẫn uất, kiêu ngạo, v.v.
Những ý thức có thể mang lại tác động tích cực bao gồm: hòa nhã, lạc quan, khoan dung, lý trí, đồng cảm, quan tâm, tôn trọng, vui vẻ, v.v.
Khi một người chuyển từ tiêu cực sang tích cực, có một đường ranh giới, đó chính là tần số của “dũng cảm”, tần sốnăng lượng vào khoảng 200.
Khi một người sinh ra lòng dũng đảm, đó chính là khi năng lượng của một người chuyển sang hướng tích cực. Do đó lòng dũng cảm và chính khí là điều rất quan trọng để duy trì sức khỏe và tinh thần của một người. Dũng cảm và chính khí cũng rất quan trọng cho việc duy trì trạng thái xã hội tích cực, cũng là hy vọng để duy trì đạo đức của xã hội loài người. Chỉ khi đạo đức của xã hội được duy trì thì cơ thể con người mới thực sự khỏe mạnh, văn minh của nhân loại mới có thể phát triển bền vững.
Tác giả: Đổng Vũ Hồng (Dong Yuhong, Tiến sĩ Y khoa tại Đại học Bắc Kinh, Trưởng nhóm Khoa học của Công ty Công nghệ Sinh học)
Chu Hậu Y chỉnh lý
Lý Thanh Phong biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: