Luật mới của Trung Quốc: Công ty ngoại quốc phải hành động theo lệnh của Bắc Kinh
Trung Quốc đã thông qua luật mới ra lệnh cho tất cả các cá nhân và doanh nghiệp tại Trung Quốc áp dụng các biện pháp trừng phạt mà Trung Cộng đưa ra đối với các đối tác ngoại quốc, nhưng [trái lại] họ không cần phải tuân theo các [chính sách] hạn chế của ngoại quốc.
Hơn nữa, luật này đã [bắt đầu] có hiệu lực từ hôm 10/06/2021, khi cơ quan lập pháp bù nhìn của Trung Cộng phê duyệt nó mà không cần đọc lần thứ ba, một điều kiện tiên quyết theo Luật Lập pháp của Trung Cộng.
Hôm 10/06/2021, ông Tang Jingyuan, nhà bình luận các vấn đề về Trung Quốc có trụ sở tại Hoa Kỳ, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với The Epoch Times rằng, “Luật mới ra lệnh cho các công dân ngoại quốc hành động chống lại tổ quốc của họ, và trung thành với Trung Cộng.”
Ông Lý Hồng Chương (Li Hengqing), một học giả tại Viện Thông tin và Chiến lược Hoa Thịnh Đốn, nói với The Epoch Times hôm 10/06/2021: “Chọn thời điểm [để đưa ra luật này] là chìa khóa [của Trung Cộng]. Trung Cộng đã thông qua luật ngay sau khi TT Joe Biden bắt đầu chuyến công du Âu Châu. Ông Biden sẽ nói chuyện với các nhà lãnh đạo Âu Châu về cuộc điều tra nguồn gốc của virus Trung Cộng, có khả năng bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán.”
Ông Lý nói, ông tin rằng virus Trung Cộng, thường được gọi là coronavirus mới, rò rỉ từ Viện Virus học Vũ Hán. Một khi sự thật này được thế giới xác nhận, các quốc gia khác sẽ buộc Trung Cộng phải chịu trách nhiệm.
Luật mới
Hôm 10/06/2021, cơ quan lập pháp bù nhìn của Trung Cộng đã thông qua và ban hành “Luật chống các Lệnh trừng phạt của Ngoại quốc.”
Luật này yêu cầu tất cả các cá nhân và tổ chức ở Trung Quốc, bất kể là công dân hay ở tình trạng đăng ký [tư cách công dân], đều phải thực hiện các biện pháp trừng phạt mà nhà cầm quyền Bắc Kinh đưa ra.
Hơn nữa, điều 12 của luật nêu rõ: “Không tổ chức hoặc cá nhân nào có thể thực thi hoặc giúp thực thi các biện pháp hạn chế phân biệt đối xử mà các quốc gia ngoại quốc sử dụng đối với công dân và tổ chức Trung Quốc … Công dân hoặc tổ chức Trung Quốc có thể đệ đơn kiện các tổ chức ngoại quốc [những người đang tuân thủ các biện pháp trừng phạt do ngoại quốc áp đặt], và yêu cầu họ ngừng vi phạm và bồi thường cho những tổn thất của [bên Trung Quốc].”
Sự trả thù
Để trả đũa các biện pháp trừng phạt do ngoại quốc áp đặt, luật nhắm vào những người ngoại quốc vi phạm và thân nhân trực hệ của họ, các quản lý và giám đốc công ty, cũng như các cá nhân và tổ chức có liên quan khác.
Các phương pháp trừng phạt đối với các hành vi vi phạm theo luật mới bao gồm từ chối hoặc thu hồi thị thực, tịch thu bất động sản và tài sản, và cấm hoạt động thương mại.
Ông Uông Văn Bân (Wang Wenbin), phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết trong một bản tin ngắn ngày 10/06/2021 rằng luật này là một công cụ hợp pháp để trả đũa các lệnh trừng phạt của ngoại quốc.
Khi được hỏi liệu luật có ảnh hưởng đến mối bang giao với các quốc gia khác hay không, ông Vương nói rằng “sự lo ngại này … là hoàn toàn không cần thiết.”
