Theo sau Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu xem xét lại ‘Một vành đai, một con đường’ của Bắc Kinh
Các quốc gia EU hiện đang bắt đầu xem xét cẩn thận đối với sáng kiến xây dựng cơ sở hạ tầng “Một vành đai, một con đường” của Trung Cộng, và yêu cầu Ủy ban châu Âu đưa ra một danh sách các dự án để đối phó lại với “Một vành đai, một con đường”. Trước đó, Hoa Kỳ đã khởi động các dự án trên khắp thế giới thông qua “Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ” (American International Development Finance Corporation, DFC) để đối phó lại kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Cộng.
Theo dự thảo kết luận của Hội đồng châu Âu do trang tin tức chính trị Politico của Hoa Kỳ đưa tin, Chính phủ các nước châu Âu hy vọng rằng Ủy ban châu Âu nội trong 9 tháng tới đây sẽ đưa ra được một danh sách các dự án “có ảnh hưởng lớn và rõ ràng”, để cạnh tranh với sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Bắc Kinh. Dự kiến các ngoại trưởng EU sẽ ký văn kiện liên quan với ý tưởng này vào hôm thứ Hai (12/7).
Thách thức hiện tại của châu Âu là đặt cho dự án một cái tên hấp dẫn, và cũng cần thiết kế cho nó một cái biểu tượng.
Trong những năm gần đây, Trung Cộng đã tăng cường nỗ lực thúc đẩy dự án “Một vành đai, một con đường” trên khắp toàn cầu. Trong khi Trung Cộng mở rộng tầm ảnh hưởng, cũng đã có rất nhiều nước hợp tác với Trung Cộng lâm vào khủng hoảng nợ sâu. Ngoài ra dự án “Một vành đai, một con đường” còn lấy đi công ăn việc làm của người dân bản địa. Bắc Kinh bị cáo buộc đã cài bẫy nợ đối với các nước đối tác thông qua các dự án hợp tác không bền vững về mặt kinh tế, điển hình như Montenegro và Sri Lanka, vân vân.
Tại hội nghị thượng đỉnh G7 được tổ chức ở Anh quốc vào tháng trước, các nhà lãnh đạo của nhóm G7 đã khởi động kế hoạch cơ sở hạ tầng “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” (Build Back Better World, B3W), đây được coi là một phương án để đối phó lại sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Trung Cộng. Mặc dù Trung Cộng đã miêu tả “Một vành đai, một con đường” là dự án cực kỳ tốt đẹp, nhưng dự thảo kết luận của Hội đồng châu Âu cho thấy EU không hoàn toàn tin tưởng vào các tuyên bố của Trung Cộng.
Nhắm mục tiêu vào châu Phi và châu Mỹ Latinh
Có một điểm cực kỳ quan trọng là EU đã tuyên bố sẽ thành lập một EU “kết nối toàn cầu”, điều này cho phép EU có thể chuyển lực chú ý của mình sang châu Phi và châu Mỹ Latinh, vốn là những điểm đầu tư chính của Trung Cộng.
Dự kiến, Hội đồng châu Âu sẽ yêu cầu Ủy ban châu Âu xây dựng một tuyên bố thống nhất về các hành động sẽ được thực hiện bởi tất cả các bên liên quan. Bản tuyên bố cần bao gồm tên dự án và một biểu tượng dễ nhận biết liên quan đến việc các quốc gia thành viên cùng nhau phát triển, và cần có các hoạt động hỗ trợ liên quan để được công chúng biết đến.
Hoa Kỳ khởi động DFC để đối phó với “Một vành đai, một con đường”
Ngay từ năm 2017, cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã chỉ ra trong Báo cáo An ninh Quốc gia rằng: Trung Cộng đang mở rộng ảnh hưởng địa chính trị của mình thông qua sáng kiến “Một vành đai, một con đường”, đồng thời gián tiếp thách thức lợi ích quốc gia và vai trò lãnh đạo trên trường quốc tế của Hoa Kỳ.
Vào năm 2018, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua “Đạo luật sử dụng hiệu quả hơn các khoản đầu tư phát triển” (BUILD Act), hợp nhất Công ty Đầu tư Tư nhân Hải ngoại (OPIC) đã hoạt động gần nửa thế kỷ, với Cục Phát triển Tín dụng thuộc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) để thành lập Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (DFC), với giới hạn đầu tư tăng gấp đôi lên 60 tỷ USD và có các công cụ tài chính mới như ủy quyền vốn chủ sở hữu.
DFC cho biết trên trang web chính thức rằng: “Chúng tôi khác với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ở chỗ DFC hỗ trợ đầu tư có hiệu quả về kinh tế và do một khu vực tư nhân dẫn đầu. Phương án thay thế này khác với sự đầu tư của một quốc gia cụ thể, nó có thể khiến một số quốc gia tránh được gánh nặng nợ nần.” Họ đã chỉ ra sự khác biệt giữa phiên bản “Một vành đai, một con đường” của Mỹ và phiên bản “Một vành đai, một con đường” của Trung Cộng.
Dấu ấn của DFC đã lan rộng khắp châu Phi, Trung Đông, Mỹ Latinh, Đông Âu và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Các lĩnh vực đang được DFC tiến hành bao gồm phòng chống COVID-19, biến đổi khí hậu, khoa học công nghệ, giáo dục và cơ sở hạ tầng, vân vân. Được biết, số tiền mà DFC đã đầu tư trên toàn cầu là khoảng 4.6 tỷ USD, trong đó có khoảng 900 triệu USD đã được đầu tư vào các dự án khác nhau tại 7 quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Do Trương Đình, Lâm Nghiên thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc trên Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: