Thêm nhiều công ty tham gia ‘cuộc di cư vĩ đại’ đến các tiểu bang đỏ
Các tiểu bang xanh dương tin rằng chính sách phá thai của họ có thể đưa các công ty trở lại
Giữa những dự đoán về một “làn sóng đỏ” chính trị trong cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới, một làn sóng kinh tế đã phát triển trong nhiều năm mà không có dấu hiệu kết thúc khi các công ty đổ xô rời khỏi các tiểu bang xanh dương và chuyển sang các tiểu bang đỏ.
Và kết quả của sự chia rẽ chính trị này, nước Mỹ dường như đang tự phân chia thành các tiểu bang thịnh vượng, tăng trưởng cao và các tiểu bang suy giảm kinh niên. Nhưng các tiểu bang do Đảng Dân Chủ điều hành tin rằng chính sách phá thai của họ có thể là một yếu tố chính trong việc thu hút các công ty trở lại.
Hồi tháng Sáu, Caterpillar và Citadel, đã tuyên bố rời khỏi Illinois, là những công ty mới nhất rời khỏi các tiểu bang có quy định nhiều và thuế cao. Tesla, Hewlett Packard, Oracle, và Remington cũng nằm trong số hàng trăm công ty rời khỏi California, Illinois, New York, và New Jersey để đến những nơi thân thiện với doanh nghiệp như Texas, Florida, Arizona, và Tennessee. Các công ty chuyển địa điểm đã mở rộng các ngành công nghiệp bao gồm công nghệ, tài chính, truyền thông, công nghiệp nặng, xe hơi, và vũ khí.
“Có một cuộc di cư vĩ đại đang diễn ra và tôi kỳ vọng nó sẽ tăng tốc,” ông Glen Hamer, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Texas, nói với The Epoch Times. “Khi Caterpillars và Elon Musks chuyển địa điểm, đó là một lời quảng cáo cho toàn bộ đất nước và toàn thế giới rằng một điều gì đó tích cực đang diễn ra ở tiểu bang đó. Và có một hiệu ứng theo cấp số nhân.”
Theo một cuộc khảo sát năm 2022 với 700 CEO, các tiểu bang hàng đầu cho các doanh nghiệp là Texas, Florida, Tennessee, Arizona, và North Carolina. Các tiểu bang tệ nhất là California, New York, Illinois, New Jersey, và Washington.
Ngay cả những công ty như Apple, tuy không chuyển trụ sở chính đến Texas, nhưng đã chọn thành lập khuôn viên lớn thứ hai cho nhân viên ở đó. Amazon đã chọn Houston là một trong những trung tâm chính của họ. Ford, Volkswagen, và Nissan đã chọn Tennessee làm địa điểm cho các cơ sở sản xuất mới lớn. Và trong một số trường hợp, toàn bộ các ngành công nghiệp như súng đạn, vốn đang là mục tiêu của các quy định và các vụ kiện ở các tiểu bang xanh dương, đang di chuyển về phía nam.
“Đó là một xu hướng rộng lớn hơn mà chúng tôi đã theo dõi trong suốt 15 năm qua,” ông Lee Schalk, Phó Chủ tịch Chính sách tại Hội đồng Trao đổi Lập pháp Hoa Kỳ (ALEC), nói với The Epoch Times. ALEC theo dõi các xu hướng kinh tế của tiểu bang trong báo cáo hàng năm của mình, “Rich States Poor States” (“Các Tiểu Bang Nghèo Các Tiểu Bang Giàu”).
“Quý vị sẽ không thấy các công ty chuyển đến các tiểu bang như New York, California, và New Jersey,” ông Schalk nói. “Họ sẽ chuyển khỏi các tiểu bang đó đến các tiểu bang lân cận, nơi các chính sách tốt hơn một chút hoặc họ sẽ thực hiện bước nhảy vọt sang những nơi như Texas, Florida, North Carolina.”
“Texas là một trong những tiểu bang đầu tiên khôi phục được tất cả việc làm bị mất trong đại dịch,” ông Hamer cho biết. “Giờ đây, chúng tôi có một lực lượng lao động ở mức cao nhất mọi thời đại, và nền kinh tế có sự đa dạng và mạnh mẽ. Cho dù đó là năng lượng, sản xuất, chăm sóc sức khỏe, công nghệ, tài chính, hay là hơn thế nữa, nền kinh tế Texas đang phát triển trên tất cả các lĩnh vực chủ chốt.” Texas đã thu hút 250 trụ sở công ty mới kể từ năm 2015, ông Hamer nói.
Khi việc làm rời đi, người dân cũng rời đi theo. Theo Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ, các tiểu bang do Đảng Dân Chủ điều hành gồm California, New York, New Jersey, Michigan, và Illinois tổng cộng đã mất 4 triệu người từ năm 2010 đến năm 2019, những người này được gọi là “những người tị nạn cánh tả” (“leftugees”). Trong cùng thời gian đó, các tiểu bang có lượng người đổ về nhiều nhất là Florida, Texas, Tennessee, Ohio, và Arizona.
Các tiểu bang đã thành công trong việc thu hút các công ty bằng cách cắt giảm thuế, giảm quy định, và thiết lập các chính sách về quyền làm việc. Năm 2013, North Carolina đã thông qua một gói cải cách thuế mang tính bước ngoặt nhằm cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và cá nhân. Thuế thu nhập doanh nghiệp ở đó hiện là 2.5% và sẽ được loại bỏ hoàn toàn trong vài năm tới.
Trái ngược với kỳ vọng rằng các tiểu bang sẽ tự phá sản bằng cách cắt giảm thuế, một lượng lớn các doanh nghiệp và cư dân mới thường làm tăng nguồn thu của tiểu bang từ thuế tài sản, thuế bán hàng, và thuế thu nhập cá nhân, ngay cả khi tỷ lệ phần trăm được giảm xuống. Florida đã thu hút 624,000 cư dân mới vào năm 2020, cùng với hơn 40 tỷ USD doanh thu, tương đương với khoảng 23.7 tỷ USD doanh thu từ thuế mới. Florida đã có hai thập niên nhập cư ròng, với tổng doanh thu đạt được là 197 tỷ USD.
Ngân sách mới nhất của North Carolina bao gồm một thỏa thuận để loại bỏ thuế thu nhập doanh nghiệp trong khi cũng tăng lương cho giáo viên và thậm chí bổ sung vào “quỹ tiết kiệm”, ông Schalk nói. “North Carolina đã có thể làm được điều này bởi vì họ không chỉ mạnh dạn trong việc giảm thuế mà còn kiểm soát được khía cạnh chi tiêu.” Và khi các công ty chuyển đến, họ cũng mang lại những lợi ích vô hình cho tiểu bang.
“Bất kỳ loại tổ chức dân sự nào cũng thích điều đó khi họ nghe tin rằng một công ty hàng đầu như Caterpillar sẽ chuyển đến tiểu bang của chúng tôi,” ông Hamer nói. “Điều đó có nghĩa là những giám đốc điều hành này sẽ phục vụ trong tất cả các loại ban giám đốc khác nhau, bảo tàng nghệ thuật địa phương, nhà hát opera, hoặc phòng thương mại. Khi các công ty di dời các cá nhân của họ, họ sẽ hòa nhập sâu vào cộng đồng. Họ đóng góp thời gian và tiền bạc cho các hoạt động làm cho cộng đồng trở nên sôi động hơn.”
Điều ngược lại cũng đúng đối với các tiểu bang đang mất dần doanh nghiệp và dân số, tạo ra một vòng luẩn quẩn nơi liên tục tăng thuế không mang lại nhiều nguồn thu hơn vì cơ sở thuế ngày càng cạn kiệt và chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng. Theo một báo cáo dựa trên dữ liệu IRS của Wirepoints, một tổ chức nghiên cứu kinh tế có trụ sở tại Illinois, chi phí của việc để mất các công ty và người dân là rất lớn đối với các tiểu bang như Illinois, nơi đã mất dân số trong 21 năm liên tiếp.
Kể từ năm 2020, tiểu bang này đã mất tổng cộng 535 tỷ USD doanh thu bị chuyển đi, tương đương với khoảng 25 tỷ USD tiền thuế bị mất trong giai đoạn đó và 4 tỷ USD chỉ riêng trong năm 2020. Các vấn đề của Illinois bao gồm mất 114,000 cư dân vào năm 2021, chuỗi 21 năm liên tiếp thâm hụt ngân sách tiểu bang, thâm hụt 313 tỷ USD lương hưu công, và mức thuế tài sản cao thứ hai trong nước.
“Illinois bị mắc kẹt trong một vòng xoáy đi xuống luẩn quẩn mà từ đó họ không thể hy vọng thoát khỏi nếu không thay đổi cách thức quản lý một cách căn bản,” báo cáo của Wirepoints nêu rõ. “Cải cách cơ cấu thuế tài sản, giảm nợ lương hưu, giảm các đơn vị chính phủ địa phương — tiểu bang cần phải làm tất cả những điều này nếu muốn thuyết phục người dân Illinois ở lại và thuyết phục người Mỹ ở nơi khác chuyển đến.”
Giảm tội phạm bạo lực cũng sẽ hữu ích. Tội phạm gia tăng được cho là một yếu tố, trong số nhiều yếu tố khác, trong quyết định rời Chicago đến Miami của Citadel. Ông Ken Griffin, giám đốc điều hành của quỹ đầu tư này, từng là một trong những cư dân giàu có nhất của Illinois và đã quyên góp từ thiện hơn 600 triệu USD cho các hoạt động giáo dục, văn hóa, y tế, và dân sự trong tiểu bang này.
“Đó là vẻ đẹp của 50 thử nghiệm trong nền dân chủ của chúng ta,” ông Schalk nói. “Chúng ta có thể nhanh chóng thấy những gì đang hoạt động và những gì không hoạt động trên tất cả các lĩnh vực. Rất tiếc, tôi không thấy các tiểu bang có mức thuế cao và chi tiêu cao đang thay đổi cách thức của họ.”
“Chúng ta có thể thấy sự gia tăng của các chính sách kinh doanh thù địch ở các tiểu bang như California, Illinois, và New York,” ông Hamer nói. “Đó là một cuộc chạy đua để tăng thuế, tăng thêm quy định và khiến cuộc sống của người dân trở nên khó khăn hơn. Khi quý vị so sánh điều đó với các tiểu bang như Texas và Arizona, khoảng cách cứ ngày càng lớn hơn và kết quả là chúng ta đang chứng kiến một cuộc di cư vĩ đại.”
Các dân biểu của Đảng Cộng Hòa ở Hoa Thịnh Đốn đang cố gắng trao quyền kinh tế nhiều hơn nữa cho các tiểu bang trong lĩnh vực sản xuất năng lượng. Đảng Cộng Hòa đã giới thiệu Đạo luật Tự do Đất đai Liên bang vào năm ngoái, đạo luật này sẽ loại bỏ quyền lực của chính phủ liên bang trong việc phê chuẩn các hợp đồng và giấy phép cho thuê dầu và “trao cho mỗi tiểu bang quyền phát triển tất cả các nguồn năng lượng trên các vùng đất của liên bang trong phạm vi biên giới của tiểu bang đó.”
Tuy nhiên gần đây, các tiểu bang xanh dương dường như đang thức tỉnh và tìm cách tăng cường khả năng cạnh tranh của họ. Thống đốc California Gavin Newsom gần đây đã tuyên bố, “một số doanh nghiệp có thể đã rời khỏi tiểu bang, hãy quay lại! Đó là một điểm tự hào khi chúng tôi chào đón quý vị trở lại.”
Thống đốc New Jersey Phil Murphy đã gửi thư cá nhân tới hơn 50 doanh nghiệp ở các tiểu bang đỏ, kêu gọi họ đến New Jersey. Thống đốc Connecticut Ned Lamont cũng thực hiện một nỗ lực tương tự. Các thống đốc này đang nêu bật một lợi thế về quy định mà họ tin rằng sẽ mang lại lợi thế cho họ so với các tiểu bang thuộc phe bảo tồn truyền thống: chính sách dễ dãi của họ đối với việc phá thai.
Bức thư của ông Murphy gửi các doanh nghiệp ở Georgia nêu rõ “sự đảo ngược quyền tự chủ về thân thể của phụ nữ — và quyết định này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng thu hút và giữ chân các tài năng nữ hàng đầu của quý vị do nằm trong một tiểu bang từ chối công nhận quyền tự do sinh sản của phụ nữ — điều này không thể bị bỏ qua.”
Bà Alyana Alfaro Post, Tham vụ Báo chí của ông Murphy, cho biết, “Thống đốc Murphy khuyến khích các doanh nghiệp muốn hỗ trợ nhân viên của họ hướng đến New Jersey, một tiểu bang mà họ có thể tin tưởng rằng quyền của phụ nữ, cộng đồng LGBTQIA+, và cử tri sẽ luôn được bảo vệ.”
“Chúng tôi là một tiểu bang thân thiện với gia đình và tôn trọng phụ nữ,” bà Lamont nói trong một video quảng cáo thuyết phục doanh nghiệp. “Tôi biết một số quý vị sống ở các tiểu bang như Texas cấm quyền lựa chọn của phụ nữ. Chúng tôi đã luật hóa, chúng tôi đang bảo vệ quyền lựa chọn của phụ nữ … nếu quý vị là chủ doanh nghiệp và quý vị đang cân nhắc chuyển đi, hãy gọi cho tôi. Tôi rất muốn nghe ý kiến từ quý vị.”
Ông Kevin Stocklin là một nhà văn, nhà sản xuất phim, và là cựu nhân viên ngân hàng đầu tư. Ông đã viết và sản xuất tác phẩm “We All Fall Down: The American Mortgage Crisis” (“Chúng Ta Đều Sụp Đổ: Cuộc Khủng Hoảng Thế Chấp Của Mỹ”), một bộ phim tài liệu năm 2008 về sự sụp đổ của hệ thống tài chính thế chấp của Hoa Kỳ.