Trong những tháng qua, Hoa Kỳ, Liên minh Âu Châu, Canada, và Anh Quốc đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc, cáo buộc họ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, và phá hủy quyền tự trị ở Hồng Kông.
Hôm 12/05/2021, chính phủ Hoa Kỳ đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với một quan chức Trung Cộng vì bức hại Pháp Luân Công, khi sắp đến lễ kỷ niệm 22 năm Bắc Kinh đàn áp tàn bạo môn tu luyện tinh thần này.
Cho đến nay, chính phủ Hoa Kỳ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với khoảng 45 quan chức Trung Cộng, bao gồm tất cả 14 phó chủ tịch ủy ban thường vụ cơ quan lập pháp bù nhìn [của Trung Cộng]. Trong khi đó, Hoa Thịnh Đốn cũng đưa vào danh sách đen các công ty Trung Quốc mua công nghệ của Mỹ, chẳng hạn như Huawei, nhà sản xuất viễn thông lớn nhất Trung Quốc, vi phạm lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Iran.
Trung Cộng đã bắt đầu trả đũa vào đầu năm nay. Hôm 21/01/2021, Trung Cộng đã cấm 28 người Mỹ và thân nhân trực hệ của họ đến Trung Quốc đại lục và Hồng Kông.
Kết quả
Ông Tang nói với The Epoch Times rằng, “Luật Chống các lệnh Trừng phạt của ngoại quốc mới được đưa ra là một đòn trả đũa toàn diện nhắm vào Hoa Kỳ và các nước phát triển khác. Luật này có phạm vi áp dụng đối với tất cả các cá nhân và tổ chức và đe dọa sẽ tịch thu tài sản của họ nếu họ không nghe theo nhà cầm quyền Bắc Kinh.”
Ông Tang lo lắng rằng Trung Cộng sẽ yêu cầu các công ty của ngoại quốc mua các sản phẩm cưỡng bức lao động, chẳng hạn như mua bông từ Tân Cương; và bán công nghệ của Mỹ cho các doanh nghiệp Trung Quốc, chẳng hạn như bán các vi mạch bán dẫn cho Huawei.
Ông nói: “Tôi thấy rủi ro mà luật này mang lại cho xã hội. Tôi có thể tưởng tượng rằng các công ty ngoại quốc sẽ phải rời khỏi thị trường Trung Quốc trước khi Trung Cộng buộc họ làm những việc [chống lại các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ], và các doanh nghiệp Trung Quốc buộc phải ngừng mua công nghệ nhập cảng.”
Ông Tang đã đề cập tới nhà sản xuất vi mạch bán dẫn tân tiến nhất, lớn nhất và thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc là Semiconductor Manufacturing International Corporation (SMIC) làm ví dụ.
Ngày 15/09/2020, SMIC nói với Thời báo Chứng khoán Nhà nước Trung Quốc rằng họ ngừng cung cấp vi mạch bán dẫn cho Huawei vì SMIC sử dụng công nghệ của Mỹ để sản xuất vi mạch bán dẫn của mình và Huawei đã bị đưa vào danh sách đen không được mua bất kỳ công nghệ nào của Mỹ.
Ông Tang nói: “Theo Luật trừng phạt chống ngoại quốc của Trung Quốc, SMIC không có lựa chọn nào khác ngoài việc cung cấp vi mạch bán dẫn cho Huawei. [Tuy nhiên], một khi SMIC bán vi mạch bán dẫn cho Huawei, thì công ty này sẽ vi phạm luật pháp của Mỹ và mất quyền sử dụng công nghệ Mỹ cũng như [mất] thị trường toàn cầu của công ty.”
Ông Tang cho biết thêm, đối với các công ty ngoại quốc, tình hình của họ còn tồi tệ hơn SMIC. “Họ sẽ mất tất cả tài sản và cơ ngơi khác ở Trung Quốc nếu họ không tuân theo luật của Bắc Kinh.”
Do Nicole Hao thực hiện
Với sự đóng góp của Lua Ya
Kim Liên biên dịch
Tham khảo bản gốc tại The Epoch Times
Xem thêm: