Thí nghiệm chấn động thế giới của chuyên gia CIA Backster: Thực vật cũng có cảm tình
Rất nhiều người đã từng nghe đến câu “vạn vật đều có linh”, nhưng thực sự nhìn thấy ví dụ thực tế lại không nhiều. Bài viết này sẽ giới thiệu với các bạn về một nhà khoa học người Mỹ tên là Cleve Backster. Thông qua hàng loạt thí nghiệm khoa học chấn động thế giới, ông đã chứng minh được rằng: thực vật có những công năng đặc dị vượt xa con người.
Những phát hiện của Backster thường khiến mọi người nghĩ rằng ông là một nhà thực vật học, thực tế thì ông là một chuyên gia thâm niên về máy dò nói dối tại Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA). Với gần 18 năm nghiên cứu chuyên nghiệp trong lĩnh vực máy đo tâm lý con người, ông là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này trên thế giới lúc bấy giờ. Vậy, làm thế nào mà ông lại liên quan đến thực vật? Chúng ta hãy bắt đầu với trải nghiệm đặc biệt của nhà khoa học Backster.
Từ sĩ quan quân đội đến chuyên gia về máy dò nói dối
Ông Cleve Backster sinh ngày 27/2/1924 tại thị trấn Lafayette, bang New Jersey, Hoa Kỳ. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, ông đã ngừng việc học tại Đại học Texas A&M và kiên quyết gia nhập quân đội, trở thành sĩ quan hải quân địa phương đầu tiên được nhập ngũ. Trước khi nhập ngũ, ông rất quan tâm đến hiện tượng thôi miên, đã nghiên cứu rất nhiều và đưa ra nhiều đề nghị về việc sử dụng thôi miên cho các hoạt động tình báo và phản gián. Sau khi gia nhập quân đội, ông đã trở thành chuyên gia thẩm vấn cho Cục Tình báo Trung ương (CIA). Thuật thôi miên là một thứ mới lạ vào thời đại đó, và rất ít người hiểu sâu về nó. Ông Backster đã sử dụng nó một cách sáng tạo vào công việc phản gián, cư như vậy huyền thoại bắt đầu.
Vậy thuật thôi miên của ông Backster có hiệu quả không? Có một lần, để viên chỉ huy hiểu được những nguy cơ tiềm ẩn của thuật thôi miên, ông Backster đã sử dụng thuật thôi miên đối với thư ký của viên chỉ huy và lấy được một tập tài liệu tuyệt mật. Khi người thư ký tỉnh lại, anh ta hoàn toàn không biết về hành vi tiết lộ của mình.
Để giữ bí mật, ông Backster đã giữ hồ sơ vào đêm hôm đó và giao nó cho viên chỉ huy vào ngày hôm sau. Lúc đó ông nói với viên chỉ huy rằng: “Một lựa chọn là thông báo cho SWAT để bắt giữ tôi, một lựa chọn khác là lắng nghe tôi giải thích cẩn thận”.
Cuối cùng, viên chỉ huy đã lắng nghe lời giải thích của ông. Khi đó CIA mới được thành lập, sau khi biết chuyện, CIA đã để ông giải ngũ sớm và thuê ông làm công việc kiểm tra lý lịch bằng máy dò nói dối. Bằng cách này, ông Backster đã trở thành một chuyên gia về máy dò nói dối, nghiên cứu về Thiết bị phản ứng da Galvanic (GSR).
Khi sử dụng loại máy phát hiện nói dối này, hai ngón tay của đối tượng sẽ được gắn một miếng dán điện cực, và sẽ có một dòng điện nhỏ chạy qua ăng ten ở cả hai đầu của điện cực. Sau đó, máy phát hiện nói dối sử dụng mạch điện để phản ánh sự thay đổi điện trở trên da người, rồi vẽ ra biểu đồ thể hiện trạng thái thay đổi cảm xúc của người đó. Ông Backster không ngờ rằng, việc sử dụng và nghiên cứu chiếc máy dò nói dối này sẽ giúp ông tìm thấy khám phá quan trọng nhất trong cuộc đời mình.
Thực vật không chỉ có cảm xúc mà còn có công năng siêu cảm
Vào một ngày tháng 02 năm 1966, ông Backster đang tưới hoa trong sân thì bất ngờ tâm huyết dâng trào, ông đem các điện cực của máy dò nói dối nối với lá của một cây ngưu thiệt lan hoa (lan lưỡi trâu), và tưới vào rễ của nó. Khi nước từ từ được tưới vào rễ, ông kinh ngạc phát hiện: Điện kế của máy dò nói dối không có dấu hiệu giảm điện trở như dự đoán, trên bản đồ điện kế, bút cảm ứng tự động không hướng lên, mà thay vào đó nó vẽ một loạt các đường cong zig-zag, tương tự như các đường cong khi người ta cảm thấy hạnh phúc. Ông Backster đã vô cùng phấn khích và kinh ngạc.
Sau đó, ông Backster đã lắp thêm một cái máy đo, đồng thời nối nó với cái cây. Ông thiết nghĩ muốn dùng một hành động gì đó để dọa cái cây. Khi sử dụng máy dò nói dối để kiểm tra con người, một người bình thường lúc bị đe dọa, ví như được thông báo: bạn đã phạm tội giết người, bạn đã nổ súng và gây ra cái chết… thì người đó sẽ có tâm trạng thất thường. Khi sự an toàn của người này bị đe dọa, sự sợ hãi của anh ta sẽ khiến hình dạng của đường cong trên máy thay đổi. Ông Backster rất tò mò, thực vật sẽ phản ứng như thế nào khi đối mặt với sự đe dọa?
Ông Backster không biết làm sao để khiến cho cái cây sợ hãi, vì vậy ông đã thử một số cách khác nhau. Ông giật mạnh lá của cây rồi cho vào cốc cà phê nóng, những đường cong hiện lên là hình zig-zag, nhưng không có quá nhiều nhấp nhô, như thể cho thấy thí nghiệm này thật nhàm chán. Vậy làm thế nào để làm cho nó phản ứng? Ông Backster tiếp tục suy nghĩ. Trong đầu ông chợt lóe lên một ý tưởng: lấy lửa đốt lá của nó. Ngay lúc đó, một điều kỳ diệu đã xảy ra.
Ông Backster cho biết lúc đó không có ai ở trong tòa nhà, chỉ có một mình ông ở trong phòng thí nghiệm, ông không có que diêm trong tay và chỉ là nghĩ muốn đốt cái lá. Không ngờ rằng ngay khi nảy ra ý tưởng, bút điện tử của máy dò nói dối lập tức phản ứng dữ dội. Ông Backster choáng váng, lập tức nhận ra:, “Chúa ơi! Nó biết tôi đang nghĩ gì”. Lẽ nào thực vật có công năng tha tâm thông (đọc suy nghĩ của người khác) hay sao?
Sau đó ông Backster mang que diêm đến, ngay tại thời điểm ông ta đánh diêm, một sự thay đổi đáng chú ý lại xuất hiện trên máy dò nói dối. Que diêm cháy còn chưa chạm vào cái cây, bút điện tử của máy đã lắc dữ dội, thậm chí đường cong của máy còn vượt quá mép giấy, thể hiện rất rõ sự sợ hãi tột độ.
Tâm trạng của ông Backster lúc đó rất xúc động. Ông cho biết, ông gần như không thể kìm chế được, muốn ngay lập tức chạy ra đường cái và hét lên ở Quảng trường Thời đại New York rằng: “Thực vật cũng có cảm tình!”.
Ông Backster cảm thấy, là một người đã tham gia vào lĩnh vực khoa học trong một thời gian dài, khám phá này là một thách thức đối với học vấn của chính bản thân ông.
Sau đó, ông lặp lại các thí nghiệm tương tự vài lần. Ông nhận thấy rằng khi giả vờ đốt lá cây, bút điện tử của máy dò nói dối lại không còn có phản ứng như vậy. Ông không khỏi tự vấn bản thân mình: “Thực vật còn có khả năng phân biệt được ý đồ thật hay giả của người khác sao?”
Ông Backster và các đồng nghiệp đã thực hiện các quan sát và nghiên cứu tương tự với các loài thực vật khác cũng như các máy dò nói dối khác tại các viện nghiên cứu khác trên khắp cả nước. Họ đã thử nghiệm với hơn 25 loại thực vật và cây ăn quả khác nhau, bao gồm rau diếp, hành tây, cam, chuối và nhiều loại cây khác, kết quả quan sát mà họ thu được đều giống nhau.
Thực vật có ký ức và có thể cảm nhận các sinh vật khác
Ông Backster đã từng làm một thí nghiệm như thế này: ông ném một vài con tôm biển sống vào nước sôi trước một cái cây, và cái cây ngay lập tức rơi vào trạng thái vô cùng kích thích. Ông đã thử nhiều lần và lần nào cũng đều có phản ứng giống nhau. Để loại trừ bất kỳ sự can thiệp nào có thể có của con người, nhằm đảm bảo rằng thử nghiệm là tuyệt đối chân thực, ông đã sử dụng một dụng cụ mới mà mình thiết kế, nó có thể thả tôm biển vào nước sôi một cách ngẫu nhiên và tự động, đồng thời ghi lại kết quả bằng máy ghi chính xác đến 1/10 giây.
Ông Backster đặt vào trong 3 phòng, mỗi phòng một cái cây, rồi kết nối chúng với các điện cực của thiết bị và khóa cửa để không ai có thể vào. Ngày hôm sau, ông đi xem kết quả thì thấy cứ sau 6 – 7 giây kể từ khi thả tôm vào nước sôi, đường cong hoạt động của thực vật lại nổi lên rõ rệt. Từ đó, ông Backster kết luận rằng việc tôm biển chết dẫn đến phản ứng đáng kể của thực vật không hề là một hiện tượng ngẫu nhiên.
Ông tin rằng điều này cho thấy không chỉ có sự giao tiếp giữa các loài thực vật mà còn có sự giao tiếp giữa thực vật và các sinh vật khác. Tại Đại học Yale, Hoa Kỳ, ông Backster cũng đã làm một thí nghiệm thú vị trước công chúng. Ông nối lá của một cái cây thường xuân với máy dò nói dối, sau đó để một cậu bé đặt một con nhện lên bàn bên cạnh cái cây, đồng thời giữ nó bằng tay để nó không chạy trốn. Cây thường xuân dường như không có phản ứng gì.
Tuy nhiên, khi cậu bé bỏ tay ra và con nhện nhận ra nó có thể bỏ chạy, ngay trước khi nó cố gắng trốn thoát, bút điện tử của máy dò nói dối đã ghi lại một đường cong phản ứng rất lớn. Hiện tượng này lặp đi lặp lại nhiều lần. Rõ ràng, điều này cho thấy thực vật có khả năng siêu cảm, có thể cảm nhận ý định hành động của con nhện.
Ngoài ra, để nghiên cứu khả năng ghi nhớ của thực vật, ông Backster đã đặt hai cái cây cạnh nhau trong cùng một phòng và yêu cầu một học sinh phá hủy cái cây này trước mặt cái cây kia. Sau đó, ông để học sinh đó đứng lẫn giữa một số học sinh, tất cả đều mặc quần áo giống nhau và đeo khẩu trang để đi về phía cái cây còn lại. Khi các học sinh khác đi ngang qua, cái cây không có phản ứng gì cả. Cuối cùng, khi “kẻ hủy diệt” bước qua, máy đo lập tức ghi lại một dấu hiệu tín hiệu rất mạnh trên giấy, thể hiện sự sợ hãi của cái cây với “kẻ hủy diệt”.
Nghiên cứu đối với phi hành gia Brian và các tế bào của ông
Trên thực tế không chỉ thực vật, ông Backster còn kết nối vi khuẩn LAB (Lactic acid bacteria), trứng, thậm chí cả tế bào sống của con người với máy dò nói dối và thu được kết quả đáng kinh ngạc. Sau đây là một thí nghiệm thú vị khác của ông Backster. Nhân vật chính của thí nghiệm này không phải là thực vật, mà là phi hành gia của NASA, Tiến sĩ Brian O’Leary và các tế bào của ông.
Trong thử nghiệm, Tiến sĩ Brian đã để các tế bào của mình ở trong phòng thí nghiệm, sau đó ông rời phòng thí nghiệm để đến phi trường San Diego. Ông đã bay đến thành phố Phoenix thuộc tiểu bang Arizona, cách đó ba trăm dặm, trong khi các tế bào của ông đang được giám sát trong phòng thí nghiệm.
Ông Backster đã hẹn trước với Tiến sĩ Brian rằng khi ông gặp phải một khoảnh khắc lo lắng nào trong chuyến đi của mình, ông phải ghi lại chính xác nó vào nhật ký. Về sau, khi Tiến sĩ Brian đến phi trường, ông đã bỏ lỡ một lối ra trên đường cao tốc, và suýt nữa lỡ chuyến bay của mình vì phải xếp hàng dài ở phòng vé. Khi con trai của ông không thể đến phi trường đúng giờ để đón ông sau khi phi cơ đến Phoenix, ông đã ghi lại những sự kiện này một cách chính xác ở trong nhật ký.
Khi mọi người so sánh nhật ký của Tiến sĩ Brian với các biểu đồ mà tế bào của ông được ghi lại trong phòng thí nghiệm, họ đã rất ngạc nhiên và vui mừng, bởi vì họ tìm thấy mối tương quan chặt chẽ giữa biểu đồ và tất cả các sự kiện khiến ông lo lắng. Cũng chính là, khi Tiến sĩ Brian lo lắng, các tế bào của ông ở phòng thí nghiệm cách đó rất xa cũng đã phản ứng. Còn khi Tiến sĩ Brian trở về nhà nghỉ ngơi, biểu đồ ghi lại hoạt động của tế bào cũng trở nên rất bình ổn.
Những thí nghiệm và khám phá này đã khiến ông Backster tin rằng tất cả các sinh vật sống đều có liên quan mật thiết đến môi trường xung quanh. Khi bất kỳ căng thẳng, đau đớn hay cái chết nào xảy ra, tất cả các dạng sống xung quanh đều sẽ lập tức có phản ứng, như thể tất cả chúng đều có thể cảm nhận được nỗi đau đó.
Trong hơn bốn thập kỷ sau khi phát hiện ra rằng thực vật có cảm xúc, ông Backster đã tiếp tục tiến hành nhiều thử nghiệm và nghiên cứu. Một số người nói rằng ông là sứ giả do Thượng đế sắp đặt, rằng ông thuộc về con người tương lai. Một ngày nào đó, những khám phá và nghiên cứu của ông sẽ không chỉ mang lại những đột phá cơ bản trong lĩnh vực nghiên cứu cảm ứng sinh học, mà còn thay đổi hiểu biết của chúng ta về thế giới và cuộc sống.
Tuy nhiên, quan điểm của ông Backster lại không được mọi người chấp nhận ngay lập tức. Ông Mike Fogg, tiến sĩ hóa học tại Công ty Thương nghiệp Quốc tế California, từng nghĩ loại nghiên cứu này hơi hoang đường. Ông cũng đã làm rất nhiều thí nghiệm để tìm ra những bằng chứng đáng tin cậy nhằm bác bỏ và chỉ trích nó. Tuy nhiên, sau khi thu được kết quả thí nghiệm, thái độ của ông đã thay đổi, từ nghi ngờ chuyển sang ủng hộ. Vậy đâu là lý do tạo nên sự thay đổi đột ngột ở ông ấy? Các nhà khoa học đã làm những thí nghiệm nào khác sau khi được truyền cảm hứng từ việc này? Chúng tôi sẽ tiết lộ cho các bạn trong bài viết: “Thí nghiệm khoa học chứng minh: Ý niệm của con người ảnh hưởng đến thực vật”.
Tổ chế tác chương trình “Bí ẩn chưa có lời giải”
Phù Dao, Lý Duy Chân thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